Nguyễn Vũ Quỳnh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trước khi các bạn có trong tay tập thơ mới tinh còn thơm mùi mực này thì cách đây chưa lâu tôi đã có cuốn bản thảo tập thơ Lời của lá mà thi sĩ, nghệ nhân Ưu tú Vân Khanh gửi đọc, xem lại trước giờ chạy đến nhà in. Đọc qua bản thảo tập thơ tôi thấy rằng Lời của lá anh viết đời hơn, bay bổng hơn và yêu thương nhớ nhung hơn những tập thơ trước. Cái chất lãng mạn trong tác phẩm này hình như là thi vị của nghệ nhân với thi nhân qua những bài thơ tình của anh chất chứa hơn, thơm thảo hơn. Đặc biệt tập thơ Lời của lá, là những cảm nhận sâu sắc, triết lí nhân văn về tình yêu và những vùng đất anh đã đi và đến, kể cả nước Nhật xa xôi. Đọc thơ anh tôi thấy Vân Khanh đã bật lên cung bậc âm vang mới nhất là từ lúc anh bước chân vào ngôi đền văn chương thành phố và lâu đài nghệ nhân quốc gia.
Tập thơ Lời cả lá
Một chặng đường thơ của người từng trải, bôn ba cả cuộc đời với tiếng thơ trong cái nghĩa ân tình. Nghệ nhân ưu tú Vân Khanh đã diễn ngâm cả ngàn bài thơ của những người làm thơ nhiều thế hệ trên sóng phát thanh, truyền hình và trên các sân khấu từ trước những năm 1975 cho đến bây giờ. Mãi tới gần đây từ trong sâu thẳm của tiếng thơ Vân Khanh thì những tác phẩm thơ, những đứa con tinh thần của riêng anh mới ra đời. Có một điều riêng biệt, những bài thơ của các nhà thơ nhờ người nghệ sĩ tài năng chất giọng rất Huế này chuyển tải đến bạn nghe, xem trên đài và trên sân khấu, không va đập, không trà trộn vào thơ anh. Tinh hoa của họ không lẫn vào anh mà chỉ tạo đà thúc đẩy, tạo nên thơ anh có vóc dáng riêng biệt, một giọng thơ dành riêng cho mình trong các tác phẩm của thi sĩ Vân Khanh:
Em – thảm cỏ mùa Thu vàng đắm đuối
Tôi run lòng không dám bước chân lên
Sợ nguyên trinh bàng bạc mộng ban đầu
Sợ mong manh chạm đôi hồn dễ vỡ
Ánh mắt huyền thu tôi vào duyên nợ
Nụ duyên thầm mênh mông tôi – trời mơ
(Thu Thảo)
Ở cái tuổi chiều về, cận kề hoàng hôn rồi, viết những vần thơ như vậy thì tâm hồn và trí lực vẫn còn tươi trẻ lắm, nhan sắc lắm. Ánh mắt huyền thu tôi vào duyên nợ. Tinh tế lắm chứ, say mê đến đắm đuối mới có cái nhìn đẹp hút hồn đến như vậy. Phải chăng con người của tiếng thơ và thi nhân không lúc nào là không xao động đến cái đẹp, bởi vì tình yêu là muôn thở, tình yêu có tội lỗi gì đâu, cuộc đời đâu chỉ có một vài lần yêu mà còn yêu mãi mãi, bởi vì tình yêu là cuộc sống:
Tình yêu như sóng bôn ba
Lúc giận giữ lại hóa ra thành thần
Có gì đâu phải phân vân
Bạc đầu sóng lại tiếp lần sinh ra
Vũng Tàu
Tình yêu trong thơ là một thứ ma lực, không nhà thơ nào không nói về yêu và trong thơ không yêu thì chỉ còn khô cứng và ngây dại. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: ”Yêu đi yêu nữa yêu thêm chẳng thừa”. Cho nên nhà thơ Vân Khanh đã mãi mê chiều đến quên cả hoàng hôn:
Ta mãi mê chiều quên hoàng hôn đã đến
Đời lạnh buồn đến ngàn vạn phôi pha
Em cứ thế thu chiều vào trong mắt
Ta tự do, tự nguyện một ngục tù
(Chiều trong mắt em)
Phải nói rằng thơ tình của thi sĩ Vân Khanh còn say đắm lắm, mà quên cả những ràng buộc cuộc sống xung quanh: “Ta tự do, tự nguyện một ngục tù” cái ngục tù tình yêu ấy, mãnh liệt và hấp dẫn đến lạ thường, làm cho thi sĩ: “Mãi mê chiều quên hoàng hôn đã đến”. Phải chăng cái chiều trong Lời của lá Không phải chiều của không gian mà là chiều của thời gian con người khi sắp đến gần cái cửa hoàng hôn quên tuổi tác vì yêu cuộc sống, yêu con người:
Chiều vô tận hồn ta thành thương nhớ
Ảo tưởng nào thoáng hiện một nguyên sơ
Mà ngày xưa ta cố ý bất ngờ
Chơi vơi em giữa dậy thì lấn bấn
Chiều biển lặng nghe đời ta lỡ vận
Lắm giang hồ mà còn nợ bể dâu
(Chiều biển lặng)
Viết như vậy là thi vị và tâm đắc như con tằm rút ruột nhả những sợi tơ bền đẹp. Nhà thơ đã đi qua một thời trai trẻ, đi qua nhân tình thế thái, đi qua những mối tình đẹp đẽ đến tận bây giờ: “Tiếng mây bay chạm tóc trắng ngang đầu”. Khi đứng trước biển lặng chiều nay lại ước gì trở về thời tuổi trẻ để vùng vẫy bốn phương. Lắm giang hồ mà còn nợ bể dâu. Như vậy đã đi xa vẫn tiếc một thời trai trẻ…
Như ở phần trên đã nói, mỗi bước chân trong cuộc hành trình trên mọi miền đất nước, những tỉnh thành anh đã đi qua, kể cả khi đi ra nước ngoài, anh luôn để lại những cảm xúc thi ca dìu dặt mà lắng lại trong suy tư:
Mai này dẫu có đi xa
Vũng Tàu với biển cùng ta… viết chiều
(Vũng Tàu)
Anh đã lượng hóa cây cầu Cần Thơ bây giờ đã thỏa lòng thèm khát mấy trăm năm nay sững sững vắt ngang sông Hậu:
Vòm xuân giờ đã bắc qua
Đôi bờ thương nhớ để mà… Cần Thơ.
(Cần Thơ)
Có gì man mác như Thu
Mùa em đã chín tôi từ Hà Tiên
(Hà Tiên)
Và từ xa xôi đất khách quê người anh nghĩ về núi non Tổ quốc:
Mê ngắm hoa Anh đào Kawazusakura rực rỡ sắc hồng
Thấy cảm cả nỗi lòng Phú sĩ
Vì vẻ đẹp cho người mà chịu lạnh quanh năm
Tôi lại nghĩ về quê mẹ xa xăm
Nơi Pansipan đang nhìn qua Phú Sĩ
Chuyện ngày xưa hai núi cũng đau lòng
(Núi Phú Sĩ)
Tác phẩm Lời của lá lần này của nhà thơ Vân Khanh, tôi cũng chỉ cảm nhận một phần nào đó thôi, nhưng đã thấy tác phẩm này đã vượt lên những thi phẩm trước. Anh đã dụng công xây dựng công trình thơ của mình từng bước phát triển đi lên tầng cao mới của anh. Thơ của Vân Khanh bây giờ như được anh gom góp ý tứ từ xa xưa dồn nén lại bây giờ mới bung ra những đúc kết yêu thương giản dị mà tao nhã trẻ trung. Chúc nghệ nhân ưu, đến thi nhân Vân Khanh từ hai con đường nhưng chung một hướng đi đến đích thành công trong cuộc đời văn chương. Chúc anh Hạnh phúc
TP. HCM 9/2020
N.V.Q