Xóm bờ kinh (P2) – Truyện dài của Quang Nguyễn

64

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ đó họ chính thức là vợ chồng của nhau. Nụ vẫn hái rau bắt ốc kiêm luôn phụ mẹ chồng quản lý bến đò thu vé người qua sông. Mặc đã có công việc tốt hơn, không còn phải lặn lội đồng mương sông nước mình mẩy lấm lem vất vả như trước đây, nhưng cô không từ bỏ, xem nó như là một cuộc sống cần thiết. Chắc là tính cách của người miền quê sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức. Giáo Tâm vẫn miệt mài đi dạy, lâu lâu vẫn có người mắng vốn.

Ảnh minh họa

– Thầy về dạy lại vợ nghen. Dạy dỗ bao nhiêu đứa học sinh mà không dạy xong 1 con vợ. Nó vô duyên hết phần thiên hạ à. Đụng đâu nói đó chẳng thèm suy nghĩ. Hôm qua ở mé sông ngoài tôi có bàn với cô Nụ sẽ đi sửa mũi, cắt mắt, xăm mày, xăm môi, để ông nhà tôi thấy đẹp đặng quay trở về. Thầy biết cô Nụ nói sao không?

– Dạ, nhà con nói sao vậy cô? – giáo Tâm hỏi.

– Nó nói chưa tới tháng 7 mà đi dọa ma người đời, chắc chắn ông nhà tôi đi luôn không về. Đó! Thầy nghe được không? Ý cô Nụ nói dọn lên sẽ xấu như ma thà để vậy thì ông nhà tôi còn dám trở về.

Giáo Tâm liếc nhìn nhan sắc của bà. Thấy quá mắc cười nhưng không dám hé môi. Anh nói thầm trong bụng “vợ tôi nói đúng quá rồi còn gì” rồi giả vờ nghiêm mặt chép miệng lắc đầu.

–  Xin lỗi cô. Con sẽ về dạy lại nên ăn nói ý tứ. Thật ra Nụ không có mắt thẩm mỹ nhìn người đâu. Đó, bởi vì vừa tân trang nên trông cô trẻ đẹp ra trông thấy.

Bà nọ ngại ngùng che miệng rồi nói nhẹ nhàng, không còn lớn tiếng như lúc ban đầu.

– Nói như thầy giáo nghe có được hơn không.

Cứ thế hết người này tới người khác mắng vốn về cái tật ăn nói vô duyên của Nụ. Một hôm có tới 6 người phụ nữ đi qua nhà, vừa thấy họ từ ngoài ngõ bước vào giáo Tâm đã hoảng sợ tính kiếm đường tránh né, nhưng xui thay họ đã nhìn thấy. Chắc là Nụ đã gây thêm rắc rối gì nên các bà sang tận nhà mắng chửi rồi đây. Vừa vào cổng anh đã lên tiếng trước.

– Thôi các chị các cô về đi, tôi sẽ khuyên Nụ uốn lưỡi bảy lần trước khi muốn nói ra bất cứ điều gì.

Họ ngơ ngác chưa hiểu gì. Tại sao lại trách Nụ? Một người phụ nữ như thế có đốt đuốc tìm cũng không ra, sao anh giáo lại tỏ ra bực dọc như vậy. Một chị lên tiếng.

– Có cô Nụ ở nhà không ông giáo?

– Nụ đã đi cắt lục bình. Có chuyện gì mà các cô đến nhà mắng vốn đông thế này.

– Chúng tôi đến đây là để cảm ơn cô Nụ chứ mắng vốn mắng lời gì hả thầy.

– Ủa chuyện gì mà tới cảm ơn nhà con?

– Thầy không biết thiệt hả. Xóm Bờ Kinh đa số đàn bà con gái không ai có cái nghề để kiếm ra tiền. Nhờ cô Nụ mà bây giờ chúng tôi thêm thu nhập ổn định. – Một bà hơi lớn tuổi đáp.

– Ủa liên quan gì tới Nụ?

– Chị Nụ đã dạy cho chúng tôi làm ra các sản phẩm từ những cây lục bình trên sông. Mặc hàng này bây giờ cực kỳ bán chạy. Cũng nhờ có Nụ nên chúng tôi mới được công ăn việc làm gặt hái ra tiền chẳng ăn không ngồi rồi như trước đây nữa.

Giáo Tâm cười tươi, hóa ra cô vợ đã giúp cho kinh tế Xóm Bờ Kinh thêm phát triển. Ban đầu anh còn kịch liệt phản đối xem đó là chuyện ruồi bu. Lục bình thì giá trị khỉ khô gì mà làm ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Nó chật kín sông, thậm chí người ta phải vớt lên vứt bỏ ở hai phía bờ. Không những tắc nghẽn sông, làm dòng nước kém lưu thoáng mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều muỗi sinh sản dẫn tới dịch sốt xuất huyết tràn lan trong xóm. Tưởng đó là loại chỉ đáng vứt đi, nhưng không ngờ mang lại nhiều công dụng cải thiện đáng để cho kinh tế của xóm. Từ lâu Nụ đã biết cây lục bình khô khá chắc chắn, cô thường dùng để buộc những bó rau to đùng. Ngày xưa gia đình từng sống bằng nghề dệt chiếu, lái ghe đi khắp nơi các tỉnh thành để bán. Từ khi con đập chắn ngang họ đành phải bỏ tập trung vào việc đánh bắt cá làm nông. Giờ thấy những cây lục bình đầy sông mà lại không biến thành vật có tác dụng thì quả là uổng phí.

Nụ đem về phơi khô, đan một chiếc túi xách đầu tiên cho mình sử dụng. Sau đó làm nhiều tặng cho những chị em trong xóm. Một hôm có đoàn người bên khuyến nông từ Sài Gòn xuống nghiên cứu về lúa, họ thấy các phụ nữ ai cũng xách một chiếc giỏ làm bằng lục bình để đi chợ. Thấy khá ngộ nghĩnh bắt mắt, lại gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về sự ra đời của nó mới biết Nụ chính là tác giả. Họ đem mẫu về Sài Gòn, ai cũng thích thú muốn sở hữu ngay một sản phẩm tương tự. Thế là liên hệ với Nụ để đặt hàng, từ túi xách, ghế, chiếu, nón. Nụ đi vận động mọi người cùng chung tay làm, cô sẽ dạy cách đan tất cả các mẫu mã. Ban đầu ai cũng cười nhạo cho rằng lục bình mà bán được thì khắp nơi ở miền quê người ta giàu có hết, nhất là khu vực vùng sông nước. Bây giờ không những bán được mà còn bán rất chạy, nhà nhà đều phơi khô trong sân, hai bên đường để tiến hành làm ra sản phẩm thành hình. Không những có thêm thu nhập cho bà con, mà tình trạng tắc nghẽn, làm sạch sông, dịch sốt xuất huyết cũng giảm đi đáng kể. Tất cả đều nhờ vào Nụ.

Từ lúc đám cưới của vợ chồng giáo Tâm, cái Xóm Bờ Kinh náo nhiệt được lúc ấy rồi trả lại sự yên tĩnh của đìu hiu thường ngày. Nay nó ồn ào tiếp vì đám tang bà Tư Thiệp. Bà đã 87 tuổi là ngoại của Chỉnh. Người ta xúm lại dựng rạp tổ chức tang lễ cho người quá cố. Kẻ cầm cờ, người mang trống, nhan đèn trà nước, bánh trái, kẻ đến viếng tấp nập. Người lớn trong xóm ào ạt kéo nhau qua xem giúp được gì thì giúp. Mỗi lần nghe tiếng trống đánh bọn con nít sợ tái mặt, có đứa lấy chăn đắp kín người, mặc ngột ngạt mồ hôi chảy ròng ròng. Chẳng biết việc đắp mền che kín toàn thân có giúp giảm bớt được nỗi sợ hãi về vấn đề ma cỏ khi ngủ một mình hay không?. Chuyện thằng cu Tý nổi tiếng trong xóm là nghịch ngợm phá phách, chẳng sợ bất cứ ai dù lớn hay nhỏ, nhưng khi hù, có con ma đang đứng đằng sau lưng thì nó khóc ré lên, hoảng loạn sợ sệt rồi nhắm mắt úp mặt xuống đất. Mặc dù nó chưa bao giờ thấy ma hình thù trông ra làm sao, chỉ nghe qua người lớn trong xóm kể. Sợ ma, nhưng lại khoái nghe chuyện, thật đối lập chẳng thể nào lý giải được.

Có một lần chú Hoàng kể về ông Kẹ, bọn con nít xúm xít nhau ngồi chăm chú lắng nghe. Ở đâu ngoài ngõ có ông ăn mày đi vào xin gạo thế là cả đám chạy tán loạn. Đứa chạy lên nhà đóng tất cả cửa nẻo, vào buồng leo lên giường lấy chăn đắp kín mít. Cứ như căn buồng là nơi bất khả xâm phạm không ai có thể vào được kể cả loài ma quỷ, mặc dù nó chỉ có tấm màn che, hoàn toàn không có cửa khóa. Có đứa chạy ra bờ sông nín thở lặn xuống nước như thể ma quỷ không thể nhìn thấy được mình. Chẳng ai biết ông Kẹ như thế nào? Ổng ra sao, cao to mập ốm? Nhưng bọn con nít rất sợ khi nghe đến tên, thậm chí ban đêm còn không dám đi đái. Xóm Bờ Kinh đã quen với việc tắt đèn đi ngủ sớm, 7 giờ tối đã thấy vắng im lìm, chỉ còn mỗi tiếng côn trùng kêu, tiếng con cá vẫy nước tạo thành một khung cảnh đặc sệt của xứ miền sông nước.

Trừ khi có đám tiệc người ta mới thức khuya tề tựu lại một nhà, nơi ấy sẽ sáng nhất. Đêm nay cũng vậy, bên này sông, bên kia sông đều qua nhà bà Tư Thiệp, sở dĩ bọn con nít ở nhà không dám bén mảng tới đám tang, sợ phải nhìn di ảnh của người quá cố. Nhưng ở nhà cũng sợ vì người lớn đã đi hết. Huệ lủi thủi một mình trong nhà với nỗi sợ hãi cùng đứa cháu chỉ có vài tuổi đầu. Thằng Tạo nắm bắt được tin này vì trưa đó có tới phụ gia đình chặt tre làm trại, sẵn tiện dò hỏi mới biết tối nay Huệ ở nhà chỉ có một mình, cơ hội ngàn năm có một không hai đây rồi.

Chiều đó gã tranh thủ cơm nước sớm, đi ra rẫy mía ở sau nhà Chỉnh chờ thời cơ. Tối xuống sẽ đến tâm sự với Huệ, không gian chỉ có duy nhất 2 người! Tâm lý của người phụ nữ sợ ma khi ở nhà một mình, cứ gặp một ai ngay lúc ấy thì quý hơn cả được vàng. Tạo đã soạn sẵn một kịch bản trong đầu, cứ đến giả vờ tìm Chỉnh rồi thừa lúc tán tỉnh phỉnh phờ. Cần thiết kể vài câu chuyện về ma cỏ rùng rợn, Huệ sẽ sợ hãi hét lên rồi nhào tới ôm lấy gã. Lúc đó tha hồ lợi dụng sờ soạng thực hiện âm mưu đen tối của mình. Kế hoạch quá hoàn hảo, tự thưởng cho bản thân là thông minh nhất xóm. Trời đã chập tối, muỗi đốt đến sưng người nhưng Tạo chấp nhận vì trước cái thành công chính là sự gian nan. Tiếng trống đùng đùng vang lên, thấp thoáng có bóng của người đàn ông đang đi tới, ai như thằng Kỳ. Không sai chính là nó! Tại sao hắn lại đi đường này? Nếu đến dự đám tang bà Tư thì phải đi đường chính trên kia chứ? Lẽ nào thằng này nó cũng có âm mưu giống mình? Thôi kệ, cứ quan sát xem tình hình trước đã. Một lát sau lại xuất hiện thêm 3 người đàn ông cũng thập thò sau bụi chuối! Ôi thật kỳ lạ, nay có phải đại hội võ lâm đâu mà sao toàn các cao thủ tề tựu ở sau nhà cô Huệ đông vui thế này. Còn không? À chưa hết lại thêm 2 nhân vật nữa, chẳng biết thuộc môn phái nào mà đang rình rập bên bờ ao chuẩn bị xuất chiêu. Thấy cái tướng quen quen! Tạng người nho nhỏ, thì ra ông Cảnh người bác ruột của mình. Ôi chết thật, kiểu này thì hư hỏng hết một họ hàng. Đã trên 50 tuổi, đầu 2 thứ tóc, có 4 con mà lại còn ham hố gái tơ. Còn gã đang cầm chiếc quạt phe phẩy kia là ai đây? Chiếc xe máy vừa chạy qua, ánh đèn đã làm lộ nguyên hình, thì ra thằng Tấn. Tên này ngon, có đầu tư hẳn hoi đem theo cả cái quạt tay nhằm xua đuổi muỗi. Người ốm nhom đang ẩn mình bên cây bạch đàn nãy giờ không động đậy, chắc là đang chuẩn bị tư thế cho trường hợp tác chiến khẩn cấp nên mới tập trung cao độ đến vậy. Nhưng nó cũng sớm lộ nguyên hình khi cúi người xuống đập muỗi, thì ra là thằng Đực chăn vịt du mục, chỉ có mới 16 tuổi đầu. Ôi! Cái thằng con nít này chưa đủ tuổi mà cũng tham gia vào việc của người lớn ư? Vậy có tất cả là 6 người, tính luôn Tạo. Lớn nhất là ông bác Cảnh, nhỏ nhất thằng Đực chăn vịt, đúng là toàn dân có chí lớn gặp nhau.

Ban đầu Tạo cứ tưởng kế hoạch này chỉ có một mình anh nghĩ ra, giờ mới biết mình đã sai lầm. Nhưng phải làm sao bây giờ! Chẳng lẽ bỏ cuộc, thế thì quá phí công cả đêm hiến mình cho loài muỗi vô tư đâm chích hút máu. Nhưng khi gặp mặt các cao thủ thì ăn nói ra làm sao? Chẳng lẽ trả lời đi lạc đường, hay đổ thừa bị ma giấu hoặc đang chơi trốn tìm với lũ trẻ! Liệu, họ có tin không?. Thôi thì cứ tới đâu tính tới đó vậy! Tạo chủ động bước ra không thập thò nữa, gặp ngay ông bác ruột của mình. Tạo hỏi.

– Ủa bác Sáu đi đâu đây?

– Thằng Tạo đó hả bây? – bác Cảnh cũng lúng túng, vì chẳng hiểu vì sao thằng cháu ruột của mình cũng có mặt tại nơi này. Bác trả lời.

– Tao đi kiếm mày nè?

– Kiếm con để làm gì? – Tạo hỏi.

– Để… để… để mày đưa về nhà vì tao quá say, nhậu cả buổi ở đám tang. – Bác nói lắp ba lắp bắp.

– Con có nghe mùi rượu đâu? – Tạo hỏi.

Bác Cảnh á khẩu không biết phải nói gì. Đành hỏi lại thằng cháu.

– Thế mày đi đâu đây?

– Con tới nhà của anh Chỉnh, rủ ngày mai đi giăng lưới.

– Nó bên nhà bà Tư Thiệp chứ đâu ở nhà mà tới rủ. Thôi về ngủ đi con để mai còn đi giăng lưới. – Bác Cảnh nói.

– Con về thế bác sáu ở đây làm gì? – Tạo hỏi.

– Không giấu gì mày, bác có vợ bé là con nhỏ Huệ từ lâu, nay nó hẹn bác tới để tâm sự. Đừng nói lại cho thím mày biết, nghe không? – bác Cảnh dặn dò thằng cháu.

– Công nhận bác sáu càng lớn tuổi càng nói xạo. Con Huệ mà chịu quen bác hả? Nó đâu có điên mà lại đi yêu một ông già tuổi không chừng lớn hơn cha nó. – Tạo nói.

– Thôi mệt quá, mày không về thì thôi. – bác Cảnh bực lên.

Bốn chàng cao thủ kia cũng đồng loạt xuất hiện. Chính họ cũng không thể nào ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh thế này. Thằng Đực bị cả 5 phản đối đuổi về vì chỉ mới tuổi vị thành niên. Nhưng nó kiên quyết ở lại, tỏ thái độ hằn học khó chịu.

– Các anh, các chú chơi như vậy là không đẹp. Tại sao các ông tới đây được mà tôi thì lại không. Chị Huệ đâu phải là riêng của các ông.

– Nhưng mày là thằng ranh con thì biết cái gì về chuyện của người lớn mà tới đây kiếm ăn. – Tấn vụt miệng nói ngay.

– Nhưng chị Huệ có tình cảm đặc biệt với tôi. – Đực nói.

– Mày đang ngủ hả? – Tạo hỏi chẳng đầu chẳng đuôi.

– Tôi đâu có ngủ. – Đực trả lời.

– Thế tại sao mày lại nằm mơ. Chỉ là một thằng chăn vịt 16 tuổi mà làm như mình có giá lắm, lại còn chị Huệ có tình cảm đặc biệt với tôi. Nghe mắc cười quá. Huệ có tình cảm là với thằng anh mày đây nè. – Tạo nói xong lấy tay vỗ vào ngực như muốn khẳng định mình mới thực sự là người duy nhất.

– Chứ các ông không thấy giáo Tâm lấy chị Nụ đấy sao? Tôi đã tặng hoa cho chị Huệ, còn nói tôi là người đẹp trai nhất Xóm Bờ Kinh. Không thích tôi thì đó là cái gì. Còn các ông đã tặng gì cho chị? – Thằng Đực phân bua vẫn chưa chịu thua.

Đó là Đực nói thật. Một hôm nó lùa vịt ngang rồi ngồi lại cây gáo nghỉ chân. Huệ đi ra sau nhà thấy bông súng nở đẹp nhờ nó hái dùm. Huệ phải dùng tuyệt chiêu õng ẹo để nó làm theo ý mình. Quả thật, thằng Đực nhảy xuống ao cái rầm rồi hái đem lên trao cho Huệ. Cô nở nụ cười quyến rũ không quên buông lời khen.

– Vài năm nữa em sẽ là người đàn ông đẹp trai nhất Xóm Bờ Kinh. Con gái vây kín cho mà xem.

Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, mà mỗi đêm thằng Đực đều nằm ấp mộng. Nó thường ôm chiếc gối rồi tưởng tượng ra cô Huệ. Một hôm nào đó sẽ được hôn lên bờ môi mọng của chị. Nắm lấy tay rồi ve vuốt mân mê trong thiên đàng ái ân. Sẽ cùng chị đi chăn vịt du mục mọi nơi trên khắp cánh đồng quê hương. Sống trong cái chòi chỉ có hai người đầy hạnh phúc êm đềm.

– Mày tầm bậy tầm bạ, nó xem như em út, con cháu trong nhà chứ yêu đương cái nỗi gì. Nó yêu là yêu tao đây nè. Lúc nào cũng liếc mắt đưa tình. Rồi cười nhẹ nhàng, luôn mở cửa trái tim cho tao vào – Bác Cảnh nói.

Đám thanh niên nghe xong thì phì cười, vì bác đã trên 50 tuổi. Thằng Đực phản bác lại câu nói từ ông.

– Chị Huệ coi tôi là em, là cháu. Chắc không xem bác là cha là chú đâu hen. Không chừng là ông ngoại, ông nội cũng có thể. Bộ ai nhìn rồi cười thì gọi là yêu hả? – Đực nói.

Tất cả im lặng vì thấy có sự giống nhau đến 100%. Trong số họ ai cũng được Huệ nhìn rồi cười, hoặc nói những lời đường mật, khiến lầm tưởng Huệ đang có tình ý với mỗi cá nhân. Nhưng tại sao Huệ phải làm vậy? Chẳng lẽ đó là tính cách lơ đãng của người phụ nữ làm bao nhiêu gã đàn ông đắm say, mà để làm gì thì chẳng ai biết?

– Thôi bây giờ chúng ta cứ vào nhà nhỏ Huệ để xem cô ấy chọn ai, người đó được quyền ở lại. Người không được sẽ ra về. – Tấn gợi ý.

Thấy đó là cách có lý lẫn công bằng. Họ tán thành đồng ý. Trong đầu của mỗi cá nhân đều có một suy nghĩ mình là người chiến thắng sẽ chiếm được Huệ trong đêm nay. Bác Cảnh trong đầu nghĩ ra một kịch bản rằng: sẽ lấy cái chết của bà Tư Thiệp ra để hù ma. Lúc còn sống thường hay tới nhà của Chỉnh chơi, khi Huệ nhìn ra cửa thấy bà đứng đó xõa tóc nở nụ cười, lúc còn sống hay đi đâu thì chết hồn ma sẽ đến đó. Lúc ấy Huệ sẽ sợ tái mặt, rồi nắm lấy tay ông kéo vào trong buồng. Nghĩ tới điều sắp sửa diễn ra bác cười rồi đưa tay vuốt 2 bên râu mép.

Nhưng khi vừa tới ngõ đã thấy có tới 4 đứa con gái trong đó. Ôi kỳ lạ, bọn con gái đến đây làm gì? Vừa thấy Tạo cùng 5 người đàn ông bước vào nhỏ Hường đã vội lên tiếng.

– Ủa anh hai đi đâu đây. – Đây là Hường nhỏ em ruột của Tạo.

Tạo, hốt hoảng vì không ngờ em mình cũng có mặt trong ngôi nhà này. Anh ấp úng trả lời.

– Tao đi kiếm mày. – Tạo nói.

– Kiếm em! Đặng chi vậy? – Hường nói.

– Thì không thấy mày ở nhà nên tao đi kiếm. Có vậy cũng hỏi – Tạo giải thích.

– Ủa! Má cho em ngủ ở đây rồi mà. Không nói cho anh hai biết sao?

– Tại sao lại phải ngủ ở đây? – Tạo hỏi.

– Thì ba má đi đám tang hết, em ngủ 1 mình sợ nên chị Hoa đã xin cho em qua ngủ với chị Huệ. Mấy đứa này cũng vậy. Ủa có cả bác sáu ở đây luôn?

Bác Cảnh ậm ừ, nói qua loa.

– Đi đám tang về rồi tạt vào coi mày ngủ có lạnh không để bác biết về lấy cái mền đem qua.

– Con không lạnh đâu bác sáu. có chị Nhái ở đây nữa nè.

Bác Cảnh tá hỏa khi biết Nhái đứa con gái của mình cũng có mặt nhà Huệ. Thôi rồi, làm ăn gì được nữa. Tất cả đã hiểu ra tại sao bọn con gái đang hiện diện cùng Huệ? Giờ thì không cần bọn đàn ông này vì đã có người nên không thể sợ ma. Ôi mưu kế của tất cả đã bị thất bại. Đành phải ra về trong nỗi ngậm ngùi. Sáng đó họ cùng nhau đến quán của Huệ uống cà phê thì được cô báo tin rằng.

– Chiều nay em về quê Gò Công. Các anh ở mạnh khỏe nghen.

Đam thanh niên thấy buồn buồn nhưng chẳng ai nói ai. Họ cũng hiểu ra Xóm Bờ Kinh chỉ là điểm tạm trú của cô. Thằng Kỳ lấy hết can đảm để hỏi.

– Tôi nói thiệt câu này, có gì không phải cô Huệ bỏ qua nhé.

– Anh Kỳ hỏi đi. – Huệ nói

– Cô từng có tình cảm với ai trong số bọn tôi không? – Kỳ thong thả đặt câu hỏi, tuy có chút rụt rè.

Quả nhiên câu hỏi này lại được hưởng ứng của tất cả đám thanh niên xung quanh. Họ đều đưa mắt về phía cô để chờ đợi câu trả lời cho thật thỏa đáng.

– Cũng xin được phép nói thật. Em chưa từng có tình cảm với bất cứ ai đang hiện diện nơi này. Đúng là ban đầu có yêu thầm anh giáo Tâm, nhưng từ khi biết đã có chị Nụ thì em không còn tha thiết gì nữa. Nụ mới là người xứng đáng có được hạnh phúc ấy. Nụ luôn giữ nét quê hương, mộc mạc đằm thắm. Không chạy theo những phù phiếm xô bồ của cuộc đời. Đó mới đúng là bản chất hiền hòa của con gái xứ miền sông nước. Xóm Bờ Kinh không phải là quê hương nơi em sinh ra và lớn lên, nhưng thấy yêu mến, gần gũi lắm. Em xem như quê hương thứ hai. Nơi này có chút buồn rười rượi như đôi mắt quê hương. Có nỗi tha thiết thương nhớ từ con nước chảy về. – Nói xong Huệ chống cằm mắt hướng ra cuối bãi sông.

Đám trai làng giờ mới biết là Huệ chưa từng có tình cảm với bất cứ ai, nhưng họ vẫn vui vẻ chào đón cô như người con của Xóm Bờ Kinh. Chiều đó Huệ lên đường về lại đất Gò Công! Nơi này giờ sao buồn đến quạnh quẽ man mác. Chắc chắn một ngày không xa cô sẽ quay trở lại! Bởi vì nước sông vẫn còn thì con sóng mãi vỗ về như gọi tên đầy thiết tha nhớ thương. Xóm Bờ Kinh luôn là những vạt nắng chiều trong mỗi trái tim của cư dân nơi đây. Rất ấm áp, nhưng cũng quá mát lạnh khi tâm hồn đã tràn ngập con nước quê! Ra đi là để quay trở lại, bởi nơi ấy luôn có hơi ấm của chính ta. Con sông chảy xuyên qua hồn người, vướng lại vị đậm đà của phù sa đặc sệt.

Tiếng thở quê hương là lời ru mẹ thổi vào con thật xao xuyến như chiếc thuyền nhỏ chênh chao mỗi đợt sóng nhấp nhô. Tình quê, cõi người trong nỗi nhớ, lẳng lặng như con sông chảy đi vô tận đến lai láng miên man. Đầu sông bóng chiều đổ xuống nghiêng thẳm, đàn chim tít tắp bay theo hình chữ V phía đường chân trời xa, chúng về tổ ấm trong tiếng gọi thiêng liêng! Con người cứ như lục bình trôi xuôi dòng nhớ của đợi bến quê hương. Chiếc xuồng thằng bé đang chèo miệng ngân nga câu hò, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hẳn cuối bãi sông nơi hoàng hôn ráng đỏ.

Q.N