Vui buồn theo “Nhớ Tuân Nguyễn” của Trần Phương Trà

1613

Ninh Giang Thu Cúc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập sách “Nhớ Tuân Nguyễn” tập hợp những bài viết nặng trĩu tình nghĩa gia đình, hoài niệm của bao văn nhân nghệ sĩ, của bao bằng hữu thương tiếc, nhớ nhung một người bạn, một đồng nghiệp, một người thơ mà nếu “…đường đời bằng phẳng cả”… thì với tài hoa, phong vận và nhất là bằng cái tâm nhân ái ấy, chắc rằng văn đàn Việt Nam ở thế kỷ XX đã có thêm một tên tuổi ở đỉnh cao. 

Sóng sông Hồng bỗng xanh màu Đa nuýp

Nhạc bềnh bồng trôi tới các vì sao

Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp

Những con người nước lạ phải lòng nhau

(Tuân Nguyễn – 1962)

Những cơn mưa đầu mùa trải dài suốt mấy ngày đêm trên vùng cư ngụ, khiến khách ly hương ngậm ngùi trong nỗi nhớ quê xa…Từng phiến nhớ len nhẹ vào tâm tưởng; biến thành động thái kiếm tìm – lướt nhẹ một cái nhìn qua giá sách dành riêng cho các tác phẩm của các cây bút đồng hương, tôi dừng lại trước tập sách “Nhớ Tuân Nguyễn” của nhà báo, nhà văn Trần Phương Trà biên soạn. Nhớ lại hồi nhận được cuốn sách (NTN) tôi đã đọc một mạch trong niềm xúc động cao độ, về những oan khiên, những đày ải mà nhà giáo, nhà thơ Tuân Nguyễn đã phải mang vác trong bao tháng năm bơ vơ khổ hạnh trên đất khách cô liêu.

Tập sách tập hợp những bài viết nặng trĩu tình nghĩa gia đình, hoài niệm của bao văn nhân nghệ sĩ, của bao bằng hữu thương tiếc, nhớ nhung một người bạn, một đồng nghiệp, một người thơ mà nếu “…đường đời bằng phẳng cả”… thì với tài hoa, phong vận và nhất là bằng cái tâm nhân ái ấy, chắc rằng văn đàn Việt Nam ở thế kỷ XX đã có thêm một tên tuổi ở đỉnh cao.

Trước khi đề cập đến việc làm của soạn giả Trần Phương Trà, người đọc (NGTC) xin lược dẫn vài nét về thân thế, sự nghiệp của người thơ quá cố (TN) bằng sự cảm thương và lòng quý trọng.

Trước tiên chúng ta biết, Tuân Nguyễn có tên khai sinh là Nguyễn Tuân, nhưng vì tôn trọng tác giả “Vang bóng một thời” nên anh đổi lại là Tuân Nguyễn, và lấy tên hiệu này làm bút hiệu luôn.

Là một thanh niên trí thức, anh đau đớn trước họa xâm lăng của thực dân Pháp dày xéo Tổ quốc thân yêu, nên đã “Giã nhà đeo bức chiến bào”(*) vào ngày 1-6-1950 gia nhập Vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 101 hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào.

Năm 1952, anh làm công tác tuyên huấn ở Trung đoàn Trung Lào; cuối năm 1953 bị bệnh nặng phải đi an dưỡng ở Đại đội 33, Tiểu đoàn 44 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4, sau đó được đưa về Ty thương bệnh binh Hà Tĩnh. Sau hiệp định Geneve, được Ty thương binh Hà Tĩnh cho đi học khóa 1, Đại học sư phạm Văn khoa Hà Nội (1954 – 1957) tốt nghiệp được bổ nhiệm về dạy môn văn học cấp 3 của trường phổ thông dành cho học sinh miền Nam tại Hà Đông.

Năm 1960, được điều về làm biên tập viên chương trình Tiếng Thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.

Ngày 21-10-1964 bị bắt tại cơ quan (Đài TNVN) và bị đưa đi các trại ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Trong 9 năm 7 tháng, đến khi được trả tự do, giấy phóng thích ghi “Giam giữ không có án”.

Ra khỏi trại giam về lại Hà Nội, Tuân Nguyễn trở thành kẻ vô gia cư (vô nghề nghiệp?) phải xin đánh verni cho các tiệm thợ mộc, và đi đổ thùng vệ sinh ở ga Hàng Cỏ.

Bạn bè trong giới văn nghệ như Phùng Quán, Thái Vũ, vợ chồng Tạ Vũ, Phan Ngân Giang, Xuân Đài, Hồng Thắng… đều thương cảm xót xa, đã cùng anh sẻ chia, an ủi từ tinh thần đến vật chất, nhưng chỉ đỡ ngặt chứ làm sao thoát khổ được, khi mà đời sống của mỗi người còn quá khó khăn trong giai đoạn mà tất cả mọi lương thực, thực phẩm, và mọi nhu cầu thiết yếu, đều được giải quyết bằng tem phiếu. Tuân Nguyễn sống lây lất bằng sức lao động, bằng nỗi bi phẫn của một thân phận đầy nghiệp chướng oan khiên.

Tài sản làm vốn cầm tay của anh là vài ba trăm bài thơ mà đa số do bạn bè cất giữ, một bản thảo tiểu thuyết vừa viết được hai chương phải dừng lại bởi cuộc lưu đày không tội trạng, một tủ sách văn học, đa số là ngoại văn, bởi anh giỏi các ngoại ngữ Anh, Pháp, Hán. Anh đọc các tác phẩm văn học nước ngoài bằng nguyên bản, tủ sách này khi anh đi tù, đã được nhà báo Trần Phương Trà và Cao Đức Cẩn cất giữ cẩn thận. Anh đặc biệt mê Dostoievski và tôn thờ thần tượng này cho đến chết, sự say mê này đã được nhà văn, nhà thơ Phùng Quán kể rõ ở “Người bạn lính cùng tiểu đội” in trong tập “Ba phút sự thật” và đã góp mặt trong tập “Nhớ Tuân Nguyễn”.

Trong những năm tháng lao lý ấy, có một người bạn nghĩa tình đã tiếp tế cho anh một món ăn tinh thần đúng khẩu vị Tuân Nguyễn – đó là cuốn từ điển Nga – Việt. Chính nhờ cuốn từ điển ấy mà anh có thêm một vốn liếng ngoại ngữ nữa, để đọc và dịch cuốn truyện viết về loài vật của nhà văn Gavriie Troepolxki mà nhà xuất bản Kim Đồng đã cho in nhiều lần từ 1983. Văn học Nga là niềm say mê lớn của Tuân Nguyễn.

Về mảng thơ của anh, nhà báo Trần Phương Trà đã sưu tầm từ các báo ở Hà Nội, và từ các sổ tay hay trí nhớ của các bạn, từ những di cảo, thủ bút của tác giả, do phu nhân của nhà văn Phùng Quán (chị Bội Trâm) cất giữ, đã giúp bạn đọc thấu hiểu – ở Tuân Nguyễn một hồn thơ rộng mở, anh yêu đất nước quê hương, yêu đồng bào đồng loại, yêu cái đẹp với một tấm chân tình trong trẻo, một niềm tin trong sáng, ta đọc ba khổ thơ trong mười một khổ, ở bài “Gửi một nhà thơ” để minh chứng:

… “Tôi đọc thơ anh bên ngoài cửa sổ

Có tiếng đùa chơi con trẻ chạy trong vườn

Lòng bỗng xanh màu xanh trời xứ sở

Mười mấy năm nay nắng rải các phương đường

Ai lại không yêu những tiếng cười ấm áp

Những tiếng ngô rang bên bếp lửa gia đình

Tôi cũng như anh có ít nhiều nước mắt

Nhưng cũng như anh cất tiếng hát chân thành

 

Càng quý kẻ không may vẫn cười vẫn hát

Thương những người xưa nhảy xuống dòng sông

Hay buông lỏng tay trong những vũng bùn

Vì mất cả lòng tin vào hạnh phúc”

(Gửi một nhà thơ – Tuân Nguyễn)

Đây là bài thơ tác giả viết tặng Chế Lan Viên khi nhà thơ này vừa in tập thơ “Ánh sáng và phù sa”. Một tấm tình như thế, chúng ta có quyền khẳng định là Tuân Nguyễn không đời nào làm điều gì, viết cái gì xấu xa, bởi qua lăng kính của nhà thơ này, ai ai cũng thật dễ thương, tác giả đã trân trọng mọi người và chia sẻ, cảm phục “Những kẻ không may vẫn cười vẫn hát” và tưởng niệm bao danh sĩ như Khuất Nguyên, Lý Bạch xa xưa đã tìm quên sự đời dưới sóng nước trùng khơi. “Thương những người xưa nhảy xuống dòng sông/ Hay buông tay trong những vũng bùn/ Vì mất hết niềm tin vào hạnh phúc…” đó là những tứ thơ đẹp, ý tưởng súc tích, cảm thông với mọi số phần.

Trong không gian thơ, anh tung hoành ở mọi thể loại, mọi chủ đề, có những tứ thơ, ý thơ rất mới đi trước xu hướng thời đại, như bốn câu thơ tài hoa mà tôi trích làm đề từ cho bài viết này, đó là bài “Nghe nhạc Johann Strauss” vào thập niên 60 của thế kỷ trước anh đang sống ở Hà Nội mà viết như vậy. Thảo nào…

Về kỹ năng thơ phú, anh từng là thầy dạy của Phùng Quán về niêm luật Đường thi khi hai người cùng ở một đơn vị.

“Nhớ Tuân Nguyễn” soạn giả Trần Phương Trà đã sưu tầm được một chùm thơ Đường luật thất ngôn bát cú, viết về danh nhân văn hóa, điển hình như Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du… Đặc biệt với Tố Như tiên sinh, anh có đến 15 bài, mỗi bài chỉ bằng 56 từ, anh đã bình luận tính cách của nhân vật chính, phụ mà cụ đã dày công gầy dựng trong tác phẩm thơ nôm vô tiền khoáng hậu: Truyện Kiều, trước tiên ta nghe anh:

Khóc Nguyễn Du

Lật giở trang Kiều nghĩ trước sau

Bao nhiêu câu đẹp bấy câu đau

Thương Kiều lận đận nhiều ê chệ

Khóc cụ lao đao lắm dãi dầu

Trong sạch trăm người đều muốn cả

Thấp hèn lắm kẻ đã ưa đâu

Bởi vì sự thế nên đành thế

Cụ đó Kiều đây giá vẫn cao

(Tuân Nguyễn, 1969)

Tôi hoàn toàn không có ý vô lễ khi ví vọng, đánh đồng so sánh kẻ hậu sinh với bậc tiền bối tác gia của nền văn học Việt Nam và thế giới, mà tôi chỉ ngậm ngùi tự hỏi là Tuân Nguyễn khóc Du hay tự khóc mình?! Vì rằng khi nói về tên quan xử kiện Kiều (cha Thúc Sinh kiện) Tuân đã viết:

“Án iếc sao mà lại thế ni

Chẳng cần xét xử chẳng điều quy”…

Hay ở bài: Đàn Kiều

Tiếng đàn lưu lạc bấy nhiêu năm

Xé ruột đời sau khúc bổng trầm

Đâu chỉ đau duyên tình đứt đoạn

Mà còn khóc phẩm giá thành câm

Tấm lòng trinh bạch không đường giữ

Chút nghĩa thanh cao khó thể cầm

Tan nát một đời đành đã vậy

Riêng thương phím máu trước Kỳ Tâm

1969

Trên đây là vài bài thơ tiêu biểu trong 15 bài thơ viết về “Truyện Kiều” mà Tuân Nguyễn đã làm trong những tháng năm tù đày lao lý. Anh làm bài nào là cố học cho thuộc lòng chứ làm gì có điều kiện chép thành văn bản, từ 1965 đến 1973 anh đã làm 213 bài thơ nhiều thể loại, để ký thác tình và sự cùng với tri kỷ tri âm. Một người bạn thuộc rất nhiều thơ Tuân Nguyễn, đó là anh Bùi Xuân Tấn và điều đặc biệt là anh Tấn cũng thuộc nằm lòng mà không chép thành văn bản, sau này một người bạn chung của Tuân Nguyễn và Bùi Xuân Tấn yêu cầu nhiều lần Bùi Xuân Tấn mới chép 20 bài trong đó có 15 bài viết về truyện Kiều. Song có lẽ do thời gian và tuổi tác, sức khỏe, nên anh Tấn đã quên một số câu, và sai một số từ, và có một số câu thất niêm luật và các bài “Xã hội truyện Kiều”, “Thúy Vân”, “Thúc Sinh” đều mất cặp kết, tiếc làm sao!

Bởi bài viết này không phải là bài thơ bình nên không đào sâu về bút pháp, tư tưởng chủ đạo trong thơ Tuân Nguyễn, mà chỉ xin điểm đôi chút vậy thôi.

Sau những tháng năm lao lung cực nhục, từ thể chất đến tâm hồn, bỗng nhiên có một bàn tay nhân ái chìa ra, như một chiếc phao cứu nạn dìu anh từ cõi mênh mang của đêm đen cô độc về bến bờ yêu thương hạnh phúc, thứ hạnh phúc vàng sánh màu mật ong cuối hạ. Đó là sự xuất hiện của một người đàn bà – như một nửa linh hồn của Tuân Nguyễn bấy lâu thất lạc. Người đàn bà làm thơ, chơi nhạc, có tên gọi Phương Thúy đã tìm đến nơi anh cư ngụ – đó là mái nhà đầy ắp nghĩa nhân của người bạn trẻ: Phan Ngân Giang, mái nhà mà nói theo cụ Nguyễn Công Trứ trong “Hàn Nho Phong Vị Phú”, “… bóng nắng rọi trứng gà trên vách… … hạt mưa xoi hang chuột trong nhà…”. Thế nhưng, chính nơi đó là tổ ấm của một tình bạn bất vụ lợi của Giang – Tuân và một tình yêu đầy chất nhân văn lãng mạn của Tuân – Thúy. Họ đã nên vợ nên chồng, trong mảnh không gian chật chội dột nát, và trong sự chứng kiến của người bạn dễ thương – Phan Ngân Giang vào cuối năm 1974.

Cưu mang, đùm bọc, sẻ chia, đoàn kết lúc khốn khổ hiểm nghèo là thuộc tính riêng của dân tộc Việt Nam, cho nên chẳng lạ gì khi vợ chồng Tuân – Thúy ra riêng – về túp lều hạnh phúc nhỏ bé chật chội, ở ngõ vào ga Hàng Cỏ – tất cả bạn bè đều chung tay vun vén, sắm sửa mọi thứ cho vợ chồng anh, sau khi nhận được tấm “thiệp thơ báo hỷ” bằng thể bảy chữ, tám câu của Tuân Nguyễn.

Bốn mươi tuổi, Tuân Nguyễn mới lập gia đình, trong hoàn cảnh thất cơ lỡ vận và Phương Thúy về nhà chồng, mà của hồi môn chỉ bằng một trái tim dâng hiến khách tình quân.

Tưởng rằng niềm hạnh phúc muộn màng nhưng rất “môn đăng hộ đối” (riêng với hai vợ chồng) này là một sự cứu chuộc của “đời” để hóa giải, để bù sớt cho nỗi bất công mà lứa đôi đã từng cam chịu… nào ngờ, một tai nạn thương tâm đã chấm dứt nhịp đập của trái tim đa cảm nhân hậu, trên miền đất hứa (TP HCM) mà vợ chồng anh dắt díu tìm vào sau ngày đất nước được giải phóng. Anh ra đi trong nỗi thảng thốt bàng hoàng của bao người thân sơ mến mộ, và nỗi đau đớn tột cùng của người vợ tao khang mới qua chín mùa hương lửa (1974 – 1983). Lời nói cuối cùng của nhà thơ nhân hậu Tuân Nguyễn là nhận hết lỗi về mình để người gây ra tai nạn khỏi bị tội tù.

Nhà báo Trần Phương Trà, là bạn đồng hương, đồng nghiệp, cùng công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam với Tuân Nguyễn, đã ra công tìm kiếm, sưu tập một số tư liệu về văn nghiệp của anh, và những bài viết về anh của tất cả bạn bè, học trò và người thân của Tuân Nguyễn để in thành tập “Nhớ Tuân Nguyễn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2008. Đó là một việc làm cần thiết, là một nghĩa cử đẹp vô vàn, là một nén tâm hương hoài niệm cho một tình bạn giữa Tuân Nguyễn và soạn giả, giữa bao bầu bạn gần xa, đối với Tuân Nguyễn – một nhà giáo một nhà thơ mà nói theo giáo sư Cao Xuân Hạo: “Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng vai trò này. Khi có ai đó kêu lên “Trời ơi! Sao mà tôi khổ thế” thì nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.

Xin mượn câu nhận xét của Giáo sư Cao Xuân Hạo để đóng lại những dòng vui buồn qua bài viết này.

Xin vô cùng cảm ơn nhà báo Trần Phương Trà, bởi nhờ ông với tập “Nhớ Tuân Nguyễn” mà mọi người được bày tỏ lòng tiếc thương với người quá cố qua công trình rất tình người tình bạn của ông.

Bài viết này như một nén tâm hương Nimh Giang Thu Cúc xin kính cẩn vọng gửi đến nơi yên nghỉ của nhà thơ Tuân Nguyễn, xin gửi đến người quả phụ có tên Phương Thúy lời chúc bình an.

N.G.T.C