(Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Võ Hồng)
Có ý kiến cho rằng Võ Hồng là người đứng ngoài vòng thời đại. Nhưng có đọc tác phẩm của Võ Hồng, mới thấy ông luôn đồng hành với đất nước, dân tộc. Như một người hiền của phương Đông, văn chương của ông đã vượt lên những thiên kiến chính trị hẹp hòi để bày tỏ chữ Hiếu đối với quê hương, đất nước của mình. Vì thế mà văn chương của ông đã tồn tại bền bỉ với thời gian.
Nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013).
1. Mở đầu
Nhận xét về Võ Hồng, Trần Hoài Thư (2005), một nhà văn rất quyết liệt trong phẩm bình văn chương, đã viết như sau: “thành thật mà nói, hồi ấy (trước 1975), tác phẩm của Võ Hồng ít để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của tôi… Bởi tác phẩm vủa Võ Hồng ít đề cập thẳng về chiến tranh và những suy nghĩ thao thức của một thế hệ…”.
Đặng Tiến (2013) thì nhận xét về văn chương Võ Hồng như sau: “kết cấu không hấp dẫn, tình tiết không éo le, cốt chuyện thàng thàng, ai ai cũng có thể trải nghiệm qua mà không vướng bận. Nhân vật thì thường thụ động, chậm chạp, không phát huy sáng kiến, thậm chí không kịp thời phản ứng. Họ chỉ ngồi im, ước mơ rồi tiếc rẻ. Không có cá tính rõ nét. Võ Hồng kể chuyện kháng chiến, từ thời Nhật thuộc đến hết thời Pháp thuộc, mà ông đã trải qua. Nhưng như khách bàng quan, không dấn thân mà cũng không phê phán. Trong khi thời đại chờ đợi, đòi hỏi một lập trường, một quan điểm”.
Đặng Tiến (2013) cũng tỏ ra ngạc nhiên trước tính cách của Võ Hồng, bởi vì Đặng Tiến cho rằng “đồng hương Khu Năm với ông phần đông là những người có ý chí, lập trường, động cơ chính trị mạnh mẽ, thậm chí quá khích, không chống bên này thì chống bên kia”.
Nhiều người tỏ ra khó hiểu vì ông là người Tây học, giỏi tiếng Pháp, nhưng hầu như trong văn chương của ông không có dấu vết gì từ các trào lưu tư tưởng thời thượng của thời kỳ đó. Trong khi cả miền Nam đang lên cơn sốt với như chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, phân tâm học, với những trang viết đậm màu sắc tình dục thì ông vẫn thủ thỉ tâm tình về quê hương, về tuổi thơ. Có lẽ chính nghề dạy học đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương của ông. Giản dị, mực thước, thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không kém phần tươi mát, nên thơ, đó là những biểu hiện trong tác phẩm của ông.
2. Nội dung
Võ Hồng chừng như lạc lõng trong sinh hoạt văn học vốn đa dạng, phức tạp của miền Nam. Đặng Tiến (2013) cho rằng “trong hiện tình văn nghệ bị phân hóa ngày nay, trường hợp Võ Hồng là một biệt lệ hy hữu”. Nguyễn Vy Khanh (2019b) trong bộ sách Văn học miền Nam 1954-1975: Tác giả (Quyển hạ) xuất bản ở Mỹ đã đánh giá rất cao Võ Hồng: “Trong thời chiến tranh và phân chia đất nước cũng như gần hai thập niên gần đây, tác phẩm của Võ Hồng lúc nào cũng được trân quý, chứng tỏ chúng thật có giá trị tinh thần và lịch sử và đã trãi qua được sàng lọc của thời gian. Ông đã là nhà văn lớn của nửa hậu bán thế-kỷ XX, bề thế văn nghiệp của ông lớn không phải ở những triết lý, học thuyết có thể đề xướng trong các tác phẩm mà là ở sự già dặn, phong phú và chân thật của tác giả”. Thế nhưng trong phần tổng quan ở quyển thượng, Nguyễn Vy Khanh (2019b) đã không xếp Võ Hồng vào bất cứ khuynh hướng nào của văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.
Thật ra Võ Hồng không phải hoàn toàn đứng ngoài thời cuộc. Huỳnh Như Phương (2013) đã khẳng định: “Ở miền Nam trước đây, ít có nhà văn nào viết về cuộc kháng chiến chống Pháp vừa chân thực vừa khẳng khái như Võ Hồng”. Võ Hồng đã dấn thân tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp, một việc mà người Việt Nam yêu nước nào thời đó cũng tham gia. Với ông, cuộc kháng chiến chống Pháp là một vận hội của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Ông đã từng làm hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh, một trường trung học trong kháng chiến chống Pháp ở Phú Yên và sống thời kháng chiến ở quê hương nghèo khó mà anh dũng của ông. Các tác phẩm của ông cho thấy ông cũng đã lăn lộn với cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc, cũng đau với nỗi đau của những người dân quê nghèo khó vì chiến tranh mà tan nhà nát cửa.
Trong Người về đầu non, Võ Hồng đã nói về cuộc chiến tranh ở quê hương ông: “Chiến tranh tràn lan mỗi ngày một rộng, làng tôi thành bãi chiến trường. Ðồng bào tản cư, bỏ nhà bỏ cửa, ruộng vườn để cỏ mọc hoang. Bác gái lần mò vào được với chúng tôi, mừng gặp con cháu nhưng mắt vẫn hướng về ngôi nhà cũ và về ngôi mộ bơ vơ ở lại một mình…”. Trong đó có cảnh người chết cũng không được an táng yên ổn, có cảnh người vợ bên xác chồng và đứa con dại có đôi mắt ngây thơ, đầu mang chiếc khăn tang giữa hương trầm mộ chí. Tiểu thuyết Như cánh chim bay có thể xem là biên niên sử về con người Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Những cảnh tập luyện quân sự, canh gác, phá đường; phong trào tăng gia sản xuất, trồng khoai, trồng sắn; phong trào bình dân học vụ… đã được ông miêu tả hết sức sinh động trong tác phẩm.
Ông cũng không bỏ qua cuộc sống điêu linh của người dân trong cuộc chiến tranh ác liệt trước năm 1975. Tiểu thuyết Nhánh rong phiêu bạt có nhân vật là bé Thúy, một nạn nhân của chiến tranh, gia đình bị bom chết hết, em phải bỏ làng lên tỉnh lưu lạc, lúc làm đầy tớ, con ở, lúc giữ em, đi bán trứng, bán bong bóng dạo, bị đánh đập, hành hạ đủ điều. May mà cuối cùng gặp được người quen cũ của cha mẹ em nên được nhận làm con nuôi, được đi học trở lại. Trong truyện ngắn Bên đập đồng cháy, có cảnh những người dân quê lam lũ gồng gánh nhau chạy giặc, tản cư. Cả hình ảnh những người lính Đại Hàn, đồng minh của quân Mỹ cũng xuất hiện trong truyện ngắn của ông. Truyện Như con chim sơn ca lên án sự phi lý của chiến tranh khi kể về cái chết của Ái Lan, một cô bé nông dân sống ở vùng “giải phóng” có tâm hồn hồn nhiên, vô tư “như con chim sơn ca mổ hạt lúa và con sâu ở cánh đồng bên này rồi bay vụt qua cánh đồng bên kia, lại mổ con sâu, hạt lúa”. Ái Lan đi lên núi gài chông gặp đúng lúc lính Đại Hàn đi càn, Ái Lan chạy về đạp trúng ngay bàn chông mình gài. Truyện Chuyến về Tuy Hòa viết về một người quân nhân Đại Hàn “có vẻ mặt khó hiểu” cùng đi trên chuyến xe đò về thị xã Tuy Hòa, tỉnh lỵ của Phú Yên.
Xã hội miền Nam với trật tự xã hội bị đảo lộn do ảnh hưởng của Mỹ cũng hiện diện trong những tác phẩm của Võ Hồng. Khoảng mát kể về nhân vật Bân vốn là con của ông Thông phán, cháu nội của một Lãnh binh nay phải làm nghề thu tiền rác, người yêu cũ thì đi lấy Mỹ. Truyện Gió cuốn viết về một xã hội bị hủy hoại bởi đồng đô la Mỹ, về những “nạn nhân của một xã hội thiếu thần tượng chói sáng”. Cả phong trào tranh đấu của Phật giáo và biến động miền Trung, chuyện tuổi trẻ hăng say và những hụt hẫng do ảo tưởng cũng được tác giả ghi lại trong Con suối mùa xuân.
Từ phải sang, các nhà phê bình, nhà văn: Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thu Trang, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thị Minh Châu, Phan Hoàng, Bùi Thanh Truyền, Đoàn Hoài Trung tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – 100 năm sinh nhà văn Võ Hồng” ở Phú Yên 24/4/2022
Hầu hết tác phẩm của Võ Hồng đều gắn bó với quê hương Phú Yên của ông, lúc chìm trong khói lửa chiến tranh như trong Như cánh chim bay đã nói ở trên, lúc là những ký ức đẹp đẻ về quê hương, về tuổi thơ trong Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn trước 1975, ông đã tâm sự: “Nếp sống của quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến… Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ bị lần lượt xoá đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ… Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp thiết tha gắn bó với quê hương hơn”. (Võ Hồng, 1972). Ông thấy mình có trách nhiệm phải viết về quê hương Phú Yên của ông đến nổi ông cho đó là chữ Hiếu mà ông phải trả quê nghèo của ông: “Suốt cuộc đời tôi, chỉ có một tâm niệm duy nhất là trả được Hiếu cho quê hương qua từng trang sách. Tôi còn nợ quá nhiều, tôi sẽ cố gắng”. (Nguyễn Lệ Uyên, 2005).
Mộc mạc, dung dị nhưng chân thật, không làm dáng, văn chương của Võ Hồng đã tạo được sự tin cậy nơi người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà ông được nhiều độc giả yêu mến, thăm viếng, thư từ vào bậc nhất. Nhiều người trân trọng gọi ông bằng “thầy” mặc dù không hề thọ giáo với ông. Đó là bởi nhân cách và văn chương chân thật của ông, khiến độc giả luôn thấy thân thuộc, gần gũi với ông già nhỏ bé sống lặng lẽ trong ngôi nhà số 51 Hồng Bàng của thành phố Nha Trang yên bình. Trừ Võ Phiến (1999), người bạn thân cũ, có vẻ gay gắt với Võ Hồng trong bộ Văn học miền Nam: “Võ Hồng quả được an thân. Sống từ chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành…”, còn nhìn chung dư luận khá đồng thuận, công bình khi viết về ông và văn chương của ông.
Có lẽ cũng vì thế mà Trần Hoài Thư, mặc dù không mấy ấn tượng với văn chương của Võ Hồng, nhưng trong một chuyến xuất viện sau khi bị thương lần thứ hai tại mặt trận Bình Định năm 1969 đã đến thăm Võ Hồng tại Nha Trang và có bài phỏng vấn ông đăng ở báo Văn, để rồi hơn ba mươi lăm năm sau (2005) đã thực hiện một số báo đặc biệt về Vũ Hồng, một số báo được nhận xét là ưu ái, nghiêm túc, nhận được sự ủng hộ, hợp tác với nhiều người trong và ngoài nước, nhiều thế hệ khác nhau: “Những tư liệu, hình ảnh cung cấp quá nhiều, đủ biết là tình thương mến của những người thuộc thế hệ đàn em của ông dành cho ông là to lớn đến chừng nào. Và chính những anh em cầm bút cũ ở trong nước đã đề nghị chúng tôi làm số chủ đề này”. (Trần Hoài Thư, 2005). Để cuối cùng Trần Hoài Thư đã tổng kết về văn chương Võ Hồng như sau: “tác phẩm ông trước sau vẫn ca tụng tình yêu chung thủy, tình yêu quê hương, cái đẹp của tâm hồn, cổ súy đạo nghĩa, ca ngợi và mang lại niềm tự hào của thế hệ ông trong thời kỳ chống Pháp, không kích động hận thù, không xúi dục kẻ khác lao đầu vào cõi chết”. (Trần Hoài Thư, 2005), một tổng kết đáng chú ý bởi người viết nó vốn rất rạch ròi, có lúc có phần cực đoan trong đánh giá văn chương, một tổng kết sau gần ba mươi năm nghiền ngẫm tác phẩm Võ Hồng.
Người ta nói có thứ văn chương có thể giúp chữa lành những vết thương, văn chương của Võ Hồng là liều thuốc ấy. Những người mang căn bệnh nhớ quê hương, nhớ những hương vị gắn bó máu thịt của mình của một thời đã xa có thể tìm đến văn chương của ông để xoa dịu vết thương cho mình. Không phải ngẫu nhiên mà có người đã tìm đến với ông để được an ủi, để được thấy bình yên khi gặp những tai ương trên đường đời. Viết về văn chương của ông, Trần Hữu Tá (2003) đã có sự cảm nghĩ rất tinh tế: “Khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trãi nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau”.
3. Kết luận
Hình dung về Võ Hồng, tôi nghĩ đó là một ông già mảnh khảnh, khắc khổ nhưng luôn có một nụ cười hiền hậu trên môi, kiểu người hiền của phương Đông, thông tuệ nhưng kiệm lời, yêu thương. Văn học không thể tách rời chính trị, trường hợp Võ Hồng cũng không phải là ngoại lệ, ông là người yêu nước sâu sắc, biết đau với nỗi đau của dân tộc, với những người dân Việt Nam vốn thống khổ vì chiến tranh. Nhưng văn chương của ông đã vượt trên những thiên kiến chính trị hẹp hòi để một lòng với đất nước, quê hương, vì thế đã bất chấp những biến thiên của thời cuộc để tồn tại bền bỉ với thời gian.
Theo Võ Văn Nhơn/Vanvn