Văn học và lòng yêu nước

351

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra tại Đà Nẵng cuối tuần qua. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm tự hào về một dân tộc Việt Nam không chỉ anh hùng trong chống thiên tai, địch họa, kiên cường trong lao động, mà còn rất văn hóa với những áng văn chương mà bản thân ông đã ấn tượng từ nhỏ như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà… Ông khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cần thiết để các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, sáng tác nghệ thuật có trách nhiệm với đất nước, dân tộc”.

Quan tâm đến Hội nghị Những người viết văn trẻ, từ tỉnh Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo đã gửi tới “mấy ý kiến nhỏ của mình về văn học và lòng yêu nước, cũng để hưởng ứng các nhà văn trẻ”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà đại biểu tại hội nghị

1. Tôi vừa đọc lại bài tùy bút nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc ký tên Nguyễn Trung Thành, một bài hịch trữ tình của thời đánh Mỹ. Tôi nhớ mãi câu văn này: “Một dân tộc đánh giặc bốn nghìn năm mà tiếng hát vẫn êm dịu, uyển chuyển như vậy, dân tộc ấy mãnh liệt và bình tĩnh biết chừng nào” (trong Đường chúng ta đi).

Đây là một bài hịch trữ tình, một bài hịch mà âm thanh không chát chúa. Nó ngân nga, nó vân vi, nó kêu gọi bằng tất cả tình cảm mà người viết có được, mà người viết thu nhận được từ hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Chúng ta đã đọc bài hịch xuất quân của Trần Hưng Đạo đại vương, bài tổng kết chiến tranh như một bản anh hùng ca của Nguyễn Trãi. Bây giờ chúng ta đọc một bài hịch như một bài thơ văn xuôi, như đoạn đầu của một lời thổ lộ, như đoạn cuối của một bài dân ca, như đoạn giữa của một trường ca đánh giặc. Ở mỗi thời người Việt Nam đều có tiếng nói của mình về lòng yêu nước. Với dân tộc chúng ta, lòng yêu nước là một cảm hứng mãnh liệt nhất, âm thầm nhất, sâu thẳm nhất và vĩnh viễn nhất.

Cách đây tròn 50 năm, ngày tôi vừa đi xuồng vừa lội bộ qua Đồng Tháp Mười, sau đó tôi đã viết được bài thơ dài Một người lính nói về thế hệ mình. Trong bài thơ ấy có những đoạn viết về Đồng Tháp Mười như sau:

“nhủ điều chi ơi tiếng cuốc đêm sương

kêu da diết suốt một mùa nước nổi

bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi

là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay

đất nước ngấm vào ta, đơn sơ

như Tháp Mười không điểm trang

đầy im lặng

trên tất cả tình yêu

tình yêu này đi thẳng

đến mỗi đời ta bất chấp những ngôn từ”

Khi viết “trên tất cả tình yêu/ tình yêu này đi thẳng”, thì đó là câu thơ buột thốt, một câu thơ bật ra từ chính những đoạn thơ trước đó mà người viết không hề phải nghĩ ngợi gì cả, cứ thế viết ra thôi. Lòng yêu nước tự nhiên là như vậy. Nó đứng trên tất cả mọi tình yêu, nó là vĩnh cửu.

2. Có người sẽ nói: nhưng bây giờ hòa bình rồi, lòng yêu nước không thể cứ sôi sục như thời chiến được. Đúng, bây giờ đang hòa bình, nhưng người Ukraine cũng nói như thế trước khi bị Nga tiến đánh họ đột ngột, dù gọi tên cuộc chiến ấy là gì chăng nữa. Nếu chiến tranh là không vĩnh viễn, thì bây giờ xin nói thật, hòa bình cũng không là vĩnh viễn. Nhất là với Việt Nam ta. Chúng ta không chuẩn bị gây chiến tranh với ai, nhưng chúng ta phải chuẩn bị để bảo vệ đất nước mình, đừng để bất cứ ai đột ngột mở “chiến dịch đặc biệt” xâm chiếm mình mà mình không biết, không chuẩn bị đối phó.

Bây giờ, người ta đang dùng “xâm lấn mềm” với mình, nhưng nếu mình mất cảnh giác, lòng yêu nước của mình không thường trực và không đủ độ lan tỏa mạnh, thì biết đâu, “xâm lấn mềm” ấy sẽ chuyển hóa thành “xâm lấn cứng”, hoặc “cứng mềm phối hợp”. Lúc ấy thì thế nào?

Bây giờ chúng ta đều biết, những quan chức tham nhũng là những kẻ yêu tiền. Ngày xưa, những thế hệ cách mạng, thế hệ cộng sản Việt Nam đầu tiên là những người yêu nước. Chỉ biết yêu nước. Họ sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng hiến thân mình vì nước mà không một chút đòi hỏi nào. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, hàng triệu hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh vì lòng yêu nước, không vì bất cứ thứ gì khác. Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng những kẻ tham nhũng yêu tiền hôm nay sẽ chuyển sang yêu nước ngày mai khi đất nước này lâm nguy? Đó thật là “nằm mơ giữa ban ngày”.

Dĩ nhiên, hầu hết người dân Việt Nam không tham nhũng và cũng không có cơ hội để tham nhũng. Nhưng lòng yêu nước luôn có yêu cầu của tự ý thức, của sự thức tỉnh, của tinh thần trách nhiệm cao. Vì đây là đất nước của mình, mình yêu nước mình, mình không muốn làm nô lệ ngay trên nước mình dưới bất cứ hình thức nào, nên tình yêu nước từ chỗ có vẻ chung chung bỗng trở nên thiết thân, gắn bó. Từ xa xôi, lớn lao, bỗng trở nên gần gũi, nhỏ bé như những gì mình thân thiết hàng ngày. Hồi trước, khá xa xưa, văn hào Nga Ilya Ehrenburg đã viết một tùy bút nổi tiếng Lòng yêu nước. Qua bản dịch tuyệt vời của nhà báo Thép Mới, bài viết này đã thành tác phẩm thuộc nằm lòng của rất nhiều thế hệ Việt Nam hồi nhỏ từng ngồi ghế nhà trường và lớn lên đi kháng chiến: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa Thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”. Âm nhạc tuyệt vời từ bài thơ văn xuôi của Ilya Ehrenburg đã khiến bao nhiêu đứa trẻ khi học bài văn này đều ngẩn ngơ. Và thuộc lòng.

Ngày tôi còn nhỏ, học lớp 4 ở trường Học sinh miền Nam số 1, trú ở bên này con sông Đáy, bên kia là làng Chuông – làng làm nón nổi tiếng, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), tôi đã được học bài tùy bút Lòng yêu nước. Và đối với những đứa trẻ quê miền Nam được ra miền Bắc học tập như chúng tôi, bài viết kỳ diệu này đã gây những chấn động không nhỏ trong tâm hồn còn thơ dại của những đứa trẻ xa quê.


Nhà thơ Thanh Thảo.

3. Lòng yêu nước vốn bẩm sinh, nhưng nếu được những tác phẩm văn học khơi nguồn, nó sẽ trở nên lung linh, trở nên thương thiết, gắn bó với con người.

Tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành cũng ở vào trường hợp như vậy. Một bài văn có thể truyền năng lượng tích cực nhất cho người đọc khi viết về lòng yêu nước của người Việt Nam, bài văn ấy mở đầu giản dị như thế này: “Chúng tôi đóng quân trong làng. Bây giờ đã khuya, bốn bề đều im lặng. Cho đến ngôi sao xa ngoài khung cửa cũng đứng im, lóng lánh như giọt nước mắt vui lặng lẽ của người vợ ở quê ta gặp chồng sau mười năm trời gian lao và cách biệt. Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng, thơm như sữa một người mẹ trẻ. Tôi nằm đã lâu, không ngủ. Không sao ngủ được. Có gì đấy, vừa êm ả vừa trào sôi đang dậy trong lòng tôi, người lính đêm nay. Sáng mai chúng tôi sẽ ra trận”.

Đó là một cảm giác thật thà của người lính, của nhà văn là người lính. Chúng ta đồng cảm ngay khi đọc những dòng đầu tiên ấy. Viết về lòng yêu nước của người đi chiến đấu bảo vệ đất nước là viết về một tình cảm cao cả nhất, thiêng liêng nhất, nhưng cũng bình dị nhất.

Và lòng yêu nước không chỉ được thể hiện trong chiến tranh, mà ở mỗi sát-na bình lặng nhất của con người, ngay trong hòa bình, tình cảm ấy vẫn thể hiện một cách giản dị và gần gũi nhất.

Theo Thanh Thảo/Thể Thao & Văn hóa