Văn xuôi – một vỉa văn tài Quang Dũng

385

(Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Quang Dũng 1921-2021)

Sự nghiệp văn học của nhà thơ Quang Dũng(1) không đồ sộ về số lượng, không thật lớn về tư tưởng, nhưng bất chấp những điều đó, tên tuổi ông vẫn cứ chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Điều vừa nói ở trên có lẽ chủ yếu được xác quyết bởi thành tựu thơ, và chủ yếu qua/bằng tập Mây đầu ô (Nxb. Tác phẩm mới, 1988).


Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988)

Tuy nhiên, trong gia tài văn chương Quang Dũng, bên cạnh thành tựu về thơ, còn một mảng văn xuôi gồm các truyện ngắn và kí hiện vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Nhà thơ Trần Lê Văn, một người bạn thân thiết của nhà thơ Quang Dũng, người đã trực tiếp san định và viết Lời giới thiệu cho hai tập Mây đầu ô và Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc (Nxb. Văn học và Nxb.Trẻ, 1988) đã từng nhận định: “Quang Dũng viết văn xuôi khá nhiều. Khối lượng văn xuôi của anh nhiều gấp mấy lần khối lượng thơ” [2, tr.31](2). Đành rằng, trong sáng tạo văn chương, số lượng tác phẩm chưa nói lên được điều gì, nhưng khi khám phá thế giới nghệ thuật của một nhà văn, không thể không nghiên cứu tất cả những sáng tạo của họ, cho dù chất lượng thế nào.

Xét trên tinh thần đó, bài viết này tập trung tìm hiểu mảng văn xuôi như là bộ phận hợp thành toàn bộ sáng tạo của Quang Dũng.

1. Mở rộng biên độ sáng tạo: văn xuôi

Như đã biết, Quang Dũng làm thơ nhất quán một tiếng thơ hào hùng và hào hoa trong mối liên hệ chung riêng, ý thức xã hội và tinh thần nhân bản, sử thi và đời tư, cảm thức hiện thực và lãng mạn hết sức hòa quyện, máu thịt. Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua, Bất Bạt đêm giao quân… đều là những bài thơ như vậy. Một tư thế nghệ sĩ, một tâm hồn rộng mở đã nối tâm hồn thi nhân với đất nước, với những vùng đất quê hương, với những người dân và đồng đội. Cho nên, trong thơ Quang Dũng, không gian được nới rộng, chuyển động cùng với những bước chuyển của lịch sử dân tộc. Như vậy, thơ Quang Dũng, trong những trường hợp kể trên chính là sự lên tiếng về những “câu chuyện lớn”, gắn liền với không khí hào hùng của một thời kì đánh giặc, trong đó có không ít những khung cảnh đồn trú, chuyển quân, tòng quân phảng phất vẻ chiến chinh cổ kính thuở nào… Những bài thơ này có ý nghĩa quyết định làm nên tầm vóc và gương mặt nhà thơ Quang Dũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ đầy hào khí, nhà thơ cũng đã để lòng hướng về những “câu chuyện nhỏ”, những tâm tình thường nhật gắn liền với những mối bận tâm rất nhân bản thường ngày. Đó là một số bài thơ tình như Không đề, Cô gái vườn ổi, Đôi bờ, Đêm Bạch Hạc; một số bài nói về mẹ, về bạn hoặc hóa thân vào tâm tình người khác: Lính râu ria, Quán bên đường… Điều này bộc lộ một quan niệm nhân bản chiều sâu của nhà thơ. Tâm hồn thi nhân không chỉ biết đến những cảm hứng lớn gắn liền với người lính, dân tộc và đất nước mà còn nặng lòng với những phận người, những tha nhân vô danh, bé nhỏ trong nhiều cảnh ngộ cụ thể – được hiểu như chất văn xuôi của cuộc sống thường ngày.

Ai cũng biết, bản chất của mỗi bài thơ là một văn bản trữ tình, gắn liền với phương thức trữ tình, cho dù có thể chứa trong nó những câu chuyện hoặc triết luận. Chính vì thế, thơ không thể soi quét và biểu đạt hiện thực đời sống một cách cụ thể, kĩ lưỡng, chi tiết và toàn cảnh được. Ưu thế này thuộc về văn xuôi, cả văn xuôi hư cấu và phi hư cấu. Một người như Quang Dũng, trong thơ đã có khuynh hướng muốn ôm chứa thực tại theo cách cụ thể, chi tiết như thế, chắc chắn không thể bằng lòng chỉ với thơ; mà như một tất yếu, tâm hồn thi nhân đã tràn sang văn xuôi, viết văn xuôi để thỏa mãn cái cảm quan hiện thực vốn rất phong nhiêu trong thi hứng của mình. Ông đã tìm đến truyện ngắn và kí, chủ yếu là bút kí. Thì ra, nhất quán trong một nội lực sáng tạo, người nghệ sĩ đã đào lên những vỉa sự sống, cũng là những vỉa chữ của nội tâm mình, cốt thỏa mãn những tha thiết đa mang…

Cũng có thể nghĩ thêm điều này: trong các tái công bố về văn xuôi gần đây của Quang Dũng, có tác phẩm bút kí Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào-Việt (kí tên Trần Quang Dũng) được viết sớm nhất là vào năm 1952 [3, tr.311], tức là thuộc quãng thời gian nền văn nghệ của nước ta đã được chỉnh huấn khá kĩ về nhiệm vụ phản ánh người thật việc thật, những tấm gương điển hình của cuộc sống kháng chiến theo tinh thần văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. (Thực ra, Quang Dũng viết văn xuôi sớm hơn, ngay từ năm 1950 với truyện ngắn Mùa hoa gạo do Nxb. Minh Đức xuất bản; hiện tác phẩm chưa được in lại). Với một phương châm văn nghệ như vậy, thể loại thơ không dễ đáp ứng được, và càng khó với một thi sĩ đã từng viết Tây Tiến từ năm 1948. Cho nên, việc tìm đến văn xuôi của Quang Dũng xem như cũng là một phương cách tồn tại trong tư cách một người làm nghề.

Để cắt nghĩa việc Quang Dũng tìm đến văn xuôi, nhất là kí nhiều đến vậy, có thể nghĩ đến một điểm nữa: Trong nhiều bài viết của bạn bè và những người thân trong gia đình, tất cả đều cho biết nhà thơ Quang Dũng là người hay đi, ham đi, đi để thỏa cái thú “lang thang” (như hình ảnh một đám mây ngụ ý tính cách xê dịch của chính mình: Mây ở đầu ô mây lang thang), đi để tìm cảm hứng và chất liệu cho sự viết… Cái thú ham đi của nhà thơ đã in dấu lên nhiều bài thơ, với nhiều địa danh, nhiều nhân vật, và thường được xác nhận bằng địa chỉ ra đời bài thơ ghi ở cuối bài. Ở bút kí cũng vậy. Phần lớn các bút kí là kết quả của những chuyến đi, theo chân các đơn vị sản xuất/ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực; hoặc có khi là những chuyến trở về với những nơi chốn đã từng ăn ở, gắn bó, nghĩa tình… Khi nhà thơ tuổi đã cao, sức đã giảm, ông vẫn nhất quyết vào Lâm Đồng sống cùng với cô con gái đang dạy học trong đó với cái cớ là vào chăm con và để viết (1982-1983). Một số bài thơ, tuy không nhiều, cũng đã ra đời vào quãng mấy năm này. Thì ra, cái thú ham đi cũng là một trong những động cơ thôi thúc nhà thơ tìm đến thể kí. Chính vì là kết quả của những chuyến lang thang, bút kí của Quang Dũng cũng lại mang cái hương vị của du kí, một thứ đi để viết, đi và viết.

2. Mấy nét trội trong văn xuôi Quang Dũng

Trong các tác phẩm văn xuôi đã xuất bản của Quang Dũng, chỉ duy nhất tác phẩm mang tên Mùa hoa gạo được ghi chú là “truyện ngắn” (in riêng thành cuốn sách mỏng), còn lại các tập khác đều ghi rõ thể loại bút kí, hồi kí hoặc truyện kí. Trong số này, tập Nhà đồi (Nxb. Văn học, 1970) ghi là “Truyện – Ký”, tức bao gồm cả truyện ngắn và kí, hoặc cũng có thể để trỏ một lối viết kết hợp giữa thể loại truyện (hư cấu) và kí (phi hư cấu) – như thường thấy trong văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp và sau đó.

Điều dễ nhận thấy đầu tiên là văn xuôi Quang Dũng nổi bật chất ghi chép, kể tả, bám sát hiện thực đời sống. Điều này dĩ nhiên được thể hiện trong các tác phẩm kí, nhưng trong một số tác phẩm được tác giả xác định là truyện ngắn vẫn cho thấy bút pháp hiện thực là bao trùm, kết quả của một cảm quan hiện thực mạnh mẽ. Trong truyện ngắn đầu tiên Mùa hoa gạo tác giả đã kể lại cuộc viếng thăm của nhân vật “tôi” với người lính già vốn là đồng đội cũ ở đội quân nhạc ngày nào, nay ông tạm nghỉ tại hậu phương để chờ ngày trở lại đơn vị. Phần nửa trước của truyện là cuộc hỏi thăm đường của nhân vật “tôi” tới gia đình người lính, nửa sau là cuộc gặp gỡ giữa hai người lính; kết thúc gồm ít dòng nói về việc đến thăm lần nữa của nhân vật “tôi” thì được biết rằng người lính già kia mới trở về đơn vị cũ. Truyện có xuất hiện nhân vật người phụ nữ là vợ của người lính già. Câu chuyện hết sức giản dị, miêu tả bữa ăn, cuộc nói chuyện tay đôi giữa hai người lính, thỉnh thoảng có xen tiếng người vợ của chủ nhân ngôi nhà… Qua câu chuyện dung dị, nhân vật người lính già hiện lên chân thực, mang lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật, lòng tự trọng mong muốn các bản nhạc của đội quân nhạc được trọn vẹn nếu có ông tham gia. Từ khung cảnh cho đến con người được tác giả miêu tả hết sức chân thực, tự nhiên, không hề tô vẽ hoặc cường điệu; không ngoắt ngoéo đánh đố hoặc cầu kì xa lạ. Do mới thử sức sang thể loại truyện ngắn, nên tác giả viết câu chuyện từ/của chính mình một cách dung dị nhất. Bởi thế, nhân vật “tôi” trong truyện ngắn này mang dáng dấp của một nhân vật tự truyện.

Đặc biệt phải kể đến truyện ngắn Xiếc khỉ in trên báo Văn năm 1957, một truyện ngắn khiến Quang Dũng bị liên lụy trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Truyện kể về một gã đàn ông làm nghề bán thuốc dạo dùng chiêu trò xiếc khỉ để quảng cáo, gây chú ý, câu khách; gã dùng con khỉ già hói đầu để làm trò trước đám đông cùng với một vài mánh lới vặt cốt để bán được nhiều hàng. Kết thúc, mấy năm sau, nhân vật “tôi” người kể chuyện lại gặp một gã đàn ông bán thuốc dạo khác cùng một cái đầu lâu con khỉ có hai hố mắt sâu, rồi từ đó nghĩ ngợi về số phận con khỉ già và cảnh xiếc khỉ ngày nào… Câu chuyện có tính mơ hồ, không rõ hẳn ý tứ cụ thể, hay nói cách khác, mang tính gợi, đòi hỏi sự đồng sáng tạo từ phía người đọc. Nó được viết bởi bút pháp hiện thực khá linh động, đặc tả một mảnh đời sống, một câu chuyện nhỏ thuộc về cuộc sống thường ngày. Đây là một truyện ngắn để lại dư vị trong lòng người đọc. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có nhận xét về chuyện này: “Năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập và xuất bản tuần báo Văn, Quang Dũng lại là một trong những cộng tác viên đắc lực. Các bút kí về sinh hoạt văn hóa đời thường ở Hà Nội như các trò xiếc khỉ, diễn trò kèm với bán thuốc “cao đơn hoàn tán” cạnh bờ hồ Gươm… do Quang Dũng viết, rất sống động, vui nhộn; tiếc thay, trong mắt một vài nhà phê bình quyền uy thì nó lại là sự nhấm nháp các mảnh sống cũ kĩ, khi mà người ta đòi hỏi “con người thời đại” trên mặt tờ báo văn chương phải có ngay đường nét của con người xã hội chủ nghĩa! Vậy là mấy bài bút kí của Quang Dũng bị nêu tên phê phán, bên cạnh các bài “nặng tội” hơn, của các tác giả khác”(3).

Theo như nhà thơ Trần Lê Văn cho biết: “Truyện ngắn Nhà đồi của anh là truyện người thật việc thật, thật đến cả cái tên mẹ Lưu” [2, tr.34]. Cho nên, một số truyện ngắn của Quang Dũng, tuy số lượng ít nhưng cái chất kí vẫn chi phối và… hôn phối. Chẳng riêng gì Quang Dũng, đây cũng là một đặc điểm lớn của văn xuôi hư cấu trong văn học Việt Nam kể từ sau 1945 kéo dài cho đến những năm cuối thế kỉ XX, thậm chí cho đến bây giờ chưa hẳn đã hết.

Điều vừa nói ở trên dẫn đến một đặc điểm thứ hai trong văn xuôi Quang Dũng, nhất là ở các tác phẩm kí, nhiều lúc tác giả thỏa hiệp với tính thông tấn, để cho các thông tin sự kiện (tên đất tên người, các số liệu thống kê, kể việc “mớ rau con cá”) hơi nhiều. Thành ra, trong một số tác phẩm có những trang/đoạn hơi bị nặng nề, không cần thiết, giảm bớt tính hàm súc và thanh thoát của tác phẩm. Điều này cũng có thể lí giải được. Quang Dũng là người rất nghiêm cẩn với thông tin thực tế, nể vì những người đã gặp, lại đọc rộng biết nhiều. Nên khi viết, có thể ông có tâm lí nói cho hết ngọn nguồn lạch sông. Cái chu đáo trong viết lách hóa ra không hẳn lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Một số bút kí như Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì, Có cây có người, Hà Nội mùa xuân trên sông hồ, Rừng về xuôi, Quỳ Châu… là những minh chứng cho cái sự thiếu tiết chế của nhà thơ.

Văn xuôi Quang Dũng bao giờ cũng săn tìm và biểu đạt những con người tình nghĩa trong cuộc sống hàng ngày một cách bình dị mà cảm động. Ở đâu cũng bắt gặp con người tình nghĩa, họ luôn biết nhường nhịn, sẻ chia, giúp giập nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, trong khi giặc giã… Đây cũng chính là một đặc điểm nổi bật của văn xuôi Quang Dũng. Ở truyện ngắn Hoa lại vàng tháng Chạp, hai nhân vật người bà và người cháu đều nằm viện hiện lên như những con người giàu lòng thương, dễ động lòng trước nỗi khổ của người khác, có nhu cầu được cảm thông và chia sẻ cùng nhau. Từ hai người dưng, sau bảy tám tháng trời bỗng trở thành bà cháu của nhau, như tình ruột thịt. Câu chuyện thật dung dị mà khiến người đọc xúc động. Hay trong các truyện Quê trung du, Nhà đồi, trong nhiều bút kí đều quây quần những con người bình dị, nhiều khi khuất lấp, vô danh nhưng giống nhau một điều: giàu nghĩa tình và và sống nghĩa tình. Điều này cũng rất đúng với con người Quang Dũng, ông vô cùng yêu thương con người, dễ mủi lòng trước những phận người bé nhỏ. Bút kí Những căn nhà đi miêu tả khung cảnh người dân xã Đường Lâm – Ba Vì làm những ngôi nhà tre và chuyển chúng về dựng tại khu phố Khâm Thiên để tặng bà con lấy chỗ ở sau đợt bom Mỹ rải thảm (năm 1972). Họ làm công việc tình nghĩa đó một cách rất đỗi tự nhiên, vui vẻ, có phần kiêu hãnh vì đã được làm việc tốt. Quang Dũng viết bút kí đôi chỗ cũng phải theo thời, cũng ngợi ca phong trào, cũng vẽ ra những hi vọng về viễn cảnh đổi đời. Thế nhưng, điều làm cho các trang văn xuôi Quang Dũng trở nên ấm áp, sâu lắng là do ông đề cao con người tình nghĩa, coi tình nghĩa như một phẩm giá cao quý ở đời.

Đọc vào văn xuôi Quang Dũng sẽ rất dễ nhận ra, cả truyện ngắn lẫn kí đều mang tính thơ rõ nét, chất thơ mỗi khi có dịp lại tràn vào, đòi quyền có mặt và lên tiếng. Có hai biểu hiện rất rõ về điều này: Thứ nhất, một số vùng đất gắn liền với những địa danh đã là nguồn cảm hứng cho thơ, đã từng đi vào thơ, nên khi gặp lại cảm xúc được đánh động, bừng lên bao hoài niệm nghĩa tình: địa bàn biên giới Việt-Lào, Bất Bạt, Ba Vì, Vật Lại, sông Đáy, Sơn Tây(4)… Thứ hai, nhiều trang văn Quang Dũng chan chứa hình ảnh diễm lệ, sống động của cảnh và người, các câu chữ chen xô giàu nhịp điệu như thể một thứ thơ văn xuôi quyến rũ. Hãy thử đọc hai đoạn trong số rất nhiều những trang văn như thế:

“Mùa đông chính là mùa cọ chín ở rừng. Quả cọ chín rụng lộp bộp xuống những tầng lá ở bụi cây dưới tán mình. Lá cọ vốn đã căng mỏng giống như một cái mặt trống bằng da, một giọt mưa cũng đủ gõ kêu lên một tiếng bộp giòn tan. Một cơn mưa rừng cọ có khác nào một đội trống ếch thiếu nhi khua đến thỏa thích? Có thể nói là mưa to ở rừng cọ, thật giống một trường nhạc được tháo khoán, tha hồ mà nện dùi rối rít trên hàng trăm cái mặt trống” (Mùa quả cọ).

“Một khoảng trời xanh sông Thương ùa vào và những vườn cam chín đỏ như những đốm lửa khắp miền trung du đồi son, cuội tím ấy cứ hiện dần lên. Bà kể rằng chợ Kép có đường vào đồi Bố Hạ. Đường chín cây số qua đồi chè và những vườn cam. Khách thì ngủ gà ngủ gật, con ngựa thì bờm tóc đầy bụi than tàu hỏa, và thỉnh thoảng xe lại dừng ở một cái quán che cái phên lau, ông xà ích nhẩy xuống rít một hơi thuốc lào và hớp một bát nước chè tươi vàng óng. Này quả cam Bố Hạ vỏ trông có khác gì một thứ men Bát Tràng, mà ruột thì ngọt mát  cứ thấm dần vào đến tận phổi” (Hoa lại vàng tháng Chạp)(5).

Trong văn xuôi Quang Dũng, vô số những đoạn văn xôn xao hình ảnh, không khí và nhịp điệu đẹp đẽ như vậy. Có những lúc hồn thơ không kiềm chế được đoạt lấy chỗ của văn xuôi mà lên tiếng. Quang Dũng là thế. Ngay cả việc đặt tên những truyện ngắn, bút kí cũng mang cái duyên dáng của câu thơ: Hoa lại vàng tháng Chạp, Nhà đồi, Có cây có người, Những căn nhà đi, Như thể tìm chim, Hà Nội mùa xuân trên sông hồ… Cũng lại nhà thơ Trần Lê Văn đã từng nói về bạn mình: “Quang Dũng viết văn xuôi khá nhiều. Khối lượng văn xuôi của anh nhiều gấp mấy lần khối lượng thơ. Tuy thế, nghề chính của anh vẫn là nghề làm thơ. Anh viết văn xuôi cũng là một cách làm thơ…bằng văn xuôi” [2, tr.31]. Quả là con người thi sĩ trong Quang Dũng đã bao chiếm, chi phối tất cả những sáng tạo khác nhau của ông, cả văn xuôi, cả tranh và nhạc.

3. Anh hoa còn lại…

Với một lựa chọn thật thật khắt khe, theo tôi, văn xuôi Quang Dũng sẽ còn lại mấy tác phẩm này: Xiếc khỉ, Hoa lại vàng tháng Chạp, Quê trung du, Nhà đồi (truyện ngắn); Cống Trắng Khâm Thiên, Mùa quả cọ, Những căn nhà đi, Bãi sậy phía Bắc hồ Tây, Mùa gặt đến (bút kí).

Trước hết nói về truyện ngắn. Quang Dũng viết truyện ngắn không nhiều. Truyện của ông không có cốt truyện, hay nói cách khác là cốt truyện đã được nới giãn, làm nhòe. Tác giả tập trung vào nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong các tác phẩm, số lượng nhân vật rất ít, thường chỉ có hai, ba; họ sống trong một không gian hẹp (ngôi nhà, bệnh viện), thấy hết về nhau, ăn nói với nhau, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau. Khung cảnh bình dị, nói năng bình dị, mọi thứ hiện lên rất đỗi tự nhiên, quen thuộc, thân tình, mang hơi ấm của tình thương. Truyện của Quang Dũng cũng không thấy có ngón nghề gì thật đặc sắc. Nhưng rất lạ, ở những truyện ngắn thành công nhất, câu chuyện cứ vấn vít, níu giữ người đọc. Dường như cái không khí câu chuyện mà nhà văn tạo dựng đã làm nên cái duyên của truyện, thắt buộc người đọc. Trong Quê trung du, lạ lắm, cái không khí thơm tho của một xóm đồi như thế này bảo sao không quyến rũ cho được: “Anh đón bát nước chè tươi và cảm ơn bà hàng vui tính, hay săn sóc người. Một chị gánh hai thúng thị đỗ vào hàng, xếp cho bà cụ ít quả mới. Mùi thị tràn ngập cả căn hàng nhỏ xinh. Cô gái nhanh nhảu nhún cái đòn gánh đi về chợ Nhông, ghé đặt mỗi hàng ít quả thơm của vườn cô (…). Mưa đã tạnh và mặc dầu còn bay bay ít hạt, con đường đất đỏ đã thấm khô ngay tưởng như không có trận mưa vừa qua nữa. Chỉ còn khí trời là mang hơi lạnh của những trận mưa ngâu, mát như muốn thấm vào da thịt người rờn rợn. Lúa mọc ở ven đồi mang trĩu những giọt nước. Núi Ba Vì bỗng xanh quá, xanh như cắt bằng mảng bìa lơ dựng ngay sau làng Cốc. Gánh thị vàng của cô gái cũng đã khuất sau một vạt gò mé Phủ Quảng”. Có phải đoạn văn xứng đáng làm một vẻ đẹp mẫu mực về văn học sinh thái đó không?… Còn đây là vẻ đẹp của tình người, của mẫu tính lặng thầm mà chan chứa yêu thương dành cho mấy đứa trẻ từ Hà Nội về sơ tán: “Cụ không nói ra, nhưng lòng bà mẹ làng đồi rộng lượng, đầy sự yêu thương ấy nhưng cũng thấy rưng rưng xúc động. Hà Nội, chính cái Hà Nội cụ đang nghĩ đến ấy, nó đang sáng cả cái căn nhà đồi này đây, nó đang trong trẻo trong giọng đọc bài lanh lảnh của các cháu bên ngọn đèn bão sơ tán. Những ngọn đèn sáng tưng bừng cả ba gian nhà đồi của cụ” (Nhà đồi)… Truyện ngắn của Quang Dũng luôn mang vẻ đẹp của sự phác giản mà nồng hậu.

Các tác phẩm bút kí của Quang Dũng tuy vẫn mang âm hưởng của tinh thần lạc quan cách mạng có phần hơi dễ dãi và ý hướng đổi đời chủ đạo ngày đó, nhưng cơ bản Quang Dũng vẫn cứ có khuynh hướng viết về những câu chuyện nhỏ, những tâm tình nhỏ của cuộc sống thường ngày. Cộng thêm cảm quan hướng về con người tình nghĩa, nên các trang bút kí của Quang Dũng trở nên rất đỗi thân thuộc và nồng hậu. Cống trắng Khâm ThiênBãi sậy phía Bắc Hồ Tây mang cảm thức lịch sử về một quá khứ đau thương, hào hùng của Hà Nội. Mùa quả cọ, Những căn nhà đi, Mùa gặt đến là những bút kí gọn ghẽ, xinh xắn, như những bức tranh cuộc sống bình yên, tình nghĩa và chứa chan hy vọng. Bút kí Mùa gặt đến mang phẩm hạnh của một truyện ngắn dễ thương. Một khung cảnh làng quê vào mùa gặt. Một bữa cơm mới vui đón mùa màng do ông chủ mời gia đình sơ tán đông miệng ăn cùng thưởng thức. Những tiếng reo “Lúa về! Lúa về bà ơi!”; tiếng những đứa trẻ nô đùa; những cây rơm vàng óng mọc lên, trên đầu đội một cái niêu đất che mưa… tất cả đã làm nên một bức tranh cuộc sống thôn quê chan hòa âm thanh, mùi vị, sung túc, ấm áp tình người.

Tạng văn xuôi Quang Dũng rất thích nói về không gian miền trung du, làng đồi, và xa hơn chút là rừng núi; ở đó có những con người thật thà, bình dị, vô cùng nhân ái, biết thương người, biết chở che và chăm lo cho những người hoạn nạn. Quang Dũng không hướng về những con người phi thường. Nếu đây đó có nhắc đến lãnh tụ hoặc những nhân vật cán bộ, nhà văn cũng miêu tả phương diện đời thường của họ với một cự li gần, thân mật.

***

Phần di sản còn lại xuất sắc nhất của Quang Dũng vẫn cứ phải là thơ. Thơ mới là nơi phơi mở hết cái chất tài hoa lãng tử nhưng cũng đầy tráng chí của con người Quang Dũng. Tuy nhiên, ở văn xuôi, lại thấy đậm đà mẫu người của yêu thương tình nghĩa. Bộ phận văn xuôi này hợp với mảng thơ đã góp phần tạo dựng một chân dung nghệ sĩ, một văn tài Quang Dũng đầy đặn, sáng nét và sống động hơn.

Hà Nội chớm đông, 21/10/2021

Theo Văn Giá/VHSG

_______________

(1) Để thực hiện bài viết này, tôi đã được chị Bùi Phương Thảo, con gái của nhà thơ Quang Dũng cung cấp một số tư liệu và tác phẩm của nhà thơ chưa tái xuất bản, rất khó tìm kiếm.  Nhân đây xin bày tỏ niềm biết ơn tới chị, người đã hào hiệp giúp tôi một số tài liệu cần thiết.

(2) Các tác phẩm văn xuôi của Quang Dũng:

– Mùa hoa gạo (Truyện ngắn), Nxb. Minh Đức, 1950.

– Đường lên châu Thuận (Bút ký), Nxb. Văn học, 1964.

– Nhà đồi (Truyện ký), Nxb. Văn học, 1970.

– Làng đồi đánh giặc (Hồi ký), Ty văn hóa Hà Sơn Bình xb., 1976.

– Một chặng đường Cao Bắc (Truyện ký), Nxb. Tác phẩm mới, 1979.

– Nhà đồi (tuyển), Nxb. Văn học, 1983.

– Gương mặt Hồ Tây (in chung với Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn), Nxb. Hà Nội, 1984.

Những tác phẩm trên, sau này đã được tuyển chọn để đưa vào các tập Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc (Nxb. Văn học và Nxb. Trẻ -TP.HCM, 1988), Quang Dũng – Mây đầu ô, Thơ văn Quang Dũng, Nhà đồi (Nxb. Hội Nhà văn, 2014). Ở hai sách này, các tác phẩm văn xuôi của Quang Dũng chưa được đưa vào đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải dựa vào đó vì không có trong tay các sách đã in rải rác trên kia. Riêng các truyện ngắn Xiếc khỉ (báo Văn, số 7 tháng 9-1957) và Mùa hoa gạo (Nxb. Minh Đức, 1950) do gia đình nhà thơ cung cấp.

(3) http://lainguyenan.free.fr/TungDoanDuongVan/QuangDung.html.

(4) Các địa danh này từng đi vào một số bài thơ như: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua, Những cô hàng xén, Ba Vì đón Bác…

(5) Nhiều trang/đoạn văn xuôi Quang Dũng xứng đáng trở thành những ví dụ sống động về vẻ đẹp tiếng Việt, và rất nên đưa vào sách giáo khoa các cấp.

Tài liệu tham khảo:

[1] Quang Dũng (1986), Mây đầu ô (thơ), Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội.

[2] Trần Lê Văn (Sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, 1988), Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc, Nxb. Văn học, Hà Nội –Nxb.Trẻ, TP.HCM.

[3] Quang Dũng (2014), Mây đầu ô (thơ), Thơ văn Quang Dũng, Nhà đồi (bút ký), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[4] Trần Ngọc Trác – Bùi Phương Thảo (Sưu tầm và biên soạn, 2017), Nhà thơ Quang Dũng, từ Tây Tiến đến Tây Nguyên, Trần Ngọc Trác – Bùi Phương Thảo sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[5] Phương Thảo – Tô Chiêm (Biên soạn, 2020), Nhà thơ Quang Dũng – Người mang trong trắng đi tìm thanh cao, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội.