Vú sữa – Truyện ngắn Trần Bảo Định

475

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi mới lớn của đám trẻ trong làng – và cả tôi nữa – không đứa nào là không trèo lên cây vú sữa vườn nhà ngồi chảnh chọe nơi chảng ba nhánh vói hái trái vú sữa chín cây, thuận tay mân mê vo tròn, bóp nhẹ… rất nhẹ, bứt cuống sữa và rút cùi trái khỏi vú, kê miệng nút dòng nước trắng đục như sữa mẹ trào dâng.

Nhà văn Trần Bảo Định 

1.

Chiều làng Vĩnh Kim.

Khói bếp chiều dùng dằng trên sông Tiền lăn tăn sóng nước, tôi nhìn khói bếp tựa khói sóng; và khói liên tục biến dạng, có lúc tôi ngỡ đó là sương thời gian che khuất bao chuyện đời nơi chốn quê nhà! Tên gọi Vú sữa của một giống cây ai đã đặt? Người Vĩnh Kim thường kể lại sự tích dân gian “Người mẹ và đứa con ngỗ nghịch”, rằng:

“Người mẹ nuông chìu con khiến con cãi lời mẹ và hư hỏng bỏ nhà đi theo bạn bè xấu. Tới lúc đói khát bị bạn bè bỏ rơi, người con lê thân tàn quay về tìm mẹ nhưng không thấy mẹ đâu; chỉ thấy một cây lạ mọc trước ngõ nhà và cho trái thơm ngọt như dòng sữa mẹ… Cây lạ đó chính là hiện thân của người mẹ mỏi mòn đợi chờ con. Rồi, người đời đặt tên cây Vú sữa!” (1) .

Nghĩ tới câu chuyện cổ, tôi chợt nhớ câu đố trong làng đố người phương xa tới: 

Thương con khi chết má đành  

Hóa thành trái mọng ngọt lành sữa tươi. 

Tôi bồi hồi ngồi tựa gốc vú sữa già thân cao vút, tán che khoảng trời đồng bằng trưa nắng chói chang. Có lẽ, vú sữa thuộc loại cây lành trái ngọt nên đã góp phần không nhỏ cho vùng đất Vĩnh Kim sản sinh “rất ít đứa con ngỗ nghịch”; đồng thời cũng là vùng đất trung kiên với đất nước, nức tiếng thơm “đất học, làng đại học” .

Tuổi mới lớn của đám trẻ trong làng – và cả tôi nữa – không đứa nào là không trèo lên cây vú sữa vườn nhà ngồi chảnh chọe nơi chảng ba nhánh vói hái trái vú sữa chín cây, thuận tay mân mê vo tròn, bóp nhẹ… rất nhẹ, bứt cuống sữa và rút cùi trái khỏi vú, kê miệng nút dòng nước trắng đục như sữa mẹ trào dâng.

Và, tuổi mới lớn của một thời hoa nắng, không đứa nào không nhớ câu hò huê tình những đêm trăng sáng vườn quê: 

Thân em là gái đào tơ   

Sao anh nỡ để ai rờ cũng xong
Số phận em thiệt long đong
Bóp vọc cho cố ứa dòng nước ra! 

Những trái vú sữa cuối mùa còn thương cây tiếc lá nên nấn ná níu cành. Người rảnh tay rỗi việc quây quần bên nhau dưới tán vú sữa vào mỗi chiều hè, họ uống rượu nói thơ, có khi đờn ca những lời ca ứng tác hoặc của người xưa truyền lại…
 
Tròn căng vú sữa Lò Rèn 

Bóp cho nhũn nhão… ngọt mèn đéc ơi!” (2) .

Hoa nắng lung linh theo nhịp mộ khúc, tôi bất nhẫn không hiểu vì đâu nên nỗi: “Bóp cho nhũn nhão…” vú sữa Lò Rèn đang độ tròn căng thì mới “ngọt mèn đéc ơi”?
2.

Ngày chậm sang sông, gió táp mạn xuồng tam bản nhảy sóng Tiền Giang chở đầy ắp vú sữa cặp bến chợ Giữa, nơi từng có một thời muôn người như một đã xả thân vì đại nghĩa, cùng quân Tây Sơn làm nên trận Rạch Gầm – Xoài Mút khiến mấy vạn quân Xiêm xâm lược “tán đởm kinh tâm”; nơi dân lành tan xương nát thịt dưới mưa bom thù sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa…

Dù cảnh ngộ bi hay tráng, cây vú sữa vẫn hiên ngang sống và sống, đúng chất sống dòng sữa ngọt thơm từ đất mẹ quê nhà; nhứt là loại vú sữa Lò Rèn. Có người nói: “Cái tên Lò Rèn gắn liền vú sữa, vì nó bắt nguồn từ câu chuyện kể về người thợ rèn nhơn được giống vú sữa ngon” (?). 

Nhiều người chưa mấy tin cái tên Lò Rèn gắn liền vú sữa một cách quá dễ dàng và đơn giản như vậy. Tôi tự vấn, rằng có phải: là “Lò rèn chỗ rèn công cụ nhà nông hay nơi rèn chí lập thân, rèn nghĩa khí ở đời… Rèn gái anh thư, rèn trai hào kiệt?”.

Rồi, như thể minh chứng điều đó, ngày mùa hái vú sữa, thoảng đâu đây trong làn gió loáng thoáng lời ca thôn nữ vùng Vĩnh Kim, Song Thuận, Phú Phong…  

Người chợ Giữa đi khắp bốn phương hồ hải 
Giỏi vạn nghề há phải một nghề thi 
Nầy! Ngón tơ đồng trong sáu tỉnh chưa có tương tri 

Chơi phong nhã, nói gì cờ với vẽ
So kim cổ biết bao nhiêu kẻ
Dẫu thoa quần cũng san sẻ gánh non sông
Chuyện năm xưa ai có nhớ không?
Ôi! Dân khí, dân quyền rền một lúc…(3)

Khiến ai nghe chẳng chạnh lòng, chẳng nhớ về một thời đất quê vú sữa có gánh hát Đồng Nữ Ban (4) . Người cố cựu Vĩnh Kim lúc nhàn rỗi, bên tách trà chung rượu thường nhắc nhở tuồng hát “Giọt lệ chung tình” (5); một số cụ thuộc cả lớp, và có khi ngẫu hứng hát chay cả một đoạn thoại dài cho con cháu hóng chuyện cùng nghe để biết (6) . Có cụ còn nói: “Nghĩa buộc ràng tình nên cái gắn kết keo sơn”. Tự dưng, tôi liên tưởng tới vú sữa Lò Rèn và con người Vĩnh Kim; hình như Vĩnh Kim quê hương vú sữa Lò Rèn mang nội hàm:Vàng vĩnh viễn thuộc về những ai biết yêu tha thiết bông trái xứ sở của mình!

Ăn lõi ruột vú sữa trắng trong tinh khiết, thịt mềm ngọt thanh… người trầm trồ, khen nức nở; lúc trái gió trở trời đau bịnh, từng bộ phận của cây vú sữa trở thành vị thuốc cứu nguy người (7) ; và chẳng những vậy, nó còn là động lực thúc đẩy giấc ngủ sâu, đồng thời giúp phụ nữ sở hữu làn da mịn màng tươi trẻ… Nhưng, mấy ai để ý hoặc nghĩ tới đời sống của cây vú sữa?

Tự nó sanh nó trong môi trường nghiệt ngã, và trong môi trường nghiệt ngã đầy hủy diệt, trời cho nó bản năng lưỡng tính duy trì nòi giống. Không tự nhiên người đời gọi nó là vú sữa, và cũng đâu phải tự nhiên, người đời gọi mùa vú sữa là mùa thương! Mùa thương không là mùa trái, mà là mùa bông. Mùa bông thoang thoảng hương nồng, pha chút nàn lâng lâng mùi nhớ. Cuối thu đầu đông, bông trổ màu trắng, ánh tía. Từng cánh bông nhỏ nhắn, xinh xinh, cố chen mặt lá trên xanh và mặt dưới bóng vàng ngà, hình ô van, mép liền, mọc so le… khoe nhan sắc!

Trời đất mưa thuận gió hòa, vú sữa chín lai rai từ rằm tháng Mười tới rằm tháng Tư năm sau; trong đó, tháng Mười một sang chạp là mùa vú sữa chín rộ, và điều đặc biệt là sau bảy năm tuổi cây vú sữa sẽ đơm bông kết trái quanh năm. Nhưng con người tạo mùa nghịch, vú sữa trái chín từ những ngày mùng tháng Chín tới con nước ba mươi tháng Mười trong năm.

Hỏi vì sao? Vì nguồn lợi cao gấp bốn năm lần so với giá bán vú sữa chính vụ theo lẽ tự nhiên. Hậu quả, cây vú sữa mau lão hóa, và thường khi chết nhát ngay trên liếp đất phù sa màu mỡ. Một kiểu đón đầu, song lại chặt đầu! Không ai không biết điều đó, song biết vẫn làm và làm cật lực bởi làm cho hôm nay, còn ngày mai… cái ngày không có!

Nhận ra vú sữa ngon khi bàn tay người bóp nhè nhẹ lên trái vú sữa thịt mềm đều, da bóng nhẵn màu sáng xanh nhạt chuyển màu kem ngả nâu đáy trái, và cuống chảnh dính trên đầu trái. Vú sữa vỏ trái phần cuống cứng, dày và phần đáy mềm nhũn thì thuộc loại chát, không ngon; những kẻ tham ăn lại vừa dốt,  vừa đa nghi thì làm gì hiểu và phân biệt được trái ngon trái dở!

3.

Vĩnh Kim trầm lắng. Gió lắt lay cành lá giúp cây vú sữa chuyển động theo nguyên lý cân bằng Âm – Dương, và nguyên lý đó, vốn là nguồn năng lượng kích thích bản năng vô cùng trong lập trình  “thủy – hỏa đều được bồi bổ”, tạo điều kiện phấn chấn và tốt đẹp nhứt cho cây đâm bông kết trái. Nếu, quả thật vạn vật chúng sinh được sanh ra từ Trời – Đất, thì chắc chắn Trời – Đất cũng đã tính tới việc thực hiện cân bằng sinh thái trong một môi trường xanh sạch. “Người tính không bằng trời tính”, thiệt ra người tính sao đặng trong cái càn khôn thuộc về “Như” nầy!

Đêm năm canh, ngày sáu khắc của vòng thời gian hai bốn giờ trong một ngày dựa trên cơ sở mười hai con giáp, đương nhiên đã xác lập thời khóa biểu chẳng những cho sự sống con người mà còn cho muôn loài động vật và thực vật khác. Cây vú sữa dưỡng thân nuôi sự sống do “ăn uống từ rễ”, “bài tiết qua lá’”, “giấc ngủ nơi cành lá, bông trái”; trong đó, “giấc ngủ” là điều tối hệ trọng… Vào cung giờ Tý và cung giờ Ngọ, lá vú sữa mặt dưới nhạt màu thiếu bóng vàng; nhụy bông khép lại dù đó là đêm vằng vặc ánh trăng thơ mộng, hay ngày đất ráo trời hanh. Người làm vườn lâu năm tinh tế cho rằng “cây vú sữa đương ngủ!”. Nghiệm ra, nếu con người ngủ vào giờ cây vú sữa ngủ, dù chỉ là năm mười phút ngủ cũng có thể tương đương năm sáu giờ ngủ ở cung giờ khác. Phải chăng đó là giờ vàng, giờ của sự sống (?). Hỏi vì sao thì quả thực vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặc định là vậy!

Những áng mây trời như không muốn bay, tôi có cảm giác mây không muốn bay bởi mây không nỡ bay đi trước vẻ đẹp kỳ bí của từng vườn vú sữa xanh tươi rợp bóng đường quê. Vú sữa Lò Rèn cái tên bình dị, vừa gần gũi vừa mộc mạc đậm tình người, nặng tình đất Cửu Long giang. Người xưa thường nhắc con cháu lớp sau: “Đất nào cây đó, giống nào trái nấy”; cây giống cho đời hương sắc, cho người vị thanh tao.

Chẳng tự nhiên châu thổ sông Tiền sản sinh cây vú sữa Lò Rèn, và đồng bằng sông Hậu sản sinh cây vú sữa tím Phong Điền (8). Cặp đôi sông Tiền – Hậu không bất nhứt, mà hợp nhứt từ nguồn Mê-kông rồi thuận dòng cùng về Biển Đông chín cửa (9). Sữa mẹ nuôi con khôn lớn thành người, vú sữa dưỡng tâm hồn lạc quan mỗi khi nhọc nhằn bất trắc. Thời đàng cựu, tiền hiền khai khẩn còn lưu lại lời dặn: “Nước sao người vậy! Người vậy nước sao?”. Nước phù sa màu mỡ sanh người hồn hậu, và người xấu xí là do nước bẩn dơ.

Nước phương Nam hiền hòa hai mùa mưa nắng nên người phương Nam hiền hòa, hào sảng và thương người. Những ai đã từng sống ở miền Nam, chắc không thể không nhận ra điều đó, điều mà trước đây có đôi khi họ ngộ nhận rằng thô kệch quê mùa hay ăn nói bỗ bã, chữ nghĩa chẳng sang. Nước sông Tiền ra sao mới có sản vật vú sữa Lò Rèn xanh bóng, rèn kẻ vô dụng thành người hữu dụng. Nước sông Hậu thế nào mới có sản vật vú sữa Phong Điền tím than, điền chỗ trống không để lấp đầy hào khí. Tôi chợt nhớ chuyện xưa, chuyện Đinh Sâm bị giặc Pháp giết và cuộc khởi nghĩa Láng Hầm bị chúng tàn sát dã man, máu nghĩa sĩ thấm vào lòng đất miền Tây sông Hậu cho cây vú sữa Phong Điền tím màu nhắc nhớ mãi ngày sau: 

Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết 

Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan (10).

Nghĩ chẳng biết có đúng chăng, dường như câu hò gắn liền sông nước còn bông trái gắn liền tiếng hát người cần lao. Nếu xứ sở sữa Lò Rèn có “giọt lệ chung tình” thì quê hương vú sữa Phong Điền có “Kim Thạch kỳ duyên” (11), nói lên mối tình giữa hai họ Kim – Thạch duyên kỳ lạ, và khuyên dạy người đời biết sống, biết giữ gìn tiết nghĩa, thủy chung.

4.

Đã có một dạo thương lái phao tin đồn thổi và lùng sục tìm mua gỗ, mua gốc cây vú sữa độ năm bảy năm tuổi, cái độ tuổi ổn định cây ra bông đẻ trái với giá cả cao ngất trời. Một số nhà vườn bất kể thiệt hơn vội phá vườn vú sữa, cưa chặt cây bán gỗ, bứng gốc bán rễ… Tôi đã nhìn thấy thân cây vú sữa bị cưa chặt mủ trào lai láng mặt đất, chẳng khác máu người ướt đẫm bờ mương, ruộng lúa lúc chiến tranh. Nhức nhối trong tôi điều chưa hiểu: “Cây có cội, nước có nguồn”, không còn nguồn thì sao còn nước; không còn cội thì sao còn cây? Người ta bứng gốc bán rễ vú sữa cũng đồng nghĩa cắt lìa sự sống của vú sữa, và hơn vậy nữa, một ngày không xa, cây vú sữa thơm ngon tuyệt giống!

Đêm gần cuối giờ Tý, tiếng lá vú sữa xạc xào như báo hiệu đã ngủ gần xong giấc ngủ nồng say dưới ánh trăng mười bảy “sảy giường chiếu”. Tôi bước khẽ, rất khẽ dưới bầu trời thanh vắng sáng trăng vườn vú sữa, rồi ngộ ra: “Cây vú sữa dễ trồng nhưng không chắc dễ sống, bởi nó hay chết nhát, hoặc nếu có sống thì sự sống cũng sẽ chẳng cho bông trái ra gì một khi môi trường ô nhiễm, sinh thái đột ngột biến đổi”.

Bâng khuâng tôi tự hỏi “Đời người, đời cây… có khác nhau”?!

T.B.Đ

Chú thích: 

1. “Sự tích cây vú sữa”, Truyện cổ tích Việt Nam.

2. Ca dao.

3. Trích “Địa linh nhân kiệt”, Hồng Thuận Đăng.

4. Trần Ngọc Viện (1884-1944), sanh tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Định Tường), nay xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bà là cô ruột GS.Trần Văn Khê và quái kiệt Trần Văn Trạch. Bà xuất thân giáo viên, là nghệ sĩ nhiều tài năng. Năm 1927, bà thành lập gánh hát cải lương tập hợp toàn diễn viên nữ lấy tên Đồng Nữ Ban, tới năm 1929 thực dân Pháp buộc gánh hát giải tán.

5. Kịch bản “Giọt lệ chung tình”, cốt chuyện nói lên mối tình cao thượng giữa Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, do soạn giả Nguyễn Tri Khương (Năm Khương) dựa theo tiểu thuyết “Giọt máu chung tình’’ của tác giả Nguyễn Hữu Ngỡi (Nghĩa).

6. “… khi Võ Đông Sơ đánh bại tướng cướp, đạp chân trên mình tướng cướp hỏi:

‘Sao nhà ngươi Đem cường quyền đạp công lý 

Mượn võ lực dốc tung hoành Nhà ngươi có biết 

Phạm tự do thì xã hội dám hy sanh 

Đạp công lý thì quốc dân đành xả mạng’!’’. (Gánh hát Đồng Nữ Ban, GS.Trần Văn Khê)

7. Thịt quả vú sữa có rất nhiều canxi, sắt, vitamin… Đặc biệt có chứa thành phần axit malic phòng ngừa bệnh nám da, kháng khuẩn. Lá của vú sữa được dùng hãm nước uống chống các bệnh đái đường và thấp khớp (theo báo Khoa học & Đời sống), và trong sách “Cây thuốc Việt Nam” tác giả Võ Văn Chi có nêu một số công dụng chính do lá vú sữa mang lại lợi ích cho người đau dạ dày, như: giảm đau, chống viêm; giúp lưu thông mạch máu ổn định.

8. Huyện Phong Điền ( thành phố Cần Thơ), trồng chuyên canh cây vú sữa trên 800ha, tập trung ở thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, xã Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Mỹ Khánh…

9. Tiền Giang, Hậu Giang đổ ra Biển Đông 9 cửa:  Tiểu, Đại, Ba Lai (hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại), Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ba Thắc hay Bassac  (thiên nhiên bồi lấp), Định An, Tranh Đề.

10. Tạm dịch: Kiếm võ ngút trời, Ba Láng sông sâu tràn hận huyết Sao văn sa đất, Trà Niềng thôn xóm thảy sầu.

11. Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), mượn câu chuyện ‘’Kim Thạch kỳ duyên’’ xảy ra đời nhà Bắc Tống (960-1126) nỗi”…Để gửi gắm tâm sự, nỗi bất bình của ông đối với quân cướp nước (chỉ quân Pháp), và bọn quan trên đã vu cáo hãm hại ông suýt chết…”. (theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tú Châu).