Thành phố quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng hương sắc của bốn mùa hoa trái thì không thiếu, chỉ thiếu cái tiết trời rét mướt hay mưa phùn lãng đãng. Những ngày này, đi đâu cũng dễ dàng nghe mấy câu than thở kiểu: “Nắng thấy ông bà ông vãi, trời nắng vầy, ông trời thấy tám ông, nắng đổ lửa trên đầu…”.
Xe hàng rong “độ” thêm dù để tránh nắng
Mạng xã hội mấy ngày này có lẽ cũng trở thành nơi chuyên chở cả những câu chuyện nắng mưa, lướt tới lướt lui lại thấy có người bạn viết vài dòng than trời nóng quá, ai hóm hỉnh hơn thì đăng kèm cái ảnh chế.
Tiết trời cứ hầm hập, cái nắng tháng tư “không đùa được đâu”. Trời nắng chói chang, sức yếu mà đi ngoài đường giữa trưa, nhẹ thì say nắng, hoa mắt, chóng mặt… nặng hơn có khi trúng nắng, cảm sốt luôn hông chừng. Nhưng hễ mưa chừng ba ngày liền lại nghe có người than buồn, thèm nắng, bởi dân xứ này quanh năm vốn đã quen nắng hơn là mưa, rét. Trông cho trời nắng để phơi mớ quần áo, mền, gối; trông nắng để đi học, đi làm đỡ cực; trông nắng để hẹn hò cà phê cà pháo, chiều chiều dạo phố hóng mát… Than thì than vậy đó, chứ xứ này quanh năm “thèm nắng” hơn mưa. Cũng bởi thế mà người ta hay nói “nắng Sài Gòn” như một “đặc sản” để lòng người nhung nhớ, như đất Bắc thì có “mùa thu Hà Nội”.
Và dưới cái nắng ong ong của thành phố, những câu chuyện đời cũng đượm giọt mồ hôi hơn. Cánh công nhân công trình, tài xế xe ôm, giao hàng hay những xe/gánh hàng rong ai nấy mồ hôi lã chã giữa trưa hè. “Mấy bữa nay ổng nắng dữ thần”, cô Ninh đẩy xe trái cây dạo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) than thở. “Thôi kệ, thà ổng nắng để còn buôn bán chứ mưa là ế khóc ròng nha”, một “đồng nghiệp” gánh bánh tráng chuối đáp lời cô Ninh. Và đâu đó trên đường phố, thùng trà đá miễn phí lại nhiều hơn, để sẻ chia nhọc nhằn với người lao động, người ta hay nói thành phố nghĩa tình cũng bởi mấy điều dễ thương nhỏ nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như thế này.
Dừng xe chờ đèn đỏ, người ta cũng ráng kiếm cái bóng râm; cơm bụi, quán cóc vỉa hè cũng tranh thủ chút bóng mát cạnh bờ tường, tán cây… để khách xúm xít cho đỡ nắng. Dọc theo các tuyến đường trong thành phố, nước uống “đặc sản” cho mùa oi bức cũng bắt đầu nhộn nhịp. Trà tắc, cam vắt, chanh dây… có mặt khắp nơi, dừng xe chưa đầy năm phút là có ngay ly nước mát lạnh.
Và dẫu chỉ 2 hai mùa mưa – nắng, nhưng đặc sản hoa trái bốn mùa ở thành phố mình không thiếu. Nhìn những xe trái cây trên đường phố cũng đoán được thời tiết đang mùa gì. Như những ngày này, xe hàng rong trái cây thường vàng ươm, nhìn là biết ngay mùa thanh trà, loại trái cây có tiếng ở Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây cũng kịp lên phố để khách lựa chọn. Khách vì sắc vàng của trái thanh trà tròn trĩnh óng ánh dưới nắng mà cầm lòng không đặng phải ghé lại, cánh nhân viên văn phòng xúm xít lựa làm quà ăn vặt. Cứ vậy mà mùa nào trái nấy, hết mùa thanh trà đến chôm chôm, nhãn…
Không khắc nghiệt như cái nắng của trời miền Trung, cái nắng ở thành phố không chỉ là đặc điểm theo địa lý, mà nó còn là một phần trong tính cách của người dân xứ này, dễ quạu mà mau quên, cũng như nắng chang chang đó rồi lại mưa ngay. Nắng của trời thành phố còn chở thêm những câu chuyện đời dung dị của những người lao động tay chân, những gánh hàng rong chắt chiu… Thà chịu nắng chứ mưa dầm thì ế lắm!
Theo Kim Loan/SGGP