Vũ Hạnh – Nhà tư tưởng văn hóa dân tộc

619

Lê Tú Lệ

Nếu một người mà tư tưởng và hành động trở thành tấm gương, động lực cho hàng chục triệu người dấn thân… thì Vũ Hạnh chính là nhà tư tưởng Văn hóa dân tộc đúng nghĩa.

Độc giả biết đến Vũ Hạnh nhiều hơn cả với tư cách là một nhà văn bởi ngoài các tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài của ông trong đó có những tác phẩm từng gây tiếng vang một thời như Bút máu, thì các công trình, tác phẩm tiểu luận, phê bình về văn hóa, văn nghệ tiêu biểu như Đọc lại truyện KiềuNgười Việt cao quýTìm hiểu văn nghệ… vẫn cho người đọc thấy tài năng và tấm lòng của một nhà văn đích thực.

Nhà văn Vũ Hạnh trong buổi giao lưu sáng 26-9-2020 tại Đường Sách TP.HCM với chủ đề “Nhà văn Vũ Hạnh- Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc”

Chúng ta cũng biết nhiều về một nhà văn- Chiến sĩ Vũ Hạnh mà cuộc đời và văn nghiệp của ông chính là một biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc. Tinh thần văn hóa ấy mang bản sắc Việt rất đậm nét, được hun đúc nên từ nhiều ngàn đời, nó thẫm đẫm màu sắc nhân văn nhưng cũng đầy tự tôn, tự cường và cầu thị. Một tinh thần văn hóa chứa đựng sức mạnh phi thường, vượt qua mọi áp đặt đồng hóa của ngoại bang, chiến thắng cả rào gai, lưỡi lê, hơi cay và súng đạn của kẻ thù.

Chân dung nhà văn Vũ Hạnh ở góc độ một nhà tư tưởng văn hóa dân tộc qua những tác phẩm, đặc biệt một số tiểu luận, phê bình của ông thể hiện rất rõ. Chính xuất phát từ tư tưởng văn hóa dân tộc mà ngòi bút Vũ Hạnh mới càng tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc. Chúng ta biết rằng những nét tiêu biểu nhất của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường chống ngoại xâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; là tinh thần tự chủ, tự cường, đoàn kết, nhân ái một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; là việc nhân nghĩa cốt ở yên dân… Gần ngàn năm Bắc thuộc và biết bao cuộc xâm lăng, thống trị dài ngắn của phương Bắc suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc cũng không thể khuất phục được dân tộc Việt Nam là do đâu. Là bởi chúng không đồng hóa được văn hóa Việt. Sự ra đời của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc vào năm 1966 thế kỷ trước tại Sài Gòn với khẩu hiệu “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất dân tộc mất” chính là “nhận thức di truyền” của dân tộc và được ý thức hóa cho quần chúng, đặc biệt là tầng lớp trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, sinh viên… trong bối cảnh chính trị – xã hội hết sức đặc biệt lúc bấy giờ. Chính McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận rằng Mỹ thua là do không hiểu được văn hóa Việt Nam. Và chúng ta cũng đã biết, “ngọn cờ” của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ngày ấy là nhà văn Vũ Hạnh. Ông là Tổng thư ký của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc đồng thời lúc đó cũng là chủ bút tờ Tin văn, diễn đàn chính thức của Lực lượng.

Nhà văn Vũ Hạnh

Ngay ở lời hiệu triệu đồng bào đăng trên Tin văn (1966) đã thể hiện sáng rõ tư tưởng văn hóa dân tộc của Vũ Hạnh:“Hơn lúc nào hết, những người Việt Nam yêu nước, thương nước, không quên nước, phải tập hợp lại mà phất cao ngọn cờ văn hóa dân tộc…. Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước, mở nước, giữ gìn đất nước, Người Việt đã đương đầu với đủ mọi âm mưu, mọi đe dọa tiêu diệt văn hóa truyền thống. Như vậy, không có lý nào mà đến lúc này có thể phó mặc, buông trôi để cho những truyền thống oanh liệt, những nền nếp tốt đẹp bị những ảnh hưởng ngoại lai với sự lố lăng, đồi trụy ngang nhiên phá hủy”. Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc và nhà văn Vũ Hạnh đã gởi đến nhân dân một thông điệp chân lý: là người Việt Nam yêu nước thì phải phất cao ngọn cờ văn hóa dân tộc bởi văn hóa còn, dân tộc còn và ngọn cờ ấy chính là những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc cần phải được bảo tồn, phát huy để chống lại, để đẩy lùi thứ văn hóa nô dịch, lai căng, áp đặt của kẻ thù xâm lược.

Vũ Hạnh là cán bộ cách mạng hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, nhiệm vụ mà cách mạng giao cho ông cũng chính trên mặt trận văn hóa. Trong tác phẩm Vài nhận xét về Đề án văn hóa của Giáo sư Phạm Đình Ái bên cạnh việc ông vạch trần bản chất mị dân của Đề án văn hóa do chính quyền Ngụy chủ trương hòng xoa dịu tinh thần văn hóa của lực lượng trí thức yêu nước, chúng ta cũng thấy được quan điểm hết sức tích cực của Vũ Hạnh về vai trò của văn hóa. Trong tác phẩm này, ông lý luận rằng văn hóa có “bản chất mềm mỏng mà cứng rắn, hữu hình mà vô lượng…. Văn hóa là ý hướng tinh nhạy nhất của một sinh hoạt, giá trị xứng đáng của nó đều có tính chất tiêu biểu” và “nó chỉ thực sự có tác động tốt khi nào nó hướng được về lẽ phải, nghĩa là hướng về nguyện vọng đông đảo nhân dân”. Lý giải về bản chất của văn nghệ, ông viết “văn nghệ phát sinh từ sự rung cảm, truyền đạt bằng rung cảm ấy và được tồn tại nhờ rung cảm ấy. Rung cảm đủ sức tạo nên công trình văn nghệ bắt nguồn từ sự cảm thông, gắn bó giữa người và người, giữa người và việc…. Thiếu sự rung cảm, văn nghệ là những công thức khô khan. Thiếu nguồn sống ấy, sản phẩm văn nghệ là những xác chết”. Thái độ vị nhân sinh của Vũ Hạnh luôn bộc lộ triệt để và quyết liệt, ông không chấp nhận mọi sự mơ hồ, giả trá, xảo mị nhân danh văn hóa, văn nghệ. Thật thú vị khi đọc đoạn văn ông “mắng” những người lãnh đạo văn hóa và người làm văn hóa được vị Phó Thủ tướng (ngụy) gọi bằng các mỹ từ rổn rảng là “Kỹ sư tâm hồn”, là “Sứ giả thời đại”: “Đó là những định nghĩa cao quý có cái giá trị của một kêu đòi lý tưởng. Nhưng nếu người làm văn hóa là những “Kỹ sư, Sứ giả” thì kẻ chủ trì văn hóa, hướng dẫn văn hóa, không thể soi đường bằng những thành kiến cũ kỹ và những tâm thức thầy bói luôn luôn xử liệu cuộc đời bằng triệu bất tường”. Nhận định này, chúng ta bây giờ – những người làm văn hóa và cả những người lãnh đạo văn hóa, có nên chăng cũng phải “tự giật mình”?…

Một vài người tôi quen biết, nói với tôi- dù có đôi chút dè dặt, rằng nhà văn lão thành Vũ Hạnh có hơi cực đoan đối với vấn đề văn hóa dân tộc trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay. Do điều kiện công việc, được tiếp xúc khá nhiều với ông, tôi biết, nhà văn Vũ Hạnh chưa bao giờ có xu hướng theo thuyết vị chủng. Trong tác phẩm Văn hóa và mạo hóa viết năm 1971, ông nhận thức về văn hóa rất khoa học và uyển chuyển khi nói“Văn hóa cũng như dân tộc đều là những thực tại biến động không ngừng, là những sức sống luôn luôn được hiện đại hóa nên chẳng bao giờ là xưa cũ được”. Đặc biệt trong tác phẩm ấy, những nhận định của Vũ Hạnh từ cách đây non nửa thế kỷ, khi mà nhân loại chưa có các khái niệm về cái gọi là toàn cầu hóa hoặc thế giới phẳng hay hội nhập quốc tế thì đến bây giờ đọc những dòng tư tưởng của ông, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì tính thời sự của nó “Ngày nay chẳng ai ngây ngô đến mức nghĩ rằng dân tộc là một thực thể hoàn toàn biệt lập, văn hóa là một sản phẩm thuần túy địa phương, đến một em bé cũng biết giao lưu văn hóa là điều tất nhiên và rất cần thiết cho mọi tập thể sinh tồn”.

Không chỉ nhìn nhận sự chuyển động của văn hóa một cách biện chứng, từ ngày ấy, quan điểm của Vũ Hạnh về giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng rất khách quan, rất “thời đại”, ông không lấy các chuẩn mực văn hóa của mình để đánh giá văn hóa khác mình và bài trừ chúng: “Chúng ta đâu có điên rồ chống đối văn hóa ngoại lai. Chúng ta chỉ chống cái gì đồi trụy trong các sản phẩm của văn hóa ấy, chống lại cái gì làm nguy hại đến sinh tồn dân tộc. Chúng ta phân biệt rõ ràng những thành quả của dân tộc các nước về mặt văn hóa với những thủ đoạn nằm trong chính sách đối ngoại của những nước ngoài về mặt văn hóa đối với chúng ta”. Thiết nghĩ, những ý tứ nêu trên cũng không khác gì nhiều với quan điểm của Đảng ta về văn hóa đối ngoại hiện nay.

Hội Nhà văn TP.HCM tặng thơ mừng thọ nhà văn Vũ Hạnh (thứ hai, trái qua) – Nguồn: TTO

Như vậy, tư tưởng văn hóa dân tộc của Vũ Hạnh hoàn toàn không mang màu sắc vị chủng, cũng không hề cực đoan. Thái độ văn hóa của ông rất rõ ràng, ông chống là chống cái thứ văn hóa ngoại lai xấu xa, chống thứ văn hóa giả hiệu nhằm ru ngủ ý thức tự bảo vệ của cộng đồng, chống loại văn hóa cưỡng chế đi kèm với súng đạn, ông cho rằng “Nếu phải đặt lại vấn đề văn hóa dân tộc lên thảm, bây giờ, là vì xét trên thực tế đất nước vấn đề ấy còn nguyên vẹn giá trị của nó, và chừng nào dân tộc ta còn bị đe dọa bởi những thế lực bên ngoài thì vấn đề ấy vẫn còn là một kêu đòi giải quyết hợp thời, khẩn trương”. Chính vì vậy, cùng với Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, Vũ Hạnh đã “khởi lên vấn đề văn hóa vì có nhiều những hoạt động phản lại văn hóa, nêu lên danh nghĩa dân tộc vì có nhiều những hoạt động phản lại dân tộc”. Từ tư tưởng đến hành động, Vũ Hạnh đã bút chiến, luận chiến không mệt mỏi trên văn đàn, giữa báo giới, trước công chúng. Các bài viết của Vũ Hạnh đăng trên các báo, tạp chí Tin văn, Bách khoa, Dân chủ, Công lý, Công luận… đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho tầng lớp trí thức yêu nước tại miền Nam, là những liều thuốc đề kháng hiệu quả cho nguy cơ căn bệnh vong bản có chiều hướng lan rộng trong xã hội miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Một mặt là đấu tranh không khoan nhượng chống lại thứ văn hóa vong bản, mặt khác, ngòi bút Vũ Hạnh ra sức vun bồi những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, ông muốn “Người Việt Nam phải tự hào về dòng giống Việt Nam. Người Việt Nam phải bảo tồn, phát huy những cái hay, cái đẹp Việt Nam” (Tin văn – Lời hiệu triệu 1966). Rất nhiều bài phê bình văn nghệ, bài điểm sách của Vũ Hạnh được ông gởi gắm chân tình này. Trường hợp tác phẩm Người Việt cao quý, bỏ qua các yếu tố ly kỳ, hy hữu về hoàn cảnh ra đời và số phận đặc biệt của nó, thì tác phẩm này chính là hành động = hệ quả của tư tưởng “Người ta sẽ thấy kiêu hãnh khi biết là mình làm chủ những giá trị lớn, nhưng khi mang cái mặc cảm trống rỗng, thiếu thốn thì dễ quy phục những thế lực đến từ ngoài” (Văn hóa và mạo hóa).

Trong khi một số trí thức, văn nghệ sĩ lúc bấy giờ nếu không đứng ở bên này – tức là hàng ngũ Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc để nêu cao tinh thần văn hóa dân tộc, cũng không đứng ở phía bên kia – tức là vồ vập đón nhận văn hóa ngoại lai, văn hóa tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân kiểu mới, mà họ chọn cho mình cái “khoảng giữa” phi chính trị (mà thực sự làm gì có cái khoảng giữa ấy), là những tháp ngà của tình tự cá nhân để đắm đuối trong hư tưởng về chân – thiện – mỹ mà Vũ Hạnh gọi là thứ “tình tự lạc loài”, thì ngọn bút của ông trong Văn hóa và mạo hóa cũng chỉ ra cho họ thấy “Nếu đem cái tình tự ấy lấn át những tiếng kêu khác lớn lao hơn nhiều, chính đáng hơn nhiều đang chờ nghệ thuật diễn đạt, thì coi bất nhân quá đỗi”. Những người này tưởng rằng văn hóa – văn nghệ có thể đứng ngoài chính trị hay họ cố tình tưởng như thế để tự xoa dịu lương tâm mình. Vũ Hạnh lý giải “Dù muốn hay không, văn hóa mặc nhiên bao hàm luân lý, chính trị…., mọi sinh hoạt văn hóa đều có tính cách chính trị, đều nằm trong quy định chính trị”. Quan điểm này tuy không mới và nó đã được khẳng định từ lâu của chuyên ngành nghiên cứu văn hóa học, nhưng đáng buồn là thời nào cũng có những người cố tình không biết đến cái điều đã trở thành mặc định ấy.

Tôi đặc biệt quan tâm, thán phục hai tác phẩm tiểu luận, phê bình được tái bản lần đầu tiên sau giải phóng trong bộ sách Tuyển tập Vũ Hạnh phát hành đồng thời tại cuộc tọa này, đó là bài thuyết trình tại Trung tâm văn bút Sài Gòn ngày 25 tháng 7 năm 1971 với tựa đề Văn hóa và mạo hóa và bài phản biện lại công trình Đề án văn hóa của giáo sư Phạm Đình Ái năm 1964. Hai tác phẩm này không chỉ cho thấy vốn tri thức văn hóa rất rộng và sâu sắc của nhà văn Vũ Hạnh; cũng không chỉ cho thấy tâm huyết của ông về văn hóa dân tộc; mà điều làm nên yếu tố đặc biệt, đặc sắc của nó chính là những lý luận về văn hóa của Vũ Hạnh như được soi chiếu từ cơ sở lý luận Mác xít về văn hóa – văn nghệ dù ông chưa hề “là Mác xít”. Vũ Hạnh phân tích, lý giải các vấn đề và hiện tượng văn hóa – xã hội theo dòng chảy của hiện thực khách quan, biện chứng. Những va đập của văn hóa “tây – ta”, của văn hóa đích thực và phản văn hóa; những dị biệt của loại văn hóa sa lông và văn hóa nhân dân, của những người làm văn hóa chân chính và những người buôn sản phẩm văn hóa đều được mổ xẻ thấu đáo, sinh động, khoa học. Tất cả những phân tích, lý luận, biện giải đầy sức thuyết phục ấy đều hướng đến mục tiêu nhất quán trong tư tưởng của ông, đó là “văn hóa phải hướng về lẽ phải, người làm văn hóa chân chính phải đứng về phía quần chúng nhân dân”; là vấn đề sống còn của bản sắc văn hóa dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào; và vượt lên trên hết thảy, đối với bối cảnh chính trị – xã hội ngày đó chính là mục tiêu giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mình. Quả thật“Văn hóa là cái còn lại dù tất cả những cái khác bị ta quên đi” (Edouard Herriot) bởi không còn văn hóa cũng đồng nghĩa là không còn “ta” nữa.

Bây giờ, chiến tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc đã khép lại nhưng mặt trận văn hóa lại trở nên nóng bỏng. Văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách thức gay gắt của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Cuộc chiến giữa “văn hóa và mạo hóa” đã trở lại trên khắp đất nước Việt Nam thống nhất và đang dóng lên những hồi chuông báo động. Văn hóa ngoại lai với việc tiếp thu chúng một cách tự nhiên chủ nghĩa đang xâm thực vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội. Nhà văn Vũ Hạnh – Nhà tư tưởng văn hóa dân tộc Vũ Hạnh từ nửa thế kỷ trước đã cảnh báo chúng ta hôm nay: “Tưởng phải nhắc lại vấn đề văn hóa dân tộc đã được đặt ra, vì nó đang bị đe dọa bởi những thế lực văn hóa ngoại lai, điều đó ai cũng thấy rõ, trừ những kẻ nào không chịu muốn thấy” (Văn hóa và mạo hóa).

Nói Vũ Hạnh là “Nhà tư tưởng văn hóa dân tộc” có lẽ không quá. Sẽ có người nói, là một nhà tư tưởng văn hóa thì phải đưa ra được những chủ thuyết riêng về văn hóa, phải có những công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa mà trong đó chứa đựng những khám phá mới, những giá trị nhân loại, giá trị cộng đồng. Nhưng thiết nghĩ, nếu một người mà tư tưởng và hành động (là hệ quả của tư tưởng ấy) trở thành tấm gương, động lực cho hàng chục triệu người dấn thân, đồng thời có giá trị tích cực, lâu bền đối với ý nghĩa sinh tồn của cộng đồng, quốc gia, dân tộc, thì Vũ Hạnh chính là nhà tư tưởng văn hóa dân tộc đúng nghĩa.

Hồ Chí Minh – 26/9/2015

L.T.L