Ví dầu tình bậu – Truyện ngắn Trần Huyền Trang

629

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ ngày chú mất, thím không còn sức để chửi rủa, miệt thị hay dọa giết ai nữa. Thím ra ngồi thu lu bên gốc mít, mặc kệ đám lá vàng rụng giữ cơn mưa ầm ào như thác lũ ban chiều.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Cuộc gọi của chú đến lúc nửa đêm. Thật tình, tôi rất lấy làm phiền với những cuộc gọi vào cái giờ lẽ ra không nên gọi như thế.
Chú tôi, một ông chú mà mãi đến tận hôm nay, khi tôi ngoài 30 tuổi và một nách hai con mà vẫn chưa bao giờ được một đồng lì xì của chú để ăn quà vặt. Thế nhưng, thím tôi – tức vợ chú, bảo: “Chú mày hào phóng lắm, sắm hẳn cái xe máy xịn cho bả, mua sữa gói ghém về quê cho hai đứa con bả, trong khi hai đứa cháu nội ở nhà đói quặt quẹo như cô hồn”.
Thím nói, vẫn cái giọng sang sảng bén như lưỡi liềm mới mài, lia nhát nào đứt ngọt lỗ tai nhát đó. Bả – cái mỹ từ bình dân mà thím dành cho tình địch, nghe lên bao nhiêu tầng ý nghĩa không diễn tả được. “Bả nói tới đâu chú mày nghe sái cổ tới đó. Chắc bả có bùa mê hả bây? Chứ không có thì sao rù quến thằng đàn ông có vợ với một nách ba con cùng một bầy cháu nội được?”.

Thím cứ hỏi đi hỏi lại câu đó, tôi không cách nào trả lời thím được. Trên đời này, tôi dị nhất chuyện bùa ngải ma mị không đâu vào đâu. Có lần, lúc ngồi ăn đậu phộng ngào đường, thứ quà duy nhất thím luôn rộng lượng thết đãi tôi mỗi lần về chơi, thím tặc lưỡi nói:
– Nói nhỏ bây nghe, con gái phải biết giữ chồng nghen bây. Tao nghe bà thầy xóm trên bả chỉ cách khuấy bùa cho thằng chồng uống, nó mê mình tới lúc chết thôi!
Tôi phun ngay mẻ đậu đến mức sặc sụa suýt ngạt.
– Nói ghê vậy thím? Cái đó mà thím cũng tin được à? Dị quá!
Thím mím môi, gật gù:
– Sống phải có lòng tin chứ bây!
– Vậy sao… thím không…
– Không làm như vậy chứ gì? Trễ rồi bây. Giờ tao hận sao không gặp bà thầy đó sớm hơn. Nhìn đầu tao đi, tóc rụng gần hết, còn gì để làm nữa?
Tôi định phá lên cười, nhưng nhìn cái mặt đã chằng chịt những nhúm da của thím đang thít lại như xâu xé nhau thì không cười nổi nữa.
Giọng chú thều thào chừng như chỉ còn chút hơi tàn:
– Di hả con? Chú mới mổ, đang ở bệnh viện X. Chú mệt quá Di ơi! Kêu ba mày lên đây với chú!
Ba tôi tất tả hối con rể đưa lên viện gặp chú. Ba rầu rầu:
– Chú mày mổ lần hai, bận trước thấy hơi yếu, lần này ba thấy hơi lo.
Tôi trấn an ba:
– Chắc không sao đâu ba, tính chú con ba cũng biết mà, ổng sợ chết nên cứ đụng tới máu me là rên hừ hự, chứ mổ sỏi mật đâu có nguy hiểm gì!
Mẹ tôi có vẻ không vui khi ba phải lặn lội đêm hôm lên viện, trong khi nhà chú thì vợ con đầy đủ chứ có thiếu ai. Lần nào chú bệnh, dù chỉ đau sơ sơ cũng điện kêu ba tôi lên bằng được. Chú làm bộ giả lả:
– Có anh, có em những lúc này thấy đỡ buồn hơn.
Mẹ tôi lần nào cũng bực ra mặt và liếc chú một cái sắc lẹm:
– Chứ hổng phải bị vợ con đá đít mới cầu cứu anh chị mình, tốt lành gì cái ngữ đó. Chú mày chỉ được cái gái gú là giỏi!
Mà phải công nhận, cái khoản đó, chú giỏi thiệt! Lần trước mổ, về nhà được tuần lễ, chú toàn phải nằm thở ô-xy. Vậy mà mới hơi khỏe lại, còn xách luôn cái bình với dây nhợ lòng thòng xuống tận nhà trọ của bả. Không biết chú làm gì, mà lúc về tới nhà thì đứt hơi tưởng chết, làm đám con sợ xanh mặt! Kì tích của chú lần đó vẫn còn râm ran từ đầu hẻm ra tới quán cà-phê, tận bây giờ vẫn chưa dứt.
Bả – một phụ nữ nửa đời chồng, một nách hai con tồng ngồng rồi, cũng xêm xêm với thím chứ có đẹp đẽ, trẻ trung gì cho cam. Vậy mà rù quến được chú, kể cũng tài!
– Bởi vậy, tao mới nói chắc nó cho chú mày ăn bùa mê thuốc lú, thằng chả mới mê nó chết lên chết xuống đó chứ!
– Bùa ngải gì thím ơi. Ai có máu thì tới lúc cần phát nó sẽ phát thôi hà!
– Ôi, nó thương cái túi tiền chú mày, chứ thương yêu gì cái ngữ đó, toàn một lũ lừa đảo thôi!
Giọng thím rít qua kẽ răng, thím bổ phập cái dao quắm vào trái mít, miếng vỏ văng ra, dòng nhựa trắng đục chảy lênh láng theo nhát dao hờn dỗi. Tôi rùng mình, ớn lạnh, hỏi xin thím ít dầu gió hít hơi để bình tâm lại. Máu ghen đàn bà, đừng manh động mà đụng đến! Thật, thím mà đã ra tay thì không phải hạng xoàng!
– Tao không làm gì hết bây, chỉ bước tới lên gối một cái, con quỷ đó ngã ra nền, lu loa lên là tao đánh đập nó dã man. Chú mày đưa đi bệnh viện, nghe nói tốn vài chục triệu cho nó im miệng. Tao mà biết vậy, uýnh thiệt cho đáng đồng tiền!
Thằng con tủm tỉm cười:
– Ừ, má em có làm gì đâu mà bà kia bả đi chàng hảng cả tháng trời chưa hết kìa!
Sau vụ đó, chú tôi bênh bồ, về nhà là kiếm chuyện với thím. Ba tôi thi thoảng về chơi mà hai người cũng chẳng nể nang, cầm gạch đá rượt nhau chạy lòng vòng quanh vườn mít. Chú còn đòi bán nhà, chia tài sản. Khổ cái, đất là của thím, nhà thì là tiền của chú làm nên.
– Ông thích thì cứ việc bưng cái nhà đi chỗ khác ở. Đất này của tui, mắc gì phải chia chứ?
Chú cũng đâu vừa, dặn đám con:
– Chừng nào tao chết, tụi bây chôn tao ngay giữa nhà. Nhà này là của tao, không ai có quyền!
Hàng xóm chặc lưỡi nhìn chú thím ái ngại. Hai vợ chồng mà cứ như trâu trắng, trâu đen. Vậy mà nhất quyết không ly dị, sống với nhau sao khổ quá.
– Ly dị cho thằng chả rước con hồ ly đó về ở hả? Tao đâu có ngu!
Thím quyết giành của nả cho mình, cho con cháu. Tôi chỉ biết lay vai thím, an ủi:
– Thím đừng buồn, biết đâu nay mai chú con hồi tâm chuyển ý sao thím?
Thím mím chặt môi, mắt ầng ậng nước:
– Nếu chú mày biết nghĩ vậy, thím đâu có ra nông nỗi hả con?

Lần này thì chú không còn sức để kêu rên thống thiết nữa. Bệnh viện trả chú về lúc nửa đêm. Khi đám con bu lại quanh giường khóc thương cha chúng, mắt thím vẫn ráo hoảnh, xắn tay áo dọn dẹp cái giường, kêu mấy đứa cháu bật hết đèn lên. Thím nạt:
– Tụi bây khóc lóc cái gì, lo mà dọn dẹp nhà cửa đàng hoàng. Thằng Hai, chở tao đi trại hòm!
Ba tôi nói, chú không trăn trối gì, chỉ nghe thều thào tên bả. Thằng con len lén điện cho bả, nó nói cho bả lên nhìn mặt ba, chứ không ổng chết không nhắm mắt. Thím nghe được, giựt điện thoại, hét như hổ gầm:
– Mày ngon lên đây, tao GIẾT!
Bả không lên thật, chắc khiếp vía thím. Nhưng chỉ vài ngày sau tang chú, nhiều người mặt mày bặm trợn tới xòe cái giấy chủ quyền nhà mang tên bả, đuổi mấy mẹ con thím ra ngoài.
Không hiểu họ phù phép kiểu gì mà sang tên được cái sổ hồng nhà. Thằng con đoan chắc đó là giấy tờ giả. Thím ngồi bệt xuống nền nhà, cay nghiệt:
– Tao mà biết vậy thì bữa tao chôn thằng chả giữa nhà, coi có ai dám tới đòi nhà nữa không!
– Má đừng buồn nữa, để con nhờ người xác minh lại. Chắc chuyện không phải như vậy đâu!
Thím không còn sức để chửi rủa, miệt thị, dọa giết ai nữa. Thím ra ngồi thu lu bên gốc mít, mặc kệ đám lá vàng rụng giữa cơn mưa ầm ào như thác lũ ban chiều, mặc kệ đám muỗi vo ve vờn lên vờn xuống hai bên má teo tóp như trái chanh héo.
Mà khổ thân, thím không khóc được.

T.H.T