Vĩnh cửu – Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

719

Quyên sẽ dũng cảm kiên cường chống chọi bão giông, chứ không phải rúm ró trốn tránh nhân tình thế thái trong bốn bức tường vô cùng đẹp đẽ và lạnh lẽo đó.

Ảnh minh họa – Nguồn Shutterstock

Chồng chỉ kịp hỏi Quyên một câu sau khi cô đã chuẩn bị mọi thứ và cho lên xe.

– Em có cần anh đi cùng không?

Quyên hơi khựng lại trước cánh cửa xe đã mở rộng. Có lẽ đã không còn cần thiết nữa. Chỉ mới vài tuần thôi nhưng cô đã quen với việc tự giải quyết mọi thứ. Sự hiện diện của chồng dường như chỉ là thủ tục, như mọi khi có việc phải gặp gỡ họ hàng hai bên, không sánh vai đi cùng nhau cũng kỳ. Kiểu như hai con nhím muốn ôm ấp thân mật nhau cũng ngại mớ gai nhọn của đối phương có thể làm đau mình. Thế là chỉ lặng lẽ bên nhau, thỉnh thoảng có quan sát, có cáu gắt, có sững sờ khi phát hiện ánh mắt của đối phương vui sướng, rạng rỡ hẳn lên nhưng lại không dành cho mình.

Quyên đẩy gọng kính áp sát vào khuôn mặt. Nếu là lúc trước, anh sẽ cáu kỉnh nhắc cô tháo cặp kính đen đó xuống khi nói chuyện với mình. Gọng kính thường in những đường lằn khó chịu nhưng so ra vẫn dễ chấp nhận hơn khuôn mặt đàn ông vừa rắn rỏi vừa kiêu kỳ của chồng, thứ mà Quyên từng mê mẩn và để hồn mình chết ngộp khi ngắm nhìn.

– Em cần bao nhiêu thời gian?
– Em vẫn chưa biết chính xác. Có thể một vài tuần hoặc hơn.

Lâu nay, Quyên chỉ quen ngồi cạnh tay lái của chồng. Thật không dễ chịu chút nào khi phải ngồi ở vị trí phía sau. Đã vậy, cô còn phải liên tục trả lời những câu hỏi của tay tài xế chỉ giỏi vịn vào Google Maps đến mức lạc đường hồi nào không hay. Dù cố dằn nén nhưng giọng nói của gã rõ ràng xem cô là nguyên nhân dẫn đến việc lạc đường vô lý này.

– Cô có nhớ nhầm không? Rõ khổ, mua nhà đâu mà tít thâm sơn cùng cốc thế, đố ai mò ra!
– Vườn thôi anh ạ! Chẳng phải nhà!

Gã lại hỏi gằn:
– Vườn à? Ơ, đừng nói là cô bỏ chồng lên đây làm vườn đấy nhé!
– Có vấn đề gì sao anh?

Gã lấp liếm:
– À thì không có gì! Chỉ là tôi thấy lạ, ai đời lại bỏ phố về vườn chi cho vất vả thế!

Rồi gã nhếch mép bí hiểm, tựa hồ bảo để tôi chống mắt lên xem cô sống thế nào. Ơ mà, sống thế nào thì cũng mặc kệ Quyên nhỉ, sao ai cũng phải nhặng xị lên. Ngay cả chồng cô cũng thế.
– Em thôi gàn dở đi được không?

Nhưng khi Quyên nhìn thẳng vào mắt chồng, anh lại xua tay: “À không có gì, em cứ lên đó đi, để xem em sống ra sao”.

Ừ thì cô đi, để tin rằng mình còn sống, để biết ở một giới hạn nào đó, mình có thể bình yên reo vui đón gió như một cái cây. Cô sẽ dũng cảm kiên cường chống chọi bão giông, chứ không phải rúm ró trốn tránh nhân tình thế thái trong bốn bức tường vô cùng đẹp đẽ và lạnh lẽo đó. Dù trong bốn bức tường kia có khuôn mặt đẹp như tượng và trái tim của chồng vẫn đập đều đều, Quyên vẫn phải đi.
***

Len lỏi qua hai vạt đồi, vườn của Quyên trở nên rõ ràng hơn sau đôi kính đen. Một khu vườn không quá rộng nhưng mát và yên tĩnh. Chỉ có vòm lá xanh mướt và những cơn gió lạnh đến tê người.
– Cô sẽ ở đây một mình sao? Không mạng mẽo, không wifi hay 4G?
– Những thứ đó có cần thiết không?
– Không. Nếu cô không sợ cô đơn.

Quyên không ở một mình. Người làm vườn được chủ cũ của mảnh vườn giới thiệu cho cô. Một người không biết làm đau cái cây nào sẽ rất đáng tin để chồng giao phó việc trông nom và bảo vệ cô.

Kể từ lúc việc mua bán và chuyển đổi chủ hoàn tất đến nay đã hơn một năm, đây là lần đầu tiên Quyên đến xem khu vườn của mình. Trước đây, Quyên chỉ nghe chồng nói rằng đó là một nơi rất buồn, ít tiếng người, thi thoảng có tiếng vượn hú vọng ra từ những ngọn đồi xung quanh. Miếng đất đó dùng để đầu tư sinh lời vào thời điểm thích hợp lý tưởng hơn là xây điền viên.

Mấy tháng trước, Quyên đã thu xếp việc xây một căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ những tiện ích đơn giản nhất cho cuộc sống một mình. Thêm một nhà sàn gỗ trên hồ nước phía sau, chỗ sát vách chân núi. Ở đó, Quyên sẽ tập thiền vào sáng sớm, rồi pha một bình trà, cắm vài cành hoa hái được đâu đó dọc đường xuống phố núi.

Lực – người làm vườn và cũng sẽ là người bảo vệ cô trong những ngày sắp tới – là một người đàn ông cao lớn, rắn rỏi. Đây có vẻ là người ham làm hơn ham nói. Hoặc cũng có thể Lực biết rõ vị trí của mình ở đâu so với người thành thị như Quyên. Mắt Lực hầu như chỉ ngước ra phía nắng, phía gió dọc mạn đồi táp lại, mỗi khi muốn trao đổi với Quyên việc gì.

– Cô thấy có nên trồng thêm vài bụi hoa cho đẹp xung quanh không? Tôi thấy hầu hết phụ nữ đều thích hoa.

Quyên mỉm cười. Không hiểu là anh ta muốn lấy lòng hay tình thật.
– Bảo Lộc mình có những loại hoa nào đẹp vậy anh?
– Nhiều lắm. Nếu cô thích, tôi sẽ dẫn cô xuống vựa dưới phố núi chọn.

Mất hết một buổi sáng, chiếc xe Honda cà tàng của Lực cũng thồ về được vài gốc hoa hồng loại chịu lạnh. Quyên không hài lòng lắm. Cô bảo chủ vựa hoa lựa cho mình loại nào có thể sống lâu, sống mãi. Ông chủ nhếch mép cười chế giễu:
– Thế cô mua cổ thụ về trồng đi! Gần tàn cuộc đời, tôi chưa thấy cây hoa nào sống mãi mà không chết.
– Có chứ! Hoa bất tử.
– Này cô, cô có phân biệt được hoa tươi và hoa khô không đấy?

Ánh mắt đó, cái cách nhếch mép nhả khói thuốc, cách lật trở những tờ tiền đều ám thị suy nghĩ của ông về Quyên: “Đồ điên”.

Lực không có một động thái nào để bảo vệ chủ khu vườn mà mình đang chăm sóc. Khuôn mặt Lực như chìm hẳn vào những búp hồng to lớn còn đẫm sương. Đến nỗi Quyên tưởng chừng khuôn mặt bất động kia cũng là một cánh hoa, phẳng lặng, vô can.

Quyên không thích hoa hồng, càng không thích những bông nở to rực rỡ, cánh dày đặc, hương thơm ngát. Cứ kiêu hãnh đi, cứ ngát hương đi, rồi cuối cùng những cánh hoa kia cũng úa màu tàn phai. Những cánh hoa vô tư ngửa mặt bung xòe hết vẻ đẹp quý phái của mình. Chúng chẳng mảy may biết rằng chính cái đẹp ấy đã nhanh chóng đưa chúng đến thảm kịch: nay mai nhanh chóng rũ tàn trên miệng những chiếc bình quý giá.

Quyên thoáng rùng mình chạm tay lên một cánh hoa ngoài cùng đã hơi héo vì nắng gió. Lực nhìn, phán ngay:
– Phải hạ ngay, không thì cả gốc hồng này sẽ mất sức vì những bông hoa héo. Đợt hoa mới sẽ nở nhanh thôi.
– Có cách nào cứu chúng không?

Lực mang ra một cây kềm cắt cành. Anh xén một nhát gãy gọn. Những bông hoa héo rơi lả tả trên mặt đất.
– Không, cô ạ! Không gì là vĩnh cửu. Cái đẹp thì càng phù du hơn.

Không dưng, Quyên lén thả một tiếng thở dài. Hóa ra, cái mà Quyên đang tìm kiếm chỉ là phù du ư? Vĩnh cửu là đâu? Trời xanh kia có là vĩnh cửu? Hay mặt trời và mặt trăng? Và tình yêu?
***
Lực có thói quen tắm trước khi trời tối, ngay khi mặt trời vừa khuất núi, vẫn còn những vầng sáng màu cam hắt lên lần cuối phía xa xa.

Hồ nước xanh biếc nằm nép bên một vạt đồi nhỏ, nước mưa mài nhẵn những viên đá. Rồi nước mưa cũng ở lại cùng những lớp đá đó. Năm tháng kéo theo mớ rêu bám đầy vách hồ. Thành ra, nước hồ cứ xanh lên một màu ngăn ngắt, trong veo. Những ngày đầu đến đây, Quyên chưa đi đâu xa khỏi nhà. Mỗi buổi chiều Lực trở về cùng bộ quần áo ướt không thể che khuất vòm ngực rắn chắc, Quyên vừa ngạc nhiên, vừa dè chừng. Lẽ ra Lực phải tinh tế hơn. Nhà chỉ có hai người dưng khác phái, lại tận nơi thâm sơn cùng cốc, nhỡ đâu…
– Anh có phiền không nếu tôi tò mò về bông hoa trên ngực trái?

Quyên bỗng dưng nghe má mình nóng ran khi thốt lên câu hỏi đó. Lực sẽ nghĩ gì về cô? Bông hoa trên ngực người đàn ông nghèo rách cũng có lúc khiến một quý cô phiền lòng? Cô thiếu hơi đàn ông đến mức phải chú ý đến cả người hoàn toàn không thể sánh với mình?
– Đó là vợ tôi. Bông hoa ở lại nhưng cô ấy đã thành vĩnh cửu.

Đó là một phụ nữ đẹp – theo hồi ức của sư thầy trong thiền viện nhỏ, nơi Lực hay đưa cô đến vãng cảnh và cúng dường. Sư thầy không cho Quyên biết lý do cô ấy biến mất. Chỉ biết rằng Lực từng suy sụp, trở nên điên loạn, phải nương nhờ cánh cửa thiền viện trong một thời gian dài. Ngoài sư thầy, Lực chỉ có một chú chó nhỏ bị cụt mất chân trước làm bạn. Chú chó đó Lực gặp dưới chân đồi. Có lẽ nó đến từ con phố phía xa kia. Ngày nào Lực cũng chở nó rảo quanh con phố nhưng tuyệt nhiên không thấy người nào nhận ra con chó nhỏ. Thôi vậy, chắc là chó hoang.

Chú chó nhỏ biết rõ thân phận mình, không bao giờ làm phiền lòng Lực. Như lúc Lực đi tắm, nó lẽo đẽo theo sau, ngồi chờ trên bờ hồ. Nó có thể nhảy phốc vào lòng anh, cuống quýt như một đứa trẻ mỗi khi Lực đi đâu đó trở về. Khi Lực vun xới, dọn dẹp lại mấy chậu hồng cho Quyên, nó nằm yên nhìn Lực chăm chú, đến mức quên cả bữa ăn.

Nhưng với Quyên, nó dè chừng, không bao giờ tỏ ra thân thiết, vồ vập, nịnh nọt. Quyên phớt lờ chuyện con chó, nhưng rõ ràng cô có chút khó chịu mỗi khi chiều buông. Khi cô loay hoay trong bếp, cảm giác bị bỏ rơi lại hiện ra rõ rệt. Phải chăng, nói theo giới trẻ, đây là “nghiệp quật” khi cô ngúng nguẩy bỏ chồng mà đi. Và rồi lại chính mình nếm trải cảm giác bị “ra rìa” bởi hai kẻ xa lạ này. Hai tháng bên nhau, dù phân định rõ ràng người chủ – người làm thuê nhưng Quyên có bao giờ để mặc Lực ăn cơm một mình. Cô luôn lấy cớ ngắm trăng, hóng gió để mang cơm ra chiếc phản trước hiên nhà, khi nhón cho Lực miếng trứng cá béo ngậy, khi chan muỗng xúp nóng hổi… Ở cái nơi gió núi lạnh tê tái và sương khuya ướt đẫm cả tóc tai thì người dưng cũng có thể trở nên thân thiết, mấy hồi.
***

Khu vườn ngoài bóng mát nay còn rộn tiếng chim. Lực đã ở đây từ mùa đông năm trước. Những loại cây ăn trái trong vườn vẫn chưa kịp ra đợt trái nào. Mắt Lực hay nhìn sâu vào những tán lá: “Sẽ sớm thôi!”. Quyên không tin điều đó. Ngày nào mà cô không ra thăm vườn. Tuyệt nhiên không có một nụ hoa nào nhú lên báo hiệu một đợt kết trái sẽ đến.
Nhưng cái hôm Lực rời đi thì Quyên tin Lực nói thật.
Vị thiền sư mời cô chén trà nóng để ngăn dòng cảm xúc bồn chồn nơi cô.
– Anh ta không nói với cô về việc anh ta sắp cưới ư?
Chén trà trong tay Quyên nguội lạnh từ lúc nào không biết.
Quyên run rẩy đi ngược mạn đồi về nhà. Con chó nhỏ nằm rên ư ử, khóe mắt và miệng nó tiết ra thứ nước ướt nhẹp. Đâu chỉ Quyên mới thấm cảm giác bị bỏ rơi. Con chó cũng bỏ đi từ hôm không còn đánh hơi thấy Lực trong vườn. Quyên cứ tưởng anh ta mang nó theo rồi. Chân con chó rỉ ra dòng máu đã bầm đặc từ hồi nào. Quyên sợ hãi bồng nó đến nhờ thiền sư băng bó.
Vị thiền sư lau chùi vết thương cho con chó. Mặt ông buồn rười rượi. Tội nghiệp, có lẽ nó đã phải đi khắp nơi để tìm Lực. Khi vết thương được lau rửa sạch sẽ, Quyên thẫn thờ nhìn thấy các vết xước hình bông hoa trên mõm chân con chó.
Bất giác, cô bật khóc.
***
Mùa xuân năm nay, Quyên trở lại thăm khu vườn đó. Khu vườn đã được chủ mới cải tạo thành một homestay yên lành. Cô đồng ý cho chồng bán khu vườn để cứu lấy công ty lao đao trong đợt dịch bệnh. Thứ cô đi tìm thật ra đâu có nghĩa lý gì so với những lo toan chồng chất khiến chồng cô ngày đêm suy sụp. Anh cố giấu bằng vẻ lạnh lùng thờ ơ, cốt để Quyên đừng quá bận lòng vì mình.

Ông chủ homestay ngại ngùng bảo: “Tôi đã tặng con chó nhỏ của cô cho một vị khách”. Quyên chỉ khẽ mỉm cười. Cô biết, có lẽ bây giờ bông hoa trên ngực áo đã được Lực thay bằng một hình xăm mới. Rồi con chó nhỏ cũng buộc phải quên chủ cũ. Cuộc sống mà!

T.H.T/ Theo Phụ Nữ