Vũ trụ tâm linh và trường thơ Nguyễn Thạnh

388

Vũ Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có phải chiếc áo của nhà sư… phạm quá mô phạm, quá chật, không cách nào chứa đựng nổi tính cách dị biệt của nhà thơ? Tâm hồn thi nhân lại cần tự do tuyệt đối, lãng mạn vô bờ và bay bổng giữa hiện thực sống động…

Tôi tin rằng “áo sẽ làm nên nhà thơ” khi Nguyễn Thạnh quyết chọn chiếc áo thơ để mặc suốt đời. Mượn chiếc áo thơ này ông “Gói niềm tâm sự vịn tình yêu đi vào mênh mông”!

Có thể nói Nguyễn Thạnh đã nhập hồn nhập cốt vào thơ, hơn một lần lãng du cõi cõi mộng ông hạ bút: “Cõi siêu mộng cần thơ như thánh kinh”!

Có lần tặng tôi tờ báo xuân văn nghệ, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thạnh viết lên trang bìa lời lưu bút đầy quyết đoán “Thơ không bao giờ phản bội chúng ta nếu chúng ta thủy chung với nó”!  Nhà thơ Võ Tấn Cường gọi ông là “Nguyễn Thạnh – kẻ cuồng mê thơ cuối cùng”.

Tính cách của Nguyễn Thạnh là như thế, cả quyết đến cực đoan, dễ làm người nghe hiểu lầm, thậm chí gây tranh luận nảy lửa. Vào cuộc trò chuyện thơ, ông nói say sưa, nói hết, nói thỏa mãn những điều đã gợi mở, kết quả là lần nào điện thoại cũng tút tút cắt ngang vì hết tiền! Ông rất hứng thú khi nói về thơ, lại hay đặt ra những vấn đề rất thú vị, đáng suy nghĩ  kiểu như “Nếu được mời đến thủ đô Paris đọc thơ, bạn sẽ đọc bài nào”? Một câu hỏi bình thường làm ta giật mình. Rõ ràng khi làm thơ, ta chỉ nghĩ viết cho chính ta. Chính vì vậy mà người làm thơ đa phần chỉ chấp nhận cuộc chơi theo kiểu “nghiệp dư”! Có đa diện nhiều chiều, có sắc màu tư riêng nhưng chưa có nhiều tuyệt tác đỉnh cao!

Luôn luôn lúc nào cũng mang tâm thế thời đại, viết cho số đông, hòa đồng cùng nhân loại, mong tiếng nói cá nhân cộng hưởng với thế giới con người. Nhà thơ Nguyễn Thạnh gần như muốn xóa bỏ, muốn “đạp đổ” những rào cản tâm thức ngăn cách giữa con người với con người. Sống hữu ích, thơ cũng phải có ích. Khi Nguyễn Thạnh viết “Chẻ một cây tăm cho đời cũng là làm việc thiện” tôi biết ông có thiên hướng đi xa hơn đến: “Trước trăng sao, anh dám chọc gậy vào lổ đen vũ trụ”. Con người nhỏ bé nhưng ước muốn khám phá vũ trụ tâm linh huyền diệu, nâng con người lên ngang hàng với vũ trụ trăng sao. Ý tưởng táo bạo này làm cho người đọc thích thú, muốn cùng ông hòa nhập, kiếm tìm một bản thể mới lạ của mình được ký thác qua ngôn ngữ thơ ca đầy quyền năng mầu nhiệm. Được thấy mình ở đâu đó nữa kia… ngoài cuộc đời vốn dĩ nhỏ bé này. Thậm chí ông còn muốn “Quy hoạch vũ trụ” theo ý tưởng của riêng mình. Nói thế để thấy rằng lúc nào Nguyễn Thạnh cũng khao khát bộc lộ cái phần tinh túy của mình trong thơ. Phải có cái gì đó của riêng mình, dù ít nhưng đậm chất, không pha lẫn người khác, kể cả trong đời sống cũng như trong sáng tạo. Cái “tôi” cá tính mãnh liệt đó chính là chất xúc tác cho ông thể hiện tầm vóc của một thi nhân.

Trong bài Thi sĩ ông viết:

Ngồi trên đỉnh núi một mình

Cái bóng che biển cái hình phủ sông

Cái đầu nhật thực che trăng

Linh hồn trùm cõi vũ không thiên màu.

Thi sĩ lúc này như thể đứng một trục dọc với trăng sao mà bầu bạn, mà che chắn, chống đỡ cả càn khôn!

Với niềm trăn trở suy tư đó Nguyễn Thạnh đặt ra mục tiêu: sứ mệnh của Thi nhân vũ trụ phải lập vũ trụ giáo bằng thuyết vũ trụ kinh. Ông hoài bão và ôm ấp ba cặp phạm trù này đến bạc tóc. Dù chỉ là ý tưởng manh nha tôi không biết “dự án” của ông có khả thi, có “lập thuyết” nổi hay không? Nhưng tôi hoan nghênh tinh thần sáng tạo của ông, dám nghĩ, ít ra cũng tự “lên giây cót” tinh thần cho chính mình. Tôi nhớ học giả Trần Bạch Đằng từng luận giải rằng “Cái trừu tượng là cái sản phẩm cấp cao”. Chỉ có não trạng cuồng mê mà sáng suốt mới có thể nghĩ ra. Não trạng của người có tỷ lệ phần trăm “arenalin” đột hứng sáng tạo cao hơn người khác. Mong sao mỗi nhà thơ đều có ý tưởng táo bạo khi sáng tạo, ít ra nó cũng góp phần “giữ lửa” cho ngòi bút, cho mình, khi đối diện thơ ca:

Đối diện với thơ là soi lại chính mình

Là soi lại bức tranh đời toàn cảnh

Là đi dọc đường chiêm bao đến bờ bản năng-vực thẳm

Con đường dài – mộng thực – con đường thơ…

……

Đối diện với thơ là đối diện với trái tim bên bìa vũ trụ

Là tự sự với tiểu hành tinh trong lồng ngực chúng ta

Trái tim ấy cũng đa chiều theo vòng quay thiên thạch

Mỗi con người bí mật như một tinh cầu xa…

(Đối diện với thơ)

Điều kỳ lạ của vũ trụ này là không có một cá thể nào giống cá thể nào, dù có nhân đôi trong cùng một tế bào. “Tôi” vốn dĩ là một bản thể độc lập. “Tôi” không có một bản sao thứ hai nào khác ngoài tôi, “Vậy thì đừng hỏi vì sao tôi khác anh”. Nếu có tám tỷ người trên hành tinh sẽ có tám tỷ gương mặt và tính cách khác nhau. Chính điều này làm nên tính cách sinh học mạnh mẽ của nhà thơ, từ đó chi phối tinh thần sáng tạo của nhà thơ. Nếu một nhà thơ không xác lập được thể tính độc đáo cá biệt của mình trong thơ, anh ta chỉ là cái bóng mờ lẫn khuất.

Không có hành tinh nào giống hành tinh nào. Không có áng mây nào giống áng mây nào. Không có lá cỏ nào giống lá cỏ nào. Không có dòng chảy nào giống dòng chảy nào. Không có giọt mưa nào giống giọt mưa nào…

Vậy cớ gì ta phải sống lập lại mỗi ngày tẻ nhạt nhàm chán? Có phải chỉ có nhà thơ là kẻ thức nhận sớm hơn điều này để “điên cuồng” thức đợi một ám ảnh gợi nhắc trong từng phút giây chẳng song trùng?

Tôi không phải là một chủng loại cây lai

Là cây san hô sống lạc loài mé biển

Dẫu năm tháng chỉ bạn cùng rong xanh và thủy triều lên xuống

Vẫn điên cuồng thức đợi trăng khuya

(Lời cây san hô)

Tôi lận đận cũng là chuyện bình thường như chuyện núi lửa phun

Như bão cát chẳng có gì kinh ngạc

Mỗi giây đời trái Đất có vô vàn biến cố…

Mỗi biến cố xoay chiều bao số phận nổi trôi…

Tôi sinh ra như đinh đóng giữa đời

Như nhát búa đập vào không gian rướm máu

Tôi trái núi cô đơn nằm lì ngoài hải đảo

Đầu mọc rừng đứng đội trời xanh

(Đời và tôi)

Chính tính cách có phần “ương ngạnh” này là chiếc gai chọc vào mắt những kẻ đố kỵ, luôn tìm cách đẩy nhà thơ ra khỏi vùng ảnh hưởng của miếng mồi danh lợi.

Nhưng thiên chức của nhà thơ không phải loay hoay vói mớ bòng bong sự vụ vô bổ đó. Nhà thơ có một sứ mệnh khác, sứ mệnh tỉnh thức chính mình, thức tỉnh lương tâm thời đại. Dù người đọc không hiểu anh, không cảm thông với anh, anh vẫn tự tin khi gánh trên vai niềm tin về “chân thiện mỹ”. Niềm tin đầy hy vọng có ngày được đón nhận bởi: Cái đẹp của thơ ca là món quà quý, nhà thơ phải truyền được năng lượng tinh thần vào ngôn ngữ và trao lại cho người đọc.

Tôi gánh trên lưng tôi nửa thế kỷ đau buồn

Nửa thế kỷ mộng mơ – si tình – lãng mạn

Gánh khối cô đơn khổng lồ trèo qua năm tháng

Sau lưng còn những vạt nắng tuổi thơ

Nửa thế kỷ sau – phải gánh những bất ngờ

Gánh cái chết khi lội qua bờ hạnh phúc!

Vai gánh – gánh thơ đạp lên đống tro thời đại

Bỗng giật mình – một thế kỷ bâng khuâng…

(Gánh)

Con người vật chất không thoát khỏi ảnh hưởng và sự chi phối của vật chất. Chúng ta có khuynh hướng nghiêng về, đôi lúc quan trọng hóa những điều nhỏ nhặt, mất thời gian với những chuyện vụn vặt. Nhà thơ cũng không ngoại lệ. Nhưng may mắn là nhờ có năng lượng tích cực truyền dẫn, ngôn ngữ thơ ca biết cách bứt phá ngoạn mục để chiếm lấy đỉnh cao của sự của sự toàn bích , khái quát , bao trùm, ôm chứa, vĩnh cửu…; Từ cái lõi có giá trị cực đại đó, thơ không bị thời gian làm gỉ sét và nuốt chửng sau năm năm, mười năm , một trăm năm…

Nhà thơ – Anh chọn chất liệu nào vĩnh cửu để đặt lên bàn cân của mình? Trong tỷ tỷ đề tài như tỷ tỷ món hàng, món nào cũng đáng trân trọng, đáng nâng niu trên “thiên đường mặt đất” này?

Ước gì tôi có cái cân khổng lồ để cân trái đất

Cân vầng trăng và cân các vì sao…

Cân những đống sách do con người đã viết

Cân những đống vàng do lường gạt mà cao

Chỉ có khổ đau không thể đem cân!

Như trời xanh không có đường ranh giới

Và hoài bão của con người cũng không gì cân nổi

Nên trái đất mỗi ngày như cứ nặng thêm…

(Cân trái đất)

Cân trái đất hay cũng là cân nỗi khổ niềm đau kiếp nhân sinh nhỏ bé này; Phóng con thuyền tâm thức ra ngoài ngàn dặm, rốt cuộc cũng chỉ mang về tình yêu thương xoa dịu những bi ai của kiếp người. Nhiều người đọc không thấu cảm được với nhà thơ, đã vội vàng khuyên tác giả hãy trở về mặt đất, quay về với thực tại, ngỡ như nhà thơ chỉ thích nói điều to tát, vô bổ?!

Trên mặt đất ồn ào bụi bặm, nhà thơ đã chọn cho mình bầu sinh quyển khác.Bầu sinh quyển của thơ ca, vượt thoát chuyện “phum sóc buôn làng” hướng cái nhìn miên viễn về phía vũ trụ bao la. Vũ trụ bí ẩn kia như món quà của thượng đế dành cho phẩm cách Thi sĩ. Để tiếp cận được nó, thi sĩ phải giải được bài toán ngôn ngữ thơ ca của chính mình. Đúng là một thách thức, bóc ô số nào có chìa khóa chỉ dấu đến đúng tần sóng âm, để khi tín hiệu phát ra thì người đọc có thể dễ dàng tiếp nhận? Lại là một câu hỏi khó tiếp theo như một sự đánh đố không có hồi kết. Chỉ có tần số của tâm hồn nhạy cảm và rung động mãnh liệt; mới có thể bắt sóng, giao thoa…đón nhận, lý giải và trả về cảm nhận bằng trực giác sắc bén:

Chưa ai biết vũ trụ hình gì…tuổi thọ bao nhiêu?

Tạo rồi hóa ngày và đêm bất tận…

Kiếp người kiếp hoa so le số phận

Thì đừng bảo rằng: Vì sao tôi khác anh…?

(Mù)

Cảm hứng về vũ trụ và sự bí ẩn chính nó là cảm hứng lớn, chủ đạo, gần như xuyên suốt trường thơ, đời thơ Nguyễn Thạnh.Tiếp nối tập thơ “Bài thơ viết bên bìa vũ trụ” là tập thơ “Từ con đường làng đến vũ trụ phẳng”.

Các nhà thiên văn giải mã sự bí ẩn của vũ trụ theo sự tụ – tán; giãn – nở và dịch chuyển của các vì tinh tú.

Các nhà thơ giải mã bí ẩn của vũ trụ theo sự dịch chuyển của ngôn ngữ và độ kết dính của các “proton mỹ cảm” với các “nơtron trực cảm”; Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến độ bền chắc của thơ không tan rã theo thời gian do tài năng của nhà thơ mang lại!

Không cách tân ngôn ngữ, không làm mới thơ theo một hình thức nào, Nguyễn Thạnh viết chân thực bằng trái tim sống chân thành của ông; Bằng sự sâu sắc của cái nhìn mang tính triết lý nhân sinh hoàn mỹ. Ông cho rằng cách tân không khéo chỉ là một sự làm dáng, ỏng ẹo, làm xiếc ngôn từ mà thôi.

Ông không phản đối cách tân, làm mới thơ, tuy nhiên cách tân làm gì khi mà “chắt nước cốt” bài thơ không còn đọng lại gì?

Sống hết mình, sống thật lòng, may ra mới có được câu thơ thật lòng. Vậy nên Thơ ông chỉ có cái lõi, như rút ruột mà viết, không cầu kỳ khuôn sáo, khách sáo…

Chính vì không thích “hoa lá cành”, ít chăm chút cái vỏ bên ngoài, thơ ông đôi lúc thô mộc, “ít thịt nhiều xương”…

Tiếng việt có hai mươi chín chữ cái, đẻ ra muôn vàn ký tự, thiên biến vạn hóa, cho người Viêt Nam cũng như ai yêu tiếng Việt dùng xài.Từ người bình dân đến người sáng tác văn chương đều có quyền làm giàu trên vốn tài sản quý báo vô tận này.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng không tránh khỏi sự trùng lặp, sáo mòn…

Ý thức được điều đó nhà thơ Nguyễn Thạnh đã dụng công sáng tạo, cài đặt một số từ ghép, từ mới trong thơ mình, tránh sự nhàm chán, đơn điệu, nhằm để chuyên chở cảm xúc và tư tưởng trước hết là trong những bài thơ của mình.Bởi có những điều con người muốn nói mà ngôn ngữ đôi khi bất lực.Cần có cách diễn đạt mới.Ví dụ như : vũ không, vũ mộng, siêu mộng, vũ trụ lịch, vũ trụ đế, vũ trụ giáo ,vũ trụ kinh, vũ trụ phố,vũ trụ em, vũ trụ anh, lồng vũ trụ, liên thiên triều, thiên màu , thiên trùng, thiên mộng, thiên hương, thiên đường mặt đất; bìa trái đất, bìa vũ trụ…

Những từ ghép chỉ “dùng nội bộ” trong trường thơ Nguyễn Thạnh.

Có thể còn quá mới mẻ, bạn đọc chưa có điều kiện tiếp cận, tham chiếu , chấp nhận, nhưng sự sáng tạo đó thật đáng ghi nhận…!

Tôi tin rằng những từ ghép của Nguyễn Thạnh sẽ được số đông sử dụng, trở nên thông dụng và xác lập  được bản quyền, một khi người viết có nhu cầu cần thiết !

Trong thơ Nguyễn Thạnh nhiều câu giản dị như câu nói bình thường, không gia công nhiều: “Trước trăng sao con kiến ngồi ngang với thánh thần hà mã”, mà đọc xong phải giật mình.Giá trị của hình tượng thơ là giá trị của sự “quy đổi” (chữ của nhà thơ Phạm Quốc Ca). Nhà thơ có tài là người biết “quy đổi” những cảm xúc thường tình, thành tượng đài nghệ thuật. Vấn đề là “quy đổi” thế nào để hình tượng thơ đó lung linh tỏa sáng mãi trong lòng bạn đọc.

Chính “cái lõi” còn lại của thơ bao giờ cũng chắc thật, luôn có độ vang và sáng có giá trị lâu dài; Có nhiều điều đọng lại để người đọc suy nghĩ, luận bàn, vỡ lẽ về nhân sinh và thế giới quan sâu rộng.

Với niềm đam mê thơ khoắc khoải, trước sau nhất quán, Nguyễn Thạnh luôn luôn sống cho thơ một cách đích thực bởi, “không ai có thể ngăn con đường anh băng sa mạc tìm em”

Chúng sinh làm gì Phật – Chúa vẫn dang tay

Điều quan trọng là hành vi lương thiện!

Nghi thức trần gian do con người tự đặt

Chúa – Phật chỉ cần nghi thức thuận thiên

(Thánh đường – mặt đất)

Con người sẽ đi bằng vận tốc trí tưởng tượng

Nghĩ đến đâu là ta hiện diện ngay ở đấy

(Vũ trụ lịch hay thời đại triệu .O ?)

Sau lưng biển có điều gì chưa nói

Dáng núi ngồi khắc khoải nỗi: trầm luân…

(Trôi)

Những câu hỏi trong thơ ông đặt ra về cuộc sống, về vũ trụ thực chất là câu hỏi khao khát khám phá cội nguồn sự sống; Khám phá tiềm năng đời sống tâm linh huyền diệu; Khám phá trường năng lượng bí ẩn trong mỗi “tiểu hành tinh” con người; Khám phá bản năng sinh tồn mãi mãi bí ẩn không có lời giải đáp…

Suy cho cùng đó cũng là bản chất tự nhiên, không có một “sinh linh” nào từ tâm linh đến vật chất có một “bản xét nghiệm” tuyệt đối…

Bí ẩn tuyệt vời này của cuộc đời chính là cơ hội để cho thơ khởi thủy tìm nguồn. Con người vốn có sẵn thiên tư, huống nữa “ Đã là một nhà thơ, yếu tố thứ nhất là phải có tài và có tình. Sống nhất quán, có khi phải đứng ngoài trái đất để nhìn vào trái đất theo một hệ quy chiếu rất riêng. Nhà thơ đúng nghĩa phải là một giáo chủ có nhiều tín đồ ở mọi thế kỷ”(Nguyễn Thạnh- Tuyển tập một ngàn năm thơ tứ tuyệt Việt Nam- nxb Văn hóa Dân tộc)

Sau thời gian làm người, con sẽ về đâu

Về với đất hay về cõi Chúa?

Trái đất bao giờ Chúa trả về cho lửa

Ngày ấy, con người yêu nhau ở đâu?

(Hỏi Chúa)

Trong lồng vũ trụ có sinh linh nào bất tử?

Nghịch lý cuộc đời xe tang, xe cưới đầy hoa

Nước mắt tuôn trào cũng là niềm vui bất tận…

Số phận con người cũng bí ẩn như vũ trụ phẳng bao la

Sống như thế nào để ta chính là ta?

(Đồng hành cùng vũ trụ)

Tôi – từ trong kinh hoàng mộng tỉnh bước ra

Trái đất vẫn còn nguyên sức hút

Vạn vật ngày đêm hấp dẫn

Sao con người nở đẩy nhau xa?

(Nếu trái đất không còn sức hút)

Nếu trái đất không còn sức hút, thật sự chuyện gì sẽ xảy ra cho cuộc sống con người?

Có phải lực hút trái đất cố kết tình yêu thương nhân loại, hàn gắn và định vị những đổ vỡ tâm linh lẫn vật chất?

Có phải lực hút trái đất kềm giữ nguyên bản tình yêu?

Có nguyên bản tình yêu hay không là câu hỏi lớn nhà thơ Nguyễn Thạnh luôn truy vấn chính mình?

Nếu có – tại sao con người không sống chung thủy với nó?

Nếu không – con người lý giải thế nào khi tự cho mình thuộc hàng đẳng cấp là trung tâm của vũ trụ này ? Một con người viết hoa với đầy đủ phẩm tính quý báu được chắc lọc, hình thành trọn vẹn nhất sau nhiều tỷ tỷ năm mới có được cái thân vật chất tuyệt mỹ như bây giờ. Có thể nói con người là cổ máy tuyệt hảo nhất. Vậy nhưng, nhìn ở mặt nào đó con người vẫn còn những khiếm khuyết “ tâm linh” không gì bù đắp nổi (?)

Khi cái thiện thăng hoa tột đỉnh thì cái ác cũng song hành có nguy cơ kéo đời sống thụt lùi! Nếu có nguyên bản tình yêu đích thực sẽ lý giải được những “nguyên bản khác” bị xô lệch trong trần gian này. Vì sao con người đánh mất mình khi va chạm với đời sống mà ta biện bạch là nhiều cám dỗ? Làm cách nào để ”quy nguyên” trở về nguồn? Lại là một câu hỏi khơi mở mất nhiều thời gian lý giải, rồi chẳng biết có hồi kết hay không?

Tôi muốn gạt hết, quên hết những chuyện bề bộn ở trần gian

Để cùng em ngồi bên bìa trái đất

Hướng về cõi miễn viên…

Tình yêu ơi! Hãy khoác áo mộng mơ

Bằng con thuyền thơ trôi vào vũ trụ

Đi tìm nguyên bản tình yêu và cội nguồn của cỏ

Ta lấy mây trời  gói niềm tâm sự

Vịn tình yêu đi vào mênh mông…

(Bài thơ viết bên bìa trái đất )

Nếu có nguyên bản tình yêu con người sẽ sống với chân giá trị tuyệt đối của mình. Thế giới sẽ thanh bình. Thế giới sẽ cân bằng theo tỉ lệ âm dương hài hòa hợp lý. Nhân loại sẽ thanh bình, lúc ấy “tiểu vũ trụ” và “ đại vũ trụ” sẽ tương giao . Thế giới an lành loài người hạnh phúc.

Vậy nhưng, hình như, ở đâu đó thế giới vẫn bất toàn cho nên nhà thơ tiếp tục hỏi cho nhân loại tự trả lời:

Chỉ có tình Người là vĩnh hằng bất tử

Sao con Người hung dữ để mà chi

Sao con Người thù hận để mà chi

Sao con Người đểu cáng để mà chi?

(Một đời người – một thế kỷ)

V.T