Viết văn dễ mà khó

907

Tháng 12 này, Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại TP Ðà Nẵng. Từ những bài phỏng vấn cho báo Văn nghệ Trẻ ngày trước, ghi lại đây như sự chia sẻ đến các cây bút trẻ hôm nay, một vài kinh nghiệm viết của lớp nhà văn “gạo cội” mà trong số họ phần lớn đã vân du miền an lạc với mong muốn các bạn trẻ có thể tham khảo cho đường văn của mình nếu lấy văn chương làm nghiệp.

Nhà văn Anh Đức nói “Không phải là giáo huấn, chỉ là một lời nhắn nhủ chân tình đến các bạn trẻ lấy nghề văn làm nghiệp”… hay như nhà văn Nguyễn Khải mộc mạc: “Mình đi trước, gặt hái thu lượm được gì thì truyền lại cho các bạn đi sau tham khảo…”.

Và đây là đôi dòng tâm sự cùng các cây viết trẻ của các nhà văn lớn.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Ông gói gọn hai chữ: “Tâm hồn”, gửi gắm đến các nhà văn trẻ. Nhắc lại lời tâm sự đến các bạn viết trẻ trong một lần gặp gỡ đầu năm: Đối với tuổi trẻ khát vọng tâm hồn là rất quan trọng. Và quan trọng hơn là phải luôn giữ được sự tươi trẻ của tâm hồn. Tuổi trẻ phải biết vươn tới những ước mơ, phải chịu khó học hỏi, phải biết tự vượt qua chính mình. Về sáng tác, chẳng có ai dậy mình được. Tự mình nghĩ ra cách viết của riêng mình, đừng bắt chước, trùng lặp ai, hay là cái bóng của ai. Sáng tác là thuộc về lĩnh vực tình cảm, nên cái quan trọng nhất của người sáng tác là biết giữ gìn tâm hồn mình, không để cho khô cứng chai lỳ, như thế thì khó mà sáng tác được. Tuổi trẻ, đó là ưu thế. Phải tận dụng những năm tháng của tuổi trẻ để sáng tạo, phải biết quý trọng những năm tháng tươi trẻ, đừng để nó trôi đi một cách lãng phí vô ích.

Tác phẩm văn học muốn có giá trị đích thực, có thể đóng góp phần nào với nhân lọai, không có con đường nào khác là phải đi sâu vào tìm hiểu, khám phá và phản ánh những nét đặc sắc trong tâm hồn Việt Nam theo phong cách Việt Nam. Xa rời nguyên tắc ấy, tác phẩm văn học sẽ trở nên xa lạ với chính dân tộc mình, sẽ chết ngay từ đầu và sẽ chẳng giúp ích gì cho ai. Người viết phải giữ thái độ sống của mình trước những tác phẩm do mình sang tạo.

Các bạn viết trẻ, là tương lai rạng rỡ của nền Văn học Việt Nam thời đại mới, kỷ nguyên mới. Các bạn sẽ làm được những gì mà thế hệ của chúng tôi chưa làm được. Chúc các bạn thành công.

Nhà văn Anh Đức

Ông tặng cho các nhà văn trẻ mấy chữ: “Kiên trì và nhiệt huyết”. Rất chân tình, khác hẳn vẻ nghiêm nghị thường ngày, ông nói: Lớp trẻ hôm nay có nhiều tài năng, triển vọng, nhưng quyết tâm dấn thân, kiên trì với nghề viết thì hiếm, không có được bao nhiêu người. Một số cây viết trẻ rất hay nhưng nửa chừng bỏ dở. Nghề viết là một nghề khổ công, nhưng các bạn trẻ hôm nay thiếu nhiệt huyết, ít ai dám đi đến tận cùng của nghề.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có rất nhiều cây viết trẻ xuất hiện, rất nhiều  tác  phẩm  được  in, nhưng  để  có  một  tác phẩm gọi là điển hình cuộc sống, điển hình của thời kỳ mới, hầu như không có. Các tác phẩm cứ luẩn quẩn loanh quanh cái tôi, với những điều nhỏ nhặt, cộng với cách diễn đạt thể hiện lạ lẫm, phá cách, gây ấn tượng… nhưng không hề có các tác phẩm mang tính xúc cảm thẩm mỹ lớn, có tính dự báo… vì thế, không có gì lạ khi chưa có tác phẩm trẻ nào gọi là tác phẩm lớn, tiêu biểu.

Các bạn trẻ, khi đã xác định nghiệp văn chương, hãy sống đằm mình vào cuộc sống để lấy vốn sống làm chất liệu cho tác phẩm, hãy đem bầu nhiệt huyết và sự kiên trì đến tận cùng của mình, tạo hồn cho tác phẩm. Các bạn sẽ thành công. Và tôi tin là các bạn sẽ còn thành công hơn cả lớp nhà văn già chúng tôi.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Đúng với phong cách phóng khoáng của người Nam Bộ, nhà văn thẳng thắn gửi các cây viết trẻ một câu thôi: “Muốn có tác phẩm tốt phải có quê hương sáng tác”. Và ông cũng chân tình, bộc trực: Các bạn viết trẻ hôm nay nhiều ưu thế, văn hóa cao, các yếu tố thời đại đều thuận tiện, cởi mở, rộng rãi, sự giao hữu giữa các nền văn hóa cho thấy nhiều tinh hoa nhân loại…nhưng các bạn trẻ lại ít tập trung, toàn tâm với nghề viết. Thời gian lắng đọng nghĩ suy về một đề tài ít, do vậy tác phẩm viết ra không sâu. Hơn nữa các bạn viết trẻ phần lớn rơi vào sự phân tán cảm hứng đối với đối tượng.

Một nhà văn thường chỉ có một hoặc vài đối tượng cho mình, như thế mới chuyên sâu, mới hiểu biết rõ, mới có cảm xúc sâu sắc, tác phẩm mới có hồn, lối sống động và mới đi vào lòng người đọc khi các bạn viết, các bạn phải xác định “quê hương” sáng tác của bạn – là nơi chốn, là đối tượng, là vấn đề mà bạn sống, bạn hiểu biết, bạn đau khổ, hạnh phúc, trăn trở vì nó. Có như thế bạn mới rút gan ruột, tâm hồn bạn trên trang viết, và tác phẩm mới sâu sắc.

Tôi cũng luôn mong các bạn viết trẻ thành công và thành công.

Nhà văn Nguyễn Khải

Ông đơn giản nhắn nhủ các cây viết trẻ bằng chính kinh nghiệm của ông: “Thực tế”. Đó là khởi đầu của sự thành công trên trang viết. Mộc mạc, nhưng cũng là một tình yêu mến đối với thề hệ viết trẻ, ông tâm sự thì đúng hơn. Bằng tuổi các bạn trẻ hôm nay, chúng tôi ít được học hành, điều kiện để học cũng thật khó khăn. Tự học và học lẫn nhau, học của người đi trước.

Phần lớn chúng tôi hồi đó viết báo, không nghĩ mình là nhà văn, “nhà văn trẻ” lại càng không bao giờ nghĩ tới. Nhưng chính nghề báo đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thời gian là đầy ắp các chuyến đi thực tế. Mỗi ngày đi là có một chuyện để góp nhặt, để lưu trữ thành vốn liếng của mình, để rồi viết. Trang viết cứ hồn nhiên như đời thực, dễ cảm, dễ đọc và nhớ.

Các bạn trẻ hôm nay có nhiều thuận lợi, trình độ học vấn cao, hiểu biết nhiều, các phương tiện thông tin phong phú đa dạng hỗ trợ cho các bạn rất nhiều thuận lợi nghề viết, nhưng  các  bạn viết chưa hay. Có lẽ tại các bạn ít đi, để tìm hiểu cuộc sống thực tế các bạn thích tụ tập nơi thành phố, thích bàn cãi, tranh luận nhiều hơn… Trang viết của các bạn hay bị lặp lại chính mình. Ở mặt khác, cuộc sống hôm nay có nhiều điều mới lạ, nhiều chân trời… các bạn đôi khi chưa đủ sự tỉnh táo, sáng suốt, niềm tin vào cuộc sống, ít nhiều bị chìm khuất. Đọc tác phẩm của các bạn chỉ thấy nỗi phập phồng băn khoăn, hoặc nghi ngờ đầy trang viết, không đem lại một chút gì niềm tin hay một chút tính giáo dục, hay ích lợi đến người đọc. Đọc mãi như thế đâm chán, không thích đọc nữa.

Chưa kể có cả một lối viết “kỹ thuật”, làm lạ, làm mới nhưng nội dung thì chẳng có gì hết. Các bạn đang lãng phí ngòi bút của mình và tuổi trẻ của mình. Như một người đi trước, nhắn nhủ với các bạn trẻ viết văn, các bạn hãy chịu khó đi nhiều để hiểu đời, chiêm nghiệm được nhiều phức tạp của cuộc sống, làm cho cuộc sống của các bạn – cuộc sống tâm hồn và cuộc sống tri thức phong phú hơn. Trang viết của các bạn sẽ lấp lánh những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. Khi đó, các bạn sẽ được mọi người nhớ, biết và đọc.

Và những kinh nghiệm viết

Nhà văn Nguyễn Tuân đưa ra một định nghĩa rất độc đáo về nhà văn: “Nghề văn là nghề của chữ. Chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”. Ông dạy rằng nhà văn phải giàu trí tưởng tượng, hư cấu. Hư cấu không có nghĩa là bịa đặt mà là thực tế được nhào nặn, được cấu trúc. Để viết ký thì phải ghi thật nhiều rồi dám quăng thật lắm. Chỉ giữ lại tinh chất. Hình thức nên giản dị nhưng không giản đơn. Ký có quyền dùng mọi thủ pháp nghệ thuật mà các thể loại văn học khác sử dụng. Nên ít dùng chữ “rất” và chữ “lắm”.

Nhà văn Tô Hoài nói về tiểu thuyết, ông định nghĩa truyện là đơn thanh, còn tiểu thuyết là đa thanh. “Nên chú ý đến đặc điểm, phong cách riêng, chú ý đến người đọc, nên dùng hình thức truyện dài vừa phải. Chữ nhiều hay chữ ít không quyết định tầm vóc tiểu thuyết. Vấn đề là hay hoặc dở. Tiểu thuyết xóa bỏ khoảng cách giữa người kể với nhân vật. Chỉ còn lại quan hệ thân tình, có lúc tới mức suồng sã”…

Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì định nghĩa tiểu thuyết không phải là truyện dài mà là một thứ văn truyện để xem chơi, không chính thống như kinh truyện. Tiểu thuyết được viết bằng ngôn ngữ thông thường, không cần ngôn ngữ bác học. Tha hồ bịa sự việc nhưng con người tham gia sự việc lại rất thực. Con người rất đói sống, nhà văn cần phải tìm thấy cái đói của con người.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nói về thơ. Ông đưa ra một định nghĩa của Ngô Thì Nhậm: “Tình cảm dồi dào thì thơ nảy sinh”. Ông nói thơ gắn với cuộc sống bằng quan hệ có tầm triết lý. Ông lại đưa ra định nghĩa của nhà thơ Pháp Paul Éluard: “Tôi được cuộc sống sáng tạo ra. Tôi sáng tạo. Đó là sự quân bình duy nhất. Đó là sự công bằng duy nhất”. Sau khi nói về thơ và những vấn đề nóng bỏng của cuộc đời, ông lại khép bằng một câu của Geothe: “Phải vượt trên thiên nhiên để không đứng dưới nó”.

Nhà thơ Xuân Diệu nói về mối liên hệ giữa thơ với tôn giáo, với tình yêu. Ông nói hình tượng là cấu trúc chính của bài thơ. Âm thanh thơ có chứa nhạc điệu nội tại và nhạc điệu hình thức và nhạc điệu bao giờ cũng đi trước tới người thưởng thức. Ông nhắc nhở: “Thời kỳ thơ khoa thực tế đã chấm dứt. Hãy hướng đến những hình tượng thơ mới và lạ”.

Nhà thơ Tế Hanh nói về tín hiệu trong thơ. Ông nói thơ và văn đều là sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ như gạo thì nhà thơ cất thành rượu, nhà văn thì nấu thành cơm. Ông đưa ra câu nói của Jean Paul Sartre: “Thơ không nằm trong văn học mà nằm trong nghệ thuật”. Nếu một tập thơ và tập văn hay ngang nhau thì tập thơ quý hơn. Nếu dở ngang nhau thì văn quý hơn. Sự hiện đại của thơ là dùng ngôn ngữ mới không sáo mòn. Không cần thi vị hóa mà hiện hữu nhiều…

Và những gì họ đã chân tình nói với các nhà văn trẻ, cây viết trẻ từ nhiều năm trước vẫn mang tính thời sự cho đến hôm nay. Viết lại để thêm một lần chiêm nghiệm những kinh nghiệm của thế hệ trước, để không phụ lòng kỳ vọng của họ về một thế hệ viết trẻ của Văn học Việt Nam thời đại mới, để dòng sông Văn học Việt Nam không ngừng chảy… để rồi có ngày ra biển lớn, hòa nhập dòng chảy chung của văn chương nhân loại.

Theo Hoài Hương/Văn nghệ