Vết thương mùa covid – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

628

(Vanchuongphuongnam.vn) – 35 tuổi chị không còn cái đỏng đảnh thước tha “yểu điệu thục nữ” của những cô gái đương thì mười bảy, mười tám nhưng bù vào đấy chị có được cái duyên ngầm mà không phải cô gái nào ở tuổi tam thập như chị có được. Nước da bồ quân, lời nói, cử chỉ dịu dàng, nụ cười xinh trên khuôn mặt phúc hậu… cơ thể đầy đặn sung mãn đôi ba đường nét xuân thì vẫn chưa sang hạ.

Tác giả Võ Văn Trường

Thế mà chị đã mười năm trời đằng đẳng như vậy – sống côi cút trong cảnh thân cò với mảnh vườn, đàn lợn, nuôi con ăn học. Không phải không có những đêm trằn trọc, suy tư. Đó cùng là điều không mấy khó hiểu của một người đàn bà ở cái tuổi đáng ra phải được sống trọn vẹn nhất những gì thượng đế chí công. Nhưng không, chồng chị đã ra đi chưa hẳn là vình viễn nhưng với hạn tù của một tội nhân rất khó nói khi liên quan đến trẻ em. Bắt đầu từ đêm hôm ấy chị đã tin chắc một điều. Và, điều đó đã trở thành sự thật.

Chị dồn tất cả những gì có được của hai lăm năm sinh ra lớn lên và năm năm làm người đàn bà đúng với nghĩa của nó để dành cho anh những giây phút hạnh phúc cuối cùng mà chị nghĩ sẽ không còn có được nữa cho những tháng ngày tới đây. Thật vậy giờ đây chỉ là những cơn mơ, dòng suy nghĩ, những mường tượng mơ hồ trong tiếng trở mình giữa đêm thanh vắng.

…Đêm nay cũng như bao đêm, trên chiếc gường tre ộp ẹp, chị nhận ra một sự trống vắng, trống vắng đến ghê người. Không phải vì thiếu hơi chồng mà chị nghĩ đến đêm mai, căn nhà này chỉ còn có chị. Chiếc sạp gỗ góc nhà Hương – Nga hai đứa con của chị sẽ không còn ngủ đó nữa. Chiếc chiếu cũ mèm kia sẽ cuộn tròn cho ẩm thấp len lén đi qua suốt mùa động giá lạnh.

Chị gắng nằm yên để nghe rõ nhất tiếng của lòng mình. Sao có thể yên giấc. Chị thương chúng nó quá, đứa nào cũng thông minh học giỏi, nhất là Nga. Khi chúng nó cười… sao chúng giống anh đến thế. Rồi chị liên tưởng đến đứa con gái của người hàng xóm.

– Tại sao anh có thể phạm tội ấy kia chứ

– Có phải lỗi tại mình không.

Lòng chị lại quặn đau. Chị thương cho anh. Chị không thể làm cái điều mà chị cho là bất nghĩa kia được.

– Hương- Nga của tôi. Chị khẽ gọi tên chúng, rồi cắn chặt răng vào môi vì sợ chúng nghe thấy.

Tội nghiệp, thường ngày chúng nó thấy mẹ quá vất vả, lam lũ lo toan khoản tiền cho chúng ăn học nên đã rủ nhau bỏ học. Nhiều lúc chị khuyên.

– Ráng học đi con.

– Mẹ còn cố được.

Nhưng hai con chị đã dứt khoát.

– Mẹ lo cho chúng con đến đây là quá sức lắm rồi. Có học nữa sau này cũng chẳng xin xỏ vào đâu được khi cái lý lịch nhà mình như vậy. Chỉ làm khổ mẹ thêm thôi.

Chị nghĩ cũng phải, đành để chúng ở nhà. Rồi hai đứa đi làm cho một hiệu uốn tóc. Tuần, hai tuần gửi tiền về cho mẹ hôm một trăm, hôm trăm rưỡi. Vì chúng nó vừa làm vừa học nghề.

Hôm rồi, có người quen rủ rê vào Sài Gòn làm ăn. Hương con gái lớn của chị năm đó 16 tuổi, hơn Nga một tuổi (kết quả từ cái đêm cuối cùng với anh) về thưa với mẹ.

– Chúng con ở đây với mẹ cũng vất vả mãi thôi.

– Con tính rồi mẹ ạ.

– Con và em nó sẽ vào Sài Gòn làm ăn.

– Con sẽ gửi tiền về giúp mẹ.

– Chúng con nhỏ thế lại là phận gái, sống nơi phố xá… mẹ nào yên tâm!

– Cô chủ hiệu tóc Phương Hạ của con cũng đi mẹ ạ. Biết không thể thuyết phục được chúng, chị đành lặng im. Bởi chị nghĩ cũng không thể giữ chúng ở nhà với mình mãi được. Chị biết ở thời buổi nào nghèo không là cái tội nhưng nó nhục lắm. Còn tương lai chúng nó nữa. Chị đành nín lặng cho chúng ra đi. Bữa chia tay chủ hiệu tóc Phương hạ đến thăm và trao chị mấy triệu đồng tiền mặt trong một phong bao cùng những lời động viên an ủi. Chị không dám ra bến xe tiễn con, vì sợ mình không kiềm được xúc động, sẽ làm chúng buồn.

Con đi rồi, chị chỉ còn mỗi một mình, lứa chó lần đó chị không bán con nào. Chị nuôi cả cho vui cửa vui nhà. Từng đêm về bên góc sạp gỗ Hương và Nga nằm chỉ có tiếng nhí nháu của lũ chó. Chị thấy cũng đỡ trống vắng hơn. Nhiều bữa chị nhường cả phần cơm của mình cho chúng. Ngày đi làm tối về với lũ chó, nhiều lúc chị giật mình khi nghe tiếng trẻ con, tiếng ai đó gọi con trùng với tên con chị để rồi nỗi tuổi thân phận dâng lên, chị lại khóc một mình. Nước mắt cũng đã làm chị vơi đi bớt nỗi buồn.

Tháng ngày trôi qua với chị như một bến lặng, mãi ngóng trông chồng con. Nhưng rồi tin chồng con cũng bặt vô âm tín. Đêm về với đôi niềm vui nho nhỏ trong mơ, chị trở nên trầm lặng. Xóm giềng còn ít ai còn nhìn thấy nụ cười trên môi xinh tươi của người phụ nữ hiền hòa nhưng gia cảnh gặp phải éo le, trắc trở.

Cơn gió từ bến cá thổi lên mang vị khay kháy rong rêu rất đặc trưng làng biển sao cứ xộc mãi vào mũi làm chị hình dung mùi mồ hôi của anh những đêm hè, những bữa đi biển về mới thả tấm lưới ngoài sân đã sấn vô muốn được gần gũi vợ. Đôi cánh tay rắn sỏi, khuôn ngực vạm vỡ của anh đã dán chặt vào đôi bầu vú căng mẩy cũng đang đợi chờ để rồi lắng lại cùng da thịt là mùi hồ hôi tan loãng vị tình yêu đương.

Tại sao đêm đó nhỉ? Tại sao chị lại từ chối anh. Nếu chị biết chiều chồng biết nhận về mình ít nhiều thiệt thòi, biết hiểu hơn tâm lý của anh sau thời gian lênh đênh trên biển đang khao khát… thì đâu đến nỗi anh phải bỏ nhà ra đi. Và rồi cũng chính đêm ấy nỗi bất hạnh đã đến với anh với gia đình nhỏ tuy cuộc sống nghèo khó nhưng đầy ắp niềm hy vọng về một ngày mai, cái ngày ông mặt trời lên thật sớm nơi bến cá đầu làng.

Bẵng đi mấy hôm chẳng ai nhìn thấy chị ra khu vườn cạnh con hẻm nhỏ lối đi từ bến cá vào ngôi làng (mảnh vườn nhỏ mà chiều nào chị cũng lui tới, chăm sóc, cỏ rác). Ai cũng ngỡ chị bỏ nhà ra đi.

*

Hôm ấy đúng trưa, chị nghe có tiếng gậy lốc cốc ngoài sân. Mệt lả nhưng lo lũ chó nên gượng dậy thì trông thấy cụ bà hàng xóm.

– Con Năm nó ơi.

– Cụ cứ ngỡ mày cũng đi nốt

Giây phút sau nếu ai đứng ngoài chắc chỉ còn nghe tiếng thút thít của hai người phụ nữ chênh nhau đến cả thế hệ. Chị đã kể cho bà cụ lối xóm nghe về một giấc mơ mà chị quá đau lòng để rồi lăn ra ốm thật sự. Hương – Nga con chị từ hôm rời nhà ra đi đã bơ vơ không nơi nương tựa giữa phố thị phồn hoa. Chúng bị ép phải bán mình để sống. Nói đến đó chị nghẹn ngào, gục đầu lấy tay che mặt. Bà cụ cũng xúc động không kiềm được nước mắt.

Chị thầm nghĩ mình cũng có khác gì chị Dậu ngày xưa, cũng trót lỡ bán con, mười lăm mười sáu tuổi đầu phải tỷ thí với cuộc đời đánh đổi miếng, ăn lo cho mẹ cho tương lai. Rồi đây chúng sẽ về đâu? Cái gì sẽ đến với chúng nữa đây?

Động lòng bà cụ khuyên, hay khi nào khỏe con Năm sang bán với bà nó đi. Bà cụ là mẹ anh Lập – Một lao động tự do ở thành phố Hồ Chí Minh về quê sau mấy năm ly quê những hòng có tiền cưới vợ, khởi nghiệp bằng quày hàng nho nhỏ nơi thôn dã. Nào ngờ khi ước mơ gần như đã chạm vào hiện thực thì chẳng may một tai nạn giao thông ấp đến cướp mất đôi bàn chân của anh. Bao nhiêu tiền nong dành dụm có được phải bỏ ra lo thuốc men, sức lao động không còn, chẳng biết bấu víu vào đâu nên anh phải hôm sớm với mẹ già. Để có thêm khoản thu nhập, khỏa lấp nỗi buồn hơn năm nay anh đã dựng lên quán nhậu cầy tơ nho nhỏ ở làng.

Từ hôm chị về bán, nhiều người thương chị coi như một kế sinh nhai, nhưng không ít kẻ gièm pha “gái xa chồng, trai không vợ”. Tháng năm năm đó, mãn hạn tù, chồng chị trở về, biết được tất cả mọi chuyện, anh lặng lẽ ra đi chỉ để lại một lá thư, coi như một lần về thăm vợ nhưng không gặp. Tất cả mọi chuyện anh không muốn liên lụy vì mình đã trót một lần đi vào con đường tội lỗi. Anh đi không biết đi đâu. Rất có thể anh đi tìm con lắm.

Tháng ngày vẫn cứ trôi qua, sau khi nhận được thư, chị như người mất hồn, ngờ ngợ một điều gì đó ám muội. Linh cảm đàn bà cho chị biết có thể một phần do chính chị gây ra nhưng phải chăng đây là định mệnh.

Cuộc sống nơi quán xá nhiều khi cũng tẻ nhạt đến nhàm chán. Chị cảm thấy mệt mỏi, chán chường những cuộc bia rượu say sưa của khách khứa có hôm từ trưa đến tận khuya. Ai bảo, quán xá là chỗ nghỉ chân của những tâm hồn mệt mỏi!

Thế rồi điều xảy ra đã xảy ra với chị. Đêm đó điện đường vẫn sáng, bà cụ mẹ anh Lập đã đi ngủ. Dọn bàn ghế xong mệt quá chị vừa ngả lưng xuống chiếc ghế đi văng thì y như một bàn tay đàn ông choàng qua ôm riết lấy chị. Để tránh trớ đi, chị vùng dậy chạy vụt vào góc nhà nhưng không ngờ đụng phải mấy con chó buột chân chờ thịt. Chúng sủa toáng lên và cắn xả vào chị.

Ba hôm sau chị tắt thở ở bệnh viện vì nhiễm trùng vết thương. Lời cuối chị gắng gượng thốt được hai từ: con… chó.

Mùa dịch giã covid hoành hành, cũng chẳng ai ngờ trong đoàn người rong ruổi quy cố hương bằng xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về trong đó có Hương và Nga. Một cuộc hội ngộ bất ngờ tại khu cách ly khi chúng gặp được bà cụ mẹ anh Lập để nghe câu chuyện những ngày tháng người phụ nữ sinh ra chúng đã phải sống ra sao nơi quê nhà khi cả chồng và hai con đều rời xa và chỉ cách đây chưa đầy một tuần chị đã ra đi hết sức đau lòng, khi vẫn luôn trông ngóng về hai con.  Hương và Nga chỉ còn biết ôm mặt khóc rưng rức.

-Vết thương giữa mùa covid này bao giờ mới nguôi ngoa. Mong thay những ngày tới dịch giã sẽ chóng qua.

Tam Kỳ ngày cuối cùng của tháng 7.2021

V.V.T