Vẻ đẹp văn hóa của người Khmer Tây Nam Bộ

1389

Nhà văn Lê Xuân

    (Đọc “Cảm nhận về văn hoá người Khmer ở Tậy Nam bộ”- Tập khảo cứu của Huỳnh Duy Lộc – NXB Dân Trí, 2024).

                           

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Huỳnh Duy Lộc đã được bạn đọc phía Nam biết đến từ những ngày đất nước chưa giải phóng với những bài thơ trữ tình sâu lắng về tình yêu, quê hương, đất nước.

Tới nay anh đã xuất bản hơn mười đầu sách đủ các thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn, bút ký, khảo cứu… Ở thể loại nào anh cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Là một chàng rể của người Khmer trên vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc ở Tây Nam bộ nên những trang viết của anh thấm đẫm hồn cốt của con người ở vùng đất Chín Rồng rất “giàu hoa trái và trí dũng” này. Tập khảo cứu “Cảm nhận về văn hoá người Khmer ở Tây Nam bộ” là một ghi nhận về cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm về văn hoá của người Khmer nói riêng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, giúp bạn đọc hiểu thêm những vẻ đẹp về văn hoá và con người Khmer ở Tây Nam bộ.

     Tây Nam Bộ là vùng đất mới khai phá hơn 300 năm nay của cư dân 13 tình Đồng bằng sông sông Cửu Long, Đây là nơi cộng cư của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm. Ở vùng đất này mỗi dân tộc đều lưu giữ lại những nét riêng về bản sắc văn hóa của dân tộc của mình như các tập tục, cúng lễ, trang phục, cưới gả, ẩm thực về nhiều mặt, và có sự giao thoa trong cộng đồng.    Theo số liệu thông kê thì miền Tây Nam bộ có trên 18 triệu người. Trong đó người Khmer có 1,3 triệu, người Hoa có 192.000 người, người Chăm có 15.000 người, số còn là người Kinh. Vùng đất hoang sơ này trước thế kỷ XVII cũng đã có những người bản địa sinh sống rải rác. Và khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn diễn ra thì cư dân vùng này đông hơn và chủ yếu sống bằng nghề nông. Lớp cư dân mới này có ba nguồn. Một là những cư dân chạy trốn thời chiến tranh loạn lạc. Hai là những người nông dân có đời sống khó khăn, rời bỏ làng quê miền Bắc hay miền Trung chạy vào Nam để sinh cơ lập nghiệp. Ba là những tù binh, những tội đầy mà chúa Nguyễn bắt được, đưa vào phía Nam để khẩn hoang, cải tạo.

        Đây là vùng đất mới, còn hoang vu, thú dữ nhiều và biết bao hiểm nguy khác luôn rình rập, đe dọa cuộc sống con người:

                                      Xứ đâu có xứ lạ lùng

                             Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.

Hoặc:                            Đến đây xứ sở lạ lùng

                       Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

      Trong quá trình cộng cư đó, mỗi dân tộc đã cố gắng giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình, nhưng do quá trình sống lâu dài nên văn hóa của các dân tộc có sự giao thoa lẫn nhau, mà rõ nét nhất là trong văn hóa ẩm thực, kiến trúc, lễ hội.

      Nhà thơ, nhà khảo cứu Huỳnh Duy Lộc đã gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với đồng bào Khmer gần thế kỷ nay, vì vậy anh hiểu rất rõ các phong tục tập quán, các lễ hội, kiến trúc của đồng bào Khmer. Bằng tình cảm chân thành và biết ơn của một chàng rể, anh đã ghi chép lại và khảo cứu, so sánh để làm nổi bật vẻ đẹp văn hoá tinh thần và vật chất của người Khmer như: tập tục cưới gả, lễ tết, những kiêng kỵ, những trò chơi dân gian, những món ăn, bánh trái, hoa quả mà đồng bào yêu thích, giữ gìn. Đó còn là những ngày lễ hội Oc om bok, tết Chon chnam thmay, lễ Sene dolta, lễ dâng y, lễ vào hạ, lễ dựng cột chùa, hội đua bò, đua ghe Ngo, thả đèn gió, đút cốm dẹt, múa hát dù kê, lăm vông. Đó là những món ăn mang bản sắc dân tộc như: Mắm tép mòng (Bò–ót), khô nhái, bún nước Lèo, bún mắm, canh xiêm lo. Người Khmer thích ăn canh xiêm lo nêm mắm bò-hóc. Bún nước lèo là món đặc trưng của người Khmer, được chế biến từ tôm, mắm cá nấu nhừ, rồi rỉa bỏ hết xương, nêm vào nước lèo sả, ớt, củ ngải bún được giã nhuyễn, sau đó nêm mắm bò-hóc vào cho đậm đà. Ăn kèm với món này là các loại rau húng nhủi, húng quế, hẹ, bắp chuối. Một món ăn đặc trưng khác của người Khmer là món canh xiêm lo. Ca dao có câu:

                                  Xa em nhớ vị xiêm lo

                        Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo.

     Canh xiêm lo là một loại canh chua được người Khmer nấu với đầu xương cá khô và rau ghém (cây chuối non hoặc bắp chuối). Nấu món này người Khmer thường dùng me hoặc cơm mẻ.

 Tác phẩm còn đưa người đọc hiểu hơn về các phong tục tập quán của người Khmer như: lễ cưới hỏi, lễ báo hiếu, tục thờ cúng tổ tiên, tang ma, tục hớt tóc, nhuộm răng đen…

    Mỗi người Khmer muốn trưởng thành luôn phải tuân theo các điều mà Phật giáo Nam tông đã đề ra. Trong gia đình có con trai khi tròn 12 tuổi thì đưa vào chùa đi tu. Người con đi tu để tích phước đức, báo hiếu cho cha mẹ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc mình. Sau lễ thọ thập giới sẽ xuống tóc, mặc áo cà sa và trở thành người tu hành bậc Sadi. Phải thực hiện đầy đủ bổn phận, trách nhiệm của người tu sĩ, phải nghiêm giữ “Mười điều răn của Đức Phật “. Đó là: Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà đâm, Không nói đối, Không ăn chiều, Không uống rượu, Không ngồi chỗ cao đẹp, Không giữ tiền bạc, Không nghe đàn và xem hát, Không dùng mùi thơm và đồ trang sức.

     Ở vùng đất Chín Rồng này, đi tới đâu ta cũng bắt gặp những kiến trúc chùa chiền rất đẹp, lộng lẫy của người Khmer như: Chùa Dơi, chùa Chén kiểu, chùa Đất sét ở Sóc Trăng, chùa Khmer ở Trung tâm TP Cần Thơ, chùa Khmer ở Trà Vinh…

      Nhà thơ Huỳnh Duy Lộc

Những nét văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer đã góp phần làm phong phú, làm đẹp thêm nền văn hóa con người vùng đất Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Văn hoá là sản phẩm do con người sáng tạo ra, văn hóa của một dân tộc, một vùng, một quốc gia bao giờ cũng gắn liền với những sinh hoạt của con người. Con người một mặt sáng tạo ra văn hoá, mặt khác con người cũng là đối tượng của văn hóa. Các khái niệm về văn hoá, văn minh, văn hiến, văn vật… đều có những nét tác động qua lại. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền lợi cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng… (theo định nghĩa của Unesco). Những giá trị vật chất và tinh thần ấy của người Khmer ở Tây Nam bộ là chìa khóa để họ mở ra chân trời mới, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển xã hội, nhưng cao đẹp hơn là họ gìn giữ được bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Theo thời gian và biến thiên của lịch sử, những gì là cao đẹp mang tính nhân ái, nhân văn, thẩm mỹ sẽ sống mãi theo năm tháng, những gì đi ngược lại văn hoá dân tộc sẽ bị đào thải. Tác phẩm khảo cứu của nhà thơ Huỳnh Duy Lộc đã đem đến cho người đọc hiểu sâu thêm về tính cách người Khmer cùng những tập quán sinh hoạt của họ và hướng mọi người tới cái đẹp, cái cao cả của Chân, Thiện, Mỹ mà tránh xa cái xấu, caí ác, góp phần làm cho “cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt- nhà thơ người Đức). Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Cảm nhận về văn hoá người Khmer ở Tây Nam bộ” của tác giả Huỳnh Duy Lộc.

                                                 Nhà văn Lê Xuân