Vén màn bí mật Leonid Leonov, một đại thụ văn học Nga-Xô Viết

832

Cuộc đời nhà văn tưởng như đang thăng hoa bỗng tai họa ập đến. Vở kịch “Cơn bão tố” ban đầu được diễn ở một loạt nhà hát các tỉnh, nhưng sau ngày 8/9/1940 bị cấm diễn vì đã “bôi nhọ một cách hiểm ác hiện thực Xô Viết”. Leonov bị những lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô như A. Zdanov, A. Andreev, Malenkov triệu tập vào điện Kremly chửi rủa gay gắt. Chỉ ít ngày sau nhà văn bị bắt giam.

Sư tử con

Cha của Leonid Leonov vừa là nhà văn, vừa làm công việc xuất bản, với bút danh là Makxim Goremuyka. Trong di sản của người cha này có cả những bài thơ ông viết nhân sinh nhật của con trai.

Con trai tôi, nếu cần phán xét

Con sống ở thủ đô

Giống như cha số phận đã định đoạt

Làm người ca sỹ của nhân dân

Và trong những bài ca của những năm con trải qua lửa đạn

Tâm hồn con không bị vênh cong…

Nhờ công biên tập của người cha, cậu thiếu niên Leonov 15 tuổi đã có sáng tác trên mặt báo. Leonov viết đủ loại – thơ, tùy bút, đoản văn. Sau khi tốt nghiệp trung học Leonov tham gia nội chiến, ở cả hai phe (trong thời gian đó trường hợp này cũng không phải là hiếm). Trong lý lịch của Leonov đã ghi rõ, ông chiến đấu trong hàng ngũ Bạch Vệ do bị động viên; còn trong hàng ngũ Hồng Quân là tình nguyện. Tính kỹ hơn, lý lịch không ghi rõ thái độ của ông với thế giới bên ngoài, nhưng lại ghi rõ quan điểm đạo đức, đặc biệt là quan điểm thẩm mỹ của ông.

Nhà văn Leonid Leonov.

Vào những năm 1920, Leonid Leonov được coi là “phần tử liên hiệp”. Từ này không mang nghĩa xấu mà nó nhằm chỉ tên các nhà văn về lý tưởng thì ngả theo chính quyền mới, nhưng không đứng trong hàng ngũ của đảng. Chất lãng mạn cách mạng không phải là niềm quan tâm trực tiếp của nhà văn trẻ Leonov. Như đối lập lại, các mẫu đa dạng của lực lượng phản cách mạng, tầng lớp trung lưu, tầng lớp “dưới đáy”, tầng lớp thượng lưu trở thành các đối tượng quan tâm trong sáng tác của nhà văn. Nói đại thể, nếu rạch ròi về đề tài của Leonid Leonov trong nền văn học Xô Viết những năm tháng đó, ông thuộc lớp nhà văn quan tâm hơn cả tới tầng lớp tiểu tư sản. Và ông đã thành công trong lĩnh vực này.

“Có một gã trai trẻ tên là Egor Brukin, biệt danh là ‘thằng con buôn’ từ Moskva lặn về làng quê của gã. Trong chiếc rương của hắn ở Moskva, cũng như trong chiếc rương của những phần tử bất hảo khác, hoặc là để khoe mẽ hoặc theo thói quen thường có những chiếc nhẫn, những đồ nữ trang, những chiếc muổng uống trà, những giải băng quàng cổ, những chiếc khăn tay để lau nước mũi…”

“Những chú chồn” – cuốn tiểu thuyết đầu tay của Leonid Leonov mở đầu như thế. Sách được công bố khi tác giả vừa mới 25 tuổi. Cho đến hôm nay nhiều người vẫn chưa tin rằng “Sông Đông êm đềm” được viết bởi Solokhov, đơn giản chỉ vì người ta không tin một cuốn tiểu thuyết như vậy lại do một người còn quá trẻ viết ra. “Những chú chồn” – cuốn sách mà về nhiều phương diện ngang ngửa “Sông Đông êm đềm” cũng được tạo nên bởi một con người không có chút hành trang sáng tác gì (và hành trang vốn sống nữa) trên vai. Thành công lớn mà cuốn sách “Tên kẻ cắp” đạt tới , nếu xét về bề ngoài là dựa vào chất liệu từ thế giới tội phạm ở Moskva; còn đi sâu hơn ta thấy sự miêu tả tuyệt vời, rất cứng tay sự “lột da” của “một con người mới”: hôm qua là chính ủy Hồng Quân, hôm kia còn là một người thợ giác ngộ lý tưởng sâu sắc, ấy vậy mà bây giờ trở thành một kẻ gian thương đẳng cấp cao!

Cả “Những con chồn” lẫn “Tên kẻ cắp” đều là thứ văn xuôi chưng cất, nén chặt, kiểu Dostoievsky – thứ văn chương khi đọc phải nhướn phồng lỗ mũi lên để thở, tựa như đang rơi vào ranh giới sự sống và cái chết tranh chấp nhau. Càng có ý nghĩa hơn, từ quan điểm văn học khi “Tên kẻ cắp” ra mắt Leonid Leonov cũng chỉ mới 28 tuổi.

Thăng hoa và tai họa 

Nhà văn sẽ làm gì tiếp đây khi mới 30 tuổi, đã có tài sản trong kho tàng văn chương? Không đi sâu theo đuổi số phận những người Nga phiêu bạt sang châu Âu, sang Mỹ, như Yuri Olesa đã viết. Không lao vào đề tài “rừng gươm, mũi súng” như M.Solokhov. Leonid Leonov kiên trì viết. Không viết về tầng lớp tiểu thị dân, về những tên trộm nữa, Leonov viết về cuộc sống mới. “Muối”, “Skutarevski”, “Còn đường ra biển”, đó là bộ ba tiểu tuyết dày dặn viết về kế hoạch 5 năm (1930-1935), về quá trình công nghiệp hóa đất nước, về việc tự cải tạo của giới trí thức trong chủ nghĩa xã hội. Leonov không phải là người chịu nhương bộ. Ông chỉ viết về những gì bản thân ông quan tâm, dầu có ai gợi ý đề tài này, ý tưởng nọ.

Bước vào đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc (1941-1945), Leonid Leonov đã là nhà văn Xô Viết có vị trí, giàu kinh nghiệm sáng tạo nên dù có dư luận này khác, ông vẫn đạt nhiều đỉnh cao tiếng tăm và vị thế. Năm 40 tuổi, ông được trao tặng Huân chương Lao động Cờ đỏ.

Sau khi chiến tranh 1941-1945 kết thúc, Leonid Leonov vụt sáng với một loạt vở kịch ông đã viết trước đó bây giờ được đưa lên sân khấu. “Cơn bão tố”, “Xâm lược”, “Sói”, “Lenuska” và “Cỗ xe ngựa vàng”. Với cuốn tiểu thuyết mới “Rừng Nga” (1953) nhà văn phải bỏ công sức đầu tư một số năm sau chiến tranh. Tác p[hẩm có dung lượng lớn, hầu như bao trùm tất cả các đề tài, các niềm quan tâm của nhà văn từ xa xưa cho đến lúc đó: Những tội lỗi trong quá khứ, việc bảo vệ thiên nhiên, sự lựa chọn đạo đức, tinh thần trong thời buổi diễn ra nhiều biến chuyển lớn, sự phản trắc và những người đàn bà quả cảm.

Cuộc đời nhà văn tưởng như đang thăng hoa bỗng tai họa ập đến. Vở kịch “Cơn bão tố” ban đầu được diễn ở một loạt nhà hát các tỉnh, nhưng sau ngày 8 tháng 9 năm 1940  bị cấm diễn vì đã “bôi nhọ một cách hiểm ác hiện thực Xô Viết”. Leonov bị những lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô như A. Zdanov, A. Andreev, Malenkov triệu tập vào điện Kremly chửi rủa gay gắt. Chỉ ít ngày sau nhà văn bị bắt giam. Mãi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ II diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 1962 vở kịch “Cơn bão táp” được “minh oan”. Nhưng cũng đến tận năm 1967 vở kịch mới được diễn trở lại vì đã  “góp phần phê phán tệ nạn sùng bái cá nhân của I. Stalin”.

Đến thời điểm này bắt đầu giai đoạn lạ lùng nhất trong cuộc đời nhà kinh điển Leonid Leonov. Hình như từ đây ông không muốn công bố thêm điều gì nữa. Nhịp độ sáng tác của nhà văn chậm lại hẳn so với những năm trước chiến tranh. Leonov dành thời gian “làm mới lại” những tác phẩm đã viết (ví dụ tiểu thuyết “Cỗ xe ngựa vàng” ông viết lại lần thứ 3); ông cho xuất bản bản thảo truyện vừa “Evghenia Ivanova” viết đã từ lâu về chuyện người Nga di tản ra nước ngoài. Rồi kịch bản phim “Cuộc chạy trốn của ngài Bộ trưởng Mak-Kinli”mà tận 15 năm sau mới có số phận màn ảnh.

Trong khoảng thời gian này Leonid Leonov tiếp tục được trao nhiều giải thưởng như Huân chương Lenin, lần thứ 6 được trao danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa, hai lần lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Nobel Văn học; được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn Lâm Nga-Xô Viết.

Ấy vậy nhưng còn ít ai biết rằng, từ lâu, ngay từ năm 1940, Leonid Leonov đã sống cuộc sống thứ 3.

Để được nhìn nhận lại 

Trên tạp chí Khoa học và Đời sống số tháng 12 năm 1974 xuất hiện một bài báo nhỏ của Leonov với tựa đề “ Vũ trụ quan theo kiểu Duymkov”. Dư luận cho rằng đó là phác thảo ý tưởng cuốn tiểu thuyêt mới của ông. Năm năm sau trên tạp chí Moskva xuất hiện thêm một bài báo nữa với tựa đề “Cuộc dạo chơi lần cuối cùng”. Đến năm 1984 trên tạp chí Thế giới mới đăng bài báo thứ 3. Bài báo viết rằng Leonid Leonov đang dành công sức và thời gian cho một cuốn tiểu thuyết lớn và quan trọng (quan trọng nhất, có thể là như vậy) trong cuộc đời mình. Có thể coi cuốn tiểu thuyết có tựa đề “Kim tự tháp” được nhà văn ấp ủ, trăn trở và viết trong suốt… 45 năm!

Niềm vui, nỗi an ủi tựa như cuốn Leonid Leonov theo một phương diện khác. Nhà văn bắt tay vào việc trồng vườn tại vùng Peredenkino ở ngoại ô Moskva, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Cây xanh toàn Liên Bang Xô vIết. Tiểu thuyết “Kim tự tháp” chỉ ra mắt người đọc sau ngày ông mất vào ngày 8 tháng 8 năm 1994.

Như vậy có một khoảng thời gian rất dài tên tuổi và những tác phẩm của Leonid Leonov tự nhiên bị lãng quên. Mãi tới năm 2009 theo lời khuyên của nhà văn Dmitri Buykov, tiểu sử và tác phẩm của Leonov mới được đánh giá lại trong seri sách “Cuộc sống của những con người nổi tiếng”.

Những năm gần đây Leonid Leonov được trả về vị trí như một nhà kinh điển hàng đầu của văn học Nga-Xô Viết trong thế kỷ 20. Người yêu sách Nga tìm đọc lại “Những con chồn”, “Tên kẻ cắp” của ông. Các nhà nghiên cứu văn học đua nhau tìm hiểu ảnh hưởng của Leonov đối với tiến trình văn học nói chung và sáng tác của nhiều nhà văn Nga-Xô Viết khác. Tác phẩm cả văn xuôi lẫn kịch sân khấu của ông tự nhiên như chưa bao giờ cần tới sự “minh oan”. Qua vài ngàn trang của tiểu thuyết “Rừng Nga” , “Kim tự tháp” người ta bỗng nói đến những luận điểm triết học, những quan niệm nhân sinh của Leonid Leonov.

Và sau hết bạn đọc và giới phê bình văn học hôm nay bỗng nhắc lại lời nói của văn hào Maxim Gorki đánh giá về Leonod Leonov ngay từ khi nhà văn trong ngoài 30 tuổi: “Anh bạn trẻ này rất tài năng, tài năng suốt đời, tài năng ở những sự nghiệp lớn”.

Tô Hoàng/Vanvn (Theo báo chí Nga)