Victor Hugo – Tượng đài văn học Pháp

731

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghĩ về tương quan giữa đau thương và thăng hoa trong đời người, thi sĩ tượng trưng Pháp Alfred De Musset nói: “Tiếng hát tuyệt vọng nhất là tiếng ca hay nhất” (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux). Cuộc đời đặc biệt của đại văn hào Pháp Victor Hugo đã chứng minh rõ cho tư tưởng ấy. Đau khổ triền miên trong đời: cha mẹ ly hôn, bị vợ cùng bạn thân phản bội, con gái chết đuối, rồi 20 năm sống lưu đày… Victor Hugo vẫn vào viện Hàn lâm và để lại một sự nghiệp văn chương lừng lẫy: + Tiểu thuyết (9) tiêu biểu: Nhà thơ Đức Bà (Notre Dame de Paris, 1831); Những người khốn khổ (Les Misérables, 1862)…; + Kịch (11): Le roi s’amuse (Ông vua tiêu khiển, 1832), Théâtre en liberté (Sân khấu tự do, 1886)…; + Thơ (25): Les Feuilles d’automne (Lá thu, 1831), Les Chants du crépuscule (Khúc ca hoàng hôn, ..1835); Tác phẩm khác (27): Napoléon le Petit (Napoléon bé nhỏ, 1852), William Shakespeare (1864)… Khi Victor Hugo qua đời, hơn 2 triệu người đưa tang và vinh dự được chôn cất tại điện Panthéon, bên cạnh Émile Zola, Alexandre Dumas, nơi yên nghỉ dành cho những vĩ nhân nước Pháp.


Đại văn hào Victor Hugo.

Lịch sử văn minh nhân loại trong đó văn học nghệ thuật chiếm phần quan trọng có khuynh hướng phát triển theo hàm số vòng. Ngay từ thời cổ đại, không ai phủ nhận được nền văn hóa rực rỡ từ Trung Quốc, Ấn Độ ở phương đông, tiệm cận dần sang phương Tây… đến các nước Hy Lạp, La Mã, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… Suốt ba thế kỷ thời trung cố (Renaissance: 1420-1789), các văn nghệ sĩ Ý, Đức chiếm lĩnh đa phần các vị trí quan trọng trong không gian văn nghệ phương Tây. Sau thời kỳ đó, tới lượt các nghệ sĩ Pháp bắt đầu xuất hiện và ngự trị đỉnh cao nền văn chương châu Âu và ảnh hưởng mạnh đến văn học thế giới, trong đó rực rỡ hơn cả ở thế kỷ thứ 19 là Victor Hugo.

Victor Hugo (1802-1885) tên đầy đủ là Victor Marie Hugo, sinh ra tại Besançon, một thành phố lịch sử cổ xưa tại miền đông nước Pháp giáp với biên giới nước Thụy Sĩ. Xuất thân trong một gia đình quan quyền cha là Joseph Hugo, một vị tướng trong triều đình và mẹ là Sophie Trébuchet, Victor là con trai út có hai anh lớn là Abel Hugo và Eugène Hugo. Thuở nhỏ (1811), Victor Hugo cùng anh trai Eugène được gia đình gửi cho trọ học tại trường Collège des Nobles (Trung học Quý tộc) tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Hai năm sau (1813), khi mẹ chia tay cha chàng để đi lại với tướng Victor Fanneau de la Horie, chàng về Paris sống với mẹ trong khi cha mình đang làm thống đốc tỉnh Avellino, Ý và sống ở Ý. Thời gian này, Victor Hugo mày mò học vần, luật để bắt đầu làm thơ và tập đóng kịch. Đúng 15 tuổi, Victor đã giành chiến thắng trong cuộc thi thơ do Académie Française (Hàn Lâm viện Pháp) tổ chức. Năm tiếp theo, Victor lại tiếp tục đạt giải đầu trong cuộc thi Académie des Jeux Floraux. Thế là Victor Hugo sớm trở thành nhà thơ nổi tiếng nhận được lương hoàng gia. Được mẹ và anh trai ủng hộ, Victor Hugo phấn chấn nuôi hoài bão lớn trong đời mình khi chàng viết trong nhật ký lúc chỉ mới 14 tuổi: “Tôi muốn trở thành Chateaubriand (1768-1848) hoặc không là gì cả”.

Khi Victor Hugo 19 tuổi, tập thơ Odes et Poésies (Những khúc ca ngắn và bài thơ) trình diện với công chúng văn học (1821) với 1.500 ấn bản tiêu thụ chỉ trong vòng 4 tháng. Vua Louis thứ 18, sau khi  thưởng thức thi phẩm này, đã hài lòng tặng cho nhà thơ một tiền trợ cấp giá trị 1.000 franc một năm. Sau khi mẹ qua đời (1821), Victor Hugo phải chịu sống cảnh đói nghèo trầm trọng trong một năm trời nhưng chàng đã từ chối nhận bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào từ cha mình.

Để khuây khỏa nỗi buồn, Victor cưới người bạn gái quen thân từ thời thơ ấu Adèle Foucher. Đêm tân hôn, cuồng nhiệt yêu vợ đến 9 lần chúng tỏ ở chàng một sinh lực độc nhất vô nhị trong đời thường. Hai người ban đầu sống hạnh phúc với nhau tại kinh đô ánh sáng Paris và có được 4 người con: Léopoldine (1824-1843), Charles (1826-1871), François Victor (1828-1873) và Adèle (1830-1915). Nơi đây, căn hộ của Victor Hugo đã trở thành nơi gặp gỡ của những văn nghệ sĩ với nhiều tham vọng làm mới trào lưu văn học.

Từ năm 1824, với tinh thần cách tân văn chương, Victor Hugo là một thành viên của nhóm những nhà văn nổi loạn trong buổi bình minh phong trào Lãng mạn tích cực, đang nỗ lực lật đổ sự thống trị của văn học cổ điển (Classicism). Hơn nữa chủ nghĩa Tân Cổ điển (Neo-classicism) – một kiểu làm văn học cũ xưa đã có từ lâu theo phong cách của Hy Lạp à La Mã cổ đại, trong đó rập theo tính lo-gic, rõ ràng và trật tự ở văn bản. Quấn quýt bên chàng là những văn nghệ sĩ nổi tiếng trên văn đàn Pháp lúc bấy giờ: Alphonse de Lamartine (1790-1869), Alfred de Musset (1810-1857), Alfred de Vigny (1797-1863), Madame de Stael (1766-1817),…

Từ đó, Victor Hugo được coi là một nhà văn tiên phong của trường phái Lãng mạn (Romanticism / Romantisme). Chủ trương của trào lưu lãng mạn có nguồn gốc sâu xa từ các nhà văn Đức W. Goethe (1749-1832), Schiller (1759-1805),… Xây dựng trên tiêu chí cơ bản, đó là ca ngợi “cái tôi” thể hiện ở tình cảm, lòng yêu thiên nhiên… Victor Hugo quan niệm cuộc sống đời thường là sự hòa quyện giữa cái đẹp và cái xấu, cái vừa ý và sự không hài lòng. Kinh thánh và những danh tác của Homer (thế kỷ IX trước Công nguyên), của Shakespeare (1564-1616) đã mãnh liệt khơi nguồn cảm hứng cho chàng. Nổi bật lên trong Cénacle (Salon littéraire – mô hình Câu lạc bộ văn nghệ) bên cạnh Charles Nodier (1780-1844), Félix Arvers (1806-1850), Victor Hugo được các bạn và công chúng văn nghệ gọi là “Hoàng tử của các nhà thơ”. Chàng như cánh đại bàng mỗi ngày một vút bay cao trên khung trời nghệ thuật và sớm trở thành một thủ lĩnh tài năng của nhóm. Khi vở kịch lịch sử Hernani (1830) được dựng thành phim thu hút sự yêu mến của khán giả thì Victor Hugo trở nên giàu có đồng thời khẳng định được vị thế hàng đầu của chàng trên văn đàn Pháp.

Nhưng dường như với những con người tài năng và khí phách như Victor Hugo thì trớ trêu thử thách luôn đeo bám như một định mệnh với số phận nghiệt ngã thật vô thường. Tam thập nhi lập với chàng đã rõ rành rành. Nhưng không ai ngờ, khi tập thơ được coi là xuất sắc nhất Les feuilles d’automnes (Lá thu) ra đời gần ngày sinh nhật thứ ba mươi của chàng, đọc giả yêu thơ đã nhận ra trong đó tác giả như sớm già đi vì nỗi lo buồn chuyện gia đình. Vợ chàng – bà Adèle Foucher – người thiếu nữ chàng yêu từ thuở ấu thơ đã tỏ ra ích kỷ, mặc cảm với hào quang rực rỡ của chàng trước công chúng. Nàng cảm thấy mệt mỏi ngao ngán ở vị trí một người phụ nữ chỉ ở nhà sinh con. Adèle Foucher quay sang tìm kiếm sự an ủi từ người bạn thân của chồng – nhà phê bình Saint Beuve (1804-1869). Bao nhiêu nỗi u hoài nối đuôi dằn vật, đay nghiến tâm tư, không ngờ bắt nguồn ở sự phản bội kép từ vợ và bạn được đau đớn nhả ra những giai điệu rướm máu ở vần thơ thổn thức tài hoa của chàng danh sĩ. Nó giống như một chiếc bình hoa vỡ (Le vase brisé – Sully Prudhomme). Vì danh dự gia đình và lòng tự trọng, cả hai vợ chồng không ly dị mà tiếp tục sống gượng chung nhau nhưng xa mặt cách lòng cho đến suốt đời. Cũng từ đó, nghệ sĩ vốn giàu cảm lụy, Victor Hugo dấn thân vào cuộc tình với Juliette Drouet, một diễn viên vào vai công chúa Négroni trong vỡ kịch Lucrèce Borgia của chàng. Nàng có những tính cách đáng yêu khả dĩ xoa dịu cho chàng bao nỗi thương đau.

Không chối cãi rằng sinh thời, bẩm sinh chàng cũng là người đào hoa có không ít nhân tình như đa phần nghệ sĩ trong xã hội văn chương. Nhưng rõ ràng một sự thật không ai phủ nhận được chàng là kẻ bất hạnh, rất đáng thương từ hoàn cảnh không hay của cha mẹ cho đến chuyện buồn gia đình dồn dập khuynh đảo con người tài hoa này. Người con gái lớn Léopoldine (1824-1843) chưa đầy tuổi đôi mươi của Victor Hugo đã sớm mất đi trong một tai nạn lật thuyền trên sông Seine cùng với chồng. Người con gái út Adèle Hugo (1830-1915 – cô trùng tên với mẹ) thì mắc bệnh tâm thần, suốt đời phải sống trong bệnh viện. Hai người con trai Charles (1826-1871) và François (1828-1873) thì dù kẻ viết văn người làm báo, cũng chỉ sống được tới cuối tuổi trung niên. Rốt cuộc, cay đắng thay, trong tuổi chiều hiu quạnh, Victor Hugo chỉ còn tìm nguồn an ủi duy nhất ở các cháu.

Cuộc đời của Victor Hugo không chỉ nặng trĩu nỗi đau về gia đình mà còn canh cánh với bao biến thiên thịnh suy của đất nước. Điều đáng trân trọng là trong hoàn cảnh chính trị nào, nhà thơ cũng luôn dùng ngọn bút hoa sắt bén của mình để phục vụ nhân dân. Lúc lên voi, vào Viện Hàn Lâm Pháp (Académie Francaise) và được phong Bá tước năm 43 tuổi, nhưng cũng có lúc xuống chó, Victor Hugo bị bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài ngót 20 năm. Với ý chí sắt thép và nghị lực bất biến, trong thời gian bị lưu đày, nhà thơ đã tạo nên một sự nghiệp sáng tác đỉnh cao với hàng loạt tập thơ sáng giá: Les Châtiments (Trừng phạt – 1853), Les Contemplations (Chiêm ngưỡng – 1856) và tiểu thuyết nổi tiếng Les Misérables (Những người khốn khổ – 1862)… Phải chăng trong gian khổ tù đày, khí phách bản lĩnh của bậc hào kiệt tài hoa mới có cơ hội thể hiện như ta đã từng thấy ở Hồ Chí Minh (Nhật ký trong tù), Phan Bội Châu (Ngục trung thư – 1913), Tố Hữu (Tâm tư trong tù)… Ngay cả khi nhận được lệnh ân xá của nhà vua, vì tự trọng, Victor Hugo nhất định không quay trở về. Vì nhà thơ quyết liệt chống đối chế độ đế chế, lên án gay gắt sự phản bội và áp bức của triều đình. Chàng chỉ trở lại quê hương sau khi phong trào Paris Công xã (La Commune de Paris) diễn ra, mang lại cuộc sống mới cho những người dân cùng khổ trong xã hội.

Do vậy, thân thế truân chuyên và sự nghiệp văn chương chói lọi của Victor Hugo luôn phản ánh dấu ấn tiêu biểu của thời đại, gắn liền với biến động xã hội Pháp ở thế kỷ thứ 19.

Hành trình vào không gian nghệ thuật của Victor Hugo, công chúng văn học nhận rõ ra, khối lượng gần 80 tác phẩm gồm nhiều thể loại. Ngoài những tập thơ giá trị, kịch bản tiêu biểu, tiểu luận sâu sắc… là những tiểu thuyết nổi tiếng của chàng. Trong đó phải kể đến Những người khốn khổ (Les misérables – 1862), là tiếng nói nhân đạo trong bức tranh hiện thực mà tác giả dành cho những kiếp người sống cùng cực dưới đáy xã hội tư bản. Một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Victor Hugo với sự có mặt của nhiều thân phận: Jean Valjean, một tù nhân khổ sai có số phận vô cùng éo le, một Fantine, người phụ nữ bị xã hội né tránh và Gavroche, một tuổi thơ anh dũng. Nhà thơ Đức Bà (Notre Dame de Paris – 1831): là bản giao hưởng văn chương với đủ cung bậc hỉ nộ ái ố mà người nhân vật chính là anh gù Quasimodo trong cốt truyện bi thảm nặng nề, tình tiết éo le, đầy kịch tính. Tên gù Quasimodo dị dạng bị xã hội xa lánh, được vị linh mục nhận nuôi cũng chỉ là muốn lưu tiếng tốt lại cho ông ta. Vậy mà hắn cũng biết yêu, biết ghen, biết buồn. Tình yêu của thằng người dị dạng với cô vũ nữ rất mãnh liệt và bất tử mặc dù tình yêu trong sáng của họ phải nhận lấy cái kết cuộc đau thương. Ngày cuối cùng của một tử tù (Le Dernier Jour d’un Condamné – 1829) đã đem đến cho người đọc cái tâm trạng ray rức, khắc khoải và căng thẳng cùng cực của người đàn ông tử tù mà thời gian để sống chỉ còn được tích tắc tính từng giờ từng phút.

Tóm lại, có thể nói Victor Hugo là chân dung vĩ đại của một nhà văn biểu tượng cho nền văn chương Pháp rực rỡ có ảnh hưởng rộng đến cả thế giới trong suốt thế kỷ thứ 19. Cuộc đời đau khổ đắng cay dồn dập từ tình cảm gia đình và biến cố xã hội như một định mệnh đã trở thành mãnh đất màu mỡ cho một danh mộc văn chương tỏa trùm bóng mát trong lịch sử văn học thế giới: “Nếu phải đường đời bằng phẳng hết / Anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Phan Châu Trinh). Victor Hugo là nhà văn mang phong cách trào lưu lãng mạn tích cực, kết hợp với óc tưởng tượng phong phú và một cường độ sáng tác mãnh liệt trên nhiều bình diện. Hình thành được những danh tác đầy tính nghệ thuật và dào dạt tính nhân văn, đại văn hào Victor Hugo xứng đáng được coi một tượng đài như tháp Eiffel vọi vọi của nền văn học Pháp.

N.T