Vĩnh Thông – Lặng yên ngưng đọng

600

02.10.2017-20:20

Nhà văn trẻ Vĩnh Thông

 

>> Dòng chảy cuộc đời

>> Thần làng Năng

 

Lặng yên ngưng đọng

 

TRUYỆN NGẮN CỦA VĨNH THÔNG

 

NVTPHCM- Anh không tin là Hào đã chết. Anh không tin! Có lẽ chỉ là buồn buồn đi chơi đâu đó chốc lát thôi, rồi thế nào cũng sẽ về mà.

 

Khi người ta nói Hào bị xe đụng, anh không tin. Rõ ràng anh thấy nó vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình.

 

Nếu anh nhớ không lầm thì hôm đó hình như là một ngày mưa nặng. Có một chi tiết anh dám chắc mình nhớ rất rõ, là con đường nơi hai thằng dừng lại để bán đang ngập nước, bì bõm tới mắt cá chân. Anh và Hào phải xắn quần mà đi. À, mà phải rồi, đúng là có một cơn mưa ngày hôm ấy. Vì anh chợt nhớ lại hình ảnh mấy sợi tóc mai bết bát nước của Hào, vết tích sau khi một nắm mưa trượt xuống từ đỉnh đầu. Cơn mưa lúc rúc rắc, khi xóa trắng, mờ nhòe. Anh cảm tưởng thành phố rộng lớn đang mục dần trong nước.

 

Để coi, hôm đó Hào hát bài gì cà? Đâu như là “Chuyện ba mùa mưa” thì phải. Trời, hết sức thằng nầy, đã mưa ướt át mà hát bài buồn thúi ruột. Anh đổ lỗi nhiều cho cơn mưa hôm đó. Vì mưa mà chiếc micro và cái loa cứ nấc lên từng cơn sù sụ (mặc dù anh biết chúng đã có thâm niên). Vì mưa mà đường xá vắng hút heo, người đã ít lại cỏn hợp nhau ngoeo nguẩy gạt phăng lời mời của anh (mưa làm họ bực dọc cũng nên). Vì mưa mà Hào không thấy chiếc xe đang lờ mờ xoắn tới trong màn nước úa đục. Vì mưa mà tiếng hát của Hào đứt phăng như vừa bị một nhát chém ngọt. Một âm thanh lạ vang lên cao như nốt Sol ở quãng tám thứ ba xen giữa nền nhạc đang còn dang dở. Đơn côi và lạc lõng. Thứ âm thanh lạ đó, anh biết nó không có trong lời bài hát.

 

Khi người ta nói đang đưa Hào vào bệnh viện cấp cứu, anh không tin. Rõ ràng anh thấy nó vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình.

 

Đó là độ khoảng mười phút sau khi cả một khu phố nhốn nháo trước cảnh chiếc xe tông vào thằng bán kẹo kéo bên đường. Tiếng rú rú ghê rợn của xe cấp cứu đều đều vang trong đêm vắng. Nghe nó, nhưng anh vẫn chưa tin là thật, có lẽ tiếng xe cấp cứu đó là ở đâu kìa, chứ không phải nơi mình đang ngồi. Anh không biết bằng cách nào mình đã chạy đến bên Hào, đã ngồi trong chiếc xe nầy để nghe tiếng hú hú, rồi xe kẹo kéo mình ở đâu, cái thằng đã tông vào Hào ra làm sao. Anh không nhớ. Anh chỉ nhớ rõ là hồi sáng sớm, nó còn líu lo nói chuyện với mình trong quán cơm vỉa hè, mới ràng ràng đó mà.

 

Lúc trước Hào từng nói mình ở đâu quên rồi cà? Là biên giới. Mà anh không nhớ rõ cái tên nó là gì. Tệ thiệt, ở chung trọ với nhau lâu vậy mà. Hồi mới gặp nhau, anh nghèo, Hào cũng nghèo (thì đến giờ vẫn có đứa nào khá hơn đâu). Anh với Hào đi bán chung với nhau đã bốn năm. Chi tiết nầy thì anh nhớ rất kỹ. Vì Hào thường nói khởi nghiệp năm con trâu nên cực như trâu. Thằng nầy nói khơi, bán kẹo kéo dãi nắng dầm mưa chớ đâu phải làm giám đốc, khởi nghiệp năm nào mà không cực. Nếu bắt đầu làm từ năm con khỉ không chừng nó sẽ nói khởi nghiệp năm con khỉ nên chạy nhảy như khỉ. Để cho sang, nó nói hai đứa làm chung công ty, tức là ý nó đang nói “công ty kẹo kéo”.

 

Hào còn có ba má đã lớn tuổi, một đứa em gái học cấp hai và một đứa cháu ba tuổi con của chị hai gửi lại cho ông bà nuôi vì phải đi làm xa. Lúc nào nó cũng dè xẻn đến mức tối đa, để dành tiền gửi về cho ba má mỗi tháng. Hào thương nhỏ em gái lắm. Anh đọc được sự hân hoan và tự hào trong mắt nó khi nhắc đến đứa em hiền và học giỏi của mình. Hào ngày trước cũng học giỏi, nhưng đã nghỉ từ năm lớp sáu. Cơ hội đến trường không dành cho nó.

 

Khi người ta nói Hào đã không còn cơ hội nữa, anh không tin. Rõ ràng anh thấy nó vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình.

 

Lần nầy không phải là cơ hội đi học, mà là cơ hội giành lấy hơi thở. Mấy lọn hơi thở mỏng và nhẹ đang trơn trượt, cố thều thào bám víu lấy người Hào. Hào đâu thể bỏ mọi thứ ngang xương vậy. Hào đang ấp ủ dự định đăng ký tham dự cuộc thi “Giọng hát hay toàn quốc” sẽ được tổ chức cuối năm nay. Vậy là nó bắt đầu đi học nhạc, cũng chỉ vừa mới cách đây vài tháng. Hào nói muốn nắm vững về âm nhạc để trở thành một ca sĩ thực thụ, nó sẽ diễn trên sân khấu lớn, sẽ ra album. Hoặc nếu không thể là ngôi sao thì cũng có thể hát ở phòng trà, quán cà phê, nhà hàng… miễn là những chỗ sang trọng hơn… xe kẹo kéo.

 

Từ khi học nhạc, Hào đem anh ra làm chuột bạch để thí nghiệm bằng những lời càm ràm. “Trời, thằng nầy, sao giọng Mi thứ mà hát La thứ”. “Ê đã biểu xuống một quãng tư, chớ hông phải quãng ba nghe chưa”. Bực cái mình! Anh chớ biết quãng tư quãng tám gì ráo. Cứ hát sao cho khách cảm thấy nghe được, và quan trọng là chịu mua kẹo là mừng rồi. “Tao bán kẹo kéo chớ hổng phải ngôi sao nghe chưa”. “Dẹp, kẹo kiếc gì thì cũng phải hát cho chuẩn”.

 

Anh không thể phủ nhận là Hào có một giọng hát đẹp, kể cả lúc trước khi học nhạc. Giờ thì thêm chuẩn, nó là trợ lực cho tiêu chí đẹp đã có từ trước. Thường thì khi đi bán, nó hát chính còn anh mang kẹo đi mời khách. Thỉnh thoảng anh cũng hát nhưng chỉ là để đổi khẩu vị cho đỡ nhàm chán. Anh biết mình không hay hát bằng nó, nhưng anh miệng mồm lanh lẹ hơn, gì chứ công việc chào mời là trúng tủ rồi.

 

Từ khi học nhạc, thay vì những bài hát kiểu em yêu anh, anh yêu em, hai đứa mình yêu nhau như trước đây, Hào bắt đầu hát mấy bài của ông Trịnh nào đó. Khi tập ở phòng trọ, anh đã thấy không ổn và cảnh báo với nó. Nhạc nầy buồn quá mà lại khó hiểu, khách nghe xong ai chịu mua kẹo. Hào nói những giai điệu đó, những ca từ đó mới thật sự là nghệ thuật. Vụ nầy thì anh thua, anh có rành nghệ thuật nghệ thiếc gì cho cao, trước mắt anh chỉ có hai trường hợp: bán chạy và bán ế.

 

Và, ế thiệt. Người ta không chịu nghe những bài hát đó. Khách nói sao không hát mấy bài giựt giựt sung sung, có “yêu thương, em anh” cho dễ hiểu, hát chi ba cái nhạc tào lao tào đế gì mà dòng sông nào qua đời, qua cái con khỉ, sông mà qua đời mẹ gì. Vì mấy chữ “tào lao tào đế”, “qua đời con khỉ” mà Hào buồn. Buồn cho mình ít, mà buồn cho nhạc và cho ông Trịnh nhiều. Anh thì thấy Hào khờ quá, người ta buộc miệng nói khơi thôi có là đống ôn gì, với lại ông Trịnh là ông nào có dính dấp gì tới xe kẹo kéo của mình đâu mà buồn.

 

Bây giờ thì có lẽ không còn ai buồn cho những đối tượng đó nữa. Khóa học nhạc vẫn chưa kết thúc, cuộc thi nó mơ ước vẫn chưa tổ chức. Hào chưa đi đến cuối chặng đường mà, sao lại có thể bỏ cuộc sớm vậy.

 

Khi người ta nói cái quan tài của Hào đang được đưa xuống huyệt, anh không tin. Rõ ràng anh thấy nó vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình.

 

Anh đã làm một chuyến về quê Hào. Đây là lần đầu tiên anh biết quê của thằng bạn cùng ở chung phòng trọ, cùng “làm chung công ty”. Quê nó, nhà nó, đều nghèo khổ như nhau. Nhỏ em gái Hào cầm cái cặp da và khóc sướt mướt. Đó là món quà anh nó vừa mới mua vài ngày trước khi gặp nạn. Trước đây Hào hay đợi đến Tết để mang tất cả những món quà nó đã mua được trong năm về quê. Nhưng lần nầy nó đã phá lệ, vừa mua xong mới mấy hôm thì nó đã về quê cùng với món quà rồi. Có lẽ Hào nôn nóng quá, không kịp để chờ Tết. Nhỏ em gái khóc, anh cũng khóc. Kỳ quá, đàn ông đàn ang mà khóc gì.

 

Cứ như anh đang thong dong ở một chốn ký ức nào đó, dòng chảy miên man bỗng dưng khựng lại và bị bẻ cong bởi tiếng khóc. Nè nhỏ, khóc gì vậy, nhận quà vui quá nên xúc động phải không. Dứt khoát là không thể khóc cho Hào. Nó có bị gì đâu mà khóc, chỉ là té xe thôi mà. Hai thằng đi bán bị té xe hoài chớ gì, chuyện bình thường thôi, có gì to tát đâu. Ngay cả anh và chuyến đi nầy, cũng chỉ là chơi cho biết quê bạn thôi, có gì đâu mà buồn. Anh tự nhắc mình như thế cho đến khi hai hốc mắt trở nên khô khốc.

 

Lúc đó, hồ như anh vẫn nghe giọng hát của Hào bàng bạc phía xa.

 

Khi người ta nói Hào đã chết rồi, chết thật rồi, anh vẫn không tin. Rõ ràng anh thấy nó vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình.

 

Ở những nơi thân thuộc, anh gom nhặt từng khóm ký ức rạc rời phờ phạc về Hào. Trên chiếc xe, lỉnh kỉnh những micro, loa, máy phát đĩa… tất cả đều có bàn tay Hào chạm vào suốt nhiều năm. Bước vào phòng trọ, anh chạm phải cây guitar của nó, mỗi ngày anh đều lau chùi cẩn thận vì sợ đến lúc Hào về thì nó đã đóng một lớp bụi dầy. Đến cái bàn nhỏ, bắt gặp ngay xấp tài liệu học nhạc, anh giữ gìn nó cẩn thận để khi Hào về sẽ có tài liệu mà học tiếp. Trong hộc tủ là tờ báo đăng thông tin về cuộc thi “Giọng hát hay toàn quốc”, anh vẫn giữ đó để Hào biết ngày giờ mà thi. Cho đến khi cuộc thi được tổ chức, rồi đi đến vòng chung kết, anh vẫn đón xem trên tivi mỗi tuần, nhưng không thấy Hào xuất hiện. Ừ, năm nay chưa thi được thì năm sau thi, có sao đâu.

 

Anh nhặt được một mảng nhỏ về Hào nơi ngã tư mà hai thằng từng té xe văng cả thùng kẹo, vậy đó mà không hề hấn gì. Anh lại lượm một ngụm chỗ quán nhậu mà hai thằng bị khách tạt bia vào mặt chỉ vì cái tội “quấy rối người ăn nhậu”. Anh thấy một mớ ở công viên mà hai thằng đã đánh nhau với một nhóm kẹo kéo khác vì chuyện giành “lãnh địa”. Anh tìm hình ảnh Hào trong những cái gật đầu và lắc đầu của khách khi mời kẹo. Trong nghề kẹo kéo người ta quan tâm đến những cái gật đầu và lắc đầu của người mua, nó tỷ lệ thuận với độ nặng nhẹ của mớ tiền trong túi người bán. Anh lại tìm được đâu đó quá khứ của mình về những cái cười cợt khinh miệt của lũ trai gái choai choai, của những vị đại gia sang trọng, anh hiểu nụ cười là dành cho cái nghề của mình.

 

Nhiều tháng sau đó, anh cũng không rõ là bao lâu vì không còn quan tâm đến nữa, có lần một thằng sinh viên ở chung dãy trọ đến đòi mua cây guitar. Thằng sinh viên nói đã để ý lâu rồi, tưởng là của anh nhưng không thấy anh đàn nên mới hỏi mua. Quả thật anh không biết đàn nên không đụng tới, cây guitar đó anh vẫn đặt nằm yên đúng vị trí mà Hào đã dành cho nó từ lúc mới mua.

 

“Tao không chơi guitar, nhưng cái đó của bạn tao, muốn gì phải hỏi nó chứ tao đâu bán khơi khơi được”.

 

“Em dọn tới đây hai tháng rồi thấy anh ở một mình thôi, có bạn nào đâu?”.

 

“Nó về quê rồi”.

 

Anh vẫn nghĩ là Hào chỉ đi chơi thôi, hoặc về quê như Lục Vân Tiên bỏ thi để chịu tang mẹ, hoặc trốn đâu đó một thời gian để chọc tức anh. Chiếc xe kẹo kéo giờ đây chỉ còn mình anh. Anh vừa hát vừa bán. Cảm thấy ở cổ râm ran ngứa, dần dần chuyển sau khô rát, đau buốt. Không ai hát thay hoặc bán phụ, không ai chỉnh âm thanh hay mở nhạc cho anh.

 

Hào đâu rồi mầy? Sao không tiếp tao một tay coi? Mầy coi tao hát vầy đúng giọng La thứ chưa, dịch lên đúng một quãng tư chưa? Anh vẫn đợi, để tới bữa nọ vừa hát xong một bài, có người nhắc: “Lộn tông rồi, Đô trưởng cha nội ơi”. Thì đó, anh đã nói rồi, rõ ràng là Hào vẫn còn ở đây, ngay bên cạnh mình chớ có đi đâu, anh biết mà.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Kiếp hoa – Vũ Minh Nguyệt

>> Phép mầu từ chiếc nhẫn – Trương Tri

>> Người săn côn trùng – Tống Ngọc Hân

>> Thế hệ thứ ba – Bùi Tự Lực

>> Má đi chợ – Trúc Thiên

>> Vá đồng – Nguyễn Hồng

>> Giải cứu – Vũ Thị Huyền Trang

>> Tân Cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Chàng thi nhân đầu bạc – Nguyễn Quang Thân

>> Dị đoan – Nguyễn Trương Quý

>> Điệu Valse ngày cũ – Vương Hoài Uyên

>> Ngày hôm qua – Nguyễn Vũ Hồng Hà

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…