Vũ Tuyết Nhung
(nhân đọc tập “thơ lục bát” của nhà thơ Vũ Ngọc Thư)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ lục bát là tập thơ thứ tư ( nxb hội nhà văn, 2015) của nhà thơ thương binh Vũ Ngọc Thư. Ông sinh ra và lớn lên, công tác tại tỉnh Hải Dương. Tập thơ được chia làm hai phần là ‘’Lục bát cõng mưa’’ và ‘’Lục bát và em’’. Điểm chung của cả hai phần đều là những câu thơ được chắt từ máu và nước mắt của ông trong cuộc đời và sau cuộc chiến. Sự khác biệt duy nhất giữa hai phần này chính là đề tài và đối tượng trong những bài thơ. Ở ‘’Lục bát cõng mưa’’ là những nỗi đau của bản thân, của đồng đội cũng như của những thân hữu, xóm làng và những người mà ông gặp. Còn “ Lục bát và em’’ là những bài thơ tình, ông viết cho nhân vật “em” với bao yêu thương giằng xé, cuồng nhiệt mà âm thầm, hờn ghen nhưng bao dung, cao cả.
Nhà thơ Vũ Ngọc Thư
Vẫn là những mạch nguồn cảm xúc chung của nhân loại, những chất liệu lấy từ cuộc chiến và con người cùng những vùng đất nơi ông đang sống, nơi ông đã đi qua. Đây là những đề tài không mới của thơ ca xưa nay. Nhưng Vũ Ngọc Thư đã có những lý giải, đánh giá, tìm tòi chiêm nghiệm rất riêng nên tập thơ lục bát của ông vẫn có chỗ đứng trong lòng người đọc, bên cạnh những thi phẩm khác.
Mở đầu tập thơ, là lời tự sự, là lời cảm ơn rất thật của tác giả gửi đến bạn đọc, rất thiết tha, chân tình, khiêm cung:
…“ câu chìm câu nổi câu trôi
Câu như dây buộc kéo tôi dọc đường
Bạn đọc, ừ thế mà thương
Em đọc, khóe mắt còn vương lệ sầu
Thôi thì trót dại đôi câu
Bạn đừng giận, em đừng đau làm gì’…
(Giắt câu lục bát hiên nhà)
Xưa nay làng luôn chiếm vị trí rất lớn trong tim của mỗi nhà thơ xuất thân từ nông thôn . Không lớn sao được, khi làng là nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Nơi ông bà tiên tổ bao đời đổ máu dựng xây, nơi gia đình, bạn bè, thân hữu trao cho họ những yêu thương ngọt ngào và tri thức để trưởng thành, nơi lưu dấu bao nhiêu kỷ niệm, ký ức buồn vui ..Viết về làng dễ mà khó, bởi vì các tiền nhân đã viết rất nhiều, lưu lại cho hậu thế bao nhiêu thi phẩm trác tuyệt. Nên những thi ảnh dễ chạm nhau, vì đa số làng nào cũng giống làng nào, đều có “ cây đa, bến nước, sân đình/ lời thề còn đó mới tinh hôm nào’’( ca dao) . Và người xa quê đều mang tâm trạng” anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương’(ca dao). Thế nên, nếu thi nhân không tạo cho mình phong thái riêng , tác phẩm sẽ dễ trở nên trùng hợp, nhàm chán. Lục bát rất dễ trở thành những câu vè pha trộn thơ người trước. Và Vũ Ngọc Thư đã làm được điều đó.
Làng trong thơ ông rất riêng, dù vẫn là những hàng tre xanh, con đê dài vắt ngang qua những cánh đồng vàng lúa, xanh rau với những bãi bờ ngô sắn… và những con người” máu rơi nhuộm mảnh đất này/ thương con bóng Mẹ héo gầy chờ mong/dáng làng như ngọn tre cong/dáng người ẩn bóng vào trong tre già” như bao làng khác trên đất nước mình. Ngôi làng với những con người cơ hàn, vất vả ấy” miếng cơm đãi ở đất bùn/ nhặt trong giá buốt tay run trên đồng’’đã tạo nên Vũ Ngọc Thư với một cái ‘tôi’’ khá ấn tượng: ” Hồn làng quyện đất phù sa/ Chắt từ rơm rạ để mà thành tôi’. Cái con người ‘’ chắt từ rơm rạ’’ ấy, đã dung nhập hồn mình với hồn làng, nên luôn vui những niềm vui của làng, đau những nỗi đau của làng và khát những cơn khát của làng. Mà người làng có mấy khi vui? Cuộc sống sáng ra đồng, trưa dắt trâu, chiều kiếm củi… với những nỗi áo cơm đè nặng lên vai, những nếp nhăn ngày một nhiều, vết chai ngày một rộng, đã đem đến cho họ bao nhiêu đắng cay, hờn tủi. Vũ Ngọc Thư hiểu thấu những điều này và đồng cảm với họ. Ông chỉ chạm tay cổng làng cũng đã nặng gánh suy tư:
‘’Thời gian mặc áo phong rêu
Đung đưa những bóng liêu xiêu tháng ngày
Người làng lớp lớp đổi thay
Cổng làng lưu giữ bàn tay từng người’’
(Cổng Làng)
Để rồi canh cánh trong lòng món” Nợ Làng’:
‘’Nợ từ gốc bưởi cành đa
Thả hồn mắt lá để ta thành người
Nợ tháng năm, nợ tháng mười
Chiều hương cơm mới vực vơi vực đầy’’
vì cảm thấy mình chưa làm gì cho quê hương, cho những người ông gặp, họ đang sống một cuộc sống rất vất vả:
“Ở đây người dậy trước sương
Súc miệng điếu thuốc lên nương vượt đèo
Ở đây lũ học trò nghèo
Đến lớp mấy ngọn núi trèo mỏi chân
Ở đây cô gái đang xuân
Phấn son là phấn hồng trần trời cho’’
(Ở bản vùng cao)
Hầu hết những bạn yêu thơ đều biết Vũ Ngọc Thư có một tuổi thơ bất hạnh hơn những bạn đồng trang lứa. Khi ông hai tuổi, đã mồ côi cha mẹ do dịch sốt da vàng nên được chú thím đón về nuôi. Nhưng nỗi đau theo thời gian vẫn chẳng thể nguôi, nhức buốt đến tuyệt vọng, cô đơn tưởng vô cùng:
‘’ Dòng trong dòng đục bàn tay
Mẹ không chỉ lối tháng ngày con đi
Mưa ơi xối mãi làm chi
Đời tôi còn có những gì để trôi
Đất không nặn được thành người
Tiền không chuộc hết một đời bơ vơ’’
(Gọi Mẹ)
‘’ Một đời con sống long đong
Mồ hôi đổi bát cơm không được đầy
Đau buồn biết sẻ ai đây
Con nuôi khôn lớn tháng ngày bơ vơ
Nước mắt rơi ướt bàn thờ
Thắp đêm ngọn lửa con hơ lòng mình’’
( Khóc về ngày giỗ cha)
“ Mẹ cha khuất nẻo dặm trường
Mình ta dẫm bóng con đường mình đi
Xoè tay nào có những gì
Buồn vui xếp lại có khi cũng đầy
Cả đời vẫn thế này đây
Vay trời một khoảng đến nay đã chiều”
( Lời bạn lời ta)
Cũng may, trong cảnh tang thương ấy, ông còn có người chị ruột để an ủi, tựa nương tuổi thơ. Chị thay mẹ yêu thương, chăm sóc, đồng cảm và chia sẻ, bao bọc dù đời chị cũng xác xơ đến tội nghiệp:
‘’Ruộng đồng bòn rút chị tôi
Góc vườn nặng giọt mồ hôi vuông tròn
Chị như cây lúa làng non
Những nơi cao đẹp vẫn còn mãi xa
Cả đời xuống bếp lên nhà
Cả đời chắt nắng để mà cứng thêm”
(Chị tôi)
“Một đời tắm nắng phơi sương
Vai gầy gánh võng vất vương trên đồng
Ba ngày nắng bảy ngày đông
Mồ hôi chảy lúm má hồng trôi theo”
(Chị xưa)
Nỗi buồn này cùng những nỗi buồn khác hoà quyện vào nhau, tạo thành một ngọn lửa cứ âm ỉ đốt lòng ông , theo năm tháng mà lan toả. Đau từ làng lên phố, từ đời vào lính, đến những vùng đất lạ mà ông đã đi qua. Nhìn đứa cháu mất cha giống mình, câu thơ bật lên nức nở:
“ Ông là giọt máu mồ côi
Nên ông biết cháu cuộc đời xót xa
…
Mồ hôi chan ngập bát cơm
Ngày đông biết sẻ nỗi buồn vào đâu
Đường thì dài, sông thì sâu
Ai làm tay vịn nhịp cầu cháu qua”
( Ru Thảo My)
Rồi thương người bạn mất cha, mẹ bỏ đi lấy chồng:
“ Mẹ qua cầu mưa chẳng vơi
Gọt mòn tôi hết quãng đời tuổi thơ
Bơ vơ tôi mẹ bơ vơ
Ngóng trông nhau ở hai bờ sông xa”
( Gọi Mưa)
Và thương người hát rong:
“ Tiếng đàn gõ nhịp đầy vơi
Tiếng người mỏng mảnh rắc rơi dọc đường
Chùng chình níu cái vấn vương
Lắc lư nhặt ngọn nắng ươn giữa ngày
…
Giàu sang ai đã dư thừa
Người nhặt đồng lẻ túi chưa dính đầy”
( Với người hát rong)
Hay rưng rưng trước nỗi vất vả của người đồng chiêm:
“ Bàn chân quấn sá cày bừa
Bóng cò nhọ cánh người chưa thấy về
Nước ngâm mủn cả nón mê
Bùn ngâm da thịt người quê chai bùn”
( Người đất đồng chiêm)
Hoặc xót xa cho những người bạn đồng ngũ là thương binh, trở về sau cuộc chiến, với những lận đận, chua xót. Bởi vì họ có quá nhiều áp lực cuộc sống thời bình và những giằng xé đắng cay đau tủi, do vết thương thể xác cũng như tinh thần hành hạ:
“Nghĩ rằng đã hết chiến tranh
Nghĩ rằng gian khổ đã thành ngày xưa
Mà sao vất vả chưa chừa
Mà sao lửa khói vẫn chưa lụi tàn?”
( Người lính trở về)
“ Máu xương để lại một phần
Năm thằng què cụt cùng khuân nhau về
Ở trong tất bật bộn bề
Năm thằng năm bóng nặng nề gian truân
Tám bàn tay bới phong trần
Đời như mây đuổi lúc gần lúc xa
…
Năm thằng năm bóng sân ga
Lần sau gặp lại còn mà đủ không?”
( Năm thằng… Năm bóng)
Rồi nghẹn ngào nghĩ đến những người đồng đội đã hy sinh. Xác thân và linh hồn họ còn nằm nơi núi hiểm rừng gai, chưa được về sum họp với quê hương. Trong số đó có nhiều người bị bom dội đạn dồn, chết không toàn thây, không thể nhận mặt, gọi tên nên trở thành những ngôi mộ vô danh :
“ … Những tên đã lọt người ơi sao nhiều
Đủ che một khoảng nắng chiều
Đủ che dải đất có nhiều bão giông
Tên người có tên người không
Chỉ còn cát bụi ở trong đất này
Nắm xương lạc ở đâu đây
Gọi nhau khản cổ đất dầy không thưa”
( Sàng đất)
” Chiều nay cơn gió chuyển mùa
Nghe như tiếng súng mới vừa nổ thôi
Khói đan dày đặc quả đồi
Đất nâu cùng với xác người chồng nhau
Cúi đầu tạ lỗi thương đau
Nghe như tiếng nấc thẳm sâu vọng về”
( Trước tượng đài chiến thắng Điện Biên)
“ Bao người vào cuộc chiến chinh
Bạn ta nằm với bạn mình nơi đây
Đêm nằm nghe lá rừng bay
Ngóng về quê mẹ vén mây gọi tìm
Rừng lặng im! Đất lặng im”…
( Về với rừng xưa)
Có thể do cuộc đời là những giọt nước mắt thi nhau rơi vào trái tim đã trầy xước đớn đau côi cút, với tuổi thơ vất vả cơ hàn, nên Vũ Ngọc Thư luôn đồng cảm với những cảnh khổ xung quanh mình, chia sẻ và khóc cùng họ trong những câu thơ lục bát cõng những cơn mưa nước mắt ấy. Đồng thời trân trọng nâng niu từng giây phút được yêu thương. Nhân vật ‘’tôi’’ trong thơ ông luôn khát khao, cuồng si, say đắm đến ngây dại, sâu sắc thủy chung đến tột cùng dâng hiến. Đôi khi biết rõ đó chỉ là đơn phương, là một phía nhưng vẫn mê đắm đến dại khờ:
”Giá em đừng có nối lời
Giá em đừng có sang chơi đôi lần
Thì tôi đâu ríu bàn chân
Thì tôi đâu lạnh mỗi lần chia tay
…
Vẫn ngồi đếm hạt mưa rơi
Lạnh lùng em để cho tôi chạnh lòng”
(Giá em … Giá đừng)
“Vết thương đợi bàn tay êm
Ngày đợi thì ngắn chờ đêm thì dài
Vết thương chạm bàn tay ai
Rùng mình như thể kéo gai qua người”
(Vết thương)
”Tôi” cứ âm thầm nhớ, lặng lẽ thương, cứ như một chiếc bóng đi bên đời em
“Thôi đừng mang nhớ vào đây
Gửi tôi rồi lại có ngày bỏ quên
Tôi mang hong ở đầu thềm
Hong ngày thì ngắn hong đêm thì dài”
( Thôi đừng mang nhớ)
Nhưng ”em” không biết hay cố tình không rõ mối chân tình ấy mà vội vàng lấy chồng khiến ” tôi’ bàng hoàng, tiếc nuối , tê tái và cũng xót xa cho em khi phải ở với người mình không yêu:
”Vội vàng đến thế kia ư
Sao người lại lấy mười tư làm rằm
Một ngày đổi lấy trăm năm
Một đêm gánh vạn đêm nằm phong phanh
…
Đục trong rồi cũng qua cầu
Sao không tìm lấy một câu hẹn hò
Xòe tay hứng cái trời cho
Bến giờ không nước con đò chở ai”
( Vội vàng)
“Thôi thì để gió cuốn trôi
Buông đi em mỏng cái cơi đựng trầu
Sóng về đâu, nước về đâu
Có trôi được hết cái màu nõn xanh?”
( Gió có cuốn đi)
Hình như “tôi” yêu quá nhiều, nhiều đến mức không biết giận “em” nữa. Chỉ biết cầu mong cho người mình yêu hạnh phúc, nên khi thấy người ấy bất hạnh thì lòng anh buốt nhói, nhức nhối chẳng kém người xưa:
“Đêm dài dễ có nhiều sương
Bước sao cho khéo để lường chân qua
Ấy là tôi nói với hoa
Cánh trời thì mỏng mưa sa thì dày”
(Ấy là tôi nói)
“ Nếu giờ còn chuyến đò ngang
Thuận tay người chở nhẹ nhàng sang đây
Để tôi nhuộm khói vào mây
Để tôi ghép mảnh khuyết gầy cùng trăng’’
(Trăng nghiêng)
Nên những kỷ niệm lại như những cơn bão đột ngột đến nhưng lại không thể tan. Những cơn bão ấy xoáy lốc, lật tung tất cả giác quan lên và xoay vòng đắng cay buốt nhớ trong phạm vi nó sở hữu, khiến lòng anh như chiếc lá, tả tơi rách tướp, bắt đầu những đêm trắng mệt mỏi:
“ Ngủ đi trăng vẫn còn trong
Mang theo cả nỗi nhớ mong lặng chìm
Trong mơ theo bước mà tìm
Những con sóng lặng đã dìm đáy sông”
(Ru mình)
“Anh ngồi đếm lá trên cành
Trong con gió đuổi mùa hanh nắng nghèo
Mua duyên phận cuối chợ chiều
Tan phiên, giọt nắng đổ xiêu bóng mình
….
Ngủ đi giấc ngủ không nhà
Chập chờn thấy một cánh hoa theo cùng”
(Anh giờ là kẻ đi qua)
Tuy nhiên, bên cạnh những câu thơ tài hoa và ấn tượng như:
“ Hình như trăng chứa ngọt ngào
Hình như chiếc lá vắt vào đám mây
Hình như có dải lông mày
Đặt bờ giếng ngọc để đầy mắt nhau’’
(Lá trăng)
“Hôm qua cỏ đứng tỏa hương
Em đừng thương cỏ đẫm sương ngọt ngào
Cũng đừng hỏi cỏ vì sao
Kẻo không rồi lại vấp vào heo may”
(Lời ngày hôm qua)
“Thương người cỏ vẫn quẩn quanh
Hiên nhà đầu ngõ mà thành thân quen
Ai hay ngọn cỏ yếu mềm
Trắng loang lòng cỏ cho đêm lặng thầm”
(Chuyện trò với cỏ)
…
tập “ Thơ lục bát” vẫn còn một số câu thơ lục bát thất vận, tiếng thứ hai còn nặng vần trắc và tiếng thứ tư đôi khi lại vần bằng, ví như: ‘’ gió thổi vào khoảng mênh mông’’ (trang 112), ‘’một lạy con thắp tuần hương’’(trang 32),’’bạn đừng giận em đừng đau làm gì’’(trang 9) … Mặc dù điều này cũng không ảnh hưởng đến thi ảnh và sự hoàn chỉnh về ý nghĩa của câu, nhưng đã làm giảm đi sự mượt mà, dịu êm, trầm bổng vốn là bản sắc độc đáo của thơ lục bát. Rất mong tác giả chú ý hơn nữa, rút kinh nghiệm cho những bài sau.
Khép lại tập thơ, tôi cứ bị ám ảnh bởi những câu lục bát đẫm nước mắt và nỗi đau người, đau mình của ông. Những câu thơ ấy cứ đan xen dàn trải xuyên suốt chiều dài của tập thơ, tạo nên một cơn mưa nước mắt, cảm giác như từng con chữ đang run rẩy, buốt nhói, ướt lạnh bởi những nỗi đau xối vào. Đúng như cố thi sỹ Hàn Mặc Tử từng viết: ‘’không rên xiết là thơ vô nghĩa lý”. Thơ sẽ không là thơ nữa nếu đứng ngoài cuộc sống của con người, tôi nghĩ vậy. Người đọc sẽ không để thơ vào trái tim mình nếu không tìm được sự đồng cảm, tìm được một chút mình trong những ngôn từ của tác giả. Đó là lý do tập ‘’Thơ Lục Bát’’ của nhà thơ Vũ Ngọc Thư đã được bạn đọc trân trọng đón nhận rất nhiệt tình, sách vừa ra đã hết. Ngay bản thân nhà thơ giờ cũng chỉ còn một quyển duy nhất làm kỷ niệm. Và đó là thành công lớn nhất của nhà thơ, đồng thời cũng là mơ ước của bao người cầm bút. Tôi xin chung vui và chúc mừng ông!
Thanh Hoá ngày 13/10/2021
V.T.N