Vía của rừng – Truyện ngắn của Triệu Hoàng Giang

285

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời chưa sáng, Phin bước vào rừng, đây đoạn đường cô và Sinh ngày trước thường hay đi. Sương đọng trên lá, trên váy áo Phin thành những giọt trắng tinh khôi. Mùa xuân đến rồi mà chẳng thấy hoa rừng nở, lá cây chẳng muốn nhú ra nhìn xung quanh. Rừng chẳng còn đủ sức sống ôm trọn người Phiêng Luông nữa, chim, thú trốn đi đâu hết chẳng rõ. Phin đi theo con đường mòn chẳng có đích đến, cô muốn đi tìm Vía về cho rừng. Nhưng Vía ở đâu, Phin không biết nhưng Phin vẫn đi, phải đi thôi, rừng Phiêng Luông nguy lắm rồi.

Vợ chồng nhà văn Triệu Hoàng Giang

Cả khu rừng chẳng có nổi tiếng chim kêu, con suối cũng không còn róc rách nữa. Một khoảng xanh mênh mông Phin chẳng tìm nổi gốc cây lớn để nghỉ chân, chẳng tìm được quả rừng để làm dịu cơn khát cháy họng. Cây giống cây, đồi giống đồi, Phin dường như lạc vào miền đất xa lạ khác không phải là rừng của Phiêng Luông. Cây Sấu trên đỉnh Đin Ba đã bị chặt, rừng Dổi dưới chân núi Pù Toòng cũng chỉ còn trơ lại gốc, nước con suối Lủng Căm chẳng ngập nổi chân người. Phin đi men theo con đường mòn chẳng biết đích đến, không còn những cơn gió cuộn nhẹ vào áo Phin như ngày cô cùng Sinh đi tìm măng, mọi thứ đều im lặng.

– Vía ơi! Về đi.

Người Dao đi rừng khi giật mình đều gọi Vía, trẻ con đi nương đều được gọi Vía để không bị lạc. Nhưng Phin tự hỏi, mình có còn là người Dao – những người tự nhận mình là Kềm Miền (người của rừng) nữa hay không? Sinh có phải không? Người ở Phiêng Luông có phải không? Sao lại để Vía đi mất mà chẳng biết gọi về?

Người già bảo ở Phiêng Luông này rừng chẳng thiếu thứ gì cả. Bao nhiêu năm, người trong bản đi chợ phiên chỉ mua muối, thứ duy nhất mà rừng Phiêng Luông không có. Nhưng người trẻ lại cần nhiều hơn, đứa nào lớn lên đều tìm đủ mọi cách ra khỏi Phiêng Luông, đi tìm những thứ không phải của rừng. Có người đã khóc từ đỉnh Pù Sáp về đến bản khi đi được hai năm, có người được ba năm lại về với cái miệng ít nói. Chỉ có thằng Sinh là đi lâu nhất, mãi đến khi con đường to mở đến Phiêng Luông nó mới chịu về. Nhưng chẳng thấy Sinh nói đến chuyện cưới Phin như lời hẹn ở con suối Lủng Căm, chắc hôm ấy tiếng nước cuốn lời nói đi xa rồi.

Sinh về được mấy hôm cũng chẳng đến tìm Phin, chẳng đi thăm hỏi người già, nói với mọi người toàn lời quát nạt ồn ào cả bản, rồi lại tụ tập mấy thằng thanh niên trong bản uống rượu cả ngày. Được mấy hôm, Phiêng Luông thấy có đám người lạ từ đâu về tìm gặp Sinh. Khuôn mặt họ gằm gằm, hình xăm trổ khắp người khiến ai cũng nép vào mép đường khi gặp. Người già lắc đầu, lặng lẽ nhìn xem thằng Sinh và đám người lạ.

Người lạ vừa đến được hai hôm đã hợp cùng một số thanh niên làng chặt hạ gốc Sấu đầu bản. Tiếng máy cưa, tiếng cây đổ khiến người già giật bắn người, lũ trẻ nép vào chân mẹ, đôi mắt những người đàn bà ngơ ngác. Bố Phin chạy nhanh gạt tay Sinh lại. Hắn hất hàm:

– Cây của nhà ông à?

– Cây thiêng đấy, chặt nó sẽ bị báo ứng!

– Nếu thế bọn tao bị thôi, đừng lo.

Tiếng cười ha hả, tiếng máy cưa vẫn tiếp tục cứa vào thân cây, nhựa bắn tóe vào áo bố Phin.

– Cả Phiêng Luông này sẽ bị, không riêng lũ chúng mày.

Lời ông chẳng át nổi tiếng ầm ầm của những lưỡi cưa đang xẻ từng miếng gỗ. Gạt những giọt nước mắt khỏi khuôn mặt nhăn nheo, ông về nhà thắp nén hương lên ban thờ lẩm nhẩm lời khấn vái. Khấn xong ông chỉ tay thẳng vào mặt Phin.

– Mày còn nghĩ tới thằng Sinh tao chém mày chết!

Xong cây Sấu, những cây to khác ở Phiêng Luông tiếp tục bị chặt hạ. Những nhà có người đi chặt gỗ cũng chợt nhận ra nhà thiếu nhiều thứ quá. Tiền có trong túi rồi ra chợ gặp thứ gì cũng muốn mua, gặp thứ gì cũng thấy cần mang về. Những nhà không có chân trong đám xẻ gỗ thì tiếc lắm, trong bụng tự an ủi rằng khi bị thần trừng phạt sẽ không liên quan đến nhà mình. Nhiều cô gái hay đi lại qua nhà thằng Sinh lắm, có cô đi chậm như đếm được từng hòn đá trên đường. Trong những cô ấy có Phin, Sinh nhiều lần nhìn thấy nhưng đều quay đi, đôi mắt cứ nhìn đi nơi khác.

Cũng như lúc đến, đám người lạ chẳng kịp để lại tên ở Phiêng Luông, vội vàng đi từ khi trời còn tờ mờ sáng. Sinh cũng biến mất khỏi bản chẳng thèm để ý đến đám thanh niên bản thường ngày vẫn đi cùng khắp rừng Phiêng Luông.

Rừng Phiêng Luông tan tác, những cây cổ thụ đều bị chặt. Cây lớn đổ, cây nhỏ xung quanh cũng bị đè nát, những cánh rừng giờ chẳng thể che được cơn gió lạnh từ Lủng Chang thổi về nữa. Người Phiêng Luông lo lắng, người già đến cửa rừng thắp hương đều bị gió thổi tắt, trẻ con ốm nhiều đến nỗi ban đêm Phiêng Luông còn ồn ào hơn cả ban ngày.

Ảnh minh họa

…Phin nhớ có lần Sinh kể rằng ở Phiêng Luông có một nơi đẹp lắm. Sinh bảo, đấy là nơi đầu nguồn, nơi bắt đầu của rừng, của con suối, muông thú ở Phiêng Luông. Lần ấy, Phin và Sinh chỉ đứng ở xa nhìn, nơi ấy đẹp lắm, Phin định bước tiếp nhưng Sinh ngăn lại, “đừng làm Vía rừng sợ”. Vía rừng sẽ bảo vệ người Dao, cho thuốc, cho cây, cho thức ăn, cho cái đầu có những cái ý nghĩ thật tốt. Vía rừng sẽ đi khắp Phiêng Luông để nhìn những người con ngày đêm tin vào rừng, yêu rừng như những người cùng dòng họ. Đó là lần duy nhất hai người đến đó, giờ đây, rừng Phiêng Luông chắc đã bị động, Phin muốn đến đó nhưng không có Sinh, cô chẳng nhớ nổi đường đi. Cô muốn đến đó để tìm Vía về cho rừng, cho Phiêng Luông.

Tháng mười hai, những cơn mưa phùn đã bắt đầu rải nước khắp các khu rừng ở Phiêng Luông, người trong bản mang thuổng đến cho Tài Minh rèn lại thật sắc để chuẩn bị lên rừng đào măng vầu. Những chiếc túi nải đã được khâu lớn hơn năm ngoái. Phiên chợ trước lái buôn đã đặt hàng sẵn rồi, măng đầu mùa được giá lắm. Người Phiêng Luông trông vào vụ măng này để có tiền mua sắm tết. Ai cũng đợi những cơn mưa phùn đầu tiên hệt như bọn trẻ đợi người lớn từ nương về. Rồi đây khắp rừng Phiêng Luông sẽ vang tiếng hú gọi nhau, tiếng cười nói hệt như ngày hội. Người già sẽ ở nhà đợi những túi nải đầy măng, trong bụng sẽ vui hệt như chính họ tìm được măng vậy. Họ sẽ vuốt râu, nhấp chén chè đặc mà tự hào rừng Phiêng Luông có đủ mọi thứ mà người Phiêng Luông cần.

Con đường vào khu Lủng Căm từ sáng sớm đã đông người đi, ai cũng đeo túi nải, vai vác những cái thuổng đã được tra cán mới. Đám trẻ con cũng được đeo túi nải nhỏ, chiếc thuổng cũng bé xíu vừa tay, khuôn mặt ai cũng vui, miệng thở ra những làn khói hệt như những người hút thuốc lào.

– Đã tìm được củ măng nào chưa?

– Bên đấy có không?

– Sao không thấy củ măng nào nhỉ?

– Hay năm nay măng lên muộn?

– Lên muộn thì cũng phải có vài củ nứt đất chứ. Mọi năm đã nhú lên rồi mà.

– Mưa phùn ba ngày rồi đấy!

– Lạ quá!

Khắp rừng ồn ào nhiều lời thắc mắc, một buổi sáng đã hết nhưng đất cả khu Lủng Căm vẫn chưa bị đào lên, thảm lá vầu rụng xuống vẫn nguyên vẹn như chưa có bước chân người qua. Đã lên đến đỉnh Lủng Căm, túi nải của ai cũng xẹp lép, thuổng vẫn chưa dính đất. Mọi người nhìn nhau, có tiếng hú ở phía xa xa, ở đó thảm rừng trông hệt như tấm áo rách của bà Nải.

Người già đang nhấp ngụm chè bỗng dừng lại, sao giờ đã có tiếng người về? Tìm được măng nhanh vậy ư. Người già đi về phía chân dốc, những ánh mắt tròn gặp nhau rồi lẳng lặng đi về phía bản. Chiều hôm ấy, đám lái buôn lại có dịp chê người Phiêng Luông lười quá, chỉ biết ngồi nhà uống rượu, tiền ở rừng mà chẳng chịu đi lấy về.

Tháng năm, những tia nắng vàng nhất đã lan khắp các khu rừng Phiêng Luông, giờ chỉ cần một mồi lửa là bãi nương sẽ cháy sạch, lúa năm nay sẽ xanh mượt lắm, những bông nặng trĩu sẽ thử thách người Phiêng Luông thi xem ai là người khỏe nhất. Năm trước, thằng Sinh đã gánh được tám cum lúa, đến giờ vẫn chưa ai làm được. Năm nay đã có nhiều nhà cho con gái sang nhà Sinh gọi chính tên anh để đổi công gánh lúa nhưng nó không nhận lời đám nào, mắt chỉ nhìn sang nhà Phin… Trời nắng đẹp lắm, nương khô tốt lắm rồi, phải làm nhanh để kịp gieo hạt để đón những trận mưa kéo đến tưới mát từng hạt thóc. Chỉ một tháng thôi, những bãi nương sẽ được phủ một thảm xanh mát. Người Phiêng Luông mong vụ lúa này lắm, nhiều nhà đã độn sắn ăn vì sợ thóc không kịp đón những bông lúa từ nương về.

Nhưng rồi khi những bông hoa trắng đã xuất hiện cũng là lúc ánh nắng dường như cũng muốn ngắm hoa lúa dài hơn. Người già ở Phiêng Luông chưa bao giờ thấy nắng nhiều như vậy, dường như khi mặt trời lên khỏi đỉnh Khâu Săm cũng là lúc mọi thứ đều biến thành màu vàng. Người lớn lên nương từ lúc gà mới gáy lần hai, đến khi nắng xuất hiện cũng vội vàng trốn vào tán cây. Gió ở Phiêng Luông không đủ mát nữa, trẻ nhỏ trốn trong nhà. Người Phiêng Luông đang sợ sắc vàng của nắng thì lại hoảng loạn trước sắc vàng khác. Những bãi nứa khắp Phiêng Luông bỗng dưng lụi hết, thân, lá, rễ đều vàng khô lại. Người già chưa hết tròn mắt vì sự lạ đã phải vò đầu vì đám chuột. Không biết tại sao nhiều chuột thế, khắp các bồ thóc đâu đâu cũng bị chuột động đến. Lũ mèo kêu lạc giọng, chó sủa vang bản chuột vẫn kêu rúc rích. Trên nương, chuột chạy rung khắp các khóm lúa hệt như có cơn gió thổi qua. Đêm đến, đám thanh niên mỗi người một gậy, dẫn theo lũ chó lên nương đập chuột đến gần sáng. Khắp các ngọn đồi, tiếng người gọi nhau, tiếng chó sủa. Người già chẳng còn lời để nói, người lớn uống rượu nhiều hơn, đàn bà chỉ biết ôm con khóc. Bọn trẻ thấy vậy cũng chẳng dám cười đùa, khuôn mặt cũng nhăn nhăn hệt người lớn.

Người Phiêng Luông truyền tai nhau chuyện rừng động đã bao đời chưa từng xuất hiện. Tất cả là tại thằng Sinh và những người lạ chặt cây thiêng, đám thanh niên trong làng trước kia theo Sinh chặt cây, giờ im lặng không dám nói gì. Ai cũng sợ thần rừng sẽ tìm đến để đòi nợ. Buổi tối đến, đám thanh niên cố uống những chén rượu to để mong chìm vào giấc ngủ thật say. Nhiều thằng bảo, thằng Sinh tội nặng nhất, ấy thế mà nó đi xa lại không bị thần rừng trách, bọn mình cũng phải trốn đi xa để tránh nạn đã. Lời ấy được nhiều người đồng ý, nhiều người đã tính đến ngày đi. Khi đám thanh niên đã chuẩn bị hết đồ để đi khỏi Phiêng Luông thì Sinh về. Khuôn mặt hắn trắng bệch, gặp ai cũng rụt rè, đám thanh niên tìm đến nhà chỉ thấy cửa đóng im ỉm. Được ba hôm, Sinh tìm đến từng nhà của người già nói chuyện gì đó nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đêm ấy Sinh quỳ trước cổng nhà Phin suốt đêm dài, bố cầm dao đứng chắn. Phin nằm trong buồng chỉ biết khóc.

Những cơn gió nóng kéo từ Khâu Săm về Phiêng Luông, Sinh lẳng lặng đeo túi nải nhỏ đi vào rừng. Đến nơi hắn dừng lại. Khuôn mặt hắn mếu máo, đôi mắt khô khốc nhìn xung quanh. Chỉ một bước chân nữa thôi là hắn sẽ bước vào cánh rừng đầu nguồn, rừng thiêng mà chưa ai dám bước. Nhưng hắn lùi lại. Giờ là hai bước chân, rồi ba bước. Hình như có thứ gì đó đang đẩy hắn ra. Hắn vò đầu rồi lẳng lặng quỳ xuống. Đó là lần cuối người Phiêng Luông thấy hắn.

Rừng Phiêng Luông bao lâu nay đã nuôi người Phiêng Luông quá nhiều rồi, rừng không còn sức nữa. Giờ người Phiêng Luông phải nuôi rừng, phải để con cháu có rừng. Lời người già nói ra khi lúa trên nương đã bị mất trắng, năm nay sẽ có nhiều nhà lên rừng đào củ mài từ sớm. Sẽ chẳng có ai hỏi rừng Phiêng Luông có thứ gì nữa, người Phiêng Luông ra chợ phiên cũng chẳng dám nói to. Rồi có một cơn gió ào tới, cơn gió mát, cơn gió mùa xuân. Ai cũng nhớn nhác nhìn về phía rừng, nơi đó có một nửa Vía đang cố vá lại những khoảng rừng đang mất./.

T.H.G