Vẫn mãi mùa xuân…

397

Ngàn Thương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ mang tên “Gọi nắng xuân về” của Hạ Uyển (Nguyễn Thị Hiền), chắt chiu, đắng đót với tình yêu, quê hương và thân phận, gửi tâm hồn mình trong không gian thơ mùa xuân, khởi nguồn tin yêu và hy vọng.

Hạ Uyển trải hồn vào cảm thức thời gian, dắt mùa đi trong nắng xuân hồng bất tận:

Sắc nắng huy hoàng ửng nét xuân
Thêm duyên môi thắm vẻ ngại ngần
Mắt ai đắm đuối màu e thẹn
Xuân đừng khoe nhé, má bồ quân.
(Sắc xuân)

Hay:

Em đây rồi của tháng năm xa xôi
Môi thắm đỏ, má hồng tươi màu nắng
Mắt tin yêu như tình ta thầm lặng
Rộn rã cười, tà áo trắng thướt tha.
(Gọi nắng xuân về)

Với bút pháp vững vàng, từ ngữ gợi lên sự liên tưởng hình ảnh cùng nội tâm con người và sự vật, thổi hồn, chắp cánh cho thơ thăng hoa:

Ánh mắt ai giấu niềm yêu chín vội
Ta mơ màng lạc lối giữa triền mê

Hoặc:

Mi em xanh hay thùy dương dào dạt
Mà lời yêu đành phiêu bạt chân trời
(Hương Trà gợi nhớ)

Hạ Uyến sinh và lớn lên ở vùng đất Hương Thủy – nơi có những danh lam thắng cảnh và các nhà thơ nổi tiếng như Thanh Hải, Phùng Quán, Minh Đức Triều Tâm Ảnh… đã làm nên diện mạo một miền quê giàu bản sắc văn hóa.

Với niềm nhạy cảm của trái tim, thơ Hạ Uyển luôn trữ tình, đôi khi nhói buốt âm thầm:

Nghe đắng chát, sầu dâng viền khóe mắt
Thân nhọc nhằn theo vết mỏi xe lăn
Đời xót xa như sa mạc khô cằn
Mi ướt lệ, mơ đêm trăng huyền thoại.
(Tủi phận)

Ngày Thơ Việt Nam được diễn ra khắp mọi miền, Văn nghệ sĩ Cố đô Huế cũng góp phần vào đêm Rằm tháng giêng, lời thơ, tiếng hát với nhiều cảm xúc. Hạ Uyển chợt bâng khuâng hoài niệm những mùa trăng cũ, bàng bạc trên dòng sông Bồ, thật ngọt ngào, đằm thắm:

Trăng xưa một thuở bên cầu
Trăng nay thắm thiết hết sầu trong mơ
Hồng trần lay động vần thơ
Thả vào cõi nhớ niềm mơ ấm lòng.
(Cảm hoài Nguyên tiêu)

Chất ngất niềm suy tư hình bóng người xưa, Hạ Uyển chợt nhớ lại mình, cánh hoa hồng thuở nào hương sắc:

Em đây rồi của tháng năm xa xôi
Môi thắm đỏ má hồng tươi màu nắng
Mắt tin yêu như tình ta thầm lặng
Rộn rã cười, tà áo trắng thướt tha
(Gọi nắng xuân về)

Điều đặc biệt trong thi tuyển này, Hạ Uyển có nhiều bài thơ Đường Luật đầy cảm xúc qua những vui buồn thế sự nhân sinh, neo lại trong tâm thức, trải nghiệm đã từng.

Hạ Uyển vận dụng ngôn từ khá nhuần nhuyễn, rất thuần Việt, nhưng minh triết. Với“Bình cũ”, song “Rượu mới”, càng làm cho mỗi chữ thêm thi vị đến dường nào:

Phải thế từ nay thuyền lướt sóng
Mong gì buổi nọ gió vờn sông
Duyên xưa cánh nhạn chao vườn trống
Thệ ước còn đâu tủi má hồng
(Hờn thu)

Bài thơ Có ảo đâu viết về mạng xã hội, Hạ Uyển bày tỏ với cách nhìn mới:

Đâu rằng mạng ảo ấy là sơ
Khắn khít bên nhau chứ chẳng vờ
Nghĩa thắm anh trao nào bỡ ngỡ
Tình thân tôi giữ cứ mong chờ

Có lẽ độc giả cũng như tôi, tâm đắc những câu thơ Hạ Uyển đã đưa thổ ngữ của tiếng Huế, như những nét chấm phá bình dị, nhưng thâm thúy mà dễ thương, để nói về người và xứ Huế:

Có chi mô, mà đêm về thao thức
“Mô, tê ,nì” “em noái anh nghe hy”
Ôi chao ơi! Giọng thủ thỉ thầm thì
O cứ rứa, mần chi anh khôn khổ
(Thương thầm)

Tập thơ Gọi nắng xuân về ngoài những bài theo thể thơ truyền thống: lục bát, thất ngôn, tám chữ… Hạ Uyển còn sáng tác thơ Đường Luật, Thơ Haiku, được thể hiện trên nền tảng văn học nghệ thuật mà tác giả đã gửi gắm.

Đây là tập thơ in riêng đầu tay của Hạ Uyển, tuy mới mẻ nhưng có sự sáng tạo, tìm tòi về cuộc thế và phận người đáng trân trọng.

Xin gửi đến Hạ Uyển lời chúc mừng, đồng thời xin giới thiệu với bạn đọc, mong được đồng cảm, chia sẻ những gì Hạ Uyển đã chiêm nghiệm, suy tưởng, thiết tha với bao ngày tháng dấu yêu, nồng nàn:

Lãng tử du xuân bao mộng tưởng /Thuyền quyên ngắm hạ ủ mơ thường / Còn duyên ái đượm vui cùng xướng/ Khúc nhạc ru đời bớt giọt thương. ( Chỉ vậy thôi ).

Huế, đông 2022

N.T