Việt Nam đánh giá dự án ODA: Nhìn thẳng sự thật

528

25.4.2018-16:20

 Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vay Trung Quốc 250 triệu USD vốn bổ sung.

 

Việt Nam đánh giá dự án ODA:

Nhìn thẳng sự thật

 

THÀNH LUÂN

 

NVTPHCM- Việc đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA là cần thiết, nhưng để xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức thì rất khó.

 

Làm rõ được góc khuất?

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng NN-PTNT, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đề nghị báo cáo đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017.

 

Việc đánh giá bao gồm các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã kết thúc và đang triển khai.

 

Trước thông tin trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc đánh giá các dự án, hoạt động sử dụng vốn vay ODA đáng ra phải làm  thường xuyên, hàng năm hoặc theo trung hạn 3-5 năm. Đến nay, Việt Nam gần như kết thúc việc vay ODA giá rẻ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới, do đó việc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả, tác động của vốn ODA và quá trình sử dụng ODA là việc làm rất quan trọng và cần thiết.

 

Xét về mặt lịch sử, từ năm 1979 trở về trước, Việt Nam chỉ có một vài dự án vay vốn ODA và lượng vay không đáng kể. Sau nhiều năm không được các nước và tổ chức quốc tế cho vay ODA (khoảng từ năm 1979-1993), đến năm 1993, dưới sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản và Pháp, Việ Nam mới bắt đầu được vay lại vốn ODA của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới.

 

Bởi vậy, ông Thịnh đánh giá, với yêu cầu này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cơ bản Việt Nam sẽ đánh giá lại toàn bộ hoạt động vay vốn và sử dụng vốn vay ODA để biết được tổng số vốn ODA Việt Nam đã sử dụng là bao nhiêu, trong đó số vốn tài trợ của mỗi quốc gia, tổ chức là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu % trong tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1993-2017, hiệu quả của các dự án ODA cũng như cách thức sử dụng vốn vay đó ở từng chủ thể, từng ngành nghề, từng loại dự án…

 

“Việc tổng kết để đánh giá, báo cáo kết quả sử dụng vốn ODA là việc quan trọng, có ý nghĩa lớn lao để Việt Nam nói lời tri ân tới các quốc gia, tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt nam thoát khỏi tình trạng trì trệ, thiếu vốn, có được nền kinh tế như ngày nay.

 

Đánh giá các dự án để rút ra cái ưu, cái nhược, cái được, cái mất, để từ đó nhìn ra hiệu quả của vốn ODA thực chất đối với chúng ta như thế nào, đồng thời rút ra bài học.

 

Vốn ODA là vốn đầu tư Nhà nước đi vay rồi về cho vay lại hoặc Nhà nước tự bỏ vốn đầu tư vào các dự án. Đây hầu hết là đầu tư công hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho dự án đó. Vì thế, việc đánh giá hiệu quả của các dự án cũng như phương thức thực hiện các dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc rút kinh nghiệm để quản lý, sử dụng đầu tư công cũng như các nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các dự án thuộc các lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao, thủy hải sản hay những ngành nghề có yếu tố tích cực trong giải pháp môi trường, ví dụ điện gió, điện mặt trời.

 

Cuối cùng, chúng ta sẽ có sự tổng kết tương đối đầy đủ và có ý nghĩa đối với hoạt động đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 1993-2017. Thông thường, đi theo các dự án ODA có nguồn vốn trong nước. Việt Nam sẽ rút được bài học kinh nghiệm về cách thức huy động vốn,giải ngân và các vấn đề có liên quan đến dự án ODA, từ đó có sự kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với đầu tư của các địa phương, huy động sức dân vào các dự án mang tính xã hội, cộng đồng.

 

Vì lẽ đó, việc đánh giá, tổng kết lần này đòi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền khác nhau đã sử dụng vốn ODA để từ đó có được bức tranh toàn cảnh rõ ràng, sắc nét nhất về sử dụng, quản lý và trả nợ vay ODA”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

 

Đặc biệt, vị chuyên gia kỳ vọng lần đánh giá, tổng kết này sẽ nhìn thẳng vào sự thật, vào những góc khuất của việc sử dụng vốn vay ODA ở Việt Nam. Chẳng hạn, ODA đóng góp đến đâu, thất thoát thế nào, có những dự án vừa làm xong đã lạc hậu, sản phẩm không thể cạnh tranh, vốn ưu đãi biến thành nợ xấu, có vấn đề gì ở đằng sau đó…

 

“Đây là dịp để chúng ta chủ yếu nhìn lại mình và cần phải nhìn nhận khách quan. Chẳng hạn, trong việc đặt mua các thiết bị, máy móc, thông thường nếu là vốn ODA của các tổ chức quốc tế hoặc các nước phát triển thì họ yêu cầu đặt mua máy móc, thiết bị tương đối tốt, đồng bộ nhưng như thế thì đắt.

 

Trong khi đó, có một số nhà tài trợ không đòi hỏi điều này mà phía Việt Nam thích mua loại nào họ bán loại ấy. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam tham rẻ, mua máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu thì hiệu quả không cao, thậm chí chưa làm đã lỗ vì hiệu suất sử dụng kém.

 

Như vậy, cái này do lỗi của phía Việt Nam là chính, còn hầu hết các nhà tài trợ đều có trách nhiệm với vốn đầu tư của họ. Ở Việt Nam, có những người lập dự án, thẩm định, quyết định dự án làm không hết trách nhiệm của mình dẫn tới một số dự án có kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, chậm tiến độ…, Cái này chúng ta phải tự trách mình trước”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

 

Yêu cầu mang tính định tính

 

Theo vị chuyên gia, đối với việc đánh giá, trong tổng số hơn 2.500 dự án vay vốn ODA trong giai đoạn 1993-2017, phần lớn các dự án đã đi vào hoạt động, thậm chí đã kết thúc hoạt động. Việc báo cáo, đánh giá các dự án này không quá phức tạp vì các số liệu đã có trong sổ sách của doanh nghiệp và sổ sách tồn lưu.

 

Vì thế, chỉ cần lấy một số tiêu thức quan trọng, yêu cầu mang tính xác thực đối với dự án để xem xét, ví dụ tổng vốn đầu tư bao nhiêu, suất vốn đầu tư thế nào, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp đó, giải quyết việc làm, đóng thuế cho ngân sách nhà nước ra sao hay góp phần giải quyết những vấn đề lớn về kinh tế xã hội của một khu vực, một quốc gia thế nào…

 

Đôi khi có những dự án vay vốn ODA về ngân sách nhà nước cấp cho dự án, ví dụ đầu tư những công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực nào đó hay tạo ra sức bật cho một vùng, một quốc gia, hiệu quả trực tiếp của nó khó đánh giá. Khi ấy, có thể đánh giá hiệu quả gián tiếp của dự án. Ví dụ, xây dựng nhà máy nhiệt điện, thủy điện ngoài phát điện, tạo ra nguồn thu nó còn giải quyết môi trường ra sao, nước tưới tiêu thế nào, phát triển thủy sản, giao thông đường thủy thế nào…

 

Bên cạnh đó, có những dự án rất khó đánh giá. Ví dụ, đối với dự án ODA về năng cao năng lực cán bộ quản lý, rất khó đánh giá cán bộ đi học thấm vào người đến đâu, nâng cao được năng lực quản lý của doanh nghiệp, địa phương thế nào. Trong trường hợp này, chỉ có thể lấy những chỉ tiêu đơn giản như đào tạo được bao nhiêu cán bộ doanh nghiệp, cán bộ địa phương, ngành nào, như thế nào…

 

Trong khi đó, yêu cầu đánh giá dự án sử dụng vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là: Đối với các chương trình, dự án đã kết thúc, đánh giá các tác động về thực trạng kinh tế, kỹ thuật của chương trình, dự án trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng; tác động của chương trình, dự án tới mặt kinh tế, chính trị, xã hội; tác động với các nhóm cư dân hưởng lợi trực tiếp và cư dân bị ảnh hưởng, tính bền vững của dự án…

 

Đối với chương trình, dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị đánh giá sự phù hợp của kết quả thực hiện với mục tiêu chương trình, dự án. Đánh giá khối lượng, giá trị giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và chất lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch tổng thể và hàng năm thực hiện. Đề ra giải pháp với những khó khăn, vướng mắc.

 

Còn đối với các chương trình, dự án đã có báo cáo đánh giá kết thúc và đánh giá giữa kỳ, đề nghị gửi tài liệu báo cáo đánh giá về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Nhìn vào những yêu cầu này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét, những yêu cầu này chỉ có thể đánh giá được một phần nào hiệu quả của các dự án, chúng mang tính  định tính nhiều hơn là định lượng.

 

“Dĩ nhiên trong ODA có nhiều vấn đề, nhiều ngành, hạng mục, có dự án chỉ có thể đánh giá mang tính định tính, ví dụ dự án ODA đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ đề cập ở trên rất khó đánh giá chất lượng, hiệu quả thế nào.

 

Tuy nhiên, để đánh giá đúng hiệu quả dự án đòi hỏi phải có những số liệu cụ thể mang tính định lượng.

 

Dự án nào có thể tính được định lượng thì nên tính để thấy được hiệu quả thực tế, bỏ ra một số tiền thì mang lại cái gì, thu ra sao, như thế nào…”, ông Thịnh cho biết.

 

Vì lẽ đó, ông tin rằng với yêu cầu đặt ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành sẽ không gặp khó khăn gì. Thậm chí, đối với một số dự án, họ có tham khảo, tổ chức lấy ý kiến của người dân hưởng lợi từ dự án để có báo cáo kết quả là người dân đánh giá cao dự án này.

 

Khó truy trách nhiệm

 

Trước câu hỏi: Từ việc đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, có thể xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức ở những dự án không hiệu quả hay không?, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc này rất khó.

 

“Thời gian đã phủ bụi lên các dự án rất nhiều và để ra được một dự án phải qua rất nhiều nấc, nhiều ngành, nhiều ban bệ.

 

Đúng ra người lập dự án phải là người điều tra, khảo sát thị trường, các điều kiện tài nguyên, môi trường, thổ nhưỡng, vận tải, điện nước… một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, từ đó mới lập được dự án sơ bộ, dự án tiền khả thi, dự án khả thi để đề nghị các cơ quan quản lý vay vốn ODA.

 

Thế nhưng, thực tế, trong một khoảng thời gian dài trước đây, nhiều dự án được lập ra chỉ đơn thuần lập là để đi vay nên việc khảo sát không đến nơi đến chốn.

 

Nếu xác định trách nhiệm thì người lập dự án phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngoài ra, nó liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn dự án, phải làm thế nào để vốn đi vào đúng địa chỉ, đúng mục tiêu, có được hiệu quả về mặt thời gian, chất lượng dự án…

 

Tóm lại, nếu bảo quy trách nhiệm cho ai khi dự án không hiệu quả thì rất khó, bởi nó trải qua nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan đến nhều người, nhiều khâu công việc

 

Thế nhưng, việc đánh giá các dự án sử dụng vốn ODA sẽ giúp Việt Nam có cái nhìn tổng thể, đặc biệt với những dự án thất bại để từ đó rút  ra bài học xương máu, nâng cao trình độ, hiệu quả quản lý đầu tư công ở những dự án tương tự tiếp theo”, ông Thịnh nói.

 

Báo ĐẤT VIỆT

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…