Vùng biển lặng – Tạp bút của Lương Văn Duyệt

892

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tự tu dưỡng vốn tri thức bản thân mỗi con người bằng nhiều cách thức: Từ trường lớp, từ sách báo; hoặc từ các thiết bị công nghệ số hiện như: Máy tính, ti vi, điện thoại.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Chỉ được coi là: “Chay”. Nếu không được trải nghiệm sinh động từ thực tế cuộc sống, tôi chưa đủ điều kiện vật chất để thực hiện những chuyến du lịch xuyên Đông Dương như vốn đã được đi. Chuyện du sơn ngoạn thủy đó đây cho thỏa chí tang bồng hồ hải của các cao nhân, mặc khách (theo cách nói cũ người đời dành cho văn nghệ sĩ), với tôi lại càng là thứ xa xỉ, phù phiếm. Ấy vậy mà tôi lại có được bởi đơn giản chỉ là thi hành nhiệm vụ một công dân đối với đất nước, quê hương. Số phận thật cưng chiều cho sở thích, cho sự lựa chọn may mắn ngẫu nhiên mà tôi có được. Lúc còn trẻ tôi được làm lính của một đơn vị cơ động tinh nhuệ trong kháng chiến dành lại đất nước rồi bảo vệ tổ quốc. Nay được kéo lên biên giới, mai lại được tung ra ngoài hải đảo, còn làm nhiệm vụ quốc tế với các nước láng giềng. Giờ đây! Cùng đi với đoàn của Hội văn học bằng tàu thủy cao tốc thành phố đảo Phú Quốc; chỉ một cây bút trong tay mà tôi thấy nặng hơn cả vác pháo bộ hành vượt Trương Sơn những năm xưa cũ.

Mỗi lần đứng trước biển, trước không gian mang mang: cái cảm xúc như sóng xô bất tận về sự hy sinh vô bờ bến, về trí tuệ tuyệt luân cho cái không gian sinh tồn nòi giống của quốc tổ Lạc Long Quân với quốc mẫu Âu Cơ, cùng các con: Vợ lìa chồng, con xa cha mẹ, anh em cách trở. Buổi bình minh của dân tộc đã thực hiện cuộc đại chia ly để khẳng định chủ quyền nước non biển đảo! Mãi tới thế kỷ 17, khi nền văn minh Phương Tây phát triển, người ta mới nhận định: nguồn sống trong tương lai của nhân loại là đại dương. Việc này đã được tổ tiên Âu Lạc ta nhìn thấy và thi hành hàng nghìn năm trước Công Nguyên kia. Giữa nơi đất liền giao hòa với biển cả; từ mạch đập con tim mọi thứ đều rõ ràng, những nhu cầu thiết yếu làm nên sự sống một con người: thành máu thịt, thành xương tủy từ hai phía. Nó đã được tổ tiên ta khái quát, cô đặc thành cái triết lý sống qua truyền thuyết kể trên. Thế giới chỉ có Việt Nam có ngày Quốc giỗ! Thế giới chỉ có Việt Nam trong mâm cơm gia đình hay trên bàn tiệc, có bát nước mắm dùng chung cho nhiều người, nó mặn mà thấm đậm vị biển làm sao. Hẳn mọi người còn nhớ, nhất là những người sống ở Tây Nguyên lại càng nhớ. Dân làng theo anh hùng Núp đi kháng chiến thiếu muối, thiếu vị biển. Được nhà văn Nguyên Ngọc lột tả bằng những ngôn ngữ chính xác và đắt giá: “Những đôi mắt trắng phờ, trắng dại…” Hiện giờ trong bếp ăn của dân thường tối thiểu phải có các hũ, túi đựng muối, chai mắm, đôi khi là vại mắm, lọ tương, cá kho mặn, bịch moi, gói tép khô từ biển. Người ở biển thì đựng đâu cũng thấy những thứ từ nguồn cuội núi rừng, đồng ruộng. Lớn là những con tàu vươn khơi, đi lộng, nhỏ là bao gạo, bó củi mang theo. Còn thứ không thể thiếu là bồn, là lu, là khạp nước ngọt thường dùng.

Nhìn lại đất liền dìu dịu khói mây danh lam Hà Thị mộng mơ, huyền thoại Sông Tiên, có bến Tô Châu ngược xuôi hai lối. Lối về hồ Nước Mặn nhận nguồn từ kênh Vĩnh Tế, lối xuôi nguồn đưa từ nước tới biển tây. Cái bến phà như nhịp phách đã dừng của quá vãng, giờ đây đã lưu vào hoài niệm, song hành bước chinh bôn của người lính tôi xưa. Từ lãng Mạc Cửu đến Mũi Nai lật sang Thạch Đông; thốc ra hải thôn biển ấp Việt Nam quét hẳn bọn diệt chủng áo đen về bên kia Sa Sía. Tưởng mới sớt qua mà đã hơn bốn mươi năm vụt thoảng. Với người dân, với đồng đội; kẻ mất người còn, cái tang thương đó mãi chẳng nguôi ngoai. Cho dù diện mạo Hà Tiên giờ đây đổi khác, khang trang hiện đại, ví như cuộc hải viên dâu bể đang mờ xa rồi khuất bóng mây mưa.

Tàu cập bến! Tung chân lên đảo Ngọc với tứ bề sóng bạc, giữa muôn trùng xanh ngút đại dương. Tại nơi đây những bộ óc siêu việt trên hành tinh và trong khu vực đã tìm được đất diễn để thăng hoa, để thể hiện. Hòng biến nó thành xứ bồng lai giữa biển trời hạ giới. Bằng những công trình vui chơi giải trí, bằng những khu nghỉ dưỡng hiện đại tân kỳ, đã cho ta cảm nhận hết cái thắng cảnh nước giàu như nước vọng mà ông bà ta khao khát đặt tên Phú Quốc. Nó đang như một tiếng mồi ngồn ngộn phơi bày; ngon ngậy thơm lừng, dẫn dụ hút hồn những kẻ tham lam bá đạo hau háu khát thèm. Hãy còn nguyên trong đó nhà tù Phú Quốc như một ổ cứng bất chấp thời gian, với đầy đủ những chứng tích, những cực hình man rợn từ bọn tay sai bán nước giành cho những chiến sĩ cách mạng. Nó tiêu biểu cho cuộc kháng chiến giữa thiện và ác, tương phản giữa nhân văn với hắc ám, giữa yêu nước và bán nước. Đã có lúc chúng biến nơi này thành địa ngục. Là con dân việt không ai được phép lãng quên! Quan hệ nhân quả bất biến với số phận những quân vong quốc kẻ sâu dân đục nước béo cò. Những nhân chứng sống một thời và những công dân chân chính xin cứ bình tâm suy ngẫm.

Nơi địa linh này, đã quy tụ về đây khí phách núi sông bằng cả một hợp thể tín ngưỡng linh thiêng và trường cửu. Theo truyền thuyết về Dinh cậu: Việc thờ cúng ở đây có nguồn gốc liên quan đến tục thờ mẫu của người Việt từ thuở khai sơn lập thủy phương này. Trông quần thể còn có Dinh Bà! Ta nâng niu cái pha trộn văn hóa thành tín ngưỡng đặc trưng hợp lập, có sự liên kết giao thoa giữa Kim – Chăm và Khơ Me. Dãi đều Phú Quốc phải kể đến là đền thờ Nguyễn Trung Thực là nghĩa trang các anh hùng liệt sỹ. Nơi hội tụ lại cả hệ thống thánh phủ, đền đài linh hiển tại chùa Hộ quốc. Ở thế: “Tọa sơn quan thủy”, bóng dáng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng thần dân lồng lộng nơi biển trời truyền tụng là: Những tàu thuyền ở ngoài cửa biển gặp dông bão dễ bị vỡ nát đắm chìm, còn vào trong vùng che chở của Dinh Cậu thảy được bình an. Điều thần kỳ ở chỗ: hiện tại bất kỳ người nào còn ở Phú Quốc thì vô sự, họ chỉ mắc Covid khi rời khỏi nơi đây. Từ đó càng củng cố đức tin của dân chúng, càng tô thêm sắc màu huyền thoại lung linh Đảo Ngọc. Khí thiêng linh hiển chặn đứng đại dịch Covid lan tràn khắp thế giới mà chẳng thể mon men; cho dù trước đó Tây Tàu triệu lượt ghé qua. Những người du lịch tâm linh về điểm này họ thấu hiểu hơn ai hết. Với tôi đó chính là Quốc hồn, Quốc túy! Là tinh thần bất khuất của dân tộc được hiển tụ tại nơi đây mà khoa học còn nợ lời giải thích vậy thôi.

Mỗi bước đi trên đảo đều thôi thúc, nhắc nhở ta ý thức sinh tồn như loại phản xạ có điều kiện cho mỗi con người trên đất nước này. Đến với cơ sở nuôi cấy, sản xuất ngọc trai. Nghe thuyết minh trên lý luận và thực tiễn khoa học để có những viên ngọc vô cùng quý giá. Tự nhiên ta thấy vượt lên tất cả là bài học cảnh giác từ buổi đầu dựng nước, bài học đổi bằng vận mệnh quốc gia, bằng máu của gia đình, của quốc dân. Không! Dứt khoát ngọc trai được tạo ra từ dòng máu của Mỵ Châu, từ lòng yêu thương thành thật của con người. Dù bị lợi dụng đến trái ngang, can khuất, bi thương. Đau đớn kiết tinh sáng trong như ngọc.

Tấm lòng người Việt là vậy! Đau gì bằng luôn phải dè chừng với người kề cận, về vườn sim chưa kịp nếm cái vị cay nồng, đượm ngọc rất đặc trưng của rượu sim Phú Quốc; đã nghe đắng chát giọng ngâm của thi hữu cùng đi cái bài thơ của Hữu Loan vườn sượt buồn. Thương quá từng con người Việt Nam, có mấy khi không có hy sinh mất mát. Có thể do lớp người chúng tôi vốn quen với nếp sống luôn xác định trách nhiệm. Nên đi tới đâu, nhìn vào sự vật, sự kiện gì cũng nảy ra những dự cảm, những liên tưởng, tư duy và cũng có thể ai đó cho rằng chúng tôi cứ chính trị hóa mọi chuyện kể cả văn chương. Nhưng tôi chắc rằng những gì tôi đã và sẽ nói ra không thành thừa thãi. Hiện giờ đang biển lặng sóng yên, nơi đảo ngọc này đang từng ngày, từng giờ thay đổi da thịt, vươn lên tốp đầu của ngành công nghiệp không khói.; tự làm giàu mình để trở thành kho báu quốc gia. Thú vị vô cùng khi đoàn chúng tôi toàn những con người, những công dân thường ngày làm cột mốc sống nơi biên cương, với rừng xanh, núi thẳm, đang đi tìm lại mình chốn hải đảo xa khơi.

Mong những tháng ngày bình yên cho những cánh chim hải âu thảnh thơi bay lượn, những chú mòng biển theo tàu sải cánh tự do và chúng tôi ước ao được nhiều lần trở lại. Con tàu nằm hướng đất liền rẽ bước băng băng. Giữa biển trời mênh mông thực thể, trực quan; dẫn dắt ta tìm đến cái mênh mông nơi triết lý nhân sinh của các vị đại trí, đại dũng. Các vị nhân bậc thầy nhân loại. “Tất cả các nguồn nước được hợp lưu ở đây mà không làm nó đầy”. “Tất cả các nguồn nước từ đây chảy đi mà không làm nó vơi”. Nghe thấy vi diệu làm sao! Và đây nữa Lão Tử uyên thâm vô cùng người nói; “Đạo so với thế gian như biển cả so với sông ngòi”. Chẳng biết những uyên thâm, vi diệu ấy đã đi đến nhân loại đẹp đẽ nhường nào. Chỉ thấy hiện giờ cái lưỡi bò khổng lồ đang liếm láp gần hết biển Đông mà cả loài người đều rợn gáy, Đạo mà Lão Tử nêu ở trên chắc hẳn là Công Ước quốc tế của hôm nay…

Biển ngoài miền trung đang nổi bão, dậy giông, dân Miền Trung đang kiệt sức, ngụp lặn nổi chìm trong cơn hồng thủy. Tôi bỗng thèm thuồng muốn thấy lại ngày rời xa vùng đất cuối trời khi xưa, được ngập tràn vàng ngợp màu nắng tịch liêu không cũ.

Hà Tiên, ngày 20 tháng 09 năm 2020

L.V.D

(Hội VHNT Đắk Nông)