“… Không xòe cây lúa không trổ bông
Không xòe cây ngô không ra bắp
Không xòe trai gái không thành đôi…”
– Tục ngữ Thái –
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tổ tiên của người Thái dặn lại cháu con mình như thế, nên người Thái đời đời truyền nhau tổ chức đám xòe trong tất cả những dịp vui. Người Thái xòe khi lên nhà mới, khi đón dâu và khi đón mùa xuân. Người Thái xòe trên sàn tre, sàn gỗ; xòe ở quanh bếp lửa đêm trăng, xòe vòng tròn quanh cây nêu giữa bản, xòe mỗi khi đón khách đến thăm mường. Với người Thái xoè ngấm vào máu thịt, xoè là nơi để nuôi dưỡng tâm hồn.
Có người nói Xòe là biến âm từ nguyên gốc “Xé” có nghĩa là “múa” trong tiếng Thái. Điểm khởi nguồn của những điệu xoè Thái có lẽ là từ thời nguyên thuỷ, khi những tộc người quây quần tránh thú dữ và giá rét cùng nhau bên đống lửa hàng đêm. Vào những lúc như thế, những người Thái cổ xưa đã tổ chức ăn mừng bằng cách vỗ tay, gõ nhịp, hú gọi và nhảy nhót vui mừng tuỳ ý. Rồi trải qua nhiều tháng nhiều năm, người ta bắt đầu chau chuốt động tác để dựng thành hình tượng mô phỏng gần xa: đây là cấy lúa, đây là hái hoa, đây là thêu khăn, đây là mời rượu… động tác này cúng trời cao đất rộng, động tác cúng tiên tổ cha ông, múa thế này để tỏ lòng hiếu khách, múa thế này cầu đôi lứa nên đôi…
Người ta cũng lựa chọn để ổn định nhịp phách từ rất nhiều công cụ gõ. Để sau cả nghìn năm có thể kể ra những bộ gõ giữ nhịp cơ bản trong xoè Thái là tiếng gõ đập của hơn chục đoạn sặt nằm ngang trên thân cây tre nằm dọc, là tiếng đập thanh thanh của quả nhạc đeo trên bàn tay; là tiếng lách cách của hai chiếc chén sứ mắt trâu màu xanh lam được xỏ khéo léo trên đầu ngón trỏ và ngón cái. Là tiếng trống da tùng cắc dưới gầm sàn mà một cụ bà đang giữ nhịp đều đều để sống lại thanh xuân; là tiếng cồng bằng, chiêng núm vang ngân rung động, là tiếng tính tẩu dặt dìu hay tiếng da diết đàn môi…
Có lẽ, tính cách hoà nhã, tế nhị, coi trọng sự hoà hợp cộng đồng, chan hoà với thế giới tự nhiên đã trở thành một nét tính cách đặc trưng của cộng đồng người Thái. Nên trải qua bao nhiêu chọn lọc và đúc kết người Thái lựa chọn giữ lại trong kho tàng văn hóa dân gian của mình và làm giàu thêm lên rất nhiều những điệu múa đông người. Xoè sạp hay xoè vòng, múa chai hay múa nón thì mức độ quyến rũ và sự hân hoan bao giờ cũng tăng thuận theo số người tham gia điệu múa. Nhất là ở trong điệu xoè vòng (xé khắm khèn, xé vóng) – điệu múa cầm tay, điệu múa đi vòng tròn.
Điệu xòe vòng của người Thái khi đến đoạn cao trào sẽ không còn phân biệt được đâu là người biểu diễn và đâu là người xem. Vì nhịp chân trong điệu xòe vòng vô cùng đơn giản nên dễ thuộc: Một – bước chân vào; Hai- chân đá nhẹ – giơ tay cao; Ba- rút chân về – tay thả lỏng; Bốn – Chân sang ngang – tay về sau… Người ta chỉ cần chuẩn bị một đoạn biểu diễn ngắn của đội văn nghệ ở đầu mỗi buổi xòe để dẫn dắt, để rồi tất cả những người có mặt hội đều được mời tham gia vào vòng xòe. Cứ thả lỏng người và nương theo tiếng nhạc, cứ cười tươi thì chân sẽ bước theo nhịp được ngay. Vào vòng xòe rồi, càng múa sẽ càng say…
Đây là người đàn ông quanh năm trầm tĩnh, quản việc mường, lo việc lớn trước sau. Một tay nắm bạn phương xa mới gặp, tay kia cầm bàn tay nhỏ của cháu yêu, đang nhún bước mừng bản mường năm mới, mừng người làng ai cũng ấm, cũng no.
Những phụ nữ bước đôi chân bước sệt, nẩy gót rộn ràng theo nhịp trống nhịp chiêng, chẳng để ý mái tóc mình đốm bạc. Tung đầu piêu phấp phới giữa vòng xòe.
Cô thiếu nữ đẹp xinh trong áo cóm, cúc bạc rạng ngời và xà tích leng keng, quên đi mất cái ngượng ngùng e thẹn, nắm tay chàng trai rồi vung vẩy nhịp nhàng. Mà chàng trai thì cũng đang đỏ mặt, tay trong tay như có cả đất trời, chân đang bước mà tâm hồn nghiêng ngả, tim đập bồi hồi chìm trong ánh mắt em.
Tiếng nhạc gọi mùa xuân đã nổi, những vòng xoè thành hình. Người ta đang cùng nhau múa, vòng xòe cứ chụm vào rồi dãn ra như nở hoa trên đất. Vòng xòe cứ xoay tròn làm lòng người thêm đắm, thêm mê. Vòng xoè đang vẽ hoa rực rỡ, những vòng xoè thật lớn thương nhau.
Chỉ ngay sau mùa lễ hội này thôi, người Thái sẽ lại bước vào một năm làm lụng mới. Những người đàn ông lại lao động cùng nhau để mương phai đầy nước, để nương ruộng rộng ra. Những người đàn bà lại cùng nhau dặm lúa, tra ngô, bón phân làm cỏ. Muốn làm được việc thì chính mình phải vui; muốn dựng nhà to phải có nhiều anh em, chú bác; muốn xây mường đẹp phải kết đoàn cả bản dưới bản trên; muốn có nước lớn mạnh thì phải thuận lòng cả đồng bằng miền núi… Mà để thành người nhà nhanh nhất, để kết đoàn rộng nhất, để thương nhau nhiều nhất… thì mùa xuân này hãy vui múa cùng nhau trong một đại vòng xoè.
Xòe đi nào cho cây lúa trổ bông
Xòe đi nào cho cây ngô vào bắp
Xòe với nhau để đôi lứa thành đôi
Xòe cùng tôi, hỡi người Mông, người Xá
Xòe cùng nhau, ơi miền ngược miền xuôi
Tay nắm tay, tim liền tim thân thiết
Đất trời xuân cùng nới mãi… vòng xòe.
S.N