Văn học: Vitamin trong ngày giãn cách

586

Trong hơn một năm cả nước căng mình chống dịch Covid 19, cùng với lĩnh vực nghệ thuật, đời sống văn học đã ghi nhận nhiều sáng tác của các nhà văn, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch về đề tài phòng, chống Covid 19. Đáng chú ý là những tác phẩm được ra mắt gần đây như: “Paris 55 ngày cấm túc” của tiến sĩ văn chương Giáng Hương; “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của Iris Lê, “Những ngày cách ly” của Bùi Quang Thắng, “Đi qua hai mùa dịch” của Dy Khoa, hay “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng… không chỉ được độc giả đón nhận mà còn góp phần khẳng định, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn trong xã hội hiện nay.

Nguồn năng lượng sống

Không có những buổi Livestream giới thiệu sách, cũng không tổ chức những những cuộc ra mắt sách đình đám (do tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch Covid 19) nhưng những cuốn sách được ra mắt độc giả nói trên hoặc còn có vô vàn cuốn sách khác viết về dịch bệnh) bằng cách này hay cách khác đều được độc giả đón nhận, như một món ăn tinh thần trong ngày giãn cách. Bởi đây hầu hết đều là những “đúa con” tinh thần của nhà văn mà theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều: “Dù người viết có đang nằm trong vùng dịch hay không, những cuốn sách của họ ra đời trong thời điểm này đều đem đến lòng tin rằng con người sẽ sớm đi qua mùa dịch”.

Điều này cho thấy, sách nói chung và sách văn học nói riêng đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống thời có dịch. Cứ thử hình dung thế này, nếu suốt ngày bạn chỉ quẩn quanh với bốn bức tường, với ti vi và những chương trình giải trí qua mạng internet, cuộc sống đương nhiên là không nhạt nhẽo, bởi có quá nhiều những tín hiệu cuộc sống cứ dồn dập ùa đến. Nhưng đổi lại, sự hoang mang khi không có những định hướng rõ nét, thậm chí chiều sâu trong nhận thức là điều dễ nhận thấy. Khi ấy, những cuốn sách sẽ giúp niềm tin neo lại, trụ vững và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống vốn đang bị bủa vây và chi phối bởi dịch bệnh Covid-19.

“Tôi nghĩ rằng những cuốn sách hay nếu đến được người dân vùng dịch, nó giống như một bản kinh nơi người đọc tìm thấy niềm an ủi, động viên trong tâm hồn. Với tôi, sách ngang bằng với những nhu yếu phẩm cấp thiết khác”. (Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trả lời phỏng vấn trên Zing.vn)

Đó là Paris 55 ngày cấm túc của tiến sĩ văn chương Giáng Hương. Tác phẩm khắc họa rõ nét những ngày tháng đặc biệt, không thể nào quên của chính tác giả khi bị cấm túc (giãn cách xã hội) tại Paris vì dịch Covid-19. Paris 55 ngày cấm túc là khoảng thời gian để nhà văn bình tâm lại để chiêm nghiệm, học cách trân quý cuộc sống, cội nguồn và những hạt mầm hạnh phúc. Ở cuốn, Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của tác giả Iris Lê, không có khoảng lặng của một trái tim muốn ôm trọn cuộc sống, để phát hiện hay gặm nhấm thời gian đã và đang trôi qua mà là một cuốn nhật ký y tá cùng với bức tranh toàn cảnh y tế Australia khi Covid-19 bùng phát. Những dòng chữ trải dài cùng những khó khăn, áp lực với chuỗi ngày làm việc quá tải, có lúc đến ngộp thở và kiệt sức…. Nhưng đổi lại, đâu đó trong những nõi đau mất mát, đôi khi là bất lực của hệ thống y tế trước những ca tử vong tăng lên nhanh chóng thì vẫn có những điểm sáng ấm lòng về tình người và lòng nhân ái. Tiếp đến, Những ngày cách ly của Bùi Quang Thắng do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành. Cuốn sách chỉ vẻn vẹn 160 trang được viết trong 12 ngày, nhưng lại xoay quanh dịch Covid-19. Những biến cố lớn xảy ra với gia đình Hoàng Cúc từ bữa tiệc đón cô du học từ Anh Quốc trở về. Bữa tiệc ấy có vị khách không mời mà đến đó là Covid 19. Và biến cố liên tục xảy đến với gia đình Hoàng Cúc cùng những mất mắt lớn khi phải vào khu cách ly tập trung trong 14 ngày… Và đây cũng là khoảng thời gian để Hoàng Cúc “cài đặt” lại chính mình và cảm nhận được cái tôi của mình hơn. Một cái tôi tội nghiệp, một cái tôi biết lắng nghe, một cái tôi biết chia sẻ, một cái tôi yêu thương không hờn trách.

Có lẽ vì vậy, Paris 55 ngày cấm túc; Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái hay Những ngày cách ly… đã được coi là thứ vitamin dành cho tâm hồn, để mỗi người có thể vững tin hơn vào chiến thắng dịch Covid 19.

Mệnh lệnh từ trái tim

Người viết văn nói chung, nhà văn nói riêng cảm nhận cuộc sống bằng thứ giác quan riêng và thứ giác quan ấy thực sự được phát huy tối đa khi khi họ tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, theo cách của riêng mình.

Với Hội Nhà văn Việt Nam, dù chưa tổ chức những Giải thưởng văn học về đề tài phòng , chống Covid 19, nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn đã ra lời kêu gọi thành lập Quỹ hỗ trợ nhà văn vùng giãn cách; Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phát động Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, sáng tác về con người, cuộc sống, tình người, lòng nhân ái… trên mảnh đất phương Nam. Khuyến khích các tác phẩm dự thi chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát triển toàn diện của TPHCM và con người ở thành phố năng động, hào sảng, trọng nghĩa tình. Bên cạnh đó là những cảm xúc tự hào, mến yêu cùng những dấu ấn sâu sắc đối với con người trong cuộc chiến bảo vệ tính mạng, bảo vệ sự sống vượt qua đại dịch Covid 19… Nhà thơ Lê Minh Quốc, Trưởng ban Chung khảo Cuộc thi cho biết, những ngày qua, khi thành phố Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch, mỗi thi sĩ đều có một góc nhìn trước cuộc chiến đó. Song, tất cả đều có “mẫu số chung” là cảm nhận về tình người, lòng nhân nghĩa của người dân nơi mảnh đất phương Nam. Thông qua cuộc thi, các tấm lòng nhân nghĩa của người phương Nam một lần nữa sẽ được các nhà thơ tái hiện, lấy đó làm tư liệu để viết nên những bài thơ với những vần thơ xao xuyến lòng người.

Cùng với quỹ hỗ trợ nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam, cuộc thi Thơ do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các Hội Văn học địa phương cũng có những hoạt động sáng tác văn học cụ thể, chung sức với toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid 19. Có thể điểm qua những cuộc thi như: TYM Books & Media tổ chức cuộc thi viết tản văn về đề tài “Thương lắm Sài Gòn”. Với cuộc thi này, người tham gia có thể ghi lại cảm xúc, câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn hay hành động thiện nguyện, trượng nghĩa về tình người thành phố Hồ Chí Minh dành cho nhau trong những ngày cả thành phố đang nỗ lực chống dịch. Tiếp đến, gần đây nhất, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,cũng đã chấp thuận đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề: Chung một niềm tin chiến thắng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chống dịch. Với cuộc vận động, Ban tổ chức mong muốn góp phần tôn vinh sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, nêu bật sự đồng lòng, chung sức của người dân trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Bởi chỉ những tác phẩm mang đậm giá trị nhân văn, văn hóa dân tộc, các tác phẩm chú trọng sự phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, có giá trị nghệ thuật cao được các nhà văn, nhà thơ bằng thứ giác quan riêng của mình sáng tác ra mới dễ dàng đi vào lòng người.

Khi cả đất nước đang căng mình “chống dịch như chống giặc” mỗi nhà thơ, nhà văn dù muốn hay không thì những gì họ viết ra cũng phản ánh hiện thực, quan trọng hơn, phản ánh đời sống tinh thần của con người trong giai đoạn họ chứng kiến, họ sống và viết. Và theo nhà văn Bích Ngân, suy cho cùng, nhà văn cũng chỉ là một con người cụ thể với nhận thức, cảm xúc, ý hướng cá nhân, bởi vậy rõ ràng hiện thực sẽ được phản ánh dưới góc nhìn riêng. Nhiều cái nhìn, nhiều phong cách sẽ góp phần phản ánh, tái tạo một thời kỳ, xa hơn là một thời đại đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn. Những sáng tác của nhà văn ngày hôm nay, không chỉ là bản năng cống hiến, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, tự nguyện trở thành người lính xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Và họ, bằng tác phẩm văn học đã và đang lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp trong cuộc chiến không cân sức giành giật sự sống từ giặc Covid 19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ