Chức năng giáo dục của nghệ thuật bao trùm lên toàn bộ đời sống của con người, trong đó có việc xây dựng và cải tạo, giúp con người hướng đến những giá trị thẩm mỹ, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Chức năng giáo dục là một “mặt cắt” trong số đa chức năng của khối ngọc bích nghệ thuật, bên cạnh các chức năng khác như nhận thức, đánh giá, sáng tạo, giao tiếp, giải trí… Chức năng giáo dục của nghệ thuật mang trong mình một nội hàm khá rộng, bao gồm nhiều nội dung như: giáo dục các quan điểm thẩm mỹ đúng đắn; giáo dục khả năng cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật; giáo dục xúc cảm thẩm mỹ dựa trên tiêu chí cơ bản chân – thiện – mỹ; giáo dục các thị hiếu lành mạnh, giáo dục lý tưởng thẩm mỹ; giáo dục đạo đức trong tình yêu, tình bạn, quan hệ cá nhân và xã hội, dân tộc, Tổ quốc… Có thể xem tất cả nội dung giáo dục này đều quy về một mục tiêu, đó là giáo dục nhân cách.
Tác động trực diện đến người xem
Ở lĩnh vực biểu diễn như sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật chính là ngôn ngữ của nghệ sĩ, là kênh thông tin để nghệ sĩ truyền tải những thông điệp của mình đến với công chúng. Không ở đâu mà hình tượng nghệ thuật được phản ánh một cách sắc nét, vừa tình cảm vừa lý trí, vừa cảm tính vừa cụ thể và có tác động trực diện đến người xem như sân khấu, điện ảnh.
Sức mạnh của phim ảnh có lẽ không cần bàn nhiều vì độ lan tỏa, không chỉ bó hẹp trong một quốc gia mà còn phủ trùm cả thế giới. Nền điện ảnh Việt Nam tuy non trẻ, nhỏ bé song cũng từng có những bộ phim điện ảnh tạo được sức hút rất lớn: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ván bài lật ngửa”, “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Vùng gió xoáy”, “Vị đắng tình yêu”, “Đời cát”, “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em chưa 18″…
Nhờ tính phổ cập, sự tác động của phim truyền hình còn mạnh mẽ hơn nữa với những bộ phim lưu dấu trong lòng người xem: “Người đẹp Tây Đô”, “Đất phương Nam”, “Dòng đời”, “Ngọn nến hoàng cung”… Gần đây là những bộ phim ăn khách của truyền hình phía Bắc: “Về nhà đi con”, “Cả một đời ân oán”…
Ở sân khấu, tuy không gian nhỏ hẹp song tính tươi mới, trực diện và gần gũi của sàn diễn cũng đem lại những tác động mạnh mẽ không kém đến tình cảm của công chúng. Không chỉ có “văn dĩ tải đạo” mà sân khấu cũng tải đạo như tâm nguyện cả một đời làm nghề của cố NSND Bảy Nam – linh hồn của Đoàn Kịch Kim Cương, trải dài suốt nhiều chục năm ở Sài Gòn – TP HCM. Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, những thông điệp kêu gọi cách sống bao dung, tình người, ca ngợi cái tốt, lên án cái xấu trong các vở kịch của sân khấu Kim Cương như “Lá sầu riêng”, “Bông hồng cài áo”, “Trà hoa nữ”, “Dưới hai màu áo”… vẫn thấm đẫm trong trí nhớ người xem, không chỉ cung cấp cho họ đôi nét kiến thức về bối cảnh của một thời mà còn hướng họ đến những giá trị cơ bản chân – thiện – mỹ để làm một người biết sống tử tế.
Nói đến tác động của sân khấu, trước hết phải nói đến những vở cải lương, vở kịch về đề tài lịch sử. Từng có một thời vàng son của sàn diễn này với những vở như “Tiếng trống Mê Linh”, “Câu thơ yên ngựa”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Muôn dặm vì chồng”, “Rạng ngọc Côn Sơn”… – không chỉ lấy chuyện xưa nói chuyện nay mà còn qua gương hiền nhân, bồi đắp cho người xem lòng yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm với nước non. Mới đây, vở kịch “Tiên Nga” của Sân khấu Kịch IDECAF với trên 32.000 lượt người xem chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm (với 49 suất diễn), lần nữa cho thấy lực hút của những hình tượng đẹp trên sân khấu. Sau khi xem, qua trang cá nhân, rất nhiều người đã viết bài cảm nhận về sự rung cảm của mình trước những nhân vật đề cao đạo làm người, lan tỏa mạnh mẽ tình yêu đất nước.
“Dạ cổ hoài lang” – một vở kịch của Nhà hát Kịch 5B chỉ có 4 nhân vật với cốt truyện giản dị, thấm đẫm tình người, tình cảm đối với quê hương… – đã đi vào lịch sử kịch nói Việt Nam với trên 1.000 suất diễn, tuổi thọ trên 20 năm.
Với tiêu chí đào sâu những phận đời thấp bé trong xã hội, có lẽ không nơi nào luôn có những vở kịch đem lại cho người xem nhiều day dứt giữa hai phạm trù tốt – xấu, thiện – ác như ở Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh.
Đối tượng của nghệ thuật vừa là quan hệ con người với thế giới vừa là chính bản thân con người với tất cả các mặt của nó như tâm lý, tình cảm, đạo đức, tư tưởng xã hội. Chức năng giáo dục của nghệ thuật vì thế cũng bao trùm lên toàn bộ đời sống của con người, trong đó có việc xây dựng và cải tạo, giúp con người hướng đến những giá trị thẩm mỹ, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Cảnh trong vở “Bàn tay của trời” trên Sân khấu Kịch nói Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Đối xử với nghệ thuật còn ơ hờ
Thế nhưng, nhìn lại những gì thành phố chúng ta lâu nay đối xử với nghệ thuật, quả thật còn ơ hờ so với những gì mà nó xứng đáng được có. Việc sản xuất phim gần như đã hoàn toàn trao về tay tư nhân với mục tiêu trước hết là lợi nhuận, trong khi một nền điện ảnh với những tác phẩm tầm cỡ mang tính nghệ thuật cao cần sự chủ động và hỗ trợ từ nhà nước thì ngày càng vắng bóng.
Ở lĩnh vực sân khấu, các đơn vị nhà nước ít ỏi còn lại gần như chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không làm ra được những sản phẩm đem lại lợi ích tinh thần cho công chúng. Những sàn diễn xã hội hóa được khán giả yêu thích lại phải luôn vật vã với bài toán thu – chi khi mà tất cả điều kiện vật chất đều phải tự bỏ tiền túi, không được sự hỗ trợ nào của các cơ quan có trách nhiệm. Trong khi các rạp diễn có sẵn, để lại sau năm 1975 hầu hết đều đã bị xóa sổ, chuyển đổi công năng, trở thành những địa điểm thương mại thì sàn diễn phải chạy vạy thuê mướn mặt bằng, phải bù lỗ hoặc ăn đong từng ngày.
Chuyện này đã diễn ra từ rất lâu, từng được NSND Hồng Vân đưa ra trong các kỳ họp HĐND TP HCM mà chị là đại biểu. Đến nay, dù hết nhiệm kỳ đã lâu nhưng những gì chị kiến nghị vẫn còn là… những kiến nghị. Và những sàn diễn vẫn tiếp tục lây lất với những lo toan và nơm nớp không biết chừng nào thì “thân tàn sức kiệt”, dẫu rất tâm huyết với lý tưởng làm nghệ thuật để truyền tải “vương quốc bao la của cái đẹp” (Hegel) cho công chúng, là “hoạt động mỹ hóa” (Lỗ Tấn), để con người biết sống tốt, sống có nhân cách.
“Văn dĩ tải đạo”
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã có câu “văn dĩ tải đạo”. Văn học – nghệ thuật không chỉ là vũ khí chống cái ác, cái xấu mà còn là tấm gương, như GS Lê Trí Viễn từng nói lúc sinh thời: “Văn học là tiếng nói của một thứ đạo lớn nhất ở Việt Nam, là đạo yêu nước thương dân”, hay như lời nhắc nhở của nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than…”. Những người làm nghệ thuật phải có trách nhiệm của một nghệ sĩ đối với cuộc sống và sứ mệnh xây dựng nhân cách.
Theo Người lao động