Vụ kiện hy hữu và hai gia phả giá trị

816

19.01.2018-21:00

NVTPHCM- Ngày trước ông bà thường bảo: “Vô phước, đáo tụng đình” nghĩa là vô phước mới kéo nhau ra tòa. Nhưng chuyện “đáo tụng đình” của hai họ Phạm và Nguyễn Văn ở làng Hương Quế và  Đồng Tràm với chính quyền địa phương lại là điều “có phúc” không những cho tổ tiên dòng tộc của họ mà còn cho cả… lịch sử!

 

Vụ kiện… đòi đất hương hỏa!

 

Những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, dưới thời Ngô Đình Diệm, lấy cớ đất hẹp người đông, chính quyền hai xã Phú Hương và Phú Phong của quận Quế Sơn (nay là xã Quế Phú và Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã lấy đất “tư điền” của hai tộc Phạm và Nguyễn để chia cho dân.

 

Bức xúc, hai họ này đã làm đơn kiện lên tòa hòa giải của quận. Viên chánh án (lúc này kiêm luôn chức quận trưởng) phải thụ lý vụ kiện, tỏ ra rất bối rối đã yêu cầu hai tộc Nguyễn và Phạm đưa ra chứng cứ để xác minh số ruộng trên là “tư điền” mà tổ tiên của hai họ được các triều đình phong kiến trước đây cấp để làm đất hương hỏa.

 

Họ Phạm và họ Nguyễn đã mang bộ gia phả và các sắc phong của triều đình ra để làm bằng cớ. Đọc hai bộ gia phả, nhất là những bản sắc phong có đóng mộc đỏ đại ấn Chế mạng chi bửu của vua Lê Thánh Tông và Chế phong chi bửu của vua Lê Thần Tông, viên quận trưởng – chánh án “tá hỏa” vì không ngờ trên địa phận trấn nhậm của mình lại gắn liền với những nhân vật lừng lẫy của lịch sử, những vị “là văn thần, võ tướng của triều Nhà Lê và tiền triều Nhà Nguyễn, đã xả thân dẹp giặc trừ loạn hoặc mở mang bờ cõi, đem lại thanh bình và thịnh vượng cho nhân dân”(1)

 

Viên quận trưởng đã tức tốc ra lệnh cho chính quyền hai xã Phú Hương và Phú Phong trả 3 mẫu rưỡi ruộng tư điền lại cho hai họ để lấy huê lợi “đủ hương đăng trầm trà trong các ngày húy kỵ”(2). Ngoài ra, sau khi xử xong vụ kiện, viên quận trưởng liền chấp bút viết một quyển sách có tên là “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân”, ký bút danh là Lâm Hoài Nam với mục đích: “đem ra ánh sáng những sự nghiệp lẫy lừng của những bậc chiến sĩ tiền phong, những vị khai quốc công thần mà bấy lâu nay trải qua thời kỳ ly loạn quốc dân hầu như bị quên lãng và không còn quyền thờ phụng”(3).

 

Quả thật đây là một vụ kiện hy hữu với một cái kết “có hậu” và đặc biệt sau vụ kiện, hai bộ gia phả mới được công bố, trở thành một tư liệu quý về lịch sử!

Nhà thờ tộc Phạm (ảnh trên) và nhà thờ tộc Nguyễn, nơi lưu giữ hai bộ gia phả quý. Ảnh: L.T

 

Hai bộ gia phả độc đáo

 

Bộ gia phả của tộc Nguyễn do Dinh Lộc hầu Nguyễn Văn Dinh là cháu 8 đời của vị thủy tổ của dòng tộc tại xứ Đàng Trong “phụng lục” từ năm Cảnh Hưng thứ 34 đến năm Cảnh Hưng thứ 37 (1774 – 1777), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần.

 

Bộ gia phả cho biết: Thủy tổ Hương thổ Triệu cơ Tử thành Đề lãnh Nguyễn Văn Lang (1435 – 1513) nguyên trước ở xã Tiên Bào, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An. Trong cuộc Nam tiến, Ngài vào Nam gây dựng cơ sở ở làng Hương Ly (Hương Quế, Quế Phú ngày nay – NV).

 

Nguyễn Văn Lang là nhân vật lừng lẫy, người đã từng phế Uy Mục để đưa Tương Dực lên ngôi và dâng sớ Bình Trị 14 điều để khuyên vua. Con trai trưởng của Nguyễn Văn Lang là Nguyễn Ngọc Thanh theo giúp chúa Nguyễn được phong chức Phụ Quốc đô chỉ huy sứ Khám lý Phú Lương hầu, được dân làng Hương Quế tôn làm một trong ba vị tiền hiền của làng.

 

Gia phả cũng cho biết sau Nguyễn Ngọc Thanh nhiều người khác như Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Ngọc Diệm, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hy… đều là những người có công trong chiến trận, mở cõi, dẹp loạn dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Tộc Nguyễn ở Hương Quế từ thời thủy tổ Nguyễn Văn Lang đến nay đã truyền được 20 đời.

 

Bộ gia phả tộc Phạm không rõ do ai chấp bút, chỉ biết được một người cháu 11 đời của Phạm Nhữ Dực (? – 1409) “phụng sao” do gia phả cũ “bị rách nát”. Theo bộ gia phả này thì Cao thủy tổ của tộc Phạm (ở làng Hương Quế và Đồng Tràm) là Phạm Nhữ Dực, người được Hồ Quý Ly cử vào Nam năm 1402 với chức vụ Chánh Đô vũ sứ phủ Thăng Hoa (vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến sông Bến Ván) lo việc vỗ an người Chiêm, di dân người Việt trên vùng đất mới lấy được của Chiêm Thành.

 

Ông mất năm 1409, chôn tại làng Đồng Tràm (nay thuộc xã Hương An). Chắt nội ông là Phạm Nhữ Tăng, người từng được vua Lê Thánh Tông cử làm tổng chỉ huy đi bình Chiêm năm 1471, lập ra thừa tuyên Quảng Nam. Ngoài ra, còn nhiều con cháu khác thành danh, góp phần đưa tộc Phạm trở thành một cự tộc đất Quế Sơn.

 

Hai bộ gia phả của tộc Nguyễn và tộc Phạm được đánh giá là hai bộ gia phả sớm nhất, đầy đủ nhất, “hoành tráng” nhất, được con cháu lưu giữ cẩn thận của xứ Đàng Trong. Bộ gia phả của họ Phạm còn có ba sắc phong của nhà Lê cho danh tướng cũng là tiền hiền của làng là Phạm Nhữ Tăng và con ông là Phạm Nhữ Triều.

 

Sắc phong của vua Lê Thánh Tông có đóng dấu đại ấn Chế mạng chi bửu phong Phạm Nhữ Tăng là “Hoằng túc trợ võ đắc tấn phụ quốc, Quảng Dương hầu” và Phạm Nhữ Triều làm Chánh Đề đốc lãnh Lục viện Trung cơ.

 

Sắc phong của vua Lê Thần Tông có đóng dấu đại ấn Chế phong chi bửu phong Phạm Nhữ Tăng là “Chánh ngự Nam phương Phạm Ngũ quân phò hựu thượng đẳng thần”. Sau này, nhiều sắc phong của các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn phong tặng hoặc truy phong cho các nhân vật thuộc hai dòng tộc này.

 

LÊ THÍ

 

____________

(1), (2), (3)Theo Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân của Lâm Hoài Nam, Nhà in Thủ Đô, Sài Gòn, 1959.

ĐNCT

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…