Vi Huyền Đắc – Kịch tác gia tiên phong của nền kịch nói Việt Nam

1695

Trần Tâm

(Vanchuongphuongnam.vn) – Theo của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan: Vi Huyền Đắc thật sự nổi tiếng khi ra mắt vở Kim tiềnÔng Ký Cóp. Và, từ vở kịch Uyên ương đến các vở Kim tiền, Ông Ký Cóp, Vi Huyền Đắc đã bước được một bước khá dài trong nghệ thuật viết kịch.

Chân dung Vi Huyền Đắc qua nét vẽ của Tạ Tỵ 

Vi Huyền Đắc (còn có bút danh Giới Chi) là nhà giáo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà soạn kịch sinh ngày 18 tháng 12 năm 1899 tại Trà Cổ, tỉnh Hải Ninh (nay là phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Cha ông là Vi Hồi Ngọ làm thầu khoán, mộ phu làm đường, làm mỏ và có một đội thuyền vận tải riêng kinh doanh buôn bán tại vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Mẹ ông là cháu ngoại Tiến sĩ Hán học Nguyễn Tư Giản (1823 -1890) Thượng thư Bộ Lại triều Tự Đức. Vi Huyền Đắc có hai con trai là Vi Giác và Vi Huyền Trác. Ông còn một người con gái nuôi là Hoàng Hương Trang (Tên thật: Hoàng Thị Diệm Phương. Sinh năm: 1938. Quê quán: Vân Thê – Hương Thủy – Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp cao đẳng Mỹ Thuật 1960, Sư phạm Mỹ thuật 1961. Nghiên cứu Mỹ thuật Á châu (Tokyo 1963). Có tên trong thi nhân Việt Nam thế hệ 1954 – 1973).

Trong một bài viết, ông Lãng Nhân (nhà văn Phùng Tất Đắc) kể: Họ Vi bấy giờ làm đại lý cho sở xi-măng cư ngụ tại một khu nhà khang trang bên Hạ lý. Tuy là tay kinh doanh bề thế, song, cũng là một nhà văn nghệ nổi danh, tự gây lẫy lừng vốn vững chãi về Pháp văn và nho học, lại bẩm tính hào hoa phong nhã – nên cuộc hội ngộ mới trong sơ giao mà tâm đầu ý hợp. Quả là: hải nội còn tri kỷ, ngàn dăm như láng giềng. Vì đến lúc thân mật anh em, mới biết anh vốn là gốc Nùng ở Mang nhai (người Tàu đọc là Móng cái, ta gọi theo) thì Nùng với Việt đâu còn xa lạ nữa…

Do cơ duyên nào đó, tôi quen biết và nhiều năm liên hệ thư từ với chị Hoàng Hương Trang là con nuôi cụ Vi Huyền Đắc. Năm 2003, tôi tham dự trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tại Đà Lạt và gặp chị đang đi thăm bạn bè ở đó. Sau lại gặp chị ở Sài Gòn. Chị Hoàng Hương Trang cho biết: – Nghĩa phụ tôi họ Hàn. Là dòng dõi Hàn Tín. Sau ngày bị truy nã bởi án tru di, có người trong họ trốn được, cải thành họ Vi. Bởi chữ Hàn tiếng Hán có chữ vi nằm bên phải.

Vi Huyền Đắc học chữ Hán rồi học chữ Quốc ngữ. Sau khi tốt nghiệp Thành Chung ở Hải Phòng, ông thi vào trường Mỹ nghệ Hà Nội nhưng không học, vào Sài Gòn lái xe và viết một số bài báo có xu hướng tiến bộ.

Cha mất, Vi Huyền Đắc trở ra Hải Phòng kế thừa cơ nghiệp để lại nhưng việc kinh doanh không hiệu quả. Ông phải bán dần tài sản để sinh sống và bắt đầu viết kịch, mở nhà in Thái Dương văn khố trên phố Cầu Đất (Hải Phòng) để xuất bản tác phẩm của mình và bạn bè.

Năm 1927, ông cho ra mắt tác phẩm kịch đầu tay: Uyên ương.

Năm 1932, cùng với sự phát triển chung của nền văn học Việt, thể loại kịch đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhiều nhà viết tiểu thuyết, làm thơ cũng bắt đầu viết kịch như: Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Thế Lữ… Song chuyên về kịch và nổi trội hơn cả là Vi Huyền Đắc và Đoàn Phú Tứ.

Một trang quảng cáo cho vở diễn của Vi Huyền Đắc

Theo của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan: Vi Huyền Đắc thật sự nổi tiếng khi ra mắt vở Kim tiềnÔng Ký Cóp. Và, từ vở kịch Uyên ương đến các vở Kim tiền, Ông Ký Cóp, Vi Huyền Đắc đã bước được một bước khá dài trong nghệ thuật viết kịch. Những vai trong Uyên ương, trong Nghệ sĩ hồn non yếu thế nào, thì những vai trong Kim tiền, Ông Ký Cóp cứng cáp thế ấy. Động tác ở những vở sau rất mạnh mẽ, các nhân vật đều được tạo trong những khuôn tâm lý sâu sắc, tỏ ra tác giả là một kịch gia không những có nhiều tài năng, mà còn rất nhiều lịch duyệt.

Ông có nhiều điều kiện tiếp xúc với thợ thuyền lam lũ vất vả điều này có tác động sâu sắc đến sáng tác của ông. Kịch của ông hướng về chân thiện mỹ, đề cao người lương thiện, tình nghĩa thủy chung, quan điểm xã hội tiến bộ và lòng yêu tự do, giữ gìn luân lý cổ truyền, ca tụng đạo đức và ý chí nghị lực con người, bênh vực tầng lớp dân nghèo, phu thợ lầm than bị chủ bóc lột, đòi sự công bằng trong xã hội. Vở Kim tiền được đăng trên báo Ngày nay và được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn năm 1937. Ông Ký Cóp là hài kịch cũng được diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Tây Hải Phòng ngày 8-10-1938. Nếu như Kim tiền phơi bày các thủ đoạn làm giàu và phi nhân tính của tư sản mại bản thì Ông Ký Cóp đả kích cái đáng cười của lễ giáo phong kiến lỗi thời.

Trước 1945, Vi Huyền Đắc còn có các vở kich có giá trị khác như Trường hận (giải thưởng của Viện hàn lâm Nixơ, Pháp 1936 -1937), Xamurai (giải thưởng của Viện hàn lâm Nixơ 1938), Khóc lên tiếng cười (1943), Lệ Chi Viên (1934), Bạch Hạc đình (1945), Giêsu đấng cứu thế (1945)… Trong kháng chiến chống Pháp, Vi Huyền Đắc tản cư về vùng tự do Yên Mô (Ninh Bình) tham gia dạy học và viết kịch cho bộ đội địa phương.

Năm 1954, ông lại vào Nam, tiếp tục sáng tác và từng là Phó chủ tịch hội Văn bút Việt Nam. Ông sống bằng nghề dịch thuật, viết văn và dạy học. Trong thời gian này ông viết Từ Hi Thái hậu và hoàn thành nốt vở Thành Cát Tư Hãn (1956), viết một số truyện ngắn, chủ yếu dịch sách tiếng Pháp và truyện của Quỳnh Dao nhà văn Đài Loan.

Năm 1971, ông được trao Giải Thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc, do Tổng Thống VNCH sáng lập.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ đã viết như sau: …Cuối năm 1954, sau gần 20 năm xa cách, tôi mới gặp lại Vi Huyền Đắc ở trong một căn nhà tĩnh mịch, mà anh đặt tên là Hoàng Mai Hiên, giữa một cảnh trí nên thơ ở miệt ngã năm Bình Hòa, ngoại ô Gia Định. Nhà chỉ có hai vợ chồng (vợ ông mất năm 1966 ở Hoàng Mai Hiên) với một u già. Bao nhiêu cơ đồ sự nghiệp ở Hải phòng đều bỏ lại đất Bắc hết. Bao nhiêu sách quý, các bản thảo, cả những tác phẩm của anh đã xuất bản hồi tiền chiến, đều bị mất sạch. Bấy giờ chị đi dạy học ở trường Tiểu học ĐaKao, còn anh thì ở nhà dịch tiểu thuyết Tàu cho vài tờ báo, sống cuộc đời nhà văn thanh cao, yên tịnh. Trong lúc ở ngoại quốc, các nhà kịch sĩ đang đưa lên sân khấu những sáng tác phẩm vô cùng sôi nổi, thì ở nước Việt Nam một nhà kịch sĩ rất có nhiều khả năng, nghệ thuật điêu luyện tinh vi, đành xếp các vở kịch qua một bên, để dịch các tiểu thuyết Tàu cho qua ngày tháng…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vi Huyền Đắc ra Hà Nội sống với con trai là Giáo sư, bác sĩ y khoa Vi Huyền Trác. Cụ bị ngã gãy cổ xương đùi, lại cao tuổi và loãng xương. Vết thương phải phẫu thuật, Vi Huyền Đắc mất sau một tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 16 tháng 8 năm 1976, thọ 77 tuổi.

T.T