Họa sĩ Lê Triều Điển cầm tay vợ, nhà thơ – họa sĩ Hồng Lĩnh đến trước bức tranh mà ông tâm đắc, để một đài truyền hình thu hình ảnh cả hai đang tương tác với nhau. “Nói gì bà ơi? Mình nói hết với nhau 50 năm rồi còn đâu…”, họa sĩ Lê Triều Điển cười lớn trong thoáng bối rối.
“Thở ra thơ ca, hội họa”
Họa sĩ Lê Triều Điển vẽ tranh từ trước năm 1965, khi ông còn là cậu thanh niên mới vừa ngoài đôi mươi hừng hực sức trẻ. Vợ ông, nhà thơ – họa sĩ Hồng Lĩnh (hay Phạm Thị Quý), cũng sớm tìm đến hội họa khi nhìn thấy chồng cặm cụi sáng tác tranh mỗi ngày. Ngôi nhà chật chội, ngổn ngang hộp màu, cọ vẽ… là không gian sống, sáng tác của hai vợ chồng đến nay tròn 50 năm. Đối với họa sĩ Lê Triều Điển và vợ, vẽ là nguồn đam mê bất tận mà nếu ngưng lại, cuộc đời sẽ chẳng còn gì vui.
Gặp họa sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh tại không gian triển lãm mới nhất của ông bà với tên gọi 50 – 70 – 80, (50 là hành trình hôn nhân, 70 là tuổi của bà, 80 là tuổi của ông), mừng thay khi thấy cả hai còn khỏe, hăng say lửa nghề và “vẽ rất ác”. Câu cảm thán “vẽ rất ác” khe khẽ của một vị khách vô danh thoảng nghe thì thấy hài hước, nhưng ngẫm thấy chất đời chứa chan trong đó. Vẽ “ác” là bởi ở tuổi 70 của Hồng Lĩnh và 80 của Lê Triều Điển, hiếm ai duy trì được sức sáng tạo, làm việc cật lực mỗi ngày để hoàn thành những bức tranh khổ lớn như vậy.
Vợ chồng họa sĩ Hồng Lĩnh – Lê Triều Điển.
“Thời điểm dịch bệnh, nhiều dự định mang tranh đi quốc tế phải hoãn lại, vợ chồng tôi có thời gian ở nhà vẽ. Số lượng tác phẩm vừa tranh, vừa gốm mà hai vợ chồng hoàn thành rất nhiều, nhà không có chỗ chất. Khi nghe các con muốn tổ chức thượng thọ cho ông xã, tôi bàn với chồng thay vì làm đám tiệc giữa lúc dịch bệnh phức tạp, nên chăng mở triển lãm để mọi người đến xem tranh cho vui”, họa sĩ Hồng Lĩnh nói về cái cớ để có 50 – 70 – 80.
Nhưng không phải đến lúc này, cặp nghệ sĩ mới vẽ đều đặn hơn, mà theo lời kể của bà Hồng Lĩnh, suốt mấy chục năm qua, tùy vào lúc nhà khốn khó hay đủ đầy, hai vợ chồng liệu theo thời để được vẽ. Thảnh thơi thì ông bà vẽ nhiều, còn túng thiếu thì dành thời gian mưu sinh, cứ “liệu cơm” mà “gắp mắm”. “Các con của tôi mê hội họa nhưng không đứa nào là họa sĩ vì thấy nghề này khổ. Hồi những năm 1970 – 1980, nhiều lúc ăn còn không đủ thì làm sao chúng can đảm theo nghề. Ngày đó, vợ chồng tôi làm nhiều công việc để kiếm thêm. Khổ vậy nhưng khi nào rảnh là vẽ, làm thơ. Nghệ thuật ăn vào máu, không thở bằng thơ, bằng tranh, thấy cuộc đời không còn đáng sống”, họa sĩ Hồng Lĩnh nói thêm.
Tuổi nào cũng phải nhìn về phía trước
Trong triển lãm mới nhất (vừa kết thúc ngày 19/5), vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển giới thiệu nhiều bức khổ lớn. Trong đó có hai bức Hành trình thơ và Hành trình Mê Kông đạt kích cỡ lần lượt 1,1 x 11m và 2,5 x 10m. Với giới hội họa trong nước, đây là kích thước ít người thực hiện, vì nhiều lý do liên quan đến sở thích, khâu bảo quản, vận chuyển và thương mại.
Không gian triển lãm 50 – 70 – 80. “50 là hành trình hôn nhân, 70 là số tuổi của Hồng Lĩnh, 80 là tuổi của tôi”, hoạ sĩ Triều Điển lý giải.
“Một số người xem hỏi vì sao tranh lớn quá, có thể vì họ ít nhìn thấy kích cỡ này tại Việt Nam. Còn với thế giới, nhiều họa sĩ vẽ trên khổ giấy gấp 5 – 10 lần so với kích thước tôi chọn. Với khổ lớn, bản thân được thỏa sức thể hiện hết ý tưởng, vẽ rất đã”, họa sĩ Lê Triều Điển nói.
Theo ông, các tác phẩm trong triển lãm 50 – 70 – 80 thể hiện rõ bút pháp của hai vợ chồng. Người nào đã từng xem tranh của họ sẽ nhìn thấy những điều thân thuộc qua một số đề tài, biểu tượng. Họa sĩ Lê Triều Điển nói rằng, ông lớn lên từ những câu hò, câu hát ru của mẹ, từ đền đài, miếu mạo, sông rạch, bến đò… chúng hun đúc mãi thành một loại tình yêu. Khi tình yêu đó càng đậm, những gì vẽ ra sẽ đều thấy sự thân quen. “Qua xuân, hạ, thu, đông, người nghệ sĩ thay đổi về cách nghĩ, cách cảm, nhưng bút tích, họa giới của mỗi họa sĩ đều không đổi. Người khác nhìn vào sẽ biết đó là tranh của tôi”, ông nói.
50 – 70 – 80 không thiếu những sự ngẫu hứng từ trong cách đi màu phóng khoáng, trong đường nét trùng điệp nhưng phân tầng, giàu sức gợi. Trong tranh của họa sĩ Hồng Lĩnh, tính nữ thể hiện mạnh hơn qua cách loang màu nhưng lại mềm mại về mặt chữ viết, còn về thơ của bà thì ý thơ thiên về nội tâm con người.
“Người nghệ sĩ suy cho cùng, dù tìm được người bạn đường tâm đầu, ý hợp, thì trong nghệ thuật, vẫn thấy được cái tôi cô độc. Hành trình vẽ ra và đề thơ lên tranh là lúc tôi đối thoại với chính mình. Tôi từng vẽ tranh về phụ nữ, tranh phong cảnh, tĩnh vật, nhưng chúng không thể hiện được cá tính mạnh mẽ bên trong. Tôi chuyển sang trường phái tranh mới và gặp nhiều khó khăn khi bị chê cười, họ nói sao tôi lại đề thơ lên tranh. Năm 2000, tôi mang tranh đi triển lãm nhưng không được ủng hộ. Tôi cứ kiên trì cho đến khi được chấp nhận”, bà Hồng Lĩnh bộc bạch.
Họa sĩ Lê Triều Điển cũng từng không nhận được sự đánh giá cao ngay từ đầu, thậm chí nhiều người nói ông vẽ dễ dãi, không biết vẽ. Thời điểm trước năm 2005, tranh của Lê Triều Điển được bán với giá rất rẻ, gần như cho không. Đến khi Galerie Dumonteil – trụ sở tại Paris, New York và Thượng Hải phát hiện, họ lùng mua tranh ông, đẩy tên tuổi Lê Triều Điển lên một tầm cao mới.
Con đường hội họa gặp những trắc trở tương đồng nhưng đều vượt qua. Cho đến nay, Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh là cặp vợ chồng có tiếng trong giới hội họa trong nước và quốc tế. Sự hòa hợp như hai mà một suốt 50 năm qua là một hành trình đẹp chỉ với một bí quyết giản đơn. Họa sĩ Hồng Lĩnh nói, nhiều đôi vợ chồng nhìn nhau để sống, đến khi nhìn hoài thấy cũ nên chán nhau, còn với vợ chồng bà, hai người nhìn về một hướng – ở đây là nghệ thuật. Vì chung đam mê nên sẻ chia được tinh thần, dắt dìu nhau mà sống. “Hành trình đã qua thật đẹp, nhưng cuộc sống vẫn phải bước tới. Những ngày chưa đến sẽ còn tươi đẹp, bình thản hơn biết bao”, họa sĩ Hồng Lĩnh chia sẻ.
Theo Diễm Mi/PNO