Vàng thơm bóng dáng rừng tràm – Tạp văn của Diệp Linh

590

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cây tràm vốn thân quen với người dân miền Tây sông nước bởi tràm đã gắn bó với cuộc sống mưu sinh của biết bao thế hệ, là người bạn đồng hành khi đất nước ta còn trường kì kháng chiến, cả trong thời bình sau chiến tranh.

Tác giả Diệp Linh

Nam Bộ có câu ca dao:

Mắm trước, đước sau, tràm theo sát

Sau hàng dừa nước mái nhà ai”

Để có được cánh đồng lúa phì nhiêu, màu mỡ, những vườn cây đặc sản, cây trái sum suê, xanh mát, phố xá đông vui, nhà cửa khang trang như bây giờ vì cây tràm là một trong ba loại cây một thời được nhân dân quê tôi đề cao. Làm nhiệm vụ tiên phong mở đất. Như thế, người xưa ví “công trạng” của cây tràm như câu ca dao trên.

Vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười được xem là thánh địa của cây tràm. Họ nhà tràm có vô số loài, nhưng quê tôi có loài phổ biến tràm bông vàng. Cứ mỗi buổi chiều tà, tôi hay ngồi trên chiếc xuồng ba lá nhỏ xuôi theo dòng kênh trước nhà. Khung cảnh thiên nhiên hoang dã mang lại cảm giác thật yên bình, mát mẻ.

Vào mùa tràm trổ bông, cái âm u, cô tịch lại nhường chỗ cho sự sôi động, một màu vàng óng ánh của bông tràm bao trùm cả rừng tràm, cùng tiếng đập cánh của ong bay nhộn nhịp “đi bông”. Hương bông tràm cùng hương mật ong hòa quyện với nhau tạo thành “hương rừng” đặc sản vùng quê tôi.

Có những thứ cho đến tận bây giờ, dù nhà tôi dọn ra huyện sống nhưng má vẫn hay về trong đồng, chọn những cây tràm chắc khỏe, lột lớp vỏ dễ tróc đem về để dành nhóm lửa. Vỏ tràm “bắt lửa” rất nhanh, những nồi cơm nấu bằng củi tràm, vỏ tràm có mùi thơm rất đặc biệt, đó chính là “hương vị quê nhà”.

Cũng là loài hoa hoang dại nhưng bông tràm có hương thơm dịu nhẹ, lắng đọng, là hình ảnh của sự mạnh mẽ, trong sáng, ví như ý chí kiên cường của người dân miền Tây vượt lên những khắc nghiệt của bùn phèn, làm ra những sản vật quý giá, tựa như hương thơm loài hoa sen thuần khiết:

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bông tràm nở vàng rực một góc trời còn có khả năng thu hút, quyến rũ những bầy ong hút mật hoa chăm chỉ. Vì thế, đã tạo ra một loại mật ong rừng tràm- một đặc sản quý giá vùng đất phèn quê hương tôi.

Những lúc tôi bị cảm, má hay đi dọc bờ kênh hái những lá tràm xanh mướt đem vô nấu nồi nước xông, từ lá tràm phát ra mùi thơm dịu nhẹ của tinh dầu. Chỉ cần một nồi nước xông, xông ba lần liên tiếp. Tôi dần khỏe ngay mà không cần dùng nhiều thuốc uống. Trong lá tràm có hàm lượng tinh dầu rất cao, giúp điều trị nhiều loại bệnh như chống cảm lạnh, giảm ho, làm ấm cơ thể khi chân tay lạnh, giảm đầy hơi khó tiêu, giảm vết bầm tím, chống côn trùng cắn, ức chế virus cúm H5N1. Tinh dầu tràm dùng để chế biến thành các loại cao xoa bóp, tinh dầu xông chữa nhức mỏi, chữa đau khớp, trị mụn nhọt, pha nước tắm có tác dụng làm cho tinh thần thư thái, giảm căng thẳng mệt mỏi. Sản xuất dầu tràm với nhiều công đoạn công phu, rất vất vả, vì thế mà giá thành cũng không hề rẻ.

Dầu tràm được chưng cất từ lá tràm, với 150kg lá tràm có thể thu được 500ml dầu tràm nguyên chất.

Đầu tiên cho lá tràm vào nồi to, đổ nước vô nồi theo tỉ lệ 2 lá: 1 nước, đun nước trong nồi từ 5-6 tiếng, để lửa đều không để thiếu lửa cũng không để lửa quá lớn tránh làm giảm chất lượng dầu tràm. Để thu hoạch được tinh dầu tràm, cần có một ống hơi nối từ nắp nồi đậy kín dẫn đến một cái chai hứng dầu tràm, chai này để trong thau nước lạnh ngập đến cổ chai. Như thế khi tinh dầu tràm bốc hơi lên đi qua ống truyền xuống chai gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại thành từng giọt. Nồng độ dầu tràm sẽ giảm đi theo những lần chưng cất tiếp theo. Nên mẻ đầu tiên là dầu tràm nguyên chất nhất. Dầu tràm chưng cất được bảo quản trong chai thủy tinh, khi cần lấy ra dùng dần. Ngoài ra, nguyên liệu từ cây tràm có thể làm bột giấy có chất lượng cao. Trải qua vài năm trở lại đây, từ những công dụng của cây tràm đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân vùng trũng, phèn nơi đây.

Vì thế, người dân quê tôi không chỉ yêu mà còn bị ma lực rừng tràm cuốn hút, quyến rũ đến mức chẳng thể rời xa mảnh đất thân quen đã gắn bó hàng chục năm qua.

D.L