Trần Hà Yên
Tôi thích thơ Lục bát của Miên Trường từ khi còn chưa biết chị. Những vần thơ Lục bát êm mượt với cấu tứ lạ và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt khi diễn tả cảm xúc của chị đã cuốn hút tôi. Sau này khi đã có dịp tiếp xúc và hiểu nhau, tôi lại càng thán phục chị hơn ở nghệ thuật sử dụng con chữ khi viết về cuộc đời và con người, viết về chính thân phận mình, người đàn bà đa đoan. Và tất cả những suy tư, trải nghiệm, những buồn vui về thân phận cuộc đời của người đàn bà làm thơ ấy được khắc họa rõ nét trong tập thơ mới nhất của chị là Lục bát chân mây.
Võ Miên Trường là một nữ thi sĩ đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những vần thơ Lục bát vừa tinh tế, vừa giàu cảm xúc. Với phong cách sáng tác độc đáo và sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống, thơ chị đã chạm đến những tầng sâu nhất trong tâm hồn con người qua từng câu thơ. Những tác phẩm của Miên Trường không chỉ là những lời thơ mà còn là những bản tình ca dịu dàng về cuộc đời, về những khắc khoải, trăn trở của một tâm hồn nữ tính đầy nhạy cảm.
Là một nhà thơ chuyên viết Lục bát, Miên Trường đã khéo léo sử dụng thể thơ truyền thống này để kể về những câu chuyện đầy ý nghĩa. Chị không chỉ đơn thuần là người kể chuyện, mà còn là người dẫn dắt, người truyền tải những cảm xúc sâu lắng, những triết lý nhân sinh. Thơ Lục bát của Miên Trường vừa mượt mà, mềm mại như một dòng sông lặng lẽ, vừa chảy trôi, cuốn hút người đọc bằng sự giản dị nhưng lại đầy sức mạnh.
Trong thơ Miên Trường, hình ảnh người phụ nữ luôn được khắc họa một cách tinh tế, sâu sắc và đẹp đẽ. Đó là những người phụ nữ bề ngoài tưởng như yếu ớt, dịu dàng nhưng ẩn chứa bên trong là một sức mạnh tinh thần vô biên. Họ là những người mẹ, người vợ, người chị, người em- những người mà cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, nhẫn nại chịu đựng nhưng vẫn luôn giữ cho mình tâm hồn thanh cao và trong sáng. Trong từng bài thơ, vần thơ, nhà thơ đã thổi hồn vào những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống hàng ngày, biến chúng trở nên sống động và giàu cảm xúc hơn bao giờ hết.
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, và những bài thơ của nữ sĩ Miên Trường trong tập Lục bát chân đã khắc họa chân thực, sâu sắc và đầy xúc cảm về hình ảnh này. Các bài thơ như “Đa mang”, “Lục bát cho con”, “Ta về gặt nốt cánh đồng đời phơi”, “Vỡ tôi”, “Trả”, “Tôi-em-đàn bà”, “Thắp nắng chân mây” có thể xem là những bài thơ tiêu biểu, thể hiện rõ điều đó. Một thế giới tâm hồn đầy nữ tính với những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những nỗi đau, niềm vui, sự hy sinh, đến sự trăn trở về kiếp người và niềm khát khao sống đẹp đã được nhà thơ thể hiện một cách tài tình qua cách sử dụng ngôn từ điêu luyện, những hình ảnh thơ vừa thực vừa lãng mạn, bay bổng. Thể thơ Lục bát truyền thống của dân tộc với cách gieo vần chân, vần lưng liên tiếp mượt mà, tha thiết kết hợp với giọng điệu thủ thỉ tâm tình đã góp phần làm nên một phong cách riêng cho thơ Miên Trường ở đây.
Nhà thơ Trần Hà Yên (ngồi) trong buổi ra mắt tập thơ Lục bát chân mây của Võ Miên Trường
Và bài thơ mở đầu tập thơ có nhan đề “Thắp nắng chân mây” đã làm tôi ấn tượng ngay bởi tất cả những điều đó. Những hình ảnh thơ rất đẹp xuất hiện từ khổ đầu: Em về thắp nắng chân mây/ Bùa mê vượt thoát những ngày đã qua/ Về xây từng nấc tháp ngà/ Dựng buồn lên những thương xa nhớ gần.
Người đàn bà trong bài thơ không chấp nhận thân phận nhỏ bé, muốn đoạt quyền tạo hóa mà thắp nắng cho chân mây. Nắng ở đây là biểu tượng cho những gì ấm áp, tươi sáng, là tương lai đẹp mà ai cũng luôn muốn hướng tới. Chân mây là hình ảnh không có thực, chỉ mang nghĩa biểu tượng cho những gì mờ mịt, xa xăm, mơ hồ. Nhân vật trữ tình “Em” lại muốn làm những cái việc vốn không thể làm được ấy bởi vì nỗi khát khao mãnh liệt về những điều tốt đẹp đã đầy ắp trong tim chị.
Bài thơ Thắp nắng chân mây thể hiện khát vọng vươn lên, thoát khỏi những khó khăn, u tối của người phụ nữ. Nhà thơ đã dùng hình ảnh em về thắp nắng chân mây như một biểu tượng của sự khát khao tìm lại ánh sáng, niềm vui trong cuộc sống. Sự mạnh mẽ, quyết tâm được thể hiện qua câu thơ về xây từng nấc tháp ngà, dựng buồn lên những thương xa nhớ gần. Người phụ nữ trong bài thơ hiện lên với vẻ đẹp của sự kiên cường, không ngừng vươn lên, luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Rõ ràng, với Thắp nắng chân mây, Võ Miên Trường đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ với khát vọng vượt thoát khỏi những ràng buộc, những gánh nặng của cuộc sống để được sống trọn vẹn, được tự do thể hiện bản thân mình. Câu thơ “Em về thắp nắng chân mây / Bùa mê vượt thoát những ngày đã qua” là biểu tượng cho sự tự do, cho ước mơ vươn tới những giá trị cao đẹp hơn trong cuộc sống, dù cho cuộc sống đó vẫn còn đầy rẫy những thử thách, khó khăn.
Nhà thơ Trần Hà Yên, tác giả bài viết
Cuộc sống vốn dĩ phức tạp và hạnh phúc đôi khi không bằng phẳng, không đẹp như mơ. Trước những ngã rẽ của cuộc đời, con người đôi khi phải đối mặt với thực tế không như ý của hoàn cảnh sống. Nhưng dù thế nào đi nữa, Tôi- em- đàn bà vẫn là sự đồng cảm sâu sắc giữa những người phụ nữ. Câu thơ Đàn bà tôi – đàn bà em là sự chia sẻ, đồng điệu trong những trải nghiệm hay những cảm xúc mà họ phải đối mặt. Những câu thơ như Nhớ quên cười khóc lật đêm tìm mình/ Đàn bà em rút sợi ngày/ nối đêm vá mảnh chăn vay nhà người mang tính tự sự cao. Miên Trường đã khắc họa được sự nhẫn nại, sức chịu đựng và cả sự bao dung của người phụ nữ Việt nam trong hình ảnh thơ đó. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở đây không chỉ là sự dịu dàng, mà còn là lòng trắc ẩn, vị tha. Hình ảnh người phụ nữ Về nương bậu cửa/ cài hàng khuy lơi…là một hình ảnh đẹp gợi sự an yên, tĩnh tại trong tâm hồn, biết chấp nhận tất cả để mà vui sống tiếp.
Không chỉ có thế, vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể trữ tình Em giữa những bộn bề cuộc sống còn được thể hiện rõ trong Đa mang, người phụ nữ biết vượt qua gian khó mà vẫn giữ được sự trong sáng, thuần khiết cho mình. Trong bài thơ này, Miên Trường đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ như một thực thể kiên cường, cụm từ vẫn ngằn ngặt nắng chân mây và tim gầy lừng men thể hiện rất đẹp bản lĩnh của chị. Những lo toan và gánh nặng cuộc sống vẫn không làm mất đi niềm yêu, niềm tin vào cái đẹp của cuộc sống ở chị. Cụm từ ngằn ngặt nắng gợi hình ảnh nắng nhiều và đẹp. Hiểu rộng hơn là cuộc sống vẫn còn tươi sáng lắm và chị không có gì phải lo buồn. Men yêu đời, men yêu cuộc sống vẫn nồng say trong tim chị (tim gầy lừng men). Cho dù người phụ nữ tự ví mình như cỏ dại bên lề (nói một cách khiêm nhường) thì cỏ dại ấy vẫn sống rất kiên cường và vẫn rất xanh tươi. Dù có lúc bị giẫm đạp thì cỏ dại ấy vẫn vươn lên để sống và tràn đầy nhựa sống. Người phụ nữ trong bài thơ không chỉ mang trong mình những khát khao, những ước mơ, mà còn biết chấp nhận và đối diện với những khó khăn, thử thách và xem nó như một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Một phương diện nổi bật khác của vẻ đẹp tâm hồn ở người phụ nữ trong Lục bát chân là tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho đàn con và sự hi sinh tất cả vì con cháu thân yêu của mình. Bài thơ Lục bát cho con đã nói rõ điều đó. Có những năm tháng cơ cực, phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, làm đủ mọi việc vất vả để nuôi đàn con thơ, nhưng người mẹ tảo tần hôm sớm như Gấu Mẹ vĩ đại ấy vẫn luôn tràn đầy tình yêu thương và luôn quan tâm đến các con. Câu thơ Quắt khô bầu vú thở dài / Nước cơm thay sữa mỗi ngày con ơi/ không chỉ gợi hình ảnh thực về những thiếu thốn vật chất mà còn chứa đựng cả nỗi buồn và sự xót xa, bất lực của người mẹ khi không thể cho con mình những gì tốt đẹp nhất. Câu thơ làm ta cảm động vô cùng! Nhưng rồi Khổ tận cam lai, người mẹ vui sướng và tự hào biết bao khi nhìn thấy con cái rồi cũng đã trưởng thành: Hiếu tâm đã trổ nhánh xanh, mùa vàng. Phải chăng sự vĩ đại của người phụ nữ không chỉ ở những gì họ đã làm mà còn ở những gì họ sẵn sàng từ bỏ, tất cả chỉ vì những người thân yêu của mình.
Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong Vỡ tôi chính là sự mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước số phận, luôn tìm cách tự đứng dậy sau những biến cố cuộc đời. Những trăn trở về kiếp người, về sự hữu hạn của đời sống cũng là một khía cạnh sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ. Vỡ tôi là bài thơ đầy cảm xúc với những hình ảnh đậm chất ẩn dụ về sự đau khổ tưởng như vỡ vụn cả tâm hồn. Nứt chiều vỡ ngọn heo may hay một ngày sóng vỡ thành sông là những cách diễn đạt tinh tế, mang tính tượng trưng cho những vết thương lòng, những nỗi đau tinh thần mà người phụ nữ phải trải qua trong suốt chiều dài của cuộc sống. Nhưng dù hai bàn tay đói ngồi khâu vá mình đi nữa, người phụ nữ vẫn không gục ngã mà cố gắng hàn gắn, vượt lên tất cả để sống vì con vì cháu, để làm chỗ dựa cho con cháu mình. Vẻ đẹp tâm hồn của chị ở đây chính là sự mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước số phận, luôn tìm cách tự đứng dậy sau những biến cố cuộc đời. Những trăn trở về kiếp người, về sự hữu hạn của đời sống cũng là một khía cạnh phải được nói đến trong tâm hồn người phụ nữ ở Vỡ tôi. Trong không gian của bài thơ này, Miên Trường đã vẽ nên một bức tranh tâm trạng đầy suy tư khi con người đứng trước những thử thách và những dấu ấn thời gian. Câu thơ Hành trình mòn vẹt gót chân / Lời kinh mộ địa trần gian dặm dài chính là minh họa cho hành trình sống đầy khó khăn, thử thách của chị nói riêng và con người nói chung. Nhưng cũng chính trong những khó khăn đó, con người mới tìm thấy chân giá trị của cuộc đời. Vỡ tôi không chỉ là sự tan vỡ của những giấc mơ, hy vọng, mà còn là sự thức tỉnh, là lúc con người nhận ra bản chất thực sự của cuộc sống, để từ đó học cách chấp nhận và trân trọng từng khoảnh khắc.
Nhà thơ Trần Hà Yên cùng các nữ nhà văn trong buổi ra mắt tập thơ
Có thể nói, tập thơ Lục bát chân là bức tranh tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình Em – người phụ nữ – nhà thơ Miên Trường. Qua đó, tác giả đã khắc họa được bức chân dung đẹp về tâm hồn người phụ nữ Việt Nam nói chung. Vẻ đẹp tâm hồn đó là sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống và hiện đại, giữa sự hy sinh thầm lặng và khát khao được sống trọn vẹn, được yêu thương và bảo vệ. Qua nhiều bài thơ hay của tập thơ, với những câu lục bát trữ tình, mượt mà và giàu cảm xúc, nhà thơ đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ đó là sự kiên cường, mạnh mẽ nhưng cũng đầy dịu dàng, sâu lắng. Bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn phép đảo từ, đảo ngữ, đảo trật tự cú pháp cộng với những sự kết hợp từ độc đáo của riêng mình, không chỉ trong tập thơ này mà còn trong nhiều bài thơ, nhiều tập thơ khác của chị nói chung, Miên Trường đã tạo nên một không gian thơ vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, lại vừa cuốn hút, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc và từ đó tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu giữa độc giả và người viết. Chính những điều này đã và sẽ làm nên sức sống lâu bền của thơ chị trong thời gian. Xin chúc cho chị luôn có nhiều niềm vui, ngày vui trong cuộc sống để viết tiếp bài ca tình yêu đối với cuộc đời, với những con người mà chị hằng quí hằng thương.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9/2024
T.H.Y