“Với một ngỡ ngàng…”

1068

Nguyễn Thị Phụng

(Đọc tập Rồi từ đó, thơ 4 câu của Mai Hữu Phước – NXB HNV 2019)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cụm từ “Với một ngỡ ngàng” được trích trong câu thứ hai Một tôi với một ngỡ ngàng nhẹ rơi… (Trên sông)*. Thơ được chiết xuất từ ngôn ngữ thuần Việt lan tỏa trong một tứ thơ lục bát thăng hoa, khác nào hương rượu chưng cất từ hạt gạo làng quê, ngỡ như chiếc nhẫn trăm năm được tôi luyện từ kim loại vàng ẩn trong lòng đất đá. Lắng đọng tin yêu khi đọc tập Rồi từ đó (Since then, bản dịch Trần Minh Hiền) tập thơ bốn câu song ngữ của Mai Hữu Phước thể như chuyển giao vẻ đẹp ngôn từ đậm đà sâu kín đến người tiếp nhận.

Tập thơ Rồi từ đó của nhà thơ Mai Hữu Phước

Trước đây thơ 4 câu được khoanh trong phạm vi: ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt. Nhưng sự hài hòa của đất trời và con người ban tặng, cảm xúc cũng từ ấy nâng lên, mở rộng biên độ với nhiều thể thơ tự do khác nhau, nhưng không mất cái tứ chung ở bài 4 câu: Khai, thừa, chuyển, hợp. Rồi từ đó đã là món khoái cảm dành riêng cho người thưởng thức.

Rồi từ đó là một bức tranh hiện thực được thi nhân vẽ bằng ngôn từ 4 câu.

Một khuôn vườn mẹ*: “Cỏ dại ngập vườn, tay mẹ yếu/ Vườn xưa, tay mẹ chẳng như xưa/ Con về thoáng chốc rồi đi biệt/ Thương mẹ hao gầy với nắng mưa” chất ngất nỗi lòng lắng đọng câu kết. Bởi Con về thoáng chốc rồi đi biệt đến lúc trở lại làng đầy xúc động khi đọc bài Thăm xóm cũ*, bởi “Mê mãi kiếp người ta biệt dạng” phải chăng cũng xuất phát cùng tâm trạng chung bao thi sĩ cho tôi chợt nhớ đến Hạ Tri Chương (695-744) đời Đường – Trung Hoa ở tuổi 86 xa quê hơn nửa thế kỉ với Hồi hương ngẫu thư trăn trở vẫn còn mừng vì “Hương âm vô cải, mấn mao tồi”. Dẫu nơi nào ở đâu, trước sau thì làng quê thường trực trong nỗi nhớ.

Nỗi nhớ dày lên hình hài, bức phác họa chân chất nén lòng vẽ ra những ngày Về Hòa Quý* đầy kỉ niệm, thơm lừng hương vị luyến lưu từ Ốc đá rau ranh*:

Tiên Phước ơi, lòng về sao nhớ mãi
Vị ngọt ngào ốc đá nấu rau ranh
Chút thơm thảo bao nhiêu là lưu luyến
Nên mưa chiều níu bước cứ vây quanh”.

Dẫu gì nơi quê mình được dịp dừng chân, cảnh và người hòa quyện (Tràng An, Thăm chùa Bái Đính, Về Hoa Lư, Núi Dục Thúy, Mưa trong rừng Cúc Phương, Bâng khuâng)* cho thi nhân sảng khoái, hào hứng với Chò thiêng ngàn tuổi*: “Vượt thời gian, mặc phong ba bão tố/ Chò thiêng ngàn tuổi đứng hiên ngang/ Chạm tay gốc rễ mà như thấy/ Nhựa sống đang sôi giữa đại ngàn”. Phải chăng khí khái nhân sinh mà Mai Hữu Phước đã thấm nhuần quan niệm Nguyễn Trãi: “Hảo bả tân thi chí hướng luân” (Hãy làm bài thơ mới nói lên chí của mình). Và cái ngôn chí ấy đến lúc vượt không gian xanh quá nửa vòng trái đất đã chuyển thành cái tâm chí nhà thơ thản nhiên cho cái tình người Việt phát vấn Trước tượng nữ thần Tự Do*:

Tôi là khách phương xa tìm đến
Chỉ xin hỏi người một câu này thôi
Ngài là Thần Tự Do nước Mỹ
Hay Thần Tự Do của muôn loài?

Hình ảnh Nữ Thần Tự Do với bó đuốc trên tay tỏa sáng biểu tượng quyền con người luôn được trân trọng từ giá trị nhân bản. Nhưng câu “hợp” cuối này đã khẳng định được điều gì, đó là vấn đề nhân loại đặt ra. Tự do hay là chết ngang bằng với giá trị: độc lập hay nô lệ. Nhưng mà “nhà tù” chắc rằng trên đất nước nào cũng có. Thì khái niệm Thần Tự Do mặc định sự tôn vinh một đất nước có tên đẹp: Mỹ, sâu lắng ở một ngôn từ. 

Rồi từ đó càng minh bạch hơn cho cái nhìn về cõi nhân sinh Từ một chút man mác Sương khói*: “Chiều lên đỉnh núi sa mù/ Khói sương nghìn cõi thiên thu vọng về/ Lách lau xào xạc cơn mê/ Chim bay lạc nẻo sơn khê chạnh buồn”. Luyến lưu chạnh đến ngỡ mơ hồ xa xăm, nỗi hoài nảy cành đâm lá: “Kẻ ở phương này, người phương nọ/ Tha hương tình buốt nỗi hoài mong/ Thương ai mà nhớ mòn chân tóc/ Một chút sương sa cũng bận lòng”(Chân tóc). Rồi từ đó… lại ùa về trong không gian rạo rực (Giao thừa, Không thể, Qua đèo mùa xuân, Khúc hát yêu đời)*. Những (Mưa lối cũ, Trách mưa)* cũng chỉ là cảm xúc trôi theo dòng thời gian thi nhân trong khoảnh khắc nào đó. Biết rằng không là cái khát khao đói nghèo: “Ăn bữa tối, anh không mơ sơn hào hải vị/ Vài cọng rau cũng thành ao ước phía anh đi” (Ước ao giản dị)*, biến cái nghèo thi nhân thành món quà cao sang hiếm thấy với người đời: “Em ơi, xin nợ kiếp này/ Ta bà cho hết tháng ngày đảo điên/ Bán thơ đâu dễ kiếm tiền/ Tặng em một chút buồn riêng làm quà” (Quà 20/10). Ngậm ngùi thân phận.

Rồi từ đó… với thi nhân là cách nhận ra vẻ đẹp tâm hồn người: Duy trì cho sự tồn sinh chân chính về tình yêu đôi lứa, nuôi dưỡng nhân cách đạo lí làm người. Nếu đi ngược lại, nhằm vụ lợi cá nhân thì dễ dàng đánh mất niềm tin từ đấng tối cao. Bởi Chúa đã hiểu được lòng trần, dang tay đón nhận ý Nguyện*:

Tới Thánh Địa không quỳ bên tượng Chúa
Không van xin cũng chẳng khấn điều gì
Tựa bên vai, một người tươi xinh nhất
Chúa mỉm cười: Đừng nguyện ước chi thêm

Tín ngưỡng tự do không là ma lực cưỡng bức giáo điều, trái lại hữu ích cho những ai biết gieo nhân, gặt thiện. Thoáng chốc lòng trần bung nở nhân văn: “Có một hôm ta vô chùa nằm lại/ Nghe sư thầy tụng niệm mấy hồi kinh/ Rồi từ đó những sân si danh lợi/ Nhẹ bay qua như gió thoáng sân đình” (Rồi từ đó)*. Những xao xuyến, bồi hồi đọng lại nghe thi vị thánh thót cùng Trên sông* xuôi dòng, cũng là cách nhắn nhủ sẻ chia: “Rất có thể rồi một ngày nào đó/ Ta không còn gặp lại cố nhân ơi,/ Xin hãy giữ những gì như đã có/ Như trăng sao còn mãi ở trên đời” (Gởi cố nhân)*. Khác nào đi trên con đường trần dẫn nhịp từ trái tim chân chính, vị tha và độ lượng.

Rồi từ đó – Since then cho sự thể nghiệm giao lưu ngôn ngữ đạt hiệu quả cao từ cách nhìn nhân sinh của nhà thơ Việt Nam sang tầm thế giới, không chịu chi phối bởi một tín ngưỡng nào, nhưng sự sáng tạo thi nhân ươm đạo làm người đượm chút mùi thiền “Sen nở trên mi Bụt/ Sen nở trong tim người” (Nhất Hạnh) là điều tất yếu.

18.04.2020
N.T.P

* Tên các bài thơ trong tập.