Văn khoa ngày ấy, bây giờ…

1409

18.9.2017-09:30

NVTPHCM- Rời xa ngôi trường đã bốn mươi mấy năm nhưng mỗi khi đi ngang qua ĐH Văn khoa xưa, nay là ĐH KHXH&NV, lòng vẫn nao nao như trở về thăm trường cũ.

 

Nhất là hôm nào đi dọc theo đường Lê Duẩn từ phía Thảo Cầm viên hướng về dinh Độc Lập, nhìn sang bên trái là dãy nhà lầu hai tầng kiến trúc cũ còn lưu lại dấu vết của ĐH Văn khoa xưa, lại nhớ bao kỷ niệm của thời sinh viên mộng mơ và tràn đầy nhiệt huyết. Ngôi trường ĐH Văn khoa xưa với những cánh cửa mở rộng, những dãy hành lang và những khung cửa sổ rộng không song chắn, dễ dàng nhảy ra trốn học khi chán nghe giảng, lúc thầy quay lên bảng!

 

Khu trường này trước kia là trại lính Pháp, sang thời Đệ nhất Cộng hòa đổi thành “Thành Cộng hòa”, do Lữ đoàn phòng vệ tổng thống phủ trấn giữ. Sau đảo chính 1-11-1963, ĐH Văn khoa được dời từ đường Gia Long về đây (khu ĐH Văn khoa cũ trở thành Thư viện Quốc gia, nay là Thư viện KHXH). ĐH Văn khoa và ĐH Dược nằm đối diện nhau ở ngã tư Cường Để – Thống Nhất (nay là Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn). ĐH KHXH&NV vẫn ở vị trí cũ, được xây dựng mới hoành tráng, sang trọng nhưng còn giữ được dãy lầu cũ phía bên đường Lê Duẩn. ĐH Dược, bây giờ là khoa Dược thuộc ĐH Y Dược TP.HCM, cũng giữ lại vài dãy nhà xưa ở ngay góc đường, tuy được chỉnh trang khá khang trang nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cũ.

 

ĐH Văn khoa ngày trước là một trong ba trường đại học của Viện ĐH Sài Gòn không thi tuyển, chỉ ghi danh học với điều kiện bắt buộc là phải tốt nghiệp tú tài toàn phần. Hai đại học kia là ĐH Khoa học và ĐH Luật. Cánh cửa các đại học này luôn luôn mở rộng đón nhận sinh viên không phân biệt lứa tuổi, thành phần trong xã hội. Nếu như những sinh viên vào ĐH Khoa học hoặc Luật thường có mục đích tương đối rõ ràng, như vào Luật mong mai sau tốt nghiệp làm luật sư hay vào ngạch tư pháp, tòa án…

 

Vào học ĐH Khoa học một năm để sau đó thi vào ĐH Y, hay các ngành kỹ thuật – công nghệ, hoặc học xong ra trường sẽ đi dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường trung học tư. Nhưng Văn khoa mới là cánh cửa mở toang cho nhiều thành phần nhất. Đặc biệt những người ghi danh vào Văn khoa thường là người yêu thích văn chương, có phần lãng mạn, ít đặt nặng mục đích và có lẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện học Văn khoa để mai sau làm quan chức hay… làm giàu! Nhiều sinh viên học ở các đại học khác nhưng vẫn ghi danh học thêm Văn khoa. Có cả nghệ sĩ, giáo viên, công tư chức cũng ghi danh học Văn khoa.

 

Thật ra Văn khoa không chỉ có văn chương mà còn có các ngành khoa học xã hội khác như lịch sử, triết học, ngôn ngữ… Hằng năm số lượng sinh viên ghi danh vào Văn khoa đông vô kể nhưng chỉ có những sinh viên “chính quy” mới thường xuyên đến trường nghe thầy giảng dạy, còn đa số sinh viên ghi danh học thêm chỉ thỉnh thoảng đến trường “nhìn mặt thầy cho biết”, rồi mua “cua” về nhà học.

 

Lâu lắm, từ lúc về sống ở ngoại thành, xe buýt dừng trước cổng chính trường trên đường Đinh Tiên Hoàng, chợt nhìn vào bên trong thấy phía trái tòa nhà cao tầng rất hiện đại có tấm bảng ghi hàng chữ: “Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa”. Một định hướng giáo dục không mới nhưng nói lên quyết tâm thực hiện tư tưởng giáo dục đậm tính nhân văn của trường. Và vừa rồi nghe thông báo nhà trường đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập vào ngày 20-11 tới. Chợt nghĩ, sao không tổ chức đúng ngày thành lập trường 1-3-1957? Dịp này ban tổ chức cũng công bố danh sách 60 cựu sinh viên tiêu biểu của trường qua hai thời kỳ trước và sau năm 1975. Trong danh sách có một số lãnh đạo và cựu lãnh đạo cao cấp.

 

Văn khoa ngày ấy, bây giờ sao quên?

 

NGUYÊN KHA

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…