Vì sao chúng ta viết – góc nhìn của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam

382

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch và nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam nói  về “vì sao chúng ta viết”.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ 3 từ trái), Chủ tịch và nhà thơ Trần Hữu Việt (thứ 4 từ trái), Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam nói về “vì sao chúng ta viết” 

Rất khó gọi tên những người viết dấn thân

“Vì sao chúng tôi viết” là sologan của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 18 và 19/6/2022.

Theo nhận xét của nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam thì đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến.

Dường như văn chương với nhiều người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, xong rồi thôi hoặc chuyển sang làm công việc khác.

Rất khó gọi ra tên những người viết thật sự dấn thân, tương tự với việc chưa gọi được ra những tác phẩm, thậm chí chi tiết thật sự gây ám ảnh cho người đọc.


Nhà thơ Hữu Việt phát biểu tại hội nghị

“Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tượng này là do nhiều người chưa tự đặt câu hỏi, và nghiêm túc trả lời câu hỏi: Vì sao chúng ta viết? được chọn làm slogan cho Hội nghị Viết văn trẻ lần này. Bởi vì trong đó đã bao gồm cả: viết cái gì? viết cho ai? và viết như thế nào?”, nhà thơ Trần Hữu Việt nói.

Phần lớn người viết nhớ lại, việc viết văn thường bắt đầu từ ham thích bản năng chứ không hẳn họ có ngay ý thức đây sẽ là “nghiệp văn” theo mình suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà dẫn đến thực tế, một số người có tài hoặc giàu tiềm năng văn chương đã dễ dàng từ bỏ bút mực để chuyển sang làm công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể; coi những thành công văn chương thuở nào chỉ là “ký ức vui vẻ”.

Chiều ngược lại, những người không có thực tài lại đằng đẵng đeo đuổi nghiệp văn, trong khi lẽ ra họ có thể thành công và cống hiến nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác. Phải chăng những người đó chưa trả lời được câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”.

“Đi tìm căn nguyên và trả lời câu hỏi vì sao một người quyết định cầm bút (hoặc dừng lại chuyển sang công việc khác), quyết gắn bó trọn đời với công việc chữ nghĩa là hết sức quan trọng. Ðây có lẽ là khởi đầu để chúng ta xây dựng đội ngũ ổn định các nhà văn kế cận tâm huyết trong tương lai, khi những dự định mơ hồ về con đường văn chương trở nên tường minh. Câu trả lời này người viết trẻ phải tự mình đi tìm, không thể khác”, nhà thơ Trần Hữu Việt nói.

Không thể rời bỏ sứ mệnh nhà văn

“Vì sao chúng ta viết” – theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, câu hỏi tưởng thông thường ấy lại là câu hỏi phải luôn luôn được vang lên trong mỗi nhà văn khi họ cầm bút ở bất cứ không gian nào và với bất cứ điều kiện nào. Nếu chúng ta rời bỏ câu hỏi ấy thì nghĩa là chúng ta rời bỏ sứ mệnh của nhà văn, rời bỏ bản chất của văn học trong toàn bộ lịch sử phát triển nhân văn của nó.

Chúng ta viết bởi sự rung động trước cái Đẹp của thiên nhiên, của văn hóa và của con người. Những vẻ đẹp ấy dù trong bất cứ thăng trầm nào của lịch sử vẫn ngập tràn trong đời sống và đợi chờ chúng ta. Chúng ta muốn dùng trái tim, sự thấu hiểu và nghệ thuật ngôn từ để mở ra những vẻ đẹp ấy và lan tỏa những vẻ đẹp ấy cho con người. Nhà văn danh tiếng Konstantin Paustovsky nói: ‘’Niềm vui của nhà văn chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái Đẹp’’. Nếu văn chương không đưa con người tới vương quốc của cái Đẹp thì nó sẽ đưa con người đến một nơi chốn ngược lại.

Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống vẫn ẩn chứa nhiều tội ác. Đó là những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đó là những cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là sự áp đặt độc tài của một người này với một người khác, của một quốc gia này với một quốc gia khác. Và nhà văn khi cầm bút chính là bước vào cuộc chiến đấu chống lại tội ác đó.

Chúng ta viết bởi lòng hận thù giữa con người với con người đang có nguy cơ lan rộng trong mỗi nơi chốn con người đang sống. Bởi nhân phẩm con người đâu đấy trên thế gian này vẫn đang bị đối xử bằng bạo lực và bị định giá bằng vật chất. Sự hận thù là đồng minh của bóng tối.

Mỗi trang viết của nhà văn phải thắp lên một ngọn lửa để xua đi bóng tối ấy. Nếu không làm được như vậy thì những gì chúng ta viết ra có nguy cơ trở thành kẻ đồng lõa với bóng tối, với tội ác. Và mỗi trang viết của chúng ta phải là những nhịp cầu bắc qua những ngăn cách, những vực sâu của hận thù để mang yêu thương tới mỗi con người.

Chúng ta viết bởi hiện thực cho chúng ta nhận ra rằng chủ nghĩa nhân văn đang bị tàn phá nghiêm trọng trong đời sống tinh thần của con người. Nhà văn danh tiếng Nguyễn Minh Châu nói: ‘’Nhà văn rất cần thiết có mặt ở trên đời để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa’’. Và tai họa lớn nhất mà con người phải gánh chịu là sự suy tàn của những vẻ đẹp nhân tính.

Theo Tường Minh/LĐO