Vạt nắng chiều – Truyện ngắn Hoàng Hân

788

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng trống đám ma vang rền cả xóm, bà con chen chúc đổ xô nhau về đứng trước cửa nhà ông ba Trạch để đưa tiễn ông về với đất mẹ.

Trong nhà, con cháu ông ba quỳ trước linh cữu ông mà khóc than, quỳ lạy thảm thiết. Bà con bên ngoài dù là nước lã người dưng nhưng mắt cũng đỏ hoe nhìn nhau rồi lắc đầu. Có người còn xầm xì bảo “hồi chú ba còn sống có thấy đứa nào về nuôi ổng một ngày một bữa đâu. Giờ ổng mất rồi nó khóc làm như có hiếu lắm”. Ờ, cũng đúng. Từ trước tới giờ, tôi chỉ thấy ông ba ở thui thủi một mình chẳng vợ, chẳng con. Đùng một cái, khi ông mất, con cháu về chật kín cả nhà. Nghĩ cũng ngồ ngộ…

– Có ai thấy thằng Thiện không? Hổng biết nó có về hông he?

– Cha nó mất không lẽ nó không về?

– Nó là con riêng của chú ba mà. Mấy anh chị nó có ưa nó đâu.

Con sông trước nhà ông ba vẫn chảy mãi, chảy những nhịp miên man theo từng tiếng trống âm vang. Ông ba ăn ở rất được lòng xóm giềng nên bà con đến đưa linh cữu ông đông nghẹt. Bên này sông đứng giáp cả con đường làng, bên kia sông bà con cũng đứng trông sang. Đưa mắt dõi trông dòng người đưa tang, tôi tìm và mong được chạm phải vào anh Thiện. Hồi ông ba còn sống, một mình anh Thiện phụ giúp trong ngoài, vậy mà đã ba ngày từ khi ông ba mất chẳng thấy bóng dáng ảnh nơi đâu. Chắc bà con nói đúng, ảnh sợ mấy anh chị đang gào khóc thảm thiết trong kia, sợ mình sẽ không “hiếu thảo” bằng nên có lẽ chọn một góc khuất nào đó mà âm thầm quỳ, đeo băng vải trắng ngang đầu, dòng nước mắt cũng âm thầm rơi mà thương khóc cho hương hồn ông ba Trạch.

Gió từ sông thổi luồn vào dòng người nghe mát lạnh, đám lá khô ngoài vườn trở mình nghe xào xạc nhưng cũng không át nổi tiếng khóc gào của đám con ông ba. Ai không biết chắc còn lầm tưởng ông ba có phước lắm, có đám con đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng đâu ai biết được, ẩn sau tiếng khóc đó là những âm mưu đen tối.

Ông ba là dân xứ Gò Tháp, hồi sau giải phóng bà con thấy ông cùng vợ bồng bế dắt díu ba người con về vùng Vĩnh Trạch này sinh sống. Nghe nói hồi ông ba về đây chẳng có một cục đất chọi chim. Nhờ siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó nên mới năm trước năm sau, vợ chồng ông ăn nên làm ra mua được mấy sở điền, rồi xây nhà xây cửa. Tuy có của ăn của để nhưng họ chẳng se sua, sắm sửa đua đòi. Tờ mờ sáng, gà chưa gáy là đã thấy ánh đèn nơi nhà ông ba Trạch, nghe thấy tiếng lửa tí tách, tiếng lá dừa khô cháy xèo xèo nơi chái bếp, nghe hương trà thoang thoảng gió heo may. Đúng năm giờ là vợ chồng ông xách cuốc, xách liềm ra đồng. Quanh năm suốt tháng, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cần kiệm chắt chiu mà các con ông ai cũng ăn học đến nơi đến chốn. Con trai lớn của ông hiện tại là giám đốc của công ty ABC gì đó ở tuốt trên Sài Gòn. Còn con gái thứ thì lấy chồng ở xứ Kiên Giang nghe đâu nhà cửa cũng ruộng đất bạt ngàn. Còn con trai út là một diễn viên điện ảnh. Ai cũng có danh, có tiếng bởi thế mà đám ma ông ba, nhà báo, phóng viên cũng đông nghẹt (chắc là các con ông thuê đến) quay phim, chụp hình lăng xăng lít xít. Ông năm Hên, bạn cố cựu của ông ba, thấy chướng mắt, chửi đổng một câu: “ĐM, làm chuyện khó coi”.

Nghe các ông bà kể về cuộc đời ông ba, tôi thấy thương cho ông quá. Vợ thì mất sớm chắc bởi do lao lực quá nhiều, ông ở vậy thui thủi một mình nuôi con. Ủa, vậy anh Thiện là ai? Sao nghe nói ông ba chỉ có ba mặt con? Có khi ngoài ông năm Hên ra, chẳng ai biết rõ.

Gió nơi mé sông lại thổi vào xao xác đám lá khô. Tờ lịch mỏng manh nơi cửa buồng cũng khẽ lật nhẹ rồi bay vèo trước gió. Người ta nói ông Ba về (mà ngộ, nhà ổng ở đây chứ ở đâu mà về với không về). Những giọt nắng cuối chiều rớt nhẹ xuống thềm nhà. Linh cữu ông ba bắt đầu được đưa ra ngoài gò mả, nơi đó đã xây sẵn kim tĩnh cho ông. Dòng người nô nức nối đuôi nhau dài cũng cả trăm mét. Ông ba đã yên nghỉ, còn anh Thiện, anh đang ở đâu?

***

– Hồi đó, thím ba mới mất chưa giáp năm tự nhiên ở đâu ông ba dẫn về thằng nhỏ bảo là con…

– Đợt đó, đám thằng Lộc, con Thủy quậy ổng dữ lắm luôn.

– Mà thằng nhỏ coi mặt mày cũng sáng sủa, phúc hậu giống ông ba.

– Tao thương thằng đó nhất, còn đám con của chú ba sao mà tao chẳng ưa đứa nào…

Cái quán nước đầu xóm lại rôm rả chuyện về nhà ông ba Trạch. Cũng đã bốn ngày từ bữa chôn ông ba, tôi cũng cố đi loanh quanh trong xóm để tìm anh Thiện mà bặt vô âm tín, chẳng thấy bóng dáng anh đâu.

Anh Thiện lớn hơn tôi bốn tuổi, anh học giỏi lắm. Hồi đó tôi cũng như bà con trong làng này cứ thắc mắc về danh tính của anh, có thật anh là con ông ba hay không? Những buổi trốn ngủ trưa, hai anh em thường bơi xuồng ra đồng câu cá, bắt cua, hái rau tôi cứ dò la tra hỏi, lần nào cũng vậy anh cứ bảo tao là con tía tao chứ con ai, mày hỏi ngộ. Vậy là tôi đành câm họng…

Anh Thiện học xong lớp 12 là được tuyển thẳng vào trường Bách Khoa ở Sài Gòn, ảnh sợ ông ba lo không nổi cho ảnh vào đại học nên ảnh cứ dùng dằng đòi nghỉ ở nhà phụ tiếp mần ruộng với ông ba. Mà đời nào ông ba chịu, nên ảnh đành khăn gói lên Sài Gòn trọ học. Tôi biết chắc là anh Thiện có về khi nghe tin ông ba mất, nhưng sau mà gần cả tuần chẳng thấy mặt mũi, không lẽ ảnh muốn tránh mặt cả xóm này hay sao?

– Thằng Thiện kìa mấy bà ơi!

– Đúng rồi, nó đi với chú năm Hên kìa.

– Hình như chú năm dẫn nó qua thắp nhang cho tía nó.

Đúng là anh Thiện rồi, cái dáng hình quen thuộc, cái làn da đen sạm vì nắng đồng. Tôi tính kêu lớn tên anh nhưng có một thế lực vô hình nào đó ngăn tôi lại. Anh Thiện và ông năm rẽ vào nhà ông ba. Vậy là hổm nay anh Thiện tá túc ở mái tranh ông năm, sao tôi lại không nghĩ đến chỗ đó sớm hơn chứ.

– Thằng con hoang này, ai cho mày đụng đến bàn thờ cha tao hả?

– Đi. Đi ra khỏi nhà tao, thứ con không mẹ, không ai dạy dỗ…

– Thấy cha tao chết rồi mày về đây để mong được chia gia tài hả? Đừng có hòng, một đồng, một cắc tao cũng không chia mày đâu… Đồ con hoang.

– …

Những người con “hiếu thảo” mắng chửi đuổi xua một “đứa con hoang”? Cuộc đời sao mà lắm chuyện trớ trêu…

Chiều đã đậu xuống nơi bậu cửa, quả cầu lửa khổng lồ cũng dần dịu mát khuất dần sau dãy núi.

Tiếng đờn kìm nhà ông năm hôm nay tiếp tục vang đều, nhưng giọng ca hòa đờn đã thay đổi. Tiếng ca hôm nay trẻ trung hơn, lanh lảnh hơn, ngọt ngào hơn thay cho cái giọng mùi mùi nghe nghèn nghẹn của thuở nào.

– Thằng nào đứng ngoài cửa vậy bây? Vô đây, lấp ló tao thả chó ra nó rượt chạy tuột quần bây giờ.

Tôi gãi gãi đầu lò dò bước vào đáp lại nụ cười hiền hòa của anh Thiện. Ông năm thì nheo nheo mắt, dường như đang cố nhớ xem thằng này là con cái nhà ai trong cái xứ Vĩnh Trạch này.

– Thằng Tí con chú ba Chậm ở cuối xóm mình nè chú năm.

Anh Thiện thay tôi mà nhắc bài cho ông năm. Ông năm nghe xong gật gật, à con thằng ba Chậm. Ông già tía mày chậm y như cái tên nó. Hồi trước, nó đi hỏi vợ tao làm chủ hôn nè, nó lề mề, chậm chạp suýt chút nữa là mất vợ rồi. Được cái nó giỏi…

Tôi và anh Thiện nhìn nhau cười. Tiếng đờn lại được ngân lên. Giọng ca anh Thiện hòa theo đờn lúc bổng, lúc trầm. Anh xuống xề nghe mùi hơn chuối hương chín rục, tôi ngân nga nhịp nhàng theo điệu nhạc. Miệng thổi vù vù vào ly trà nóng bốc khói thoang thoảng hơi sông. Khói thuốc rê hòa vào khói trà cứ quẩn quanh, như đã có mặt quanh đây từ hồi nào xa lắm.

Ngưng bài đàn, ông năm nhìn tôi rồi nói một câu làm tôi điếng hồn “mày tới tìm tao để hỏi về cuộc đời thằng Thiện phải không?”. Hình như ông năm đọc được suy nghĩ trong tôi, hay ông năm là thầy bói, nên bói được chuyện này…

Tôi im lặng, khẽ gật đầu trước ánh mắt dò xét của ông. Anh Thiện cũng nhìn tôi với nụ cười hiền hòa, trìu mến.

Ông năm nâng tách trà lài lên nhấp nháp tí một, mắt đã chuyển hướng ra mé sông. Hít một hơi thuốc dài, chầm chậm nói, không biết là nói với tôi, với anh Thiện hay là nói với hay là nói với người bạn già vừa nằm xuống đang ở đâu đó trong khoảng không vô định.

– Tao, ba Trạch và chín Lê là bạn chiến đấu ở chiến trường Gò Tháp. Hồi đó, ba đứa tao có hứa với nhau sau trận đánh năm 75 thằng nào còn sống thì phải lo cho những thằng nằm xuống được mồ yên, mả đẹp. Lúc đó, đi đánh giặc, sống chết cách nhau chưa đầy tấc gang, nên phải tính trước. Vậy mà, mới hẹn nhau mấy ngày trước, mấy ngày sau máy bay giặc bất ngờ tập kích. Tao với anh ba may mắn thoát chết, anh chín thì gục chết trên tay tụi tao. Hôm đó, máy bay giặc bay rợp trời, anh em trở tay không kịp. Thiệt tình. Tao nhớ hoài trước lúc nhắm mắt, anh chín bảo lo cho thằng Thiện, con trai ảnh giùm rồi mới xuôi tay…

Không hẹn mà tôi và ông năm đều đưa mắt nhìn sang anh Thiện. Ông năm nhìn mà xót xa cho thằng cháu bất hạnh. Còn tôi thì nhìn anh với ánh mắt bất ngờ xen lẫn cảm thương.

– Sau hòa bình, tao với anh ba có đi tìm tin tức gia đình anh chín. Người ta chỉ đâu tận miệt Bình Phước, tao với ảnh cũng ráng khăn gói đi tìm. Gần cả tháng trời dò la, rồi cuối cùng cũng tìm được. Mày nhớ cái ngày tao với tía Trạch của mày ghé nhà đón mày không hả Thiện?

– Dạ nhớ chứ chú năm. Hôm đó là ngày mồng 8 tháng chạp. Tự nhiên có hai ông già râu tóc lốm đốm bạc đi thẳng vô nhà, con sợ hết cả hồn. Sau đó mới biết là bạn chiến đấu của ba con…

– Lúc đó, thằng Thiện ở với người cô, cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên nó ăn học cũng chẳng tới đâu. Anh ba thấy vậy mới ngỏ lời xin rước nó về xứ này, rồi nhận nó làm con, lo cho ăn học đàng hoàng. Lúc đầu, nó có chịu đi đâu? Nó khóc như ai đẩy nó vô chỗ chết vậy. Tao với anh ba phải ở lại đó gần 3 ngày liền mới thuyết phục được nó. Bởi, con nhà lính lì hết chỗ nói.

Trên đường về, anh ba cứ dặn đi dặn lại là không có nói rõ lai lịch thằng Thiện cho bất cứ ai, cứ bảo nó là con rơi của ảnh hồi ở chiến trường. Tới giờ tao cũng chưa hiểu tại sao mà ảnh làm vậy? Cứ nói rõ ra có phải là êm xuôi hơn không?

Ông Năm nén lại một tiếng thở dài. Thì ra anh Thiện là con của một người bạn chiến đấu với ông ba. Cảm nghĩa người bạn cũ mà ông ba chấp nhận chịu bao lời bấc tiếng chì, cố nuôi con trai người bạn mình thành danh, đỗ đạt. Nhưng vì sao ông ba lại nói dối thì không ai biết. Chắc là ông ba nghĩ điều đó tốt cho anh Thiện?

Ánh trăng hôm nay sáng quá, soi tỏa cả một khoảng sân nơi nhà ông năm Hên. Giờ đây, ông ba Trạch đâu còn nữa, đâu còn ai ngồi nói chuyện đời xưa cùng ông năm. Những người bạn chiến đấu dần dần đều về với đất, để rồi vùng đất này sẽ mãi xanh tươi.

***

Hôm nay cả xóm Vĩnh Trạch lại xì xào…Chuyện ông ba Trạch để lại trong di chúc, cho thằng Thiện với danh nghĩa là con trai út của ông, nguyên căn nhà và vạt đất ở cặp mé sông…

H.H