Về tình hình phê bình văn học ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay

819

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hy vọng trong tương lai gần ĐBSCL sẽ có những tác phẩm văn học hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học khu vực ĐBSCL và văn học nước nhà.

Tác giả Lê Xuân

I – Nghiên cứu lý luận Phê bình văn học (PBVH) là một vấn đề khó, đòi hỏi người viết phải có một trình độ lý luận và một kiến thức tổng hợp trên nhiều phương diện. Và đặc biệt, cần phải có một nhãn quan chính trị tinh nhạy, một quan điểm đúng đắn. Ở thời nào cũng vậy, văn học không thể thoát ly cuộc sống. Muốn hay không văn học từ cái “Tôi” cá thể, thông qua hình tượng nghệ thuật tác động tới con người và cuộc sống, góp phần mở rộng tầm mắt, nâng cao tâm hồn con người.

Công việc PBVH đòi hỏi người viết phải thấu hiểu tác phẩm, tác giả, khen chê phải khách quan vô tư, không để những tình cảm thân quen hay vụ lợi lấn át, nhằm động viên người sáng tác phát huy mặt mạnh và thấy được những mặt còn yếu kém để khắc phục. Hiện nay có tình trạng là người viết PBVH rất ngại bị “đụng chạm”, sợ bị người khác quy chụp. Trên các Báo và Tạp chí ta thường thấy xuất hiện ba loại nhà PBVH. Một là loại phê bình cánh hẩu, tâng bốc nhau. Hai là loại phê bình bới lông tìm vết, chụp mũ. Ba là loại phê bình “dĩ hòa vi quý”, khen chê chung chung. Cả ba loại nhà PBVH trên đều không nên có ở một nền văn học chân chính. Còn nếu cứ để tình trạng thả nổi về mặt PBVH như hiện nay, ai muốn viết gì cứ viết, thì PBVH sẽ đi về đâu?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu tiềm năng. Cần Thơ là vùng đất trẻ, có truyền thống văn học đáng tự hào với những danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu, Hồ Bửu Chánh, Trang Thế Hy… Các nhà văn lớp trước và các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã làm giàu thêm truyền thống văn học của địa phương. Nhưng hiện nay có một nghịch lý là số người viết PBVH rất ít, mới dừng ở mức “điểm tác phẩm” hay “giới thiệu sách” ở dạng thông tin báo chí. Trong khi đó rất nhiều tác phẩm của các hội viên ra đời mà PBVH chưa làm được vai trò “bà đỡ” hay “hướng đạo” cho tác giả.

IINhìn lại những tác giả văn học của ĐBSCL thời gian qua trong nền kinh tế, tri thức hội nhập, đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là tác giả luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam Bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của các nhà văn ĐBSCL ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng với Tổ quốc, dân tộc. Các nhà thơ Lê Chí, Nguyễn Bá, Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Nguyễn An Bình (Cần Thơ), Lê Thanh My, Trịnh Bửu Hoài, Hồ Thanh Điền (An Giang), Thai Sắc (Đồng Tháp), Kim Ba (Bến Tre), Đinh Thị Thu Vân (Long An), Trương Trọng Nghĩa, Lê Ái Siêm, Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) Thái Hồng, Song Hảo (Vĩnh Long), Huỳnh Thúy Kiều (Cà Mau). Các tác giả văn xuôi, như: Nguyễn Khai Khai Phong, Lương Minh Hinh, Phạm Văn Thúy, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng (Cần Thơ), Vũ Hồng, Phạm Thị Ngọc Điệp (Bến Tre), Mai Bửu Minh, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Trương Chí Hùng (An Giang), Anh Động, Anh Đào, Diệp Mai (Kiên Giang), Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu), Trần Dũng (Trà Vinh), Nguyễn Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau), Nguyễn Phấn Đấu (Long An)… và các tác giả viết PBVH như: Võ Tấn Cường (Tiền Giang), Lê Xuân (Cần Thơ)… luôn có sự tìm tòi, đổi mới về mặt thi pháp và ngôn ngữ.

Mặt hạn chế của một số tác giả là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần. Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn yếu. Số tác giả viết tiểu thuyết còn rất ít. Ít có tác giả để lại dấu ấn đặc sắc như Nguyễn Ngọc Tư, Diệu Thanh, Trương Trọng Nghĩa, Trần Dũng, Trúc Linh Lan, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Thị Việt Hà, Vĩnh Thông, Hoàng Khánh Duy…

Riêng mảng PBVH ở khu vực ĐBSCL còn rất thiếu và yếu. Người viết có thể đếm trên đầu ngón tay, còn quá mỏng, chưa tương xứng với sự phát triển của văn học địa phương, ít dẫn đường cho người cầm bút đi đúng quỹ đạo sáng tác. Ngoài tác giả Võ Tấn Cường và Lê Xuân thường viết thì một số tác giả khác như: Trần Phỏng Diều, Huỳnh Văn Nguyệt, Nguyễn Thanh (Cần Thơ), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Nguyên Tùng (Bến Tre), Trần Minh Thương (Hậu Giang), Nguyễn Bá Long (Đại học An Giang), Nguyễn Lam Điền, Nguyễn Văn Nở, Nguyễn Kim Châu (Đại học Cần Thơ)… phần lớn viết chuyên đề, điểm sách, và mới dừng lại ở mức “bàn thêm” về thi pháp, truyện, thơ, hoặc bình thơ, hoặc giới thiệu thân thế sự nghiệp tác giả… Người viết PBVH ngại đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội, của dân tộc. Một số người có ý định trở thành nhà PBVH chuyên nghiệp cũng gác bút, quay sang sáng tác thơ, truyện dễ đăng báo, tạp chí. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh có lần đã nói: “Hiện nay chúng ta đang “đốt đuốc” đi tìm nhà PBVH”. Có lẽ đó cũng là tình trạng chung của cả nước.

Để người viết PBVH ở địa phương có thể làm tốt việc Phê và Bình đúng nghĩa của nó thì rất cần một “cơ chế” thoáng. Ở đây xin có đôi điều bàn thêm về phương cách lãnh đạo đối với văn học của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trước hết là việc đầu tư kinh phí của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương cho hoạt động văn học còn quá ít. Hội Nhà văn các tỉnh ĐBSCL chưa làm tốt công tác “xã hội hóa” về Văn học nên ít có “mạnh thường quân” hỗ trợ. Đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho văn học là không thể thiếu, nhưng quam trọng hơn là những người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở địa phương chưa thật sự khơi dậy trong tâm hồn nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo và đánh giá đúng những giá trị văn hóa tinh thần mà tác phẩm đem lại.

Đã một thời do cách nhìn nhận, đánh giá văn học theo lối tư duy xơ cứng, máy móc làm tổn thương không ít một số nhà văn. Hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau với “Cánh đồng bất tận” là một ví dụ. Và sau nhiều tranh luận thì tác phẩm mới được khẳng định và sau này được chuyển thể thành phim truyện. Bài  thơ “Tháp Chàm” của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên có câu “Ta thấy Tháp Chàm run rẩy khóc”. (Có cán bộ quản lý VHNT bảo là “Tại sao thời này Tháp Chàm còn run rẩy khóc”?). Một số người quản lý văn học chưa hiểu hết đặc trưng, chức năng của văn học nghệ thuật là hư cấu bằng hình tượng nghệ thuật để phản ánh hiện thực cuộc sống và con người xã hội nên đã “đánh đồng” giữa hình tượng nghệ thuật và hiện thực. Một tác phẩm văn học sau khi ra đời phải cần một thời gian để chính cuộc sống thẩm định giá trị của tác phẩm đó. Khi đã trải qua sóng gió của dư luận khen chê, sàng lọc, ta sẽ thấy tác phẩm đó tốt hay xấu. Nhìn nhận, đánh giá văn học của những người làm công tác quản lý văn học cần có thời gian và sự cảm thụ, thẩm định tinh tế. Đánh giá đúng giá trị văn hóa đích thực của tác phẩm là một trong những yếu tố chắp cánh cho những tài năng phát triển. Ngược lại, sự quy chụp vội vàng hoặc đánh giá tác phẩm, tác giả theo cảm nhận chủ quan hời hợt, sẽ sa vào “chụp mũ”, “giáo điều” dễ làm thui chột tài năng, ức chế cảm hứng sáng tạo, hơn thế còn làm giản khoảng cách về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà văn.

Sự lãnh đạo của Đảng cần đi theo thể chế  năng động, để nhà văn có chân trời mới sáng tạo. Cửa đã mở nhưng các nhà văn ĐBSCL trong những năm qua chưa có sự bứt phá theo cơ chế thị trường. Thị trường văn học chưa theo kịp thị trường kinh tế. Tác phẩm văn học chưa biến được thành “hàng hoá” để chiếm lĩnh thị trường tinh thần của công chúng. ĐBSCL chưa có được nhiều tác phẩm để chinh phục đọc giả. Đó là sự hụt hẫng về kế thừa đội ngũ văn học ở ĐBSCL.

Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển như vũ bão. Báo hình, báo nói, các trang web, blog… mỗi ngày xuất hiện hàng ngàn bản. Trong khi đó, các nhà văn, nhà thơ vẫn còn trông chờ nhà nước “bao cấp” để in ấn tác phẩm. Và khi tác phẩm in ra cũng không phát hành và cạnh tranh được với các loại sản phẩm văn hoá khác từ bên ngoài tràn vào. Ở Cần Thơ có một tác giả in tập thơ tái bản 2 lần (năm 2013) với tổng số 3.500 bản, bán lời được vài chục triệu. Còn phần lớn các tác giả ở ĐBSCL chỉ in từ 200-500 bản, để biếu, tặng người thân, bạn bè, có tác giả chỉ in 100 cuốn hoặc tự in bằng vi tính (xuất bản nội bộ). Nội dung nhiều tác phẩm còn mờ nhạt, chưa có dấu ấn. Đọc vài trang đã hiểu ý định nhà văn và ta có thể đoán được bước đi của nhân vật. Thơ thì nhiều bài na ná giống nhau, nhất là thơ của các Câu lạc bộ văn học phường, xã, Câu lạc bộ Người cao tuổi.  Trái lại, có nhà văn viết theo đơn đặt hàng cho một số nhà sách tư nhân theo kiểu “mì ăn liền” lại sống đựơc, vì chiều theo thị hiếu một số độc giả, như tác giả Nguyễn Thị Thanh Huệ ở Cần Thơ đã viết trên 20 tác phẩm thơ, truyện, tiểu thuyết, có năm xuất bản 5 tiểu thuyết liền. Đó cũng là câu hỏi cần được chính nhà văn tự lý giải và các nhà lãnh đạo văn học cần lưu ý.

III Viết về những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm còn rất ít. Đảng ta từ trước đến nay không cấm các tác giả viết về những vấn đề tiêu cực của xã hội, như: phê phán cái xấu, cái ác, đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ. Nhưng viết thế nào để từ đó khẳng định được cái tốt, cái đẹp, hướng độc giả tới Chân, Thiện, Mỹ mới là điều cần làm, cần suy nghĩ. Bởi vì ranh giới giữa sự phê phán và đả kích là rất mong manh. Hình tượng văn học lại đa nghĩa. Vì vậy, nếu người cầm bút không vững tay là sẽ mập mờ giữa ranh giới phê phán và đả kích. Và, nếu người lãnh đạo văn học hoặc người phụ trách nhà xuất bản không sáng suốt thì có khi một tác phẩm tốt bị “xếp xó”.

Bởi vậy, nhiều tác giả cứ viết theo kiểu tô hồng, ca ngợi mặt tích cực một chiều, ngại đụng chạm những vấn đề gai góc, bức xúc của xã hội, nên người đọc không muốn đọc những tác phẩm loại ấy. Hiện nay, thị trường văn học không chấp nhận những tác phẩm nói chung chung, nhàn nhạt. Trên Tạp chí văn nghệ các tỉnh ĐBSCL rất ít xuất hiện những tác phẩm gay cấn, phê phán sâu sắc bằng hình tượng nghệ thuật có tầm khái quát.

Đọc Tạp chí văn nghệ địa phương, cố nhà văn Lê Văn Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) đã nhận xét: “Các tác giả ĐBSCL hiền quá, lành quá trong tác phảm văn học. Xin đừng cho rằng lãnh đạo địa phương quá khắt khe trong việc phê phán cái xấu, cái tiêu cực. Có những tác phẩm còn nhiều tranh cãi, cần ý kiến định hướng của lãnh đạo, nhưng không vì thế mà coi đó là sự gò bó, áp đặt. Thật ra nhiều lãnh đạo rất mong muốn các nhà văn có những tác phẩm phê phán mặt xấu, mặt tiêu cực ở địa phương. Nhưng chính các nhà văn lại chưa có được những tác phẩm như thế. Các tác giả muốn làm được điều đó cần phải có vốn sống, tay nghề và bản lĩnh chính trị”.

Nhà thơ Lê Chí (Hội viên Hội Nhà văn VN) đã nhận định về Thơ: “Thơ thực sự là một nỗi ám ảnh. Nhiều lúc phải tự hỏi: Thơ là gì? Làm thế nào để viết được một câu thơ hay, một bài thơ nhiều người đồng cảm? Có thể ví thơ là độ rung tinh tế, sâu thẳm của tiếng đàn bầu được phát ra từ cảm thức của trái tim. Hay Thơ chỉ là sự cô đặc, mã hoá thành những tín hiệu, cần phải có chìa khoá của sự rung động và tri thức khác mới thưởng thức được? Vậy thì Thơ cần cho ai? Đôi lúc hoang mang, thấy chữ nào, câu nào trong thơ mình cũng vụng về, lê thê. Tôi nhận ra một điều mình đang tồn tại trong một hiện thực mà sự phức tạp, đa diện, đa chiều không cách gì có thể lý giải đầy đủ được. Điều này có thể ứng  với Thơ, trong khả năng hữu hạn về khối lượng ngôn từ. Bởi Thơ vốn ít chữ và vỏ Thơ thì mỏng lắm, chỉ chứa nổi những ấn tượng và xúc cảm – thế cũng đã là quá sức đối với Thơ rồi. Do vậy, tôi nghĩ dấu ấn không thể thiếu trong thơ mình là độ “bắt sáng” hiện thực cụ thể – điều kiện cho những “tia chớp”  của tứ thơ xuất hiện. Và thế là bài thơ đã có “đường dây” dẫn dắt”.

Cố nhà văn Nguyễn Khai Phong (Hội viên Hội Nhà văn Viêt Nam (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ), nhận định về đội ngũ sáng tác văn học ở ĐBSCL hiện nay: “Đội ngũ sáng tác văn học ở ĐBSCL có bước kế thừa và phát triển, văn xuôi mạnh hơn thơ, nhất là về truyện ngắn và ký. Nhiều tác giả đã xuất hiện trên tạp chí văn nghệ, trên báo trung ương và địa phương. Các cây bút trẻ còn ít, số hội viên lớn tuổi có phần chững lại, trong các cuộc thi thơ, truyện của Trung ương trên báo Văn Nghệ thì các tác giả ĐBSCL ít đạt giải cao”.

IV–  Các nhà lãnh đạo VHNT ở ĐBSCL cần có sự chỉ đạo để các Hội VHNT trong khu vực có sự liên kết, liên thông thường xuyên giữa các tỉnh và các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn, để tham gia các chuyên đề văn học, từ đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho các  tác giả. Đặc biệt cần chú ý, quan tâm hơn nữa đối với các tác giả trẻ để có lực lượng kế thừa.

Các cán bộ chuyên ngành cần nâng cao hơn nữa về chuyên môn để có thể thẩm định các TPVH một cách khách quan trên cả hai mặt nội dung và tư tưởng. Hội đồng LLPB các tỉnh, thành phố cần có thêm thành viên có năng lực thẩm định văn chương để tham mưu, phản biện giúp lãnh đạo địa phương về sáng tác và PBVH. Và phải thực hiện tốt hơn nữa NQ 23/BCT, quán triệt một cách đầy đủ, nhanh chóng, sâu sắc để các nhà văn có chỗ dựa về mặt chính sách và tinh thần trong sáng tạo văn học.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, mỗi nhà văn rất cần nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, rèn luyện tư tưởng, lập trường, quan điểm để có tư duy sáng tạo đúng và đẹp, làm nên những tác phẩm có sức lan toả, có bản sắc văn hoá dân tộc, phản ánh được cuộc sống đương đại trong xu thế hội nhập. Các hội viên văn học luôn giữ vững định hướng chính trị, đẩy mạnh hoạt động sáng tác phục vụ mục tiêu trước mắt và lâu dài  đối với sự nghiệp Công nghiệp hoá và Hiện đại hoá ở khu vực ĐBSCL và toàn quốc.

Những tác phẩm văn học tốt là vốn quý của dân tộc. Tài năng của tác giả chỉ được khơi dậy và phát huy khi chúng ta có được cơ chế và lộ trình đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. Việc chăm lo, phát hiện các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện cho nhà văn phát huy tính độc lập để họ có tác phẩm hay, phục vụ cho sự nghiệp của đất nước và dân tộc, phản ánh một cách chân thực và hùng hồn về con người và mảnh đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử ở một vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực như ĐBSCL. Hy vọng trong tương lai gần ĐBSCL sẽ có những TPVH hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học khu vực ĐBSCL và văn học nước nhà.

L.X

(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)