‘Vết son’ xưa trong tiềm thức miên man

682

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Phú Bông (tên thật là Nguyễn Văn Đình Diệu, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) hiện là Chủ nhiệm Trang thơ “Văn Chương Người Việt”. Sau khi tập thơ “Mùa thu trong đôi mắt em” được độc giả chào đón nồng nhiệt, nhà thơ tiếp tục trình làng tập thơ thứ hai “Vết son”.

Tập thơ “Vết son” với khoảng gần 90 bài thơ chủ yếu là những dòng hoài niệm của nhà thơ về những mối tình dang dở của một thời trai trẻ.


Bìa tập thơ “Vết son” của nhà thơ Phú Bông.

Dòng hoài niệm ấy chính là từ “nét xuân xưa”, nơi có “triền đê, có hàng dừa xanh ngát”, có tà áo trắng học trò thơ mộng đã khiến nhà thơ Phú Bông phải trở lại để tìm chút dư hương.

Anh trở về tìm lại nét xuân xưa

Nơi triền đê có hàng dừa xanh ngát

Tà  áo trắng đôi gót hài mộc mạc

Mối tình đầu mình khao khát môi nhau.

                                               (Vết son)

Nói đến tà áo trắng, người ta thường nghĩ đến sân trường. Nhưng ở Phú Bông lại khác. Anh không đi theo mô tip đó. Chứng tỏ anh rất sáng tạo trong quá trình sáng tác. Tôi rất ấn tượng bài thơ “Vết son”, bài thơ được anh chọn làm nhan đề cho tập thơ. Bài thơ đã bộc lộ niềm thương nhớ, luyến tiếc mối tình đầu, mối tình thời áo trắng. Tình yêu tuổi học trò ngây thơ khờ dại nhưng rất thuần khiết. Chính vì thế mà đến bây giờ anh vẫn còn giữ cái “vết son” ngày xưa thơm ngát trên môi.

Vết son xưa trong tiềm thức miên man

Còn thơm ngát trên đôi làn môi lạnh

Anh nuốt vội vết son hồng ảo ảnh

Anh trở về

                  còn nửa mảnh

                                           tim si…

                                       (Vết son)

Đọc tập thơ “Vết Son” ta nhận thấy thơ Phú Bông phóng khoáng, cảm xúc dạt dào, đậm chất nhân văn và có sức lan tỏa, nên dễ đi vào lòng người đọc. Anh viết cho riêng minh mà người đọc cứ thấy như là chuyện của họ. Bởi anh đã kiến tạo được không gian hoài niệm chất chứa bao cảm xúc nhớ nhung buồn thương da diết. Cảm xúc này phả vào từng con chữ, từng hình ảnh, từng nhịp điệu của câu thơ bài thơ làm cho người đọc cứ vương vấn trong lòng.

Đọc tập thơ này ta không thể nào quên được mối tình đẹp mà anh đã trải qua. Vì điều kiện khách quan mà mối tình ấy không thành. Nó cứ lưu giữ trong tâm cảm anh như một sợi dây vô hình níu kéo anh trở lại với quá khứ. Mặc dầu đã qua cái tuổi hoa niên rồi, nhưng mỗi khi trở lại bến sông xưa ngồi trên bãi cát, anh cứ nghe hồn trĩu nặng. Con sáo đã cùng anh ngồi tại đây giờ xa hun hút. Con sáo ấy đã sang sông bỏ lại mình anh mênh mông nỗi nhớ.

Anh về đây chiều ngã bóng mây bay

Con sáo nhỏ đã xa bầy sang bến

Anh vội vã quay lưng tim nghèn nghẹn

Bóng anh dài 

                       chết lặng 

                                        đến ngàn sau…

                                            (Bóng chiều trên cát)

Phải nói là nhà thơ Phú Bông rất tài hoa trong cách diễn đạt. Khổ thơ chỉ có 32 chữ mà đã khái quát được thời gian và không gian cảnh vật. Hình ảnh buổi chiều gợi lên trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác. Và thủ pháp ẩn dụ “Con sáo nhỏ đã xa bầy sang bến” đã gợi lên trong lòng người đọc một nỗi buồn thê thiết. Đặc biệt ở câu thơ “Bóng anh dài chết lặng đến ngàn sau” được tách làm ba câu thơ riêng càng nhấn mạnh nỗi niềm u buồn, tiếc nuối, đau đớn khi người yêu đi lấy chồng. Nỗi đau ấy cứ gặm nhấm trái tim anh.

Ngày em đi ta tiều tụy hao gầy

Tràng pháo nổ ngỡ lòng ai vô cảm

Đêm trống vắng nỗi đau về gặm nhấm

Đốm lửa hồng em sưởi ấm cho ai?

                     (Đốm lửa hồng trong đêm)

Câu hỏi tu từ trong khổ thơ gợi lên trong lòng người đọc nỗi đau dày vò khi tình yêu tan vỡ. Nỗi đau ấy là tâm thức hiện hữu trong thơ anh, là tiên đề để anh sáng tạo thơ. Cho nên khi đọc tập thơ “Vết son” ta thấy nao nao một nỗi buồn nhớ.

Thời xa xưa dĩ vãng thật êm đềm

Vẫn hoài niệm cho lòng thêm nhung nhớ

Mái trường cũ chạnh lòng ta nức nở

Tóc ngả màu ta vẫn ngỡ hôm qua.

                 (Xa rồi mùa hoa phượng)

Những câu thơ mượt mà, sinh động đã lột tả được những điều muốn nói, gợi cảm xúc đến với người đồng cảm. Những hoài niệm nhẹ nhàng, man mác của một thời thương nhớ cứ âm ỉ cháy hoài cho đến bây giờ.

Hương bồ kết nụ hôn đầu bối rối

Để đêm về anh nhớ mỗi mùi hương

Cuộc binh đao anh nhuốm bụi gió sương

Bỏ em lại cùng mùi hương thôn dã.

                                  (Hương bồ kết)

Và còn nhiều dòng hoài niệm về mối tính dang dở được anh gửi gắm trong tập thơ này. Vì điều kiện không cho phép tôi không thể viết hết được.

Có thể nói tập thơ “Vết Son” của nhà thơ Phú Bông ngôn ngữ giản dị, chân tình, nhưng có những liên tưởng phong phú, những ẩn dụ thú vị, nên có sức truyền cảm và được người đọc đón nhận. Tập thơ có nhiều bài thơ hay đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

P.V.H