Xóm mồ côi – Truyện ngắn của Ngô Phú Thiện

710

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dẫu thương con nhưng thân sinh bà đành nuốt đắng phải đưa con gái ra mô đất giữa đồng, dựng tạm căn lều cho con sinh đẻ… Rồi người em gái đến thăm nom, giúp chị cũng bị dân làng dè biểu, xa lánh. 

Tác giả Ngô Phú Thiện

1.

Chẳng biết từ bao giờ, người ta gọi xóm nhà chú ở là xóm Mồ côi. Nó không hề có tên, có lịch sử gì sất! Khi chú lớn lên chỉ thấy nó nằm ở giữa đồng, cũng giống như mấy thôn xóm khác, thế thôi…

Ông Huỳnh phân bua như thế, khi nghe bạn của con đến chơi và thắc mắc về tên gọi xóm này. Ủa, mà đúng thật! Làng xóm nào ở vùng trũng này mà không nằm ở giữa đồng hay cạnh con suối, con sông? Ở đây chỉ cách xóm bên một khoảng đồng trống và còn có chiếc cầu gỗ bắc qua suối, nối liền con đường đất vào đến tận làng. Thế thì “mồ côi” cái nỗi gì?

Lớp trai trẻ hiện nay ít nhiều đều có học thức, họ vẫn tụ cư quanh đây. Mọi người cứ mặc nhiên gọi xóm này như thế, còn hỏi vì sao thì ai cũng lắc đầu. Mãi đến gần đây, một sự kiện lớn đang diễn ra trong cả xã Mỹ An: Chính quyền phát động phong trào “xây dựng nông thôn mới”. Trước hết, phải định danh lại thôn xóm và tiến hành qui hoạch dân cư, ruộng đồng. Người ta cũng cố tìm một cái tên mới, “không đụng hàng” với nơi khác để đặt cho xóm mồ côi là thôn An Bình. Trưởng thôn mới nhậm chức vô cùng đắc ý và tự hào. Một buổi tối họp dân trong thôn, Trưởng thôn viết cả một bài diễn văn để diễn giải tên gọi thôn mới:

– ”An Bình thôn” là một danh từ đẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều đó chứng tỏ thôn xóm chúng ta từ bao đời nay vẫn sống hòa bình, an vui để xây dựng đời sống mới…

Bài diễn văn đọc quá nửa giờ đồng hồ. Phía dưới sân họp, phần lớn bà con đang gục đầu… ngủ. Riêng ông Huỳnh ngồi nhấp nhổm, cựa quậy rồi đằng hắng xin phát biểu: “Thưa anh thôn trưởng! Tôi già đời thế này mà có thấy lúc nào xóm mình an vui đâu? Anh còn trẻ làm sao biết là “bao đời nay” ở xóm mình vẫn sống hòa hiếu, vui vẻ ?…

Anh Trưởng thôn giơ tay áo lên lau mồ hôi trán, đoạn khoát tay “đánh bài chuồn”:

– Thôi được rồi… Bây giờ đã khuya, để bà con ngày mai còn ra đồng. Tui hứa, sẽ trả lời đầy đủ những câu hỏi này của chú!

Bẵng đi khá lâu, anh Trưởng thôn vẫn thấy bí với câu “móc họng” của ông Huỳnh. Anh dạm hỏi nhiều người, nhưng chỉ toàn nghe những mẫu chuyện ngược đời về xóm Mồ côi. Nào là, ở đây đã từng diễn ra cuộc “huyết chiến” của hai gia đình trong xóm, chỉ vì một cục đá nằm cạnh hai đám ruộng; nào là con nít ngày xưa ở xóm này phần lớn mang họ mẹ… và còn nhiều cái lạ đời khác. Mỗi lần họp dân, anh lại nghe lão Huỳnh cay cú như gừng già:

– Bà con cố chống mắt, đừng ngủ! Tí nữa đây ông thôn trưởng sẽ giải thích về cái xóm… Zui zẻ của chúng ta!

Trưởng thôn thấy nhức đầu, vì chưa biết ăn nói thế nào với ông Huỳnh và dân làng về cái tên thôn An Bình mới đặt.

 

Sáng nay, Trưởng thôn An Bình dậy muộn. Anh đang loay hoay với bao nhiêu công việc, chợt thấy cô vợ từ ngoài đồng chạy về báo một tin “động trời” mới rợi. Chẳng là, bà con trong thôn đi phá bỏ bờ thửa để qui hoạch lại đồng ruộng. Ai cũng xăn xái muốn phá bờ của người khác; còn chẳng ai chịu dẹp cái ‘bờ thửa” của ruộng mình. Chẳng ai chịu ai, họ đành kéo nhau lên đào phá mấy cái ụ đất gò, để cho có việc làm. Mới vừa bắt tay vào giở mô đất đầu tiên, bất ngờ bà con phát lộ ra một ngôi mộ táng nằm dưới mô đất. Mọi người cùng dồn sức để đào toang mô đất ấy, hóa ra nấm mộ không phải ở dưới lòng đất. Ngôi mộ được xây kín bít bằng vôi với vỏ ốc hầm, đen thui nhưng không có huynh mộ. Có điều lạ là ở cả hai đầu Đông-Tây của nấm mộ đều có dựng bia đá. Cả hai đều khắc chữ Hán, nhiều nét chữ đã nhòe mờ, nhưng khó khăn hơn là chẳng ai biết đọc loại chữ này.

Anh Trưởng thôn đến, chống nạnh xem qua nấm mộ rồi lưu ý bà con “giữ nguyên hiện trường”. Anh tức tốc chạy xe lên Ủy ban xã báo cáo và “xin ý kiến chỉ đạo”. Cán bộ Văn hóa xã Mỹ An lạnh lùng bảo: “Mộ ấy ở đây thiếu gì! Muốn dịch chữ Nho thì tìm đến thôn An Hòa, có ông đồ Nho còn sống ở đó”.

May quá, anh Trưởng thôn đến tìm và gặp được ngay thầy đồ. Tuy ông cụ không còn khỏe nhưng vẫn khá minh mẫn. Cụ nhận lời theo xe Trưởng thôn đến “mục sở thị” ngôi mộ thế nào.

Cánh đồng trưa nắng, nhưng bà con kéo nhau ra xem rất đông. Có người còn cẩn thận mang theo nước uống và gàu thùng để múc nước ao rửa mặt chữ bia đá. Ông thầy đồ hí húi với cái kính lúp một hồi, rồi vừa sờ tay lên mặt bia vừa đọc chữ được chữ mất. Nhẫm một lúc khá lâu từ tấm trước đến tấm bia sau, đoạn ông gọi Trưởng thôn lại, “dịch ý”:

– Tấm phía Đông là bia mộ, còn tấm phía Tây là bài “minh”. Dầu không đọc được hết mặt chữ, nhưng ý ở mỗi bia thế này: Mặt phía Đông cho biết đây là ngôi mộ của bậc “Hiển cao tổ tỉ” do cháu chắt làng này lập. Không có năm sinh, chỉ biết tạ thế năm Ất Mùi, thọ 80 tuổi. Còn phía Tây là bài minh của ai đó, ghi công đức lập làng của cụ bà… Thôi chết rồi! Để tôi nhớ lại sự việc lâu lắm về ngôi mộ này, tôi biết. Bây giờ nắng quá, cho tôi về rồi hôm sau gặp lại…

 

Cái xóm nhỏ từ lâu hiu hắt giữa đồng, nay bỗng nhiên có lắm người lui tới, bàn tán đủ chuyện về tâm linh. Người trong xóm còn úp mở về việc có kẻ muốn lợi dụng đêm tối để “khai quật của quí” bên trong ngôi mộ của bậc “Hiển cao tổ tỉ”. Sốt ruột, Trưởng thôn đành phải chạy đến nhà ông thầy đồ một lần nữa, để xin “thỉnh giáo”. Ông đồ Nho vừa thoáng thấy anh đến, liền ra hiệu vào ngồi lên bộ phản ở giữa nhà, tỏ vẻ trịnh trọng. Ông cụ vừa rót nước mời khách vừa nói chậm chạp, giọng khàn khàn:

– Tôi nhớ lại rồi… lúc còn nhỏ, tôi đã biết chuyện vì sao ngôi mộ ấy bị dân làng bí mật lấp lại thành ụ đất… ngay cạnh đầu xóm! Trải qua quá nhiều bom đạn, chiến tranh… không ai còn sức đâu để nhớ lại chuyện cũ…

Trưởng thôn thấy sốt ruột quá, bèn đề nghị: Hay là ông cho cháu lấy giấy ghi lại chuyện này. Ông cố nhớ cụ thể để lần lượt kể; còn cháu nghe và ghi lại luôn tại đây…

Ông đồ lim dim một lúc, rồi gật đầu. Thế là ông và cháu như hai thầy trò thỉnh kinh, nắn nót từng chữ trên bộ ván. Ghi chép xong câu chuyện ông đồ kể, trời cũng đã chập choạng tối. Trưởng thôn An Bình không quên cám ơn và hỏi lại ông cụ lần nữa, trước khi ra về:

– Thưa ông, có nên kể chuyện này với dân làng hay chỉ cho cán bộ của Ủy ban biết?

Sau một hồi trầm ngâm, ông đồ trả lời gọn lỏn: Tùy chú!

Trưởng thôn cáo từ, ra về. Anh vừa đi vừa ngẫm về câu chuyện của ông cụ kể. Trưởng thôn mới ngoặt xe vào phía cổng chào thôn An Bình, bất đồ ngọn đèn điện trên cổng bật sáng làm anh giật mình, tưởng hồn vía lên mây. Đạp thắng xe dừng lại lấy bình tĩnh, bỗng trong đầu anh lóe sáng một ý nghĩ rất hay. Trưởng thôn gật gù và tự nói với chính mình: “Tại sao không kết hợp chuyện này để “đả thông” nhân dân trong buổi họp thôn sắp tới? Một công đôi việc – vừa “dọa” ông Huỳnh già bỏ thói móc họng, vừa dễ thuyết phục bà con về chuyện phải đổi tên thôn là An Bình”.

 

– Thưa bà con! Hôm nay chúng ta họp bàn hai vấn đề trong thôn. Thứ nhất là việc chỉnh trang lại đồng ruộng, tui chỉ nói ngắn gọn. Còn việc thứ hai quan trọng hơn, dành thời gian để bàn về chuyện ngôi mộ mới được phát hiện…

Chưa kịp nói hết ý, phía dưới sân đã có tiếng xì xào loạn xạ. Ai đó nói vọng lên: Chuyện chỉnh trang đồng ruộng biết rồi, gác lại sau. Anh Trưởng thôn nói về lai lịch ngôi mộ ấy cho bà con nghe trước!

Hôm nay có sự chuẩn bị kỹ nội dung họp, nên Trưởng thôn khá tự tin. Anh nhấn nhá:

– Thôi, cũng được. Tui sẽ báo cáo lại chuyện ông đồ kể cho bà con nghe!

– Nhưng không phải là chuyện An Bình… Zui zẻ đấy chứ? Lại tiếng ông Huỳnh “móc’ vào.

Trưởng thôn hắng giọng: Xin bà con trật tự! Chuyện ngôi mộ táng bị vùi lấp và lai lịch của nó có liên quan với nhiều người ngồi đây. Trong số hậu duệ của vị “Hiển cao tổ tỉ” này có cả chú Huỳnh, tui và nhiều người khác…

Câu chuyện khá dài, nhưng cụ đồ nhớ rất kỹ việc ngôi mộ bị người dân xóm mồ côi bí mật chôn lấp, từ đầu thế kỷ trước. Những người cố tình chôn lấp, không phải người dưng nước lả bên ngoài, mà chính những người có quan hệ với ngôi mộ tổ!…

Nghe màn “giáo đầu” ấy, cả sân họp lặng ngắt; ông Huỳnh khịt khịt mũi rồi im re. Chỉ đợi có thế, Trưởng thôn đứng dậy trình bày rành rọt:

– Theo lời ông đồ kể, ngôi mộ bị vùi lấp ấy cũng chính là bậc khai sinh, lập nên xóm mồ côi. Tương truyền rằng: Cuộc đời cụ bà oan khiên lắm, vì không chồng mà có con. Do lúc nhỏ đi ở đợ nhà giàu, lớn lên bà bị chính tay địa chủ giàu có ấy dụ dỗ và mang thai. Đang bụng mang dạ chửa, bà bị người vợ cả của lão phát hiện, đánh đập tàn tệ rồi đuổi đi. Lão địa chủ ấy không dám hé răng, chỉ lén luốc cậy con sen mang ít quan tiền dúi vào tay cô gái bất hạnh để… về quê chửa đẻ. Nhưng khi về làng Bà lại bị Lý trưởng của làng phạt vạ, vì tội “chửa hoang”.

Dẫu thương con nhưng thân sinh bà đành nuốt đắng phải đưa con gái ra mô đất giữa đồng, dựng tạm căn lều cho con sinh đẻ… Rồi người em gái đến thăm nom, giúp chị cũng bị dân làng dè biểu, xa lánh. Vì thế, hai chị em đành đùm túm nuôi nhau và khai khẩn đất hoang canh tác, dựng nhà để ở không chịu về làng cũ. Nghe đâu sau một thời gian, có người đàn ông đói khổ đi xin ăn, lạc bước đến ngôi nhà giữa đồng này. Và người ăn mày xin hai người đàn bà cho trú tạm qua đêm. Thấy tình cảnh ấy giống mình, hai chị em đồng ý cưu mang và giữ luôn người đàn ông kia ở lại… Rồi không hiểu sao, ít lâu sau cả hai chị em cùng có con với người ăn xin nọ. Đến lúc người em vừa sinh đẻ thì nghe đâu, người đi ăn mày kia cũng ngả bệnh mà chết…

– Trời đất! Hèn chi mà người ta bảo ngày xưa con nít xóm ni toàn mang họ mẹ… Ai đó dưới sân không nín được, thảng thốt kêu lên.

Giọng Trưởng thôn chùng xuống, giải thích: Có lẽ cái tên xóm mồ côi cũng bắt nguồn từ đó. Theo chữ nghĩa trong bài “minh”, được biết cháu chắt về sau khá đông đúc và có thời làm ăn thịnh đạt. Vì thế, họ cùng chung tay xây ngôi mộ tổ và ghi nhận bậc “Hiển cao” này là người lập nên xóm ấp.

Nhưng khi có của ăn của để, lớp cháu con này lại nảy sinh bất hòa. Suốt thời gian dài, họ lập phe phái để tranh giành nhau về ruộng đất. Không ai biết mình quan hệ tôn ti thế nào với nhau, nên nhiều người tự ý đổi họ để thưa kiện lên quan về chuyện điền thổ. Đằng họ Phạm của chú Huỳnh và họ Phan nhà tui cùng trong trường hợp đó, nhưng cuối cùng họ Phạm thắng kiện. Thế rồi, các thế hệ nối tiếp về sau chẳng ai còn biết để lo hương khói cho ngôi mộ tổ. Tệ hại hơn là trai gái trong xóm này lại “quần hôn” với nhau sinh con, đẻ cái thành các chi tộc mới!

– Thôi đừng kể nữa, tui nhớ ra rồi! Ông Huỳnh đứng dậy khoát tay, cắt ngang lời Trưởng thôn. Bà cụ tui lúc sinh thời thường “xa gần” nhắc anh em tui, lúc nào có điều kiện đi tìm lại mộ tổ. Vì nghe đâu ông thầy bói bảo, do cụ bà báo ứng nên năm có lụt lớn dân trong xóm chết rất nhiều. Chẳng hiểu làm sao, mọi người tin thầy bói kéo nhau đi đào mộ, rồi trong đêm đưa đi đâu mất tích. Hóa ra…

– Bây giờ bà con đã hiểu ngọn nguồn ngôi mộ bị lấp và tại sao gọi là xóm mồ côi- Trưởng thôn cắt lời. Vậy thì, giờ đây ngôi mộ tổ đã được “khai quật” lại, bà con ta phải có trách nhiệm với tổ tiên. Điều quan trọng hơn, cần phân định lại quan hệ huyết thống để giáo dục cho con cháu về nguồn cội… Làm được việc này, tất cả bà con ta mới có cơ hội để xây dựng lại cuộc đời mới an lành, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó, mà cái xóm mồ côi xưa phải được thay đổi thành thôn An Bình là hợp lý, hợp tình nhất…

Không khí cuộc họp thôn hôm nay tỏ ra khác thường, vì ai cũng nghẹn ngào, thảng thốt. Mọi người như thấy áy náy trong lòng, không ai muốn nói ra điều gì nữa. Ông Huỳnh nghe câu cuối cùng của Trưởng thôn, lặng lẽ chuồn mất.

Đến khi buổi họp kết thúc, không ai bảo ai cùng kéo nhau ra phía ngôi mộ. Vừa đến nơi, mọi người đều giật mình, sởn gai ốc! Vì dưới ánh lửa sáng chập chờn của ngọn đuốc, ai cũng nhận ra cha con ông Huỳnh đang sì sụp thắp hương, khấn vái trước ngôi mộ của bậc “Hiển cao tổ tỉ”.

N.P.T