Vi Thùy Linh – Giấc thơ sẽ bùng nổ tại TPHCM

542

Vũ Gia

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thi sĩ Dệt tầm gai ở năm thứ 27 của hành trình thi ca, tái xuất khán giả phương Nam bằng cuộc trình diễn trong triển lãm Thơ quy mô lớn lần đầu tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 4.6.2022. Một sự kiện lớn của thi ca gây chú ý bởi nhiều phương diện, là quà tặng cho những người yêu nghệ thuật vào thứ Bảy tuần này, 4/6/2022.

Đường vào Khu triễn lãm

Cuộc họp báo lúc 9h và 15h chiều 4/6 là phần trình diễn của thi sĩ Vi Thuỳ Linh và Violinistv Tăng Thành Nam.

Sun Life – Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Canada đã coi Tiếng Việt như “mỏ vàng” của sáng tạo và vẻ đẹp tâm hồn qua hoạt động thi ca. Thơ trầm tỏa tâm hồn của mỗi quốc gia, sức sống của Thơ là bảo chứng của lịch sử đời sống, của tinh thần Việt.

Mời Vi Thuỳ Linh, thi sĩ duy nhất từ Hà Nội, tái xuất phương Nam, nhà tổ chức đánh giá cao lao động nghiêm túc, đam mê và luôn tìm tòi mới lạ của chị. Một ê kip chuyên nghiệp được thành lập từ sau Tết Nguyên đán và tập trung làm việc 2 tháng để tạo được “một thế giới khác” đẹp lung linh, bay bổng, huyền nhiệm giữa Sài Gòn sôi động. Từng chi tiết về đạo cụ, phối cảnh, âm thanh, ánh sáng, phục trang được bàn thảo kỹ càng qua nhiều cuộc họp liên tiếp. Sự chuyên nghiệp và cầu toàn nhất nhằm dâng hiến công chúng một đại tiệc thị giác – thính giác của mỹ thuật sắp đặt, ngôn ngữ và cảm xúc tuyệt đẹp chưa từng có. Vi Thuỳ Linh với tác phẩm Châu thổ giấc mơ sáng tác cho triển lãm đặc biệt này là gương mặt được chờ đợi nhất. Nhà thơ nữ duy nhất phía Nam là Hạnh Ngộ cùng “Khoảnh khắc vĩnh cửu”. Nguyễn Phong Việt sau 10 tập thơ, sẽ “Cảm ơn một hơi thở”. Nam Thi hiện hữu bởi tác phẩm “Huy hoàng”. Buổi tối 4.6 sôi động bởi Rapper Táo diễn “Nhộng”.

Capital Studio, số 212, đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM, thành bối cảnh của những giấc mơ, sang trọng, khơi gợi và bay bổng.

Tọa lạc tại tầng trệt với diện tích hơn 600m2, sức chứa tối đa tại triển lãm trong cùng 1 thời điểm: 400 khán giả, để trải nghiệm không gian triển lãm một cách tốt nhất. Chất liệu giấy bìa carton kết hợp giấy roki tạo hình. Khung sắt với gỗ định hình phần khung, giấy tạo hình thành những làn phù sa bồi đắp. Gần 400m2 giấy được sử dụng riêng cho khu vực Vi Thuỳ Linh. Thời gian lắp đặt: 1/6 và xuyên suốt trong 3 ngày đêm để hoàn thành các hạng mục trong triển lãm.

Tone màu chủ đạo: là màu nâu sáng, be, trắng kết hợp với hiệu ứng loang sáng tựa sóng nước. Trăm cây nến đặt xung quanh tạo nên sự huyền ảo. Và thi sĩ xuất hiện như thiên sứ tình yêu, với cây nến thật Vi Thuỳ Linh đốt lên, cầm khi trình diễn – ánh lửa của nghệ thuật và khát vọng.

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Trang phục mà các nhà thơ chọn mặc được ê kip thực hiện hỏi kỹ, quan sát hình ảnh để gửi thông báo đến khách tham gia. Khán giả là một phần cấu thành của triển lãm quy mô mọi mặt này. Đẳng cấp thương hiệu luôn được ViLi chú trọng khi đầu tư tác phẩm.

Nhà thơ Vi Thuỳ Linh mặc 2 bộ của hai NTK  người Hà Nội – Đức Hùng (1968) và Thủy Nguyễn (1981) dành tặng, cho họp báo buổi sáng và trình diễn buổi chiều. NSUT Đức Hùng (Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long) có 30 năm uy tín trong ngành thời trang, anh đã thiết kế cho Vi Thị Đông trang phục dạ hội góp phần vào ngôi Á hậu 1 HHVN năm 1992 mà váy và cặp tóc của Vi giai nhân thành mốt thời ấy.

Violinist Tăng Thành Nam (1974), Concertmaster Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng TP.HCM 20 năm qua sẽ có cuộc “duo” đặc biệt với Vi Thuỳ Linh.  Riêng với văn chương, Tăng Thành Nam  đến nay chỉ diễn cùng một thi sĩ duy nhất: Vi Thuỳ Linh. Sự kết hợp của họ tại Hội chợ sách FAHASA 3.2014 là điểm nhấn đặc biệt. Và với triển lãm thơ quy mô đầu tiên này ở VN, cuộc liên tài của Vi Thuỳ Linh và Tăng Thành Nam là một đỉnh nút cao trào được mong đợi nhất, với cả nhà tổ chức lẫn công chúng.

Tăng Thành Nam

Duy nhất, tại khu “Châu thổ” của Vi Thuỳ Linh (diện tích hơn 120m2) có 5 chiếc gối lớn, thơ mộng để nằm thưởng thơ và hòa mình vào Giấc Mơ. Và những bí mật của nàng Vi vẫn truyền năng lượng qua thi ca về sức mạnh của lãng mạn, niềm tin vào tinh thần tương lai, từ hiện tại.

Bản Méditation (Thaïs) của Jules Émile Frédéric Massenet rất nổi tiếng viết cho piano và violin được Vi Thuỳ Linh và Tăng Thành Nam chọn làm “song tấu” thơ – nhạc sẽ quyến rũ người xem. Vừa có chất suy tư, vừa da diết và vấn vương chất ma mị.

Nối tiếp sau Méditation Après un rêve (Sau một giấc mơ) của nhạc sĩ Gabriel Faure. Định mệnh là Tăng Thành Nam – người bạn tin cậy, sau những cuộc trao đổi, lập tức đưa ra tác phẩm chọn hợp ý ViLi. Đó là “giấc mơ âm nhạc” cho giấc mơ thi ca  của Linh. Và đều là nhạc của nhạc sĩ Pháp, xứ sở lục giác mà  hai nghệ sĩ đã sống tuổi trẻ ở đó những tháng ngày đẹp nhất. Mỗi lần xuất hiện, Vi Thuỳ Linh đều nỗ lực với  khả năng là tối đa, trước công chúng Ngày thơ VN ở sân Thái Học, Văn Miếu hay các đêm diễn chật kín khán phòng L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp), Nhà Văn hóa học sinh – sinh viên, Nhà hát Lớn. Quà cho khán giả bao giờ vũng là những ấn tượng chưa ai làm, bất ngờ, cảm động. ViLi  nhấn mạnh: “Tôi tận hiến vì danh dự, uy tín, vì sự tin yêu của bạn hữu và khán giả. Đồng hành Linh từ cuộc trình diễn tháng  3.2014, hơn 8 năm mới tái xuất duo, Tăng Thành Nam sẽ cùng Vi Thuỳ  Linh làm được “Giấc mơ” của mình”.

Một trong các sinh thú kinh điển của nhân loại là đọc sách. Đến với “cơn bão” thơ đặc biệt nhiều phương diện lần này, một không gian bàng hoàng của những vẻ đẹp kết tụ trong ánh sáng từ nguồn sáng thi ca, nghệ thuật đa phương tiện cho công chúng những phức cảm liên hoàn vượt xa  mọi hình dung về cách thức tiếp nhận quen thuộc. Thời cách mạng công nghệ, văn hóa đọc và vị thế thi ca có phần suy giảm, sức sống của thơ vẫn gây kinh ngạc. Khán giả không chỉ đứng, ngồi, mà còn được chuẩn bị những chiếc gối “lười” để nằm đọc thơ Vi Thuỳ Linh. Nằm để hòa mình vào giấc mơ lộng lẫy…

Người yêu thơ và giới mộ điệu nghệ thuật ở “Hòn ngọc Viễn Đông” vốn đã quen thuộc và dành cảm mến cho Vi Thuỳ Linh 22 năm qua. Chị đã có nhiều cuộc giao lưu sinh viên, đêm thơ, gặp gỡ công chúng tại thành phố hai mùa mưa – nắng với số lần vào đây gần bằng số tuổi. Bởi thế, Sài Gòn cũng là một Ái thành chất chứa kỉ niệm – tuổi trẻ của Linh. Chị đã khóc khi Sài Gòn bị bão tố Covid. Chị, người đã chắt chiu thời gian bởi suy tư về hữu hạn kiếp người từ tuổi 20, vẫn nhớ nguyên phút đắm trong im lặng khi TP.HCM bất thường vắng vẻ. Và nhận ra: Hơi thở quý giá từng satna (đơn vị thời gian nhỏ hơn giây trong Đạo Phật). Được thở trong lành, được nhìn thấy môi son nụ cười, được hôn không ngại ngần…là mơ ước. “Châu thổ giấc mơ” ra đời như thế, ViLi dành riêng cho sự kiện này. “Còn hôm nay ta còn mãi mãi” là triển lãm thơ quy mô nhất Việt Nam tính đến hôm nay, được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.

Người trình diễn thơ đầu tiên và nhiều nhất, tạo dấu ấn trong công chúng nhất trong 5 gương mặt hội tụ sự kiện này là Vi Thuỳ Linh. Chị là “đinh” mà nhà tổ chức đặt hy vong lớn. 4 gương mặt còn lại đều đang làm việc tại TP.HCM, trong đó có nhà thơ 8X Nguyễn Phong Việt (1980) còn Nam Thi và Rapper Táo đều sinh 1994. Nam Thi là đồng môn khóa sau của ViLi tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền, K32, khoa Triết học, làm việc tại TPHCM 5 năm qua.

5 gương mặt từ 2 thành phố lớn nhất nhưng lại đa sắc 3 miền. Vi Thuỳ Linh sinh trưởng và gắn bó với Hà Nội. Sống tại TP.HCM hơn 20 năm, Phong Việt quê Phú Yên chọn Sài Gòn phát triển. Nam Thi từ Thủ đô vào lập nghiệp phương Nam. Người Sài Gòn, chỉ Táo. Nữ sĩ được chuyên gia Phi Nha lo trang điểm.

Thực tế thì, có gì là mãi mãi, là bất biến đâu, nếu xét tận cùng ngữ nghĩa biện chứng. Nhưng thi ca, là vẻ đẹp tinh thần, sức sống của ngôn ngữ và văn hóa, vẫn giữ uy năng của một nghệ thuật màu nhiệm cho loài người được trải qua lịch sử của những khoảnh khắc không có hai lần. Còn hôm nay ta còn mãi là một tấm gương lưu dung một ký ức đẹp đẽ của những người biết yêu thơ và hy vọng cho ngày mai trong niềm tin ở sức mạnh của thơ, của Tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, tiếng tâm hồn.