Xóm Đình – Truyện ngắn của Trúc Thanh

268

Nghe kể lại, thỉnh thoảng những người bơi xuồng đi chợ khuya, họ thấy trong đình có ngọn đèn sáng lập lòe và như bị thôi miên, họ cứ bơi theo, bơi theo mãi, rất xa mà ngọn đèn vẫn ở ngay trước mặt cho đến khi trời sáng, ngơ ngác như người từ hành tinh khác đến, họ phát hiện mình đã ngủ trong đình tự bao giờ không biết. Miệng truyền miệng, dần dần ngôi đình thần Mỹ Lợi mặc dù âm u, mặc dù hoang tàn đổ nát mà không ai không biết đến.

Tác giả trẻ Trúc Thanh

– Đồ cái thứ đàn bà…!

Luận chưa nói hết câu thì: Pạt…! Cái nón bảo hiểm từ trong căn phòng trọ bay ra xén ngang mái tóc màu nắng của Luận, rơi xuống đất lăn tròn trên vỉa hè rồi va vào xe bánh mì của cô Bảy nghe cái xèng… Vốn tính nóng nảy như cái hình xăm con hổ trên vai, Luận vừa thuận tay chụp lấy cái nón bảo hiểm vừa lao về phía Tú nghiến răng:

– Hôm nay mày không chết thì thằng Luận này không phải là dân Xóm Đình. Câu nói như gán cho cái Xóm Đình tội danh gì đó mang tính chất băng đảng giang hồ chợ búa.

Lập tức người dân Xóm Đình vây lại, đàn ông thì giữ chặt lấy Luận, đàn bà thì ôm Tú lôi ra xa Luận. Vậy mà cái nón bảo hiểm trên tay Luận vẫn bướng bỉnh bay thẳng vào sống mũi Tú như một dư chấn. Máu tuôn ra ào ạt. Người ta chở Tú qua trạm xá cách đó vài chục mét, khâu mấy mũi. Vậy là cuộc sống đã ấn lên người Tú thêm một vết sẹo nữa.

Chuyện như cơm bữa, người ta không tỏ ra ngạc nhiên vì đây chỉ là một trong những sự kiện thường xuyên xảy ra ở cái Xóm Đình này, Luận nhìn Tú với vẻ ăn năn nhưng không nói gì, đầu trần phóng lên chiếc Dream trung quốc lao thẳng ra quán cà phê Đá me, nơi đến hẹn lại lên của cánh đàn ông xóm đình.

Từ ngày trốn khỏi ông chồng Đài Loan keo kiệt và hay bị lên cơn mà không báo trước – Liên dắt theo đứa con gái từ Sài Gòn về quê sống như cái kiểu “ta về ta tắm ao ta”. Chồng Liên người xứ Đài, sang Việt Nam định cư và kinh doanh nhà hàng ẩm thực đặc sản quê nhà tại Sài Gòn và mon men cưới vợ Việt Nam ở cái tuổi “ngồi nhìn lá rụng”.

Liên là con lớn trong một gia đình đông con lại không mấy khá giả nên từ nhỏ Liên phải lam lũ với những công việc nặng nhọc và vô cùng vất vả. Tuy vậy, Liên trông vẫn trội hơn các chị em cùng trang lứa với nước da trắng và đôi mắt to đen lay láy  với đôi hàng mi dày, cong vút. 18 tuổi, quyết định “một liều ba bảy cũng liều” Liên cùng chị cùng em rủ nhau lên Sài Gòn theo tiếng gọi của phong trào “lấy chồng ngoại quốc” và “săn đại gia” để tìm cơ hội đổi đời.

Ngày Liên đi, cái Xóm Đình chưa nhộn nhịp như bây giờ. Ngôi đình thần mái ngói vẹo xiêu cỏ leo đầy nóc. Người dân không lạ gì với những âm thanh rợn người, đêm đêm vẫn phát ra từ trong ngôi đình. Người ta nói, đó là hồn ma của các chiến sĩ đêm đêm về đốt lửa và đàn hát với nhau. Nghe kể lại, thỉnh thoảng những người bơi xuồng đi chợ khuya, họ thấy trong đình có ngọn đèn với sáng lập lòe và như bị thôi miên, họ cứ bơi theo, bơi theo mãi, rất xa mà ngọn đèn vẫn ở ngay trước mặt cho đến khi trời sáng, ngơ ngác như người từ hành tinh khác đến, họ phát hiện mình đã ngủ trong đình tự bao giờ không biết. Miệng truyền miệng, dần dần ngôi đình thần Mỹ Lợi mặc dù âm u, mặc dù hoang tàn đổ nát mà không ai không biết đến.

Xóm Đình ngày Liên đi và Xóm Đình ngày Liên trở về thay đổi rất nhiều. Từ khi ngôi đình được trùng tu thì Xóm Đình cũng theo đó mà nhộn nhịp hẳn lên và Liên của ngày hôm nay cũng khác hơn nhiều so với cái ngày đôi mươi, mười tám. Liên về Xóm Đình, thuê một căn nhà nhỏ, nấu bún riêu cua đồng bán buổi sáng cho công nhân, học sinh và khách vãng lai. Liên thấy mình gắn bó nhiều hơn với cái Xóm Đình và quen đến thuộc lòng tính cách từng con người nơi đây dù phần đông là dân từ nơi khác đến với đa dạng những tuýp người khác nhau và đủ loại nghề nghiệp khác nhau. Xóm Đình đã được khoác thêm diện mạo mới. Công ty may của nước ngoài về đây đầu tư, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Trường học, trạm xá cũng dời về tập trung tại Xóm Đình.

Từ đó Xóm Đình cũng mọc lên khu chợ chồm hổm, nơi các mợ, các dì mang mớ cá, bó rau ra ngồi họp chợ và “buôn dưa lê ghiền” vào buổi sáng.

Dù được sinh ra và lớn lên ở đây nhưng Liên chưa bao giờ Liên cảm thấy mình gắn bó với cái Xóm Đình như bây giờ.

Liên bỗng thấy yêu sao cái tướng ngồi bó gối quen thuộc và cái miệng nhai trầu đỏ tươi của má Tư rau cải. Mỗi lần vợ chồng Luận nào tay, nào miệng va nhau là má tư cũng đứng dậy, chống nạnh hai quai:

– Thằng Luận… bây nhịn nó chút cho cái Xóm Đình bớt ồn ào được không?

Nói vậy chứ cái Xóm Đình bao giờ mà hết ồn ào. Không dì Năm Bống bán vé số tụ nhau bói tướng, bói bài thì cũng ông Bảy Giò Gà ôm chai rượu đế nghiêng qua, ngả lại như cái kiểu “nửa bước lê chân nửa bước dừng” vừa rêu rao mấy câu quen thuộc “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Người ta đã không còn hình dung ra được hình ảnh cũng như cái tên trước đây của một ông giáo dạy Pháp ngữ với một thời uy nghiêm trên bục giảng. Ký ức đẹp của dãy cầu vồng hôm qua như vẫn hoài trong tâm tưởng ông mỗi khi ông lên chương trình múa mồm tiếng Pháp cùng với chai rượu đế: – “Bonjour” (xin chào) rồi  “Merci, Merci beaucoup!” (cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!). Chú Năm xe ôm cũng quay sang hưởng ứng “quít xơ măng giỗng sưa” rồi chú dịch sang tiếng Việt Nam là “quăng xơ mít giữa sông”. Luận cũng chêm vào “on me năng, ăng rê” Luận nói: – Câu này dịch sang tiếng Việt là: “Ăn me non, ê răng” mọi người ngạo ông Bảy Giò Gà làm ông đỏ mặt, quăng thêm mấy câu tiếng Pháp nữa mà không ai biết đó là thưởng hay phạt, làm Má Tư rau cải cười bắn trầu đỏ môi rồi đưa tay quẹt lia quẹt lịa, nhốn nha nhốn nháo cả Xóm Đình.

Về làm con chung của Xóm Đình và làm hàng xóm của vợ chồng Luận chưa đầy một năm. Mặc dù chưa bao giờ Tú kể cho Liên nghe một cách nghiêm túc về cuộc sống cũng như hoàn cảnh trước đây của mình nhưng với cái miệng “bài hải” “tía lia tía lịa” của người đàn bà trải nhiều thăng trầm trong cuộc sống thì “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường”.

Tú là dân Miền Trung, lớn hơn Luận gần chục tuổi, người béo tròn và nước da ngăm đen. Có lẽ được cuộc đời rèn đúc nên dù đã trải qua bao nhiêu giông gió cuộc đời. – Từ việc bị cha dượng hãm hiếp, cho đến phải lang thang ngoài đường, rồi đủ thứ những trò mà Tú cho là “những cuộc vui” còn xã hội thì gọi là “tệ nạn”. Tú luôn được bảo vệ an toàn bên trong chiếc vỏ bọc như một thứ kháng thể bằng bản lĩnh gang thép và sự bất cần của mình. Lần đầu tiên Luận và Tú gặp nhau, hai ánh mắt của sự ăn năn về cuộc sống buông thả trước đây, và niềm tin cho một tương lai sắp tới chạm vào nhau trong không gian của một buổi học rèn luyện kỹ năng sống ở trại phục hồi nhân phẩm. Luận cũng mồ côi cha mẹ. Lúc nhỏ sống cùng với bài ngoại ở gần Xóm Đình. Ngoại mất, Luận bắt đầu tha hương và tập quen với khói bụi đô thành. Họ nắm tay nhau và đưa nhau về đây làm lại cuộc đời, cùng buồn vui với cái Xóm Đình Mỹ Lợi.

Chiều nào cũng vậy, Liên mang cua đồng ra hiên trước ngồi giã, chuẩn bị cho nồi bún riêu cua sáng hôm sau. Liên thấy mình cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng ở cái Xóm Đình này, thanh giã cua của Liên hòa vào tiếng máy bơm nước rửa xe của thằng Hoàng Móm, tiếng ồn ào huyên náo của công nhân xưởng may đến giờ ra ca. Họ ùa ra như ong tản mát. Tốp thì vây lấy chị Nuôi bán tép. Tốp xúm lại hàng rau cải của Má Tư. Tốp ghé sang chỗ anh Tình bán giày dép đổ đống với tiếng rao hài hước và vô cùng duyên dáng “trăm ngàn sáu chiếc ba đôi/ chị nào còn chiếc đến tôi thử giày”… rao như vậy hỏi có chết người không chứ!

Màn đêm buông xuống, chợ chồm hổm vắng teo. Chỗ Cô Bảy Bánh Mì chỉ còn mỗi cái thùng xe lưu động được trùm cẩn thận, nằm chèo queo nép sát bức tường của công ty may, chờ sáng hôm sau tiếp tục áo cơm cùng cô Bảy.

Chú Năm xe ôm đã về chưa hay còn lang thang tìm thêm một vài khách lỡ đường, tìm thêm một vài đồng cơm áo? Ông Bảy Giò Gà bây giờ đã an toàn bên gia đình hay “nằm vĩ” tấp bờ tấp bụi nơi đẩu nơi đâu?

Ở căn phòng trọ kế bên tiếng của Luận xuýt xoa:

– Ngồi dậy ăn miếng cháo, rồi uống thuốc dùm tui Tú ơi! Tại tui nóng tính, Tú tha cho tui lần này nghen.

– Tao còn sống, chắc mày hổ thẹn là dân Xóm Đình lắm rồi hử?

Rồi sự im lặng cùng với màn đêm phủ trùm vạn vật. Liên ngồi nhìn dãy hành lang bên ngoài những ô cửa khép. Liên hướng những suy tư về từng số phận bên trong mỗi ô cửa của từng dãy nhà trọ ở Xóm Đình. Mỗi ô cửa như mang một sắc màu riêng biệt, bên trong đó là những câu chuyện, là những vở bi hài kịch, là những tác phẩm văn chương và Liên… giật mình khi nghe tiếng con trở giấc, bước vào bên trong căn phòng trọ, khép cửa lại, Liên góp thêm một sắc màu số phận gắn liền với ô cửa cho dãy nhà trọ và cho hơi thở của Xóm Đình.

T.T

Theo Vanvn