Văn học Việt – Hàn: Tương lai và Thách thức

738

Trong một thời gian không dài, chỉ hơn 3 giờ đồng hồ nhưng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc đã đưa ra và thảo luận những vấn đề không phải nhỏ của văn học hai nước để dần tiến đến mục tiêu giới thiệu được nhiều tác phẩm đặc sắc đến với độc giả của hai nước. Cuộc hội thảo này mở đầu cho chuỗi sự kiện tiến tới kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước Việt – Hàn.

Hội thảo văn học Việt – Hàn với chủ đề: Tương lai và Thách thức trong khuôn khổ giao lưu văn học Việt Nam và Hàn Quốc dưới sự Tài trợ của Ủy ban văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch Hàn Quốc vừa được tổ chức thành công vào ngày 5/11 bằng hình thức trực tuyến. Tham gia cuộc hội thảo, phía Hàn Quốc có các nhà thơ, nhà văn Hyun Ki-young, Kim Nam-Il, Bang Hyun- Suk, Jo Young-ho, Park Soran; dịch giả Ha Jea-Hong; nhà phê bình trẻ Heo Hee. Phía Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Quang Đạo và dịch giả Hà Minh Thành.


Các nhà văn Việt Nam tham dự hội thảo. 

Mở đầu cuộc hội thảo, nhà văn Bang Hyun- Suk và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu chào mừng. Cả hai vị lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn qua các cuộc hội thảo, nhà văn của hai nước sẽ thêm gần gũi nhau vì hiểu nhau hơn, không chỉ qua tác phẩm mà qua cả các cuộc trò chuyện, trao đổi về nghề.


Dù dịch bệnh nhưng nhờ hình thức làm việc trực tuyến hội thảo văn học Việt – Hàn vẫn diễn ra sôi nổi và có chiều sâu.

Trong bài tham luận của mình nhà văn Hyun Ki-young viết: “Tóm lại, nhà văn phải thực hiện vai trò ‘đề phòng’ để kí ức chung về chiến tranh không bị rơi vào đầm lầy của sự lãng quên, tức là phải trở thành người canh gác chống lại sự lãng quên đó. Nhà văn phải là người nhớ thay những người vô tâm, những người ngoảnh mặt cố tình quên sự thảm khốc của chiến tranh. Nếu chúng ta mong mỏi về hòa bình chân chính thì phải biết đầy đủ về thảm cảnh của chiến tranh”.

Nhà văn Jo Young-ho viết bài tham luận có tựa đề: Vết thương của Việt Nam trong văn học giống với Hàn Quốc. Ông đã bình luận về các truyện ngắn của nhà văn Lê Minh Khuê: “Trong số nhiều tác phẩm ra đời ở thời điểm này, truyện ngắn của Lê Minh Khuê người được coi là ‘nữ hoàng truyện ngắn của Việt Nam’ là những tác phẩm đặc sắc phản ánh thực trạng đời sống xã hội: Vết thương của chiến tranh và những vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế thị trường”.

Trong bài tham luận: Bạn ở bên Tây còn tôi ở bên Đông, hành trình giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc của nhà văn Kim Nam-Il đã viết: …“Ban quốc tế của Hội tác giả văn học dân tộc (nay là Hội nhà văn Hàn Quốc) đã chăm chỉ đặt cây cầu nối. Nhờ đó, trong lần đầu tiên Bảo Ninh tới Hàn Quốc đã nhận sự cúi lạy xin lỗi bất ngờ từ Hwang Suk-young – một nhà văn xuất thân là binh sĩ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam ở một quán rượu phường Insadong (Seoul) khiến ông rất bối rối. Bài thơ ngắn “Hoa sen” của nhà thơ Chim Trắng, cùng với bài ‘Những đứa trẻ Mỹ lai’ của nhà thơ Thanh Thảo được đăng trên tạp chí ở Hàn Quốc đã khiến các độc giả Hàn Quốc khóc trong lòng. Nhà văn Văn Lê với nỗ lực hết sức mình để hiểu Hàn Quốc, ông đặt chân tới sông Imjin và tới phường Mangwol ở Gwangju một cách rất tự nhiên. Truyện ngắn của Y Ban thể hiện đầy đủ một đỉnh điểm của văn học chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam, truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư tạo nên kì vọng lớn về câu chuyện tả thực phong phú từ vùng đất tam giác Mekong…”

Nhà thơ Park Soran trình bày bài giới thiệu công phu những quan điểm và giá trị nghệ thuật của nhà thơ Hàn Quốc Lee Yeon ju (1953-1992) để rồi đi đến một thông điệp rõ ràng: “Tôi làm thế nào để có thế hướng tới bạn. Tôi dạo này đã đặt ra câu hỏi như vậy với chính mình. Nhiệt huyết về chủ thể giao cảm thật tâm với người khác! Tất cả văn học, tất cả các các bài thơ trên thế gian này sẽ đều mang tính khả thi khác nhau nhưng tính khả thi ấy vừa hay là sự chân thành của ‘tôi’ với ‘bạn’ nên tuyệt vời biết bao. Chúng ta thử cùng suy ngẫm xem. Vì thế nên chúng ta của bây giờ, thơ của chúng ta đang ẩn chứa tính khả thi thế nào?”

Nhà văn Y Ban tham gia hội thảo bằng tham luận: Cầu nối hoà giải trong Thời gian ăn tôm hùm của nhà văn Bang Hyun Suk. Nhà văn viết: “Tôi chỉ được đọc một số tác phẩm văn học của Hàn Quốc dịch sang tiếng Việt như ‘Chiếc gương đồng’, ‘Hãy chăm sóc mẹ’, ‘Bài hát ngày mai’ ( thơ Koun), ‘Thời gian ăn tôm hùm’… Với tôi đó là những tác phẩm rất hay. Tôi thích thơ Koun vì sự khoáng đạt và những hình tượng ông đưa vào thơ của mình mà đôi khi chúng vượt cả ngôn từ, khiến khi chuyển ngữ không thể tải được, tôi chỉ có thể tự hình dung ra bằng một thứ ngôn từ đồng cảm của một nhà văn. Mỗi cuốn sách tôi đã đọc đều có vẻ đẹp rất tuyệt nhưng cuốn sách khiến tôi động não suy nghĩ nhiều nhất là tiểu thuyết ‘Thời gian ăn tôm hùm’ của nhà văn Bang Hyun Suk. ‘Thời gian ăn tôm hùm’ được giải thưởng lớn ở Hàn Quốc năm 2003 và được dịch và in ở Việt Nam năm 2004”.


Các nhà văn Hàn Quốc tham dự hội thảo.

Nhà văn Bang Hyun Suk tâm sự: “Tôi phải mất tới 10 năm mới hình dung ra được một câu chuyện lấy Việt Nam làm đề tài. Không phải vì tôi không thể hiểu Việt Nam. Cái mà tôi không hiểu đó là chính bản thân tôi. Việt Nam đánh thức tôi để nhận ra một trong những hình thức tồn tại của con người, dù là mờ ảo nhưng vô cùng mãnh liệt”.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương trong tham luận: Những nhà thơ Việt Nam tôi muốn giới thiệu đã đặt vấn đề: “Thơ rộng lớn bởi sự hội tụ cá tính của từng cá nhân. Và như thế, mãi mãi không có sự cố định, không có mẫu số chung cho thơ. Vì không có mẫu số chung nên thơ thuần tuý là cuộc chuyện trò, một cuộc chuyện trò ngang bằng với tất cả. Vậy thì tôi muốn các bạn Hàn Quốc hãy đọc, hãy trò chuyện với các nhà thơ mà tôi vừa giới thiệu, qua cách đi sâu vào bài thơ của họ, qua các cảm nhận rung động và sự ưu tư của họ.” Sau khi phân tích giới thiệu các nhà thơ Việt Nam, Nguyễn Bình Phương kết luận: “Hơn bao giờ hết, thời điểm này, vị thế của văn học trở nên mong manh bởi có rất nhiều lí do để đời sống chối từ nó, bởi tâm hồn con người đang bị phân tán theo tốc độ phát triển khủng khiếp của công nghệ thông tin. Và muốn không bị cáo chung, văn học phải tìm cách vượt lên, khẳng định sự tồn tại bằng những định nghĩa độc đáo để biểu thị sức sống mãnh liệt của nó. Tôi chợt nhớ câu thơ trong bài Ở một bệnh viện của Soran Park, nhà thơ tôi đã có dịp gặp tại Hàn Quốc và dĩ nhiên rất thiện cảm vì sự lặng lẽ đầy bí ẩn của cô ấy: ‘Rút cục thì, nơi đây có những người vẫn chưa chết’. Cuộc giao lưu này là một minh chứng rằng: Tinh thần của thơ nằm ở ‘nơi đây’, nơi mà chúng ta, ‘những người vẫn chưa chết’, đọc nhau, khám phá chân trời của nhau rồi nhận ra rằng chính chúng ta đang kéo dài sự tồn tại của thơ bằng các định nghĩa đầy cá tính và bằng cả sự tôn trọng các cá tính ấy.”

Trong một thời gian không dài, chỉ hơn 3 giờ đồng hồ nhưng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc đã đưa ra và thảo luận những vấn đề không phải nhỏ của văn học hai nước để dần tiến đến mục tiêu giới thiệu được nhiều tác phẩm đặc sắc đến với độc giả của hai nước. Cuộc hội thảo này mở đầu cho chuỗi sự kiện tiến tới kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước Việt – Hàn.

Theo Thảo Mộc/VNQĐ