Xem phim “Ngày họ giết cha tôi” nhân ngày 7-4

1567

Phạm Sỹ Sáu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhân kỷ niệm 41 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia, tôi tình cờ xem bộ phim truyện dài hơn 130 phút do nữ diễn viên Angelina Jolie làm đạo diễn.

Cảnh trong phim “Ngày họ giết cha tôi”

Phim có tựa tiếng Anh là “First They Killed My Father” (tên phim tiếng Việt là “Ngày họ giết cha tôi”(*)) được dựng theo cuốn tự truyện của nhà hoạt động nhân quyền Campuchia Loung Ung, do chính tác giả và diễn viên Angelia Jolie viết kịch bản.

Câu chuyện kể về gia đình gồm tám người của một đại uý quân đội chính phủ Lon Nol có tinh thần dân tộc, muốn hòa hợp hòa giải để xây dựng đất nước. Nhưng ngay trong ngày 17-4-1975 khi thấy những hành động của quân Pol Pot tiến vào Phnom Penh, ông đã chợt tỉnh ngộ, giả danh làm công nhân cùng gia đình rời khỏi thành phố.

Trên đường rời nhà họ đã bị Angkar (tổ chức của Pol Pot) mượn tạm (tịch thu) chiếc xe tải nhẹ, cái đồng hồ đeo tay và nhiều vật dụng quý giá khác. Trên đường họ gặp gia đình của người em vợ nhưng chỉ dám tá túc mấy ngày rồi lại tiếp tục “hành quân” theo đoàn người đi xây “chủ nghĩa cộng sản” theo lệnh Angkar.

Angelina Jolie và diễn viên nhí của phim

Họ đến một khu vực phía đông sông Mekong, có rừng hoang và đồng hoang để xây dựng cuộc sống mới trong sự giám sát chặt chẽ của các chiến sĩ Angkar. Họ tự dựng nhà để ở, hàng ngày ăn cơm công xã với bữa no ít dần và rồi gia đình ly tán.

Trước tiên là 3 người con lớn trên 12 tuổi được tách khỏi gia đình để đi làm nhiệm vụ “cách mạng”, sau đó đến người cha bị hai tên Angkar gọi đi “sửa cầu” ở Prey Svai trong một đêm thanh vắng. Nhìn hình ảnh tên lính Angkar có thắt lưng quấn bằng khăn rằn kroma dắt cây búa xệ xệ là thấy người cha bị đưa đi đầu rồi.

Người mẹ còn lại muốn cứu 3 đứa con còn nhỏ gồm 1 con trai 8 tuổi và 2 cô bé gái đã khuyên con mình trốn khỏi công xã đang ở, tìm một nơi chốn có đời sống khá hơn. Cả ba theo đường rừng trốn theo 2 ngả khác nhau nhưng rồi lại rơi vào trại lính thiếu niên của bọn Pot. Các em phải lao động vất vả, còn phải học tập các chiến sĩ “cách mạng” biết căm thù bọn Duôl (Việt Nam).

Khi Loung (nhân vật tự truyện) được phép trở về thăm nhà thì mẹ em đã bị giết, chỉ còn lại ngôi nhà trống trơ, lạnh vắng. Ba chị em nhỏ lại gặp nhau trong một trận tập kích của bộ đội Việt Nam vào đơn vị, rồi bị phản kích, bộ đội Việt Nam thương vong nhiều. Cuối cùng, sau ngày Phnom Penh được giải phóng, 3 chị em nhỏ gặp lại 3 anh chị lớn trong một trại cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở biên giới.

Sự tái hợp của 6 anh chị em trong gia đình gồm 3 trai và 3 gái sau cuộc trần ai với 1.270 ngày (từ 17-4-1975 đến 7-1-1979) sống dưới chế độ Pol Pot đã nói lên toàn bộ sự thảm khốc của một dân tộc trước họa diệt chủng Pol Pot.

“Ngày họ giết cha tôi” là một cuốn phim tố cáo tội ác man rợ của bè lũ Pol Pot một cách khá thuyết phục bằng những cảnh quay có giá trị hiện thực và sinh động. Là món quà quý giá mà Angelina Jolie dành cho cậu con trai Maddox gốc người Campuchia của mình. Tuy nhiên đối với người đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trong giai đoạn cuối thập kỷ 70 thế kỷ 20 thì nhiều hình ảnh không thật thuyết phục.

Có lẽ trí nhớ của một cô bé mới ở tuổi thiếu niên không cho tác giả tự truyện một hình ảnh đúng về cuộc sống dưới thời công xã nên nhiều chi tiết phim bị sai như giữa cuối tháng Tư trên các cánh đồng Campuchia làm gì còn lúa chưa gặt! Campuchia là xứ sở chủ yếu làm lúa một vụ thì đến đầu mùa khô, khi nước rút khỏi đồng thì người nông dân bắt đầu thu hoạch.

Một điểm nữa, màu trang phục chính của dân Campuchia dưới chế độ Pol Pot là màu đen, đen từ đầu đến chân, tóc đen, áo quần đen, chân đen, chỉ có đôi mắt là trắng dã, thất thần. Nhưng trong phim ở đoạn số dân được bộ đội Việt Nam giải thoát có cả những người mặc áo màu bạc và màu sáng. Chuyện bộ đội Việt Nam bị bọn Pot tấn công vào trại tạm cư thật vô cùng buồn cười. Lẽ nào bộ đội lại nhát gan và hơ hỏng đến vậy (một cái nhìn thiếu thiện ý về người lính Việt thông qua hình ảnh này).

Tượng đài Thắng – Thắng tại tỉnh Kandal

Đầu tháng 4 năm 2019, khi có mặt trong đoàn nhạc sĩ và văn nghệ sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia thăm công viên tượng đài Thắng – Thắng tại tỉnh Kandal đang xây dựng, lòng tôi bỗng trào dâng những cảm xúc khó tả. Trước quảng trường rộng lớn ngập nắng, trong không khí hối hả dựng xây, hình ảnh cuộc chiến tương tàn giờ chỉ còn là di tích, hiện vật được sắp xếp trong không gian đàng sau tượng đài. Hình ảnh tượng đài Thắng – Thắng vút cao giữa trời xanh như lời minh chứng về một chủ trương hòa hợp dân tộc, không còn phe phái thù địch, chỉ còn nhân dân Campuchia nắm tay nhau bước vào vận hội mới.

Có thể nói, thông qua những chuyến đi trở lại chiến trường xưa, nhìn thấy sự đổi thay và phát triển từng ngày của đất nước Chùa Tháp sau gần 30 năm hòa hợp, nhớ lại những ngày đầu năm 1979 trên xứ sở tràn màu vàng của lúa, màu đen của người và ruồi, tràn bụi và tràn nắng, tôi càng thấy quý hơn những ngày hòa bình thực sự đã trở về trên đất nước Angkor tươi đẹp. Quá khứ đau thương đã lùi lại. Một tương lai bền vững hơn.

P.S.S
Ngày 6 tháng Giêng năm 2020

(*) Genuix Ngô và Blog Đào Lê Minh phụ đề Việt ngữ