Văn nhân là thế sao?

838

Văn nhân là cách gọi những người biết làm thơ, viết văn, gắn bó với chữ nghĩa văn chương. Theo nghĩa rộng hơn, từ văn nhân có thể dùng để chỉ những người có đời sống tinh thần gắn bó với văn nghệ – văn nghệ sĩ. Cũng trong trường nghĩa này, văn nhân còn gợi lên ý niệm về vẻ đẹp của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, phong cách sống và văn hóa, tri thức của người được nói đến. Tóm lại, nói đến văn nhân là nói đến một “mẫu người” với những phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Họ làm nên cái đẹp, sống trong cái đẹp và sống bằng cái đẹp.

Tuy nhiên, vì những phẩm tính mang giá trị tượng trưng cao quý, đáng ngưỡng mộ đó, văn nhân lại trở thành một khái niệm ít nhiều bị lợi dụng, bị đánh tráo, làm bình phong cho những điều phản “văn nhân”. Với tinh thần nhìn thẳng, nói thật, chúng tôi mạnh dạn nêu lên những biểu hiện phản giá trị này.

Nếu ai đó đã từng chứng kiến một vài sự kiện lớn của giới văn học (đại hội, tọa đàm hay hội nghị…) sẽ ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt về sự bát nháo, vô tổ chức, vô văn hóa của các “văn nhân” (chúng tôi đặt trong ngoặc kép). Dễ nhận thấy nhất là tình trạng không ai nghe ai, ai nói cứ nói, ai làm việc riêng cứ làm việc riêng, trên bục đại biểu cứ phát biểu, ở dưới cử tọa quay ngang, quay ngửa, cười nói, chụp ảnh, bắt tay rối cả lên. Quang cảnh ngậu xị rất mất trật tự. Người ta không thấy vẻ hào hoa lịch lãm của văn nhân, không thấy sự trọng thị dành cho các bậc tao nhân mặc khách, không thấy sự nghiêm cẩn của trí thức, sự chừng mực của lễ nghi khánh tiết, sự đứng đắn của người có học, sự tự trọng của chữ nghĩa… Nói xấu sau lưng, dèm pha khích bác, lôi kéo sự ủng hộ, bình luận khiếm nhã kèm với cái nhìn soi mói xen một ý nghĩ thiếu tử tế cất giấu trong sâu thẳm của sự đố kị, ghen ghét hay thù hằn là điều có thể bắt gặp tại đây. Buồn cười hơn nữa, đó là có thể đứng trước mặt nhau thì nói như thế, nhưng trong lòng nghĩ khác và quay lưng đi thì lẩm bẩm một mình về cái đứa chả ra gì mà mình vừa tay bắt mặt mừng.

Đấy là những biểu hiện đời thường, vẫn có thể gạt sang bên trước những thành tựu văn chương nghệ thuật vĩ đại, to lớn mà họ đóng góp. Tuy nhiên, nhìn thật kĩ, hóa ra anh ấy chị kia, cô này chú nọ, văn chương chữ nghĩa cũng chẳng có gì đáng kể. Vài tập sách in vội để đạt yêu cầu cứng trong hồ sơ kết nạp hội viên của một hội nào đó mà không đem tặng thì dứt khoát sẽ làm quà cho lũ mối. Mà đem tặng, thì đó đây cũng có những cuốn đọc không tìm được một câu, một bài, một ý tứ gì đáng để người ta dừng lại. Văn nhân thì phải có văn tài, phải có tư chất, không phải cứ cần cù là được và chữ nghĩa nghệ thuật thì hẳn phải khác chữ nghĩa thông thường.

Một vấn đề khác cũng cần được nói thẳng tại đây, đó là tầm vóc và đóng góp của văn nhân, nghệ sĩ, trí thức cho hệ giá trị của cộng đồng. Những đối tượng đang được nói đến xem ra cũng quá khiêm tốn ở đòi hỏi này. Không những đã không có đóng góp gì, lại còn lớn tiếng phê phán, đạp đổ, bới bèo ra bọ, vạch lông tìm vết, thiếu tinh thần xây dựng, xem tất cả mọi thứ là phế thải, là hư hoại, chỉ đáng vứt đi. Ở đó ta thấy thiếu đi tinh thần công chính, lương tâm và hoài bão của người trí thức trong việc cải tạo xã hội, bồi đắp các giá trị nhân văn. Họ chỉ làm cho tình hình rối tinh thêm, rồi lại tiếp tục lớn tiếng phê phán sự rối tinh ấy bằng giọng điệu của kẻ ta đây tỏ tường, minh triết, kiệt hiệt, cấp tiến… Còn có một hiện tượng đáng buồn cười hơn nữa đó là, một số văn nhân kiêm nhiệm (hoặc kiêm nhiệm văn nhân), lúc tại vị thì không dám lên tiếng, im lặng cầu an, cầu lợi. Đến lúc rời chốn quan trường, lại quay ra nói xấu, bỉ bôi những điều mà chính mình trước kia cũng từng lặn ngụp trong đó. Chỉ xét riêng về thái độ, kẻ trí thức như vậy là không sòng phẳng với chính mình. Lắm khi, lại tỏ ra mình thanh cao, khí tiết, ngay thẳng, trong khi thực ra tay cũng nhúng chàm, hồn đã bán cho quỷ dữ. Không ít kẻ trí thức thường đi theo và hưởng ân sủng từ ai đó, nay họ sa cơ lỡ vận, lại quay ra nói xấu, làm như mình chưa hề ăn uống, vuốt ve những lời bướm ong khoa sáo. Người trí thức có hiểu biết nghĩa là biết suy luận đúng sai, biết đâu là lẽ phải, biết kiếm tìm chân lí. Nhưng, nhiều kẻ mang danh trí thức, văn nhân nhưng chỉ biết hùa theo, đeo bám để lấy số má; ghé vai, kiễng chân hay phùng mang phùng bụng lên để ta đây cũng này nọ chứ “không phải dạng vừa đâu”. Đôi khi tôi tự hỏi, cái tay kia, mang danh là văn nhân, nghệ sĩ, trí thức mà cố tìm cái gì của hắn đã góp vào bể đời thì tịnh không tìm thấy ngoài cái luận án tiến sĩ đã nộp lưu chiểu từ đời nào trên Thư viện Quốc gia mà từ ngày đó cũng chả ai ngó tới.

Câu hỏi là: Tại sao lại có hiện tượng ấy? Như đã nói, văn nhân là một khái niệm sang trọng, quý phái, danh giá. Chính vì thế nó cũng là chỗ để cho những kẻ tiểu nhân, phản văn nhân lợi dụng chen chân, trà trộn. Người ta cố gắng bằng mọi cách để được gọi là văn nhân, cốt đánh bóng tên tuổi của mình, nâng mình lên một đẳng cấp khác, một hệ giá trị khác. Thế rồi, cùng với những “văn nhân” trà trộn ấy, một bộ phận khác cũng trà trộn không kém là tửu đồ, bằng hữu được gọi bằng danh xưng mĩ miều là “thi văn hữu”. Ồn ào, nhốn nháo, rượu bia, thuốc thang (xì gà, rượu Tây nữa thì đẳng cấp hơn) và những lời ong ve thoang thoảng mùi đực cái. Những nâng đỡ ve vuốt, những nhận định tâng bốc, những hứa hẹn môi giới để bước chân vào văn giới đổi lại có thể là một chầu nhậu tới bến, một sự cung phụng nào đó, tiền hoặc tình… Đừng bảo là không có nhé!

Tuy nhiên, bỏ qua những tệ lậu đi kèm, nỗ lực để bước vào văn giới, để thành văn nhân, để thực sự tốt đẹp, cao quý hơn thì có gì là sai? Vấn đề nằm ở khả năng và tư chất của người muốn chen chân vào trường giá trị ấy.

Xưa nay, văn nhân vẫn được xem là người biết làm thơ, viết văn – nghĩa là sáng tạo ra cái đẹp. Mà, bản chất của sáng tạo là mới mẻ, khác lạ, độc đáo, không lặp lại, không giống ai, không có bản sao… Điều đó thúc đẩy sự trỗi dậy của cá tính, của tinh thần dấn thân khám phá thế giới và khám phá chính mình của người nghệ sĩ – văn nhân. Để tồn tại như là một giá trị, cần phải độc đáo và khác biệt. Chính vì thế, văn chương nghệ thuật là nơi nuôi dưỡng, khích lệ tinh thần tự do, khai phóng, nhằm kiếm tìm các giá trị mới – khác. Tuy nhiên, tại điểm mấu chốt này, sự thể đã bị đánh tráo. Tự do, cá tính, khác biệt (đến dị biệt) vốn là phẩm tính của sáng tạo lại chính là chỗ cho những thứ nhếch nhác, thiếu văn hóa, phản văn hóa, bát nháo, vô tổ chức, thiếu kỉ luật, thiếu ý thức, dị hợm, thậm chí là xỏ lá, đạo đức giả núp bóng. Những biểu hiện ấy không nói lên cá tính của người nghệ sĩ, không chứng minh sự tự do của con người và từ trường sáng tạo. Nó đồng thời cũng không phải là cái khác mang giá trị. Nếu quan sát một cách tỉ mỉ chúng ta sẽ thấy đó là sự ngộ nhận của những kẻ tự cho mình là “văn nhân”. Sự ngộ nhận ấy nói lên điều gì? Còn điều gì khác nếu không phải là sự ngu dốt và ảo tưởng với sức mạnh của dục vọng và sự tầm thường của hiểu biết trong một cơ tầng văn hóa nông cạn. Phải chăng, họ tưởng rằng, văn nhân là phải như thế, cá tính là phải như thế, tự do là phải như thế? Thật đáng buồn và cũng thật đáng thương cho họ.

Theo Nhị Nương/VNQĐ