Vẻ đẹp của dòng chảy văn nghệ dân gian

867

 

Trịnh Vĩnh Đức (Nhà giáo, nhà thơ Thanh Hóa)

    (Đọc Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian – NXB Văn hóa văn nghệ – 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Qua tác phẩm Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian, tôi thấy anh đã thể hiện sự tinh tường trong cảm nhận. Mỗi bài viết là một bông hoa đậm hương sắc. Có đầy đủ yếu tố từ cách nhìn đánh giá, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn, đến những tinh hoa do văn hóa, văn nghệ dân gian đem lại.

Bìa sách Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian

Tôi rất vui nhận được sách tặng của nhà văn Lê Xuân từ Thành phố Cần Thơ gửi ra Thanh Hóa – quê anh. Anh là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, chuyên viết về Khảo cứu và Phê bình văn học. Anh quê Thanh Hóa lên Tây Bắc dạy học từ 1966, tới 1980 anh vào dạy ở Thành phố Cần Thơ. Tập Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian là tác phẩm thứ ba, anh viết dưới dạng Tiểu luận, Khảo cứu.
Là một nhà giáo dạy Văn, cùng yêu thích văn chương và cùng quê với anh, tôi biết tên thật của anh là Lê Xuân Bột (bút danh: Lê Xuân, Thọ Hải, Thọ Xuân) vì đã được đọc nhiều bài anh viết về Giáo dục khi anh là Trưởng Văn phòng liên lạc Báo Giáo dục và Thời đại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng nói, trước cuốn sách mới in này, anh đã in chung trên 30 mươi tác phẩm. Đặc biệt, in riêng có hai tác phẩm nghiên cứu Lý luận PBVH: “Lời đồng vọng” và “ Tiếng nói tri âm”. Ngoài ra, còn có nhiều truyện ký, bút ký, tản văn, thơ… đăng báo, được nhiều độc giả cả nước biết đến. Một số bài viết của anh đã nhận được giải thưởng về văn học, báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Qua tác phẩm Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian, tôi thấy anh đã thể hiện sự tinh tường trong cảm nhận. Mỗi bài viết là một bông hoa đậm hương sắc. Có đầy đủ yếu tố từ cách nhìn đánh giá, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn, đến những tinh hoa do văn hóa, văn nghệ dân gian đem lại.
Với tầm suy nghĩ rộng, uyên bác trong khảo cứu, anh đã phân tích, bình luận khá rõ nét nhiều vấn đề mang sắc thái riêng, không lẫn với nhiều người đi trước. Đó là một ưu điểm mà hiện nay vẫn không ít có người lặp lại.
Xuất phát từ quan niệm: Văn học là nhân học, văn học dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian nên anh đã có cái nhìn khoa học, tinh tường về bản chất của vấn đề trong học thuật. Mỗi bài viết đưa ra, anh có sự cảm nhận tinh tế. Anh có năng khiếu thẩm bình, nhất là những bài ca dao, tục ngữ mà lâu nay, ta thường gọi là những “hòn ngọc” được nhiều người bàn đến. Từ góc độ chuyên môn, qua nhiều năm giảng dạy nghiên cứu, anh đã có nhiều cung bậc cảm xúc khi tung những vấn đề ra để luận bàn, đều có sức gợi lớn, đem đến cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ nhất định.
Nội dung tác bài viết trong cuốn sách khá phong phú về đề tài, chủ đề. Ở phần I: Bàn về ca dao, dân ca, tục ngữ có 12 bài. Trong các bài ấy, anh đã nêu bật được cái hồn cốt của một số bài ca dao, dân ca, tục ngữ với điểm nhìn sắc sảo. Những tinh hoa nghệ thuật qua các chi tiết thẩm mỹ, nhà văn Lê Xuân đã bàn luận, đánh giá, đưa ra những kiến giải dưới góc nhìn của một nhà lý luận nên có sự khái quát cao, giàu tính thuyết phục.
Tôi rất thích các bài anh viết ở phần II bàn về Đình chùa, lễ hội, ẩm thực, đờn ca tài tử (8 bài). Đây là những vấn đề rất cần kiến thức tổng hợp, đã cung cấp cho người đọc trong đời sống hiện nay hiểu thêm về quá khứ của cha ông. Nếu nói một năm có bốn mùa ở nước ta thì mùa nào người dân Việt cũng dành nhiều thời gian hơn cho các điểm đến từ đình chùa, lễ hội. Bởi nơi ấy chính là nơi hội tụ những nét văn hóa tâm linh có nguồn gốc sâu xa trong thế giới nội tâm của con người, nên những phần anh viết trong phần này như chắp cánh cho người đọc có thêm niềm vui khi họ cần tìm đến và tra cứu. Điều đặc biệt hơn là các độc giả phía Bắc hiểu thêm về đình chùa, lễ hội, phong tục tập quán của người dân vùng sông nước Đồng bằng Nam Bộ, mà nét nổi bật nhất là Đờn ca tài tử – văn hóa phi vật thể đã được Hội đồng UNESCO công nhận.
Ở PHẦN III (12 bài) là Hình ảnh 12 con giáp trong ca dao, tục ngữ, thơ ca  đặt ở cuối sách, cũng rất hấp dẫn, tạo thêm dấu ấn khó quên cho người đọc. Ta đã gặp nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian qua nhiều bài viết nhưng riêng tôi có sự cảm nhận, nhà văn Lê Xuân là người rất cẩn trọng trong từng câu chữ, từng ý, từng lời văn khi viết, nên phong cách của anh rạng ngời sắc nét. Mỗi bài viết về những con Giáp đều có sự nghiên cứu tường tận về văn hóa dân gian trong tâm thức người Việt. Mỗi linh vật đều có sự chảy ngầm trong sáng tạo của dân gian qua mạch nguồn ca dao, tục ngữ, đã làm sáng lên giá trị nhân bản mà bao đời ông cha ta đã gìn giữ vun đắp, phát triển.
Có thể nói, cuốn sách Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian của nhà văn Lê Xuân là món quà rất ý nghĩa đối với tôi. Với loại sách Tiểu luận, Khảo cứu này, tôi thiết nghĩ phải đọc đôi ba lần, đọc chậm và nghiền ngẫm sẽ tìm đến những điều vô cùng ấn tượng đối với tác phẩm. Tôi tin mỗi lần độc giả đọc cuốn sách này, sẽ trào dâng nhiều cảm xúc, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời cho ta thêm trí tuệ và bản lĩnh, khi tiếp cận với thế giới hiện đại ngày nay, giúp cho mỗi người càng hiểu thêm về bản sắc, giá trị truyền thống văn hóa, văn học của dân tộc, từ đó có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn, để phát huy giá trị đích thực của nó trong đời sống văn hóa hiện nay.
Hy vọng người đọc sẽ đồng cảm với tác giả và tác phẩm, và tiếp tục đón đọc các tác phẩm tiếp theo của anh trên văn đàn. Chúc nhà văn vui khỏe hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Thanh Hóa, chiều 20/3/2020

                                                                                T.V.Đ