Vòm trời nào anh đã bay qua…

803

04.7.2017-23:00 

Nhà sử học Lê Văn Lan và căn phòng đặc biệt, ngoài sách vở ông ngồi vào là vừa khít.

 

Vòm trời nào anh đã bay qua…

 

ĐỖ DOÃN HOÀNG

 

NVTPHCM- Nhà sử học Lê Văn Lan luôn gieo trong tôi nhiều giọt nước mắt của kiếp phận người ta, nhỏ bé tủi sầu lắm mà cũng thắm tình đáng sống lắm. Đời đủ dài nên phải tử tế, đời đủ ngắn nên phải chân thành để khỏi phải nuối tiếc. Trong vài lần gặp, ông đã bật khóc, ấy là khi nhắc đến bố mẹ ông, nhắc đến thế hệ nào đó người ta đã khinh nhờn tổ phụ…

 

“Bảo tàng” cũ kỹ, ọp ẹp

 

Nhiều quan chức các địa phương muốn tặng “Giáo sư sử học Lê Văn Lan” miếng đất làm thái ấp điền trang, hay ít ra “bác ở đây là vinh dự cho quê chúng em” lắm. Cụ Lan bảo, “tôi chỉ xin sáu mét vuông thôi. Để chôn tôi ấy mà. Mà đùa thôi, tôi chết hỏa táng, tro cốt đem ra cầu Long Biên thả xuống, khỏi cần vài mét vuông với lục bản mộc”.

 

Nhà ông ở phố Nguyễn Văn Tố, phía sau chợ Hàng Da cũng thế. Chỉ có chưa đầy sáu mét vuông. Lúc ông Bí thư Thành ủy Hà Nội hay lãnh đạo Trung ương đến chúc tết “giáo sư”, cũng chỉ ông bà ấy vào ngồi được, đoàn tùy tùng ở ngoài hết. Vì tệ xá chỉ ngồi được hai người, nhà báo như tôi muốn chụp cảnh đó cũng phải đứng ở ngoài chõ ống kính vào. Buồn, vui, đau đớn và buông xả dung thứ cứ đặc quánh trong không gian cũ mèm đó.

 

Ông có thừa điều kiện để ra khỏi cái “bảo tàng” cũ kỹ, ọp ẹp, đến cầu thang gỗ cũng rạn mục, đến các tấm kính cửa cũng vỡ và phải dán lại bằng… băng dính. Nhưng ông thích ở đó. Bên kia là nhà ông văn sĩ bạn chí cốt của ông. Xưa, hai thằng không có điện thoại, không chát chít, thằng nào có rượu ngon thì treo trước hiên một tấm vải đỏ, làm ám hiệu mời bạn sang nhắm.

 

Thế rồi ông ấy lại là người khai báo với công an rằng, “trong nhà “thằng Lê Văn Lan” có mũi tên đồng Cổ Loa, báu vật quốc gia mà nó ăn cắp được. Nó còn tặng tôi một mũi về làm cái chặn sách”. Người ta khám nhà, vớ được cả chiếc trống đồng con con mà anh khảo cổ trẻ nhặt về làm kỷ niệm trong mùa khai quật ở phủ Quốc Oai… Kể xong, ông Lê Văn Lan cười, nhưng tuyệt nhiên không có tí tự trào hay tủi phận nào. Ông yêu quý từng vật dụng thấm đẫm ký ức và lịch sử ở góc riêng chẳng giống ai đó. Bệnh nghề sử, nghề khảo cổ đã ngấm vào máu ông suốt từ hơn sáu chục năm trước đến giờ.

 

Vị giáo sư “tự người ta phong”

 

“Ai cũng nhầm tôi là giáo sư, khổ, từ truyền hình trung ương “bắn chữ”, đến cán bộ lãnh đạo. Đến công an khi kiểm tra cái xe máy cà tàng của tôi vô tình đi vào vạch cấm, cũng “Kính chào giáo sư, mời cụ tiếp tục… hành trình ạ”. Tôi đã lên báo, lên tivi thanh minh bao nhiêu lần rồi, mà họ vẫn nhầm, chán chả buồn nói nữa. Ừ thì, tôi phải là giáo sư “tự người ta phong”.

 

Có lẽ vì sự khúc triết, trí tuệ và lịch lãm của ông Lan, nó giống và nó đáng là giáo sư hơn cả một ông được phong hàm giáo sư. Ít ai ngờ, ông Lan có một tâm hồn trẻ trung kỳ lạ. Tôi mời ông ở nhà hàng nào thì cũng tự dưng được giảm giá. Vì ông bà chủ xin chụp ảnh chung. Các cháu nhí nhảnh đòi tự sướng điện thoại, cụ Lan tuổi bát tuần trùm xòa mái tóc bạc, chun miệng, giơ hai ngón tay gạt ra gạt vào rất “teen”.

 

Ông từng là người hát và chơi nhạc lừng danh, nhận nhiều danh hiệu “Vì trẻ em”, vì các thiên thần bé. Ông lưu giữ từng ký ức như cổ tích, như một đứa trẻ chơi đồ hàng. Chắc là ông chưa bao giờ hình dung mình đã ở tuổi 80, dẫu ông đưa đám quá nhiều bạn bè. Và vừa rồi, ông tặng cuốn “Những dấu vết đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam” (in năm 1963) cho một nhà báo thâm giao cũng ở tuổi 80, ông ký tặng rồi phê bên dưới: “Quý tặng thầy Hoàng Văn Dư. Thay mặt các tác giả: Lê Văn Lan – kẻ còn sống sót đến 2015”. Các đồng tác giả sách trên, là ông Nguyễn Linh và ông Phạm Văn Kỉnh đều chết lâu rồi. Hóa ra ông Lê Văn Lan vẫn bị ám ảnh nhiều bởi cái chết, sự hữu hạn của kiếp người, chỉ có điều ông vượt lên trên nó, hóa giải nó, xem nó chỉ như trò hí tếu của số phận mà thôi.

 

Không phải ông không thấy tuyệt vọng trước tuổi già và cái hữu hạn của kiếp con người. Buổi ấy, tiễn tôi Tây du, ông bảo: “Cậu đến đảo Ha-oai của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhớ chụp ảnh với các vũ công ở đó cho tôi xem nhé. Cả đời tôi ước ao đến đó, từ lúc thanh niên, ám trong tôi là hình ảnh vũ điệu Hu-la cuồng say với những mỹ nhân rực lửa đó”. Ông buông lời, chắc ông không đủ nghị lực nói nốt “cơ hội tôi đến được đó, chắc mỏng manh vô cùng”.

Thăm lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giam 6 tháng vì nghi ăn trộm ấn bằng vàng nặng 5kg của thời Vua Bảo Đại.

 

Triết lý bảo toàn để sống sót

 

Năm 2017 tôi tìm gặp lại “Giáo sư Lê Văn Lan” và vợ con ông Nguyễn Linh – là Giáo sư Hoàng Thị Châu, để viết về một vụ oan khuất tày trời. Ba tác giả của cuốn trên, sau khi làm mưa làm gió lừng danh trong giới vào đầu những năm 1960 thì bị đám ghen ăn tức ở nó vu vạ. Cả ba đều bị giam trong nhà tù Hỏa Lò suốt 6 tháng ròng vì bị tố cáo: Xông vào Bảo tàng Lịch sử, “ăn trộm ấn bằng vàng ròng nặng 5kg, cùng nhiều báu vật bằng vàng của Hoàng hậu Phương Nam – vợ Vua Bảo Đại”.

 

Vợ ông Nguyễn Linh là một nhà giáo xuất sắc, được di dự Đại hội trí thức toàn quốc, gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng kêu oan thì cả ba trí thức đang “sôi kinh nấu sử” trong Hỏa Lò mới được phóng thích. Tôi viết tường tận, chứng lý phơi bày, trong khi nhiều độc giả choáng váng “không tin được dù đó là sự thật”, thì “Giáo sư Lan” vẫn bù rù cái đầu tổ quạ, vuốt tóc cười khí khí: “Tôi biết ơn sự oan khuất đó. Nó cho tôi một bài học đau đớn, cần có triết lý bảo toàn để sống sót”.

 

Và ông kể, ở trong tù, khi họ yêu cầu viết lời khai, ông đã viết: “Cho tôi một ngày tự do, tôi sẽ nộp về cho ngân khố quốc gia đủ 5 tấn vàng ròng”. Khi bị thẩm tra, ông bảo viên trung tá công an ấy: “Tôi đem hòn đá từ hố khai quật về, họ bắt tôi vào tù vì ăn trộm báu vật quốc gia, rồi quy kết tôi lấy cả ấn vàng của thời vua Bảo Đại. Họ dựa lời khai “loại đá đó đem ra nước ngoài đổi được số vàng có trọng lượng tương đương”. Hãy cấp xe cho tôi, tôi đem đúng đá ở di chỉ đó về, mỗi ngày 5 tấn. “Xe hồi đó chỉ chở được có thế, nếu không tôi đã hứa mỗi ngày 50 tấn vàng luôn”, ông thở dài nói với người viết bài này.

 

Với triết lý “bảo toàn”, trong nhiều cuộc gặp gỡ trang trọng nhất, họ bảo ông phát biểu với tư cách “Công dân ưu tú của thủ đô” (được bầu chọn suốt nhiều năm), ông chỉ tủm tỉm khen thủ đô đổi mới, có các cô cảnh sát điều hành giao thông rất xinh ở vài ngã tư đường và điều đó làm không khí tắc đường dịu đi. Tất cả cùng cười vui. Hóa ra, sống với vẻ lơ phơ, sống mơ màng và vô sự với nhân gian, cũng là một cách “cụ” Lan để bảo toàn. Ông cười, tôi yêu cũng phải bảo toàn. Thì đến tận bây giờ mới còn cái để mà yêu tiếp chứ.

 

“Mối tình huyền thoại”

 

“Hồi ở Hỏa Lò, trong phòng biệt giam, nằm cạnh nhà xí, cô y tá vào khám bệnh khi tôi ốm nặng. Cô bảo tôi ra ngoài khám, tôi không ra. Cô rất ngạc nhiên với sự láo xược của tên tù. Và cô vào. Tôi bảo, em đẹp quá, nếu ra họ bắt tôi gọi em là “bà cán bộ”, như thế xúc phạm nhan sắc của em. Cô ấy đẹp thật. Tôi dùng bài của Nguyên phi Ỷ Lan “đốn” trái tim Nhà vua Lý Thánh Tông, khi ngồi lỳ trong bãi dâu xứ Bắc mà không chịu ra chào. Sau này tôi và bà ấy yêu nhau mãi, một mối tình huyền thoại. Bà ấy giờ đã ở tuổi 80, năm nào cũng vẫn cho nhân viên mang hoa đến mừng sinh nhật tôi”. Nói xong, ông lại cười đắc đạo.

 

Riêng kể chuyện yêu đương, ông chả bao giờ khóc. Ông bảo, tôi già rồi, như con gà sắp về chuồng khi trời nhá nhem tối “nhặt được hạt nào thì nhặt”, như con rùa quẫy đạp ùng oẵng tôi vẫn nuôi trong bể kính ở tệ xá sáu mét vuông phía sau chợ Hàng Da kia.

 

Ai rồi cũng bay qua vòm trời này đánh “xẹt” một cái, vấn đề là anh bay thế nào cho kiêu hãnh và để lại một cái gì đó thật sáng. Lê Văn Lan làm đến mấy trăm tập phim về lịch sử cho VTV mà chưa có dấu hiệu… kết thúc.

 

Đến hơn 90% số người tình cờ ông gặp mỗi ngày, họ đều nhận ra ông và đều mỉm cười, điều đó làm lòng ông tràn ngập hạnh phúc. Ông làm cho họ cười và quý mến. Ông làm tổng đài 1080 cho cả nước về lịch sử, có đám nhậu đố nhau vua nọ chúa kia thế nào, cũng gọi cho Giáo sư Lan để mời làm “trọng tài” xem thằng nào sai thì nó phải trả tiền bia. Ông cũng hồ hởi tiếp chuyện rồi cười rôm rả hơn cả cái bàn nhậu cách ông gần hai ngàn cây số đó…

LĐO

 

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…