Ths. Trầm Thanh Tuấn
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, là một ông vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái, đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang. Ông theo đạo Phật. Năm 1299, ông về tu ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.
Tượng Phật Hoàng trên đỉnh Yên Tử
Trong công trình Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, NXB khoa học xã hội, 1988, thơ Trần Nhân Tông có 27 bài thơ, trong đó có khoảng 15 bài thơ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện những cảm xúc của tác giả với tạo vật trong tiết xuân. Mỗi bài thơ xuân của Phật hoàng dù hồn hậu tươi tắn hay thâm trầm triết lí đều thấm đẫm thiền vị, mênh mang thiền ý của một tâm hồn dạt dào thiền cảm.
Thơ xuân của Phật Hoàng Trần Nhân Tông bộc lộ cái xao xuyến của tâm hồn trước cảnh sắc thiên nhiên lung linh, huyền ảo, mơ hồ. Cái đẹp của thiên nhiên được tạo dựng bởi cái mơ hồ giữa thực và hư, giữa sắc và không, giữa hữu và vô, giữa động và tĩnh. Bài thơ Đăng Bảo Đài sơn của Trần Nhân Tông là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân được khắc họa bởi những yếu tố đối lập đó:
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngữ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
(Đất vắng vũ đài thêm cổ kính
Theo thời tiết mưa xuân chưa về lâu
Ngọn núi phủ mây khi xa khi gần
Con đường hoa nửa sáng nửa tối
Muôn việc như nước trôi theo nước
Trăm năm lòng nói tới lòng
Đứng tựa lan can cầm ngang ống sáo ngọc
Trăng sáng rọi đầy cả ngực và bụng)
Về thời gian, bài thơ có sự đối lập giữa xưa (du cổ) – nay (thời lai). Về không gian là đối lập giữa xa (viễn) – gần (cận), sáng (tĩnh) – tối (âm). Cảnh vật vừa như thực vừa như hư trong không gian cao rộng cô tịch. Nó tạo cảm giác về sự hiện hữu vô thường của vạn vật trong cái hằng thường của bản thể vũ trụ, trước bức tranh thiên nhiên ấy người thiền đã lĩnh hội được chân lý:
Muôn việc như nước trôi theo nước,
Trăm năm lòng nói với lòng.
Từ chỗ ngộ được chân lý, thiền nhân đứng lặng lẽ chiêm ngưỡng cảnh vật mùa xuân bằng cái tâm bình thản được phủ chiếu bởi ánh trăng huyền diệu – Ánh trăng của tâm linh đã được giác ngộ – đang chiếm lĩnh không gian ngoại cảnh. Như vậy, ở đây tâm cảnh – ngoại cảnh đã có sự tương thông đồng điệu, hòa nhập.
Ở liên hai xuất hiện những cặp hình ảnh đối: vân sơn (núi phủ mây) – hoa kính (con đường trồng hoa) và viễn cận (xa gần) – tình âm (sáng tối). Hai hình ảnh đối thứ nhất đã tạo dựng không gian đối lập: cao thấp, ở đây không gian như đã mở rộng biên độ, nếu hình ảnh “vân sơn” là viễn cảnh thì hình ảnh “hoa kính” là cận cảnh. Cùng với sự tương tác của những “mã Đường thi”: Hoa, vân, sơn, thi nhân đã tạo dựng một không gian mang tính vũ trụ.
Yếu tố ngôn ngữ đối được thi nhân vận dụng một cách độc đáo trong việc thể hiện tính chất của hai không gian đã nói ở trên. Ở đây chúng ta nhận thấy sự đối ngẫu giữa “viễn cận” – “tình âm”. Bên cạnh đó trong nội bộ “viễn cận” – “tình âm” các yếu tố ngôn ngữ cũng có sự đối lập với nhau tạo nên một kiến trúc đối khá độc đáo. Với việc dùng bốn tính từ đối lập, thi nhân đã vẽ nên một không gian có độ “nhòe” như hư, như thực, như gần, như xa, một không gian cao rộng, cô tịch, vắng lặng được tạo được bằng những đường nét của tranh thủy mặc. Bức tranh thiên nhiên ở bài thơ này phảng phất cái nhìn thiền học đầy thi vị của thi nhân. Bên cạnh đó với câu thơ: Vân sơn tương viễn cận (Núi như mây, ngọn xa ngọn gần). Hư từ tương ở trường hợp này, đã liên kết hai tính chất của vân sơn là gần và xa góp phần tạo dựng một không gian trải dài từ gần cho đến xa.
Đọc bài xuân hiểu của Trần Nhân Tông, chúng ta sẽ bắt gặp một tứ thơ độc đáo được thể hiện bằng những từ ngữ hết sức giản dị.
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi
(Ngủ dậy mở cửa sổ ra xem
Không ngờ xuân đã về rồi
Một đôi bươm bướm trắng
Vỗ cánh bay sấn tới cành hoa)
Bài thơ giản dị những lại chứa những trường liên tưởng rộng lớn, không gian trong bài thơ tương hợp với mọi không gian, tạo cho người đọc những “khoảng trống” để tưởng tượng. Bài thơ có hình ảnh cánh bướm trắng và hoa. Ở đây nếu người đọc hiểu bướm là bướm thật thì hoa cũng sẽ là hoa thật. Còn như hiểu cánh bướm là biểu tượng của “tình xuân”([1]) thì hàm nghĩa của “hoa” cũng vì thế mà thay đổi. Tất cả những điều kỳ diệu ấy, đều được tạo dựng bởi những con chữ hết sức giản đơn. Phải chăng chính những cái mơ hồ của những con chữ giản dị, khái quát ấy đã tạo nên vẻ đẹp lung linh và sức quyến rũ mãnh liệt của thơ xuân Trần Nhân Tông.
Trong bài Tảo mai của Trần Nhân Tông
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn [căn].
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.
Dịch Nghĩa:
Năm ngày sợ rét, lười ra khỏi cửa,
Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn.
Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan,
Cành hoa trĩu xuống đầu cành, hơi ấm chưa phân định rõ.
Giọng ca chim Thuý vũ lắng chìm [theo] ánh trăng ở quán trọ trong núi.
Tiếng sáo họa long ẩm ướt đám mây Ngọc Quan.
Một cành hoa lạc vào giấc mộng người xưa,
Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng bạn được.
Có câu: Nhất chi mê nhập cố nhân mộng – Giác hậu bất kham trì tặng quân (Một cành hoa mai lạc vào giấc mộng cố nhân – Dậy không thể giữ tặng anh). Có thể nói câu thơ trên đã lấy ý từ thơ của Lục Khải, nhà thơ thời Lục Triều (Trung Quốc) tặng Phạm Việp:
Chiết mai phùng dịch sứ,
Kí dữ Lũng Đầu nhân.
Giang Nam hà sở hữu,
Liêu tặng nhất chi xuân.
(Bẻ cành hoa mai gặp được người đưa trạm
Gửi cho người ở Lũng Đầu
Đất Giang Nam có gì đâu
Tặng anh một nhành xuân)
Chúng ta nhận thấy ở bài Tảo mai tuy Trần Nhân Tông vận dụng lại ý thơ của Lục Khải nhưng tác giả đã có những sáng tạo độc đáo. Nếu “một cành mai” trong thơ của Lục khải là cành mai thực của đất giang Nam thì cành mai trong bài thơ của Trần Nhân Tông là “một cành mai ảo”, cành mai trong mộng. Như đã biết mai là thành viên trong nhóm “Tuế hàn tam hữu” (Tùng, trúc, mai). Mai thể hiện tiết tháo của người quân tử, không những thế nó còn là sứ giả báo tin xuân “Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín” (Trần Nguyên Đán) (Cây mai ngậm hạt ngọc như truyền thư tín của đất trời) thậm chí nó còn tượng trưng cho cả mùa xuân: “nhất chi xuân”. Như vậy trong thơ Lục Khải từ hình ảnh cành mai thực đã trở thành hình ảnh biểu trưng. Còn ở trong thơ của Trần Nhân Tông thì hình ảnh cành mai ấy hoàn toàn là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu trong thơ của Lục Khải mùa xuân được cảm nhận bằng thị giác “Cành mai thực” thì ở trong Tảo mai, thi nhân đã cảm nhận bằng tâm linh “cành mai ảo”. Tình bạn của Lục khải thể hiện đậm đà, sâu lắng trên nền của “cái có” còn tình bạn trong thơ của Trần Nhân Tông lại thể hiện trên nền của “cái không”, “cái không” kiểu như Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến
Hơn thế nữa qua tiêu đề Tảo mai kết hợp với hình ảnh “một cành mai”, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của bài Tảo mai của Tề Kỉ đời Đường
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ nhất chi khai.
(Thôn trước trong tuyết âm u
Đêm qua một nhành mai nở)
Sách Thực tân lục chép: Nhà sư Tề Kỉ hay thơ. Một hôm đem thơ yết kiến Trịnh Cốc. Bài thơ như sau:
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ sổ chi khai.
Trịnh Cốc cười nói: Sổ: một vài, thì chẳng phải là sớm nữa, chẳng hay bằng nhất: một. Tề Kỉ cúi đầu bái lạy và gọi Trịnh Cốc là “Nhất tự sư” (thầy một chữ). Như thế từ đời Đường trở về sau hình ảnh “một nhành mai” đã gắn với hình ảnh tảo mai như hình với bóng.
Trong thơ đời Trần sử dụng phổ biến những hư từ. Bên cạnh việc dùng dữ, thơ thiên nhiên đời Trần còn dùng tương, cộng để nêu lên quan hệ tương hỗ. Trong thơ của Trần Nhân Tông chúng ta cũng bắt gặp điều này qua bài thơ Xuân Cảnh
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi,
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
(Sâu trong khóm hoa dương liễu, chim hót chậm rãi
Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay
Khách đến chơi không hỏi việc người đời
Cùng dựa lan can ngắm màu xanh của chân trời).
“Con người vô ngôn” là hình ảnh nổi bật trong thơ thiên nhiên đời Trần. Các thi nhân đề cao sự trực cảm, bác bỏ sự suy luận lí trí nên họ xem thường ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng. Họ chủ trương con đường duy nhất đạt được chân lí là sự chứng nghiệm của bản thân chứ không thể thay thế bằng sự học hỏi qua những lời diễn giải, thuyết minh. Ở bài thơ này ta thấy khách và chủ vốn đều là những “con người vô ngôn”, họ không trò chuyện. Nhưng thực chất họ đã nói với nhau rất nhiều. Điều đó đã được thể hiện qua hư từ cộng. Cộng lúc này trở thành nhãn tự của cả bài thơ. Cộng thể hiện sự hòa nhập, hòa hợp giữa hai tâm hồn với nhau đồng thời giữa hai tâm hồn ấy với thiên nhiên tạo vật. Cả khách – chủ đều đã đạt được sự đại ngộ bởi khi họ đã cùng bình tâm, tâm đã tĩnh từ đó mà họ có thể chiêm nghiệm lẽ đời, những “nhân gian sự” từ thiên nhiên ngoại vật.
Tìm hiểu vẻ đẹp ngôn từ qua một số bài thơ Xuân của Phật Hoàng Trần Nhân Tông để hiểu thêm tình xuân, ý xuân lan tỏa trong tâm hồn của một Thiền nhân, thi nhân. Cảm cái “dư cam chi vị”, cái “huyền ngoại chi âm” trong những bài thơ xuân của Trần nhân Tông âu cũng là một thú vui tao nhã khi mỗi độ hoàng mai rực rỡ bên hiên nhà.
T.T.T
Tài liệu tham khảo
- Trần Văn Chánh, Sơ Lược Ngữ pháp Hán văn, NXB Đà Nẵng, 1997
- Nguyễn Kim Châu, Thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, 2001, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
- Nguyễn Sĩ Đại, Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, NXB Văn học, Hà Nội, 1996.
- Khâu Chấn Thanh (1994) Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, NXB Văn học, Hà Nội.
- Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (tập 1), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1984 .
- Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB GD, Hà Nội, 2006
- Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý -Trần (tập 2, quyển thượng) Ủy Ban KHXHVN, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
([1]) Cách hiểu của GS Trần Đình Sử trong Đọc văn – Học văn