Vĩnh biệt nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

701

(Vanchuongphuongnam.vn) – Theo tin từ gia đình, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã trút hơi thở cuối cùng vào 4 giờ ngày 24/12, vì tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh nền và sau hơn một tháng nằm viện do xuất huyết dạ dày. Bà thọ 87 tuổi. 


Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Theo ông Trần Bá Thùy – đại diện gia đình, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương bị nhiều bệnh nền, đã vào Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP HCM) điều trị hai đợt trong thời gian gần đây, dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, người nhà hết lòng chăm sóc nhưng bà đã ra đi trong sự tiếc thương của mọi người.

Lại thêm một nhà thơ nữa rời bỏ chúng ta để về nơi thế giới vĩnh hằng. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là nhà thơ thứ 15 của Hội Nhà văn TP HCM lìa trần trong năm 2021.

Nhà thơ tên thật Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương sinh năm 1935 tại Vỹ Dạ – Huế. Được biết, bà là hậu duệ dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, thuộc chi vua Minh Mạng, là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Vốn xuất thân dòng dõi hoàng tộc nên ngay từ năm 8 tuổi, bà đã được cha dạy cho những cách gieo vần thơ Đường luật. Lớn lên, Hỷ Khương vào trường Trung học Đồng Khánh (Huế) đến cuối năm thứ tư thì vào Sài Gòn học trường Quốc gia Âm nhạc nhưng vì cụ Ưng Bình không thể sống xa con nên Hỷ Khương phải trở về Huế.

Đến năm 1961, khi cụ Ưng Bình mất thì nhà thơ mới rời quê hương định cư ở Sài Gòn.

Từ trước 1975, Tôn Nữ Hỷ Khương đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam với giọng thơ hoài cổ và tinh thần nhân ái phương Đông.

Cùng với những thăng trầm của thời cuộc và trải nghiệm bản thân, thơ Tôn Nữ Hỷ Khương mang màu sắc triết lý vừa thâm thúy tinh tế vừa như một sẻ chia và kết nối với khách tri âm.

Từ năm 1964 đến nay bà đã xuất bản nhiều tập thơ được bạn yêu thơ cả nước yêu thích như: “Đợi mùa trăng” (1964), “Mộng thanh bình” (1970), “Còn gặp nhau” (1999), “Bâng khuâng tình khúc” (2001), “Thơ tình và tình thơ” (2006), “Thơ dâng cha mẹ” (2007),… và tập văn xuôi “Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Gia thị” (1996, tái bản bổ sung 2002).

Bà được biết đến là một nữ sĩ sáng tác thơ và năng nổ trong sinh hoạt trong “Tao đàn Bạch Nga” và “Tao đàn Quỳnh Dao” – 2 nhóm người yêu thơ nổi tiếng trước đây.

Một điều ít ai biết, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là anh em cô cậu ruột với nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và tại Huế có tới 3 người thân của bà: cha của bà là Ưng Bình, ông nội Hồng Thiết và ông cố Tuy Lý Vương đều được trân trọng đặt tên 3 con đường lớn của đất cố đô.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương nhiều lần cùng giáo sư Trần Văn Khê trò chuyện với công chúng về thơ, ẩm thực và văn hóa dân tộc. Bà vẫn sáng tác và sinh hoạt cùng Hội Nhà văn TP.HCM.

Trong nhiều cuộc trò chuyện, khi hỏi đến quan niệm về thơ hay một số vấn đề có tính chất “lý luận”, bà Hỷ Khương đều cười xòa và dẫn lại câu thơ của cụ Ưng Bình như một quan niệm khiến bà tâm đắc: Rượu có mùi hương nên uống mãi/ Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi.

Bà vốn không ưa lý luận, thơ với bà như máu thịt như tâm hồn. Nay nhà thơ giã biệt thi đàn để về với cõi thơ vĩnh hằng, sẽ còn nhiều người nhớ bà và những “lời cho nhau” thật thấm thía.

Năm 2006, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương được trao Giải thưởng Đào Tấn vì đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc.

Tang lễ của bà được tổ chức tại tư gia 339/10 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3 – TPHCM. Lễ nhập quan vào 17 giờ ngày 24/12, Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 26/12, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ban biên tập Vanchuongphuongnam.vn xin chia buồn với gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Giới văn chương đã mất đi một nhà thơ thiên tài.

Xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương:

Chỉ vị tình

Đời vốn phù du mặc kệ đời
Ta theo ngày tháng cứ vui chơi,
Thơ là thuốc bổ ngâm không chán
Rượu có mùi hương cứ rót mời

Cơm rau đạm bạc đượm mùi thanh,
Ta đến cùng nhau chỉ vị tình.
Tri kỷ, tri âm đời mấy kẻ,
Câu hò tiếng hát mộng thêm xinh.

Trước sau chỉ một chút tình,
Thiết tha, trân trọng để dành cho nhau.

Còn gặp nhau

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý – lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.

Hãy cho nhau

Một cơn gió nhẹ thoảng qua
Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời
Để kết thúc một kiếp người,
Mong manh như hạt sương rơi đầu cành!

Thế mà cứ mãi quẩn quanh,
Ghét ghen, sân hận, tranh giành, hơn thua.
Đang là bạn, hoá ra thù,
Đang thân thiết, bỗng thờ ơ lạnh lùng.

Cùng trong cõi tạm sống chung
Chơi vơi bể khổ – mênh mông đất trời.

Hãy cho nhau những nụ cười.
Hãy cho nhau trọn tình người – niềm vui
Hãy cho nhau vị ngọt bùi,
Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương,
Tròn câu hiếu đạo, cương thường.

Nhặt lá vàng rơi

Trông mãi mùa thu chưa thấy đến
Để ta tìm nhặt lá vàng rơi…
Ấp yêu với cả tình thương mến:
Sắp xếp thành tên của một người…

Người ấy bây giờ ở tận đâu?
Nghĩ gì khi quạnh vắng đêm thâu?
Mơ gì khi nhạc lòng lên tiếng?
Nhớ tiếc gì khi nắng đổi màu?

Tôn Nữ Hỷ Khương