CHƯƠNG 2
(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Được mùa – 2002 – Đúng là đất cũ đãi người mới, ông Tuất nghĩ. Thằng Bằng vậy mà có duyên với nghề làm vườn. Mới ra nghề mà đã trúng một lứa hàng như vậy chắc là Bằng mừng lắm. Lúc đó là buổi chiều, ông Tuất đang lui cui vo gạo nếp chuẩn bị cho ngày mai thì Bằng đẩy cổng bước vào sân, Bằng đi ngay ra sân sau chỗ ông Tuất đang ngồi làm việc.
Trên tay Bằng là một bịch ny lông màu đen khá nặng không biết Bằng đựng thứ gì bên trong, ông Tuất định hỏi Bằng nhưng chưa kịp mở miệng thì Bằng đã nói trước:
– Chú ơi, cháu đào khoai cân được hơn 5 tấn, cháu lựa mấy củ hạng nhứt qua biếu chú ăn lấy thảo, lu bu quá bữa nay mới đem qua cho chú được!
Ông Tuất cười tươi:
– Sao cháu không kêu chú phụ cho một tay?
Nói thì nói vậy chớ ông Tuất còn lo chuyện bán buôn thì lấy thời giờ đâu mà đi làm giúp Bằng? Mấy hôm trước Bằng có dọ hỏi chuyện kêu công đào khoai, ông Tuất chỉ Bằng qua nhà trọ của ông Hứa hỏi mấy đứa thanh niên ở trọ đi làm thuê xem có đứa nào rảnh không thì mướn vài công là xong. Ông Hứa cất một dãy nhà ở miếng đất phía sau và ngăn ra làm nhiều phòng trọ. Đám thanh niên nam nữ ngoài miền Trung vào tìm việc cứ hai, ba đứa thuê một căn phòng. Chúng còn rất trẻ, có đứa chưa học xong cấp ba đã bỏ gia đình theo bạn bè vào đây kiếm việc, ông Hứa có 10 phòng trọ chứ nếu thêm 10 phòng nữa cũng có người thuê. Nghe Bằng hỏi chuyện, ông Hứa nói liền:
– Tưởng chuyện gì, chú chờ đó tui kêu thằng Tảo một tiếng là xong!
Làm thuê cũng phải có thủ lĩnh, Bằng biết chuyện này từ lâu. Thằng Tảo là một thằng to con, khuôn mặt đen thui, đen đến độ Bằng phải kêu bằng cụ! Quả thật khi hỏi Bằng diện tích đám khoai, Tảo ra giá liền:
– Chừng đó phải 5 công mới xong, nhưng chừ tui chỉ còn có 4 thằng, thôi ông anh khoán cho đàn em một “chai” là được!
Bằng la lên, một triệu sao, sao mà mắc quá, tao chạy xe ôm nếu hên thì phải chừng hơn ba, bốn ngày cả vốn lẫn lời mới kiếm được chừng đó tiền, mày tưởng tao biết in tiền chắc. Sáu “xị”!
– Thôi ráng chút ông anh, cho thằng em tám “xị”, bảo đảm trưa mai tụi này sẽ khiêng bao khoai cuối cùng lên xe cho ông anh mới lấy tiền.
Tiền cân khoai thì chưa lấy mà phải trả tiền liền cho đám thằng Tảo, Bằng phải qua nhà mượn đỡ ông Tuất. Ông Tuất vừa lấy tiền đưa cho Bằng vừa cười nói:
– Bay cứ tưởng tao là nhà băng chắc, hở chút là qua mượn. Nói vậy thôi, ráng mà làm ăn nghe con, tao thấy thằng Thông có vẻ học được, còn thằng Minh học hành ra sao?
Nghe tới chuyện học của con, Bằng tươi hẳn. Quả thằng Thông đúng như cái tên học gì thông nấy, không biết nó giống ai? Hồi nhỏ, Bằng ham chơi hơn ham học, mẹ Bằng còn phải lo nỗi cơm áo gạo tiền, bà đâu có thì giờ mà coi ngó chuyện học của Bằng? Bằng bỏ học năm hết lớp 9 rồi xin học nghề sửa xe, vậy mà chuyện làm ăn của Bằng chỉ có một chữ “xe” thôi, còn chữ “sửa” dường như Bằng không có một chút duyên nào! Bây giờ lại quay qua làm vườn, đúng là cuộc đời, mình đâu biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Chạy xe ôm ngày ngày lượm bạc lẻ, còn làm vườn, giá sau, nghe nói giá khoai đang ở chỗ bảy ngàn rưỡi. Bảy ngàn rưỡi nhân với năm ngàn không trăm tám chục ký lô thành tiền là…. Bằng bối rối, lúc nhỏ Bằng sợ nhất môn toán, bây giờ ngồi nhăn mặt làm phép tính nhân mà không ra được đáp số! Thấy ba làm miết không xong, thằng Thông hỏi:
– Ba ơi để con làm cho, bài này dễ ẹt, con học hồi lớp ba lận.
Quả thật thằng nhỏ làm cái rẹt là xong, nhân thể Bằng nhờ con làm mấy phép tính nhân tiền phân, rồi bài toán cộng, toán trừ để tìm ra bài toán lời lỗ. Bây giờ nghe ông Tuất hỏi chuyện học thằng con, Bằng mang chuyện hồi hôm kể cho ông Tuất nghe. Ông Tuất cứ tắc lưỡi “cái thằng, cái thằng…” hoài, không biết ông định nói điều gì, nhưng Bằng đọc thấy trong mắt ông Tuất một niềm vui. Ông Tuất hỏi:
– Bay tính chưa, lời được bao nhiêu?
Mắt ông Tuất sáng lóng lánh, ông đang chờ từ Bằng một tin mừng. Bằng trái lại mắt nhìn xuống đất:
– Chẳng bao nhiêu chú ơi, năng suất thì đạt, còn giá thì rớt, phân tro giống má thì mắc, không tính công tiền thu về chỉ bằng mấy chục ngày chạy xe thôi!
Ông Tuất hỏi lại:
– Ủa có chừng đó thôi à?
Bằng cười mếu:
– Chừng đó thôi chú, chú tính con phải chia ra làm ba phần như chạy xe ôm vậy. Phần thì để dành trả tiền thuê đất, phần trả tiền phân bón, thuốc, điện đóm và các thứ khác phần còn lại còn có bấy nhiêu thôi. Con ước sao có thêm đất để mà làm thì mới hết được thời gian, nếu được vậy quá đỡ ha, chú?
Ông Tuất nghĩ cũng phải, ai làm ăn mà không tính chớ. Ông cũng lấy gạo nếp nhà bà Hóa cuối tháng tính một lần, hàng ngày gom từng đồng để tới tháng mà thanh toán. Tháng tới liền liền, tiền gạo nếp, tiền than, tiền củi, tiền đậu, tiền dầu…ôi thôi đủ thứ tiền. Nếu mà vụng tính thì có mà ăn cám?
2. Chuyện cũ – 1995
Tự nhiên khi không ông Tuất lại nghĩ đến hai đứa con. Tức chết đi được, ông nghĩ, nếu thằng Tuấn cũng biết suy nghĩ như thằng Bằng thì đâu đến nỗi. Buôn bán thức đêm dậy sớm gom từng đồng để giắt lưng phòng khi có chuyện vậy mà thằng con trai ông lâu lâu lại về hỏi mượn. Nó mượn thì có chớ trả thì không. Nó không giống thằng Bằng một chút nào, thằng Bằng hễ kẹt tiền là qua mượn ông, nó mượn và trả rất sòng phẳng. Lâu lâu có món gì ngon nó lại mang qua nhà cho ông. Còn thằng Tuấn thì chỉ về thăm ông khi kẹt tiền, có tiền là lặn đi mất tiêu. Nghĩ mà thấy buồn, ở tuổi nay ông Tuất vẫn ở một mình từ khi bà Thành mất. Thằng Tuấn ông cho ra riêng khi vừa cưới vợ xong, ông cho hai vợ chồng nó một miếng đất trên Đa Phú, ở đó đã có cái nhà ván lợp tôn chừng vài chục mét vuông. Ăn thì nhiều chớ ở bao nhiêu, nếu là đứa khác biết lo làm ăn dành dụm để cất lại cái nhà cho đàng hoàng thì đành một lẽ, còn thằng Tuấn thì chỉ biết có nhiêu xài nhiêu. Còn con Hằng thì không đến nỗi như anh nó, nhưng mà nghèo, nó theo chồng làm cà phê tận Di Linh, lâu lắm Hằng mới về nhà thăm ba:
– Ba ơi ba có khỏe không ba?
Chưa kịp nghe ông trả lời, con Hằng đã la:
– Ba ăn uống ra sao mà kỳ này con thấy ba ốm nhách vậy. Giờ ba sống có một mình như vầy con không an tâm chút nào. Hay là ba xuống Di Linh ở với con đi?
Ông Tuất nhìn con:
– Sao mà ở được hả con, không lẽ ba ở chung nhà với anh chị sui sao?
Hằng biết điều đó, không lẽ Hằng mang ba xuống nhà chồng để lo cơm nước cho ba, Hằng có nói ra chắc ba cũng không đồng ý. Hằng biết vậy nhưng Hằng cứ nói để chuyện này đến tai ông Tuấn. Làm thằng con trai mà không chịu lo cho cha mẹ gì hết, chỉ biết mượn tiền là giỏi, Hằng giận anh lắm nhưng đành bất lực. Ông Tuất biết con gái nghĩ gì, ông từ tốn nói:
– Thôi con, ba còn sức khỏe ngày ngày bán xôi cũng kiếm ăn được chưa đến nỗi nào. Anh con làm ăn thì thất bát hoài, con lại đông. Ba lo là lo cho mấy đứa nhỏ, thời buổi này không được học hành đầy đủ có mà ăn cám!
Rồi ông nghĩ tiếp, thằng Tuấn tiếng là làm vườn từ lâu, từ ngày ông giao cho nó miếng vườn hai sào đất để ra riêng nhưng chưa thấy nó tính toán chuyện làm ăn như thằng Bằng tính. Hai sào đất đó vợ chồng ông gom hết vốn liếng mua ngay sau khi thằng Tuấn cưới vợ. Bà Thành lúc đó bàn với ông:
– Thằng Tuấn tính nó tui biết, chẳng lo làm ăn gì hết. Giờ nó lấy vợ rồi, mình cho nó cái cầu câu, chỉ cho nó cách câu chớ không lẽ bao nó trọn đời sao?
Ông Tuất nhớ lại ngày mà thằng Tuất về thưa với ông bà chuyện nó muốn cưới vợ. Bà Thành nghe con định cưới vợ, bà vui lắm:
– Con định lấy ai?
Tuấn đắn đo một hồi rồi nói:
– Dạ, con Trinh.
Bà Thành nghe Tuấn nói tên đứa con gái mà nó muốn lấy làm vợ, bà nói liền:
– Không được, con lấy đứa nào má cũng đồng ý chớ con Trinh thì không!
Tuấn đã biết chuyện má mình không ưa bà Cúc má của Trinh. Ở ngã ba này ai mà không biết chuyện bà Thành và bà Cúc. Từ hồi còn con gái, hai người là bạn thân của nhau. Đi đâu cũng thấy hai người cặp kè, hễ ai thấy Thành thì hỏi chớ Cúc đâu, gặp Cúc mà không có Thành thì hỏi sao con Thành bận gì mà không đi với em? Vậy mà đùng một cái hai người coi nhau như người xa lạ.
3. Trúng số – 1990
Bữa đó Thành ra quán bà Hóa mua ký trứng, trong quán lúc đó cũng khá đông người. Một người nói chuyện với bạn trong khi chờ bà Hóa cân gạo:
– Tuần này đài Đồng Nai lại về con sáu tám, tui tiếc đứt ruột!
Người kia hỏi:
– Đầu hay đuôi?
– Cả đầu với đuôi cũng đều sáu tám mới đau chớ?
Nghe chuyện của họ, Thành biết ngay đây là đệ tử của đề đóm. Nuôi mấy con số chỉ làm giàu cho bọn huyện đề chớ làm sao mà thắng được. Nhưng nghe họ nói chuyện đề, Thành sực nhớ tới mấy tờ vé số Thành và Cúc mua chung hôm trước. Hôm đó hai người đi chợ chơi. Đi chơi thôi không mục đích gì. Gặp hàng nào cũng sà vô, lựa chọn đã đời rồi qua hàng khác. Hình như đàn bà ai cũng giống ai đều thích đi mua sắm. Có tiền đi mua sắm thì đã đành, còn đây không rủng rẻng tiền trong túi cũng đi lựa chọn lung tung. Đang hào hứng với mấy bộ đồ mặc ở nhà, Cúc cúi xuống. Thành nhìn theo bạn. Dưới đất là một hình nhân nằm trên xe bạt đạn, tay cầm sấp vé số, miệng rên rỉ:
– Cô hai mua giúp tờ số, đài Đồng Nai tui còn mười tờ sáu tám đây cô.
Cái bộ dạng của người nằm trên xe còn được coi là một con người đã làm cho tim ai nấy rúng động, nếu là ăn xin người ta cũng cho huống chi là đi bán vé số? Cúc cầm xấp vé số lấy 5 tờ sáu tám. Thành nói với bạn:
– Bồ lấy cho tui 5 tờ luôn đi.
Hai người bạn thương hại nhìn theo cái hình hài nằm trên xe đẩy, trong lòng Thành cảm phục người khuyết tật thà đi bán vé số chớ không chịu đi ăn xin. Hai chị em ra về, lòng không vui vì cái vụ vé số kia. Cúc nói:
– Để tui đưa bồ 5 tờ vé số?
Nói xong Cúc mở nắp cái túi xách đang đeo vai. Thành ngăn lại:
– Thôi bồ giữ luôn đi, chắc gì đã trúng?
Nghe vậy Cúc cũng thôi không đưa bạn mấy tờ vé số. Mấy ngày trôi qua, Thành quên luôn vụ mua vé số, Cúc cũng không nói gì. Bây giờ nghe lóm hai người chơi số đề nói chuyện, Thành mới biết mình trúng số. Trong bụng cũng vui vui, Thành kể chuyện mua vé số cho bà Hóa nghe, bà Hóa nói:
– Mừng cho cô, mình làm ơn mua cho người ta có miếng ăn như rứa cũng được phước cô à?
Đúng lúc đó Cúc cũng đi quán mua mấy thứ thực phẩm khô, Thành hỏi:
– Mình trúng số mấy tờ mua hôm trước bồ dò chưa?
Trong bụng Thành nghĩ chắc là Cúc vui lắm, Cúc sẽ nói “hay bồ với tui hôm nào mình đi chơi xả láng một bữa, tiền trúng số mà!”. Ai ngờ Cúc nói:
– Trúng khỉ gì, trật lất. Tui dò rồi!
Thành ngạc nhiên:
– Ủa mới hồi nãy tui vừa nghe nói đài Đồng Nai về con sáu tám mà, phải không cô Hóa?
Bà Hóa xác nhận:
– Đúng, tui có nghe nói.
Cúc cãi:
– Thì con sáu tám về, còn mình mua con tám sáu mà?
Thành ngạc nhiên hết sức, rõ ràng làm sao Thành nhầm cho được, con sáu tám chình ình trên tay Cúc khi Cúc cầm sấp vé, lúc đó Thành ghé đầu dòm. Vậy mà bây giờ nó nói là con tám sáu, thiệt là tức. Tức là cãi, nói qua nói lại một hồi làm ầm ĩ quán bà Hóa, cả khu chợ chồm hỗm cũng bu lại coi, quê quá. Thành bỏ về mặt phừng phừng. Trong bụng nghĩ không lẽ con Cúc vì mấy trăm bạc mà coi nhẹ tình bạn bè hay sao mà nó cãi tới bến vậy. Thành biểu đưa mấy tờ vé số nó còn nói:
– Vé trật thì “dụt” chớ để làm gì?
Thành rấp tâm tìm người bán số dạo mượn cuốn sổ dò coi sao. Hóa ra hai người chơi đầu đuôi nói sót, đến ba lô ra con sáu tám, ngoài đầu đuôi còn lô hạng nhất. Thành nhớ như in dãy số mua của người nằm trên xe đẩy, giờ nó nằm chình ình trong lô hạng nhất. Chỉ vì số tiền đó mà con Cúc coi nhẹ tình bạn như vậy sao?
4. Trở lại với nghề – 2002
Giờ nghe thằng Tuấn nói nó định lấy con Trinh, con gái đầu bà Cúc làm vợ, bà Thành nhớ lại chuyện xưa, bà nhất quyết không chịu. Thằng Tuấn bị mẹ ngăn cản, chiều chiều ra ngồi ngoài hè ôm đầu gối bà kêu hoài cũng không chịu vô ăn cơm. Dùng lý lẽ rồi dùng tình cảm gì cũng không lay chuyển được thằng Tuấn, chiều nó ngồi tới tận nửa đêm mới chui vô nhà nằm trên bộ phản mà thở ra, không thèm vô giường nằm. Nhìn con mới có một tháng mà hốc hác như một ông già, bà Thành như bị ai xát muối vào lòng. Ông Tuất nói:
– Bà xát muối bà chớ ai vô, thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, để tháng tới tui và bà qua nhà bà Cúc nói vợ cho nó là xong chuyện.
Đám cưới thằng Tuấn, bà Thành đánh phấn thật dầy để che khuôn mặt của mình. Bà không mắc cỡ, nhưng bà mắc cỡ cho bà Cúc và cũng để giấu đi vẻ mặt thiệt của mình.
Ông Tuất lan man nghĩ chuyện ngày trước, dạo này ông hay như vậy quá. Cứ ngồi im một hồi là ông lại nhớ đến bà Thành, không chuyện này thì cũng chuyện kia. Sao lạ vậy cà, thôi đúng rồi sắp tới ngày giỗ bà Thành, ông lấy điện thoại bấm máy gọi cho con Hằng và thằng Tuấn nhắc ngày giỗ mẹ nhớ về nhà. À, còn chỗ khoai tây thằng Bằng vừa cho ông để dành còn làm đám giỗ, ông Tuất nghĩ.
Mải nghĩ những chuyện ngày xưa ông Tuất quên mất Bằng vẫn con ngồi ở cái bàn trong bếp. Bằng đang coi tivi, trên truyền hình đang diễn ra một trận bóng đá quốc tế. Bằng ham môn thể thao này lắm, mỗi lần có trận đấu Bằng đều thức đêm coi, sáng ra con mắt mở ra không muốn nỗi. Nhưng hễ có khách kêu xe là Bằng lại thấy tỉnh như sáo. Bây giờ kiêm luôn hai nghề vừa làm vườn vừa chạy xe ôm, Bằng hơi nghiêng về phía vườn. Không nghiêng không được bởi cái nghề trồng rau ai cũng phải theo dõi diễn biến thời tiết, coi cây rau nó có bị làm sao không để mà kịp thời chữa trị. Bằng ra nghề làm vườn sau người ta nên khi có dịp là Bằng đều học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Nhờ cái tính ham học đó nên mới một thời gian ngắn Bằng đã tiếp thu khối kinh nghiệm của người làm vườn và để dành đó bởi Bằng chỉ vừa qua lứa khoai tây thôi. Đang miên man nghĩ về mấy chuyện làm vườn, Kim đẩy cửa bước vào làm Bằng giật mình:
– Ủa Kim, ông định gặp chú Tuất à?
Kim cười:
– Không, tui gặp ông. Tui qua nhà ông, bà xã ông nói ông đang ở đây, tui ghé qua liền!
Bằng ngạc nhiên:
– Gặp tui? Mà có chuyện chi?
Kim ngồi xuống, lấy ly rót nước uống. Vừa lúc đó ông Tuất đẩy cửa bếp bước vô:
– Dạ cháu chào chú, Kim nói.
Ông Tuất chào lại:
– Đi chơi hả cháu, ngồi xuống uống nước đi, có chuyện chi không Kim?
– Dạ cháu qua gặp Bằng. Chú ơi cháu định nhường lại cho Bằng miếng vườn thuê của ông Hương!
Cả ông Tuất và Bằng đều ngạc nhiên:
– Rồi bay làm gì? Ông Tuất hỏi, còn Bằng ngạc nhiên hỏi “sao vậy?”. Kim cười:
– Nói chú mừng, cháu vừa gặp ông già, ổng cho chút vốn rồi còn tìm chỗ cho cháu lái xe. Quay qua Bằng, Kim hỏi:
– Ông lấy luôn chỗ đất ông Hương cho tui thuê mà làm luôn. Tui tính như vầy: tiền ứng trước trả tiền thuê đất, ông cứ để đó chừng nào có tiền trả lại tui sau, còn mấy rò dâu tây tui mới gầy ra đó tui để lại cho ông chăm sóc rồi hái trái bán, ông đưa tui chút ít là được. Chỗ ông với tui cùng cảnh ngộ với nhau mà. Sao lấy không?
Bằng ngẩn người. Quả thật Bằng không nghĩ Kim lại nhường lại chỗ đất thuê gần suối cho mình. Chưa kịp trả lời Kim thì ông Tuất cười nói:
– Cha, thằng Bằng “trúng số” rồi, hồi nãy mày đang ao ước có nhiều đất để làm vườn, thời buổi này chỉ có từng đó đất đâu hết thì giờ phải không Bằng? Còn cháu nữa Kim, cháu cũng trúng số độc đắc phải không?
Cả Kim và Bằng đều cười tươi, chưa biết cái vụ “trúng số” của hai người sẽ mang đến điều gì nhưng trước mắt thấy vui ở trong lòng. Ông Tuất nói tiếp:
– Chú có chai rượu, để chú làm chút mồi ba chú cháu mình ăn mừng vụ trúng số này nghe?
5. Cha và con – 2002
Từ nhà ông Tuất ra về trời đã tối. Vui quá Kim uống tới chục ly rượu giờ mới thấy xót ruột với cái bụng trống trơn. Có mỗi dĩa bò xào với hành tây mà ba người uống hết lít rượu ông Tuất mua của ông Thơ về định ngâm thuốc sao mà bụng dạ không cồn cào cho được? Thứ rượu đó Kim biết ông Thơ ra lò là thứ hạng nhứt dành để bán cho những người dặn trước với giá gấp rưỡi rượu thường. Nhưng cuộc rượu với những toan tính cho tương lai nghe sao trong lòng vui quá, không biết rồi có làm được không nữa? Bằng tính với 5 sào vườn thuê của ông Hương, Bằng sẽ lên một kế hoạch sao cho bắt đất quay vòng một cách hợp lý nhứt. Không biết ông tướng đó tính cái gì trong lòng mà ánh mắt sáng trưng. Nhìn Bằng vui Kim cũng vui lây với bạn. Nhưng thôi bỏ qua chuyện của Bằng, Kim trở lại với những chuyện vừa qua của mình. Sao giống một giấc mơ quá. Từ mấy ngày nay Kim như sống trên mây cứ thấy chân mình như bước đi trong không khí vậy mới ác chứ. Hôm đó đi làm về như thường lệ, Kim nghe vợ nói có người tìm Kim. Kim gặng hỏi Nhàn “ai tìm anh mới được?”. Hỏi thì hỏi vậy chớ trong lòng Kim nghe xao xuyến mới kỳ. Ở trên này ngoài những người sống chung quanh, bạn lái xe, bạn làm vườn Kim đâu có ai quen? Nhàn nói:
– Một ông Việt kiều, là em đoán vậy qua cách ăn mặc của ông ta!
Việt kiều, càng không thể, chắc là ông ta lộn Kim với ai đó rồi. Từ ngày bỏ quê lên đây lập nghiệp, Kim đâu có quen ai ở nước ngoài. Hỏi đi hỏi lại Nhàn cũng khẳng định là hai vợ chồng Việt Kiều đó tìm Kim. Nhất định không lộn đâu. Có phải má anh tên là Nguyễn Thị Quỳnh Hoa? Ổng còn cho em coi hình má nữa. Má có một cái lúm đồng tiền, mái tóc dài, mắt hai mí trông dễ thương lắm. Hình má? Kim cũng có một tấm hình má chụp hồi còn con gái Kim luôn để trong bóp. Tấm hình sáu chín trắng đen để vừa gọn trong một ngăn của cái bóp dầy nhưng mỏng lét tiền. Kim lục bóp lấy hình má cho Nhàn coi:
– Anh cũng có hình má nè?
Nhàn la lên:
– Y chang cái hình ông Việt kiều đó cho em coi, anh thử nhớ đi đó chắc là người thân của anh mới có hình má anh chớ?
Nhàn nói đúng, phải là người thân của Kim mới có hình má chớ? Vậy ông Việt kiều đó là ai? Cái này thiệt lạ lùng, làm sao Kim biết là ai mới được? Nhàn nói:
– Hay là ba anh?
– Tầm bậy, ba anh chết từ hồi tám hoánh?
Nhàn cười:
– Không ba anh thì chắc là bồ má anh hồi đó?
Kim đồng ý:
– Dám như vậy lắm à!
Rồi Kim không nghĩ gì thêm nữa, Kim phụ với Nhàn dọn cơm ra ăn. Trong lúc ăn cơm, Nhàn lại đem câu chuyện hồi chiều ra bàn tiếp:
– Cái bà đi với ông Việt kiều chắc cũng từ “bển” về, nhìn cách ăn mặc là em biết liền. Nhưng anh ơi bà đó có cặp mắt nhìn lạnh thấy sợ?
Kim hỏi:
– Là sao?
– Là nhìn mình như nghi ngờ, dò xét cái gì đó. Em lần đầu gặp bả, có làm gì đâu mà bả nghi em chớ?
Kim ngạc nhiên:
– Vậy sao?
Ăn xong Kim uống nước, cái thứ chè xanh Kim bẻ từ hàng chè trên đồi nhà ông Thường uống vừa chát vừa thơm mùi gừng lẫn trong vị chè xanh. Nhàn biết ý mình, Kim nghĩ, uống chè xanh phải bỏ vô ấm một vài lát gừng sẽ đưa cái vị chè lên thành hương, lại tốt cho sức khỏe nữa. Uống vừa xong chén nước, có tiếng gõ cửa, Kim hỏi:
– Ai đó?
Không có tiếng trả lời, Kim đứng dậy đi ra mở cửa. Khuôn mặt một người đàn ông xa lạ hiện ra, ông ta cười hỏi:
– Cậu có phải là cậu Kim không?
– Đúng tui là Kim mà chú hỏi có chuyện chi?
Người đàn ông nói:
– Tôi đến mời cậu đi gặp một người!
Kim ngạc nhiên:
– Ai đòi gặp tui, mà gặp tui có chuyện chi?
Người đàn ông nói:
– Thì cậu cứ đi với tôi khắc biết!
Kim gặng hỏi:
– Mà đi đâu mới được?
– Resort Hoàng Anh, tôi sẽ chở cậu đi.
6. Nhớ quê – 2002
Chiếc Lexus chạy qua những con đường giờ đã phủ bóng đêm. Hàng đèn đường màu vàng ấm áp không xua được vẻ lạnh lẽo của đêm miền núi. Bóng đêm che phủ mọi vật trừ những chỗ bóng đèn cao áp chiếu xuống mặt đất. Cũng như mình vậy, bóng tối bao phủ chung quanh bao lâu nay chừng nào mới tới lượt đến chỗ có ánh sáng đây? Thì mình phải cố bươn tới chớ biết làm sao, cứ làm hết sức mình đi đừng để mai này hối hận. Nghĩ một mình cũng không thấy thích thú gì trong khi cái câu hỏi cứ muốn bung ra từ trong bụng, Kim nói:
– Chú ơi ai gặp cháu vậy?
Ông lái xe cười:
– Thì tôi nói rồi gặp khắc biết mà.
Ngừng lại một chút, ông tài xế nói tiếp:
– Người đó là bạn của ông chủ tôi từ bên Mỹ về, tôi chỉ biết vậy.
Kim nói:
– Cháu không có ai quen là Việt kiều cả, còn Việt Cộng thì “nhóc”!
Ông lái:
– Tôi thấy ông Việt kiều Mỹ đó có đôi nét giống cậu, có phải là ba cậu không?
Kim cười:
– Chắc là người giống người thôi chú, ba cháu chết từ hồi cháu còn nhỏ xíu mà.
Ông lái:
– Vậy sao, cậu quê đâu ta?
– Bến Tre, mà bỏ đi lâu rồi!
Kim ngừng ngang. Khi không lại tâm sự chi với một người vừa quen như vậy? Đã từ lâu lắm rồi Kim thôi không tơ tưởng gì đến hai tiếng quê nhà. Cái mùi bùn non thum thủm trong mấy con rạch thỉnh thoảng cũng vụt về trong ký ức của Kim. Hình ảnh con thòi lòi chạy trên mặt nước với hai con mắt trô trố dường như hỏi Kim rằng chừng nào anh về vậy? Hôm uống rượu với Luông, Kim mới thấy nhớ quê. Nổi nhớ được Kim dìm tận trong lòng giờ mới vỡ òa. Hình như hôm đó mình khóc, và anh Luông cũng đâu có thua mình, ảnh cũng ứa hai dòng nước mắt như mình vậy. Hai người buồn như con chuồn chuồn đến nỗi chị Hoa quở:
– Hai ông uống đi chớ cứ ngồi ngó trân trân đâu đâu vậy?
Thì ngó tới tận quê chớ đâu, Kim nghĩ trong bụng nhưng không nói ra. Cũng may lên trên này tìm cách sống Kim còn được một người đồng hương là Luông. Có anh Luông thỉnh thoảng Kim ghé vô để chỉ nghe một chút giọng miền Nam “quê ơi là quê”, cái thứ giọng chỉ có hai anh em Luông mới buột miệng nói ra. Giờ lại có người tìm mình trên này, Kim nghĩ nát óc mà cũng không ra là ai nhưng Kim biết chắc rằng người đó cũng có liên quan đến nơi chôn nhau cắt rún của Kim. Nhưng mà ai vậy?
Nãy giờ không nghe Kim nói gì thêm sau câu hỏi, ông tài xế cũng im lặng luôn không bắt chuyện thêm nữa. Ai cũng chìm trong dòng tư tưởng của mình. Ông tài xế lấy làm lạ rằng sao người khách Việt kiều lại ráng tìm cho được cậu thanh niên này. Kim ăn mặc cũng bình thường như ông thôi không ra vẻ gì là công tử, ông nghĩ chỉ có hạng người giàu có đó mới xứng với ông Việt kiều kia. Mà cũng lạ thiệt, cậu thanh niên này không hay biết một chút gì về chuyện ông Việt kiều tìm mình, nhìn cách nói và thái độ ngạc nhiên của Kim, ông tài xế tin Kim nói thiệt. Thôi kệ mình chỉ biết làm cho xong phận sự của mình để khi về lại Sài Gòn ông chủ khỏi ca thán, có vậy mình mới giữ được nồi cơm.
Chiếc xe thắng kịt trong sân của resort Hoàng Anh, ông tài xế nói với Kim:
– Tới rồi, cậu đi theo tôi.
7. Chuyện tình – 1970
Câu nói vô tình của Nhàn như một lưỡi dao đâm vào ngực Kim, anh thấy đau nhói, nỗi đau xuyên thấu tâm hồn Kim từ cái đêm mà người đàn ông trong resort Hoàng Anh nhận cha con với Kim.
– Làm con thì không được xét cha mẹ, anh cũng biết vậy nhưng tới giờ anh vẫn không hiểu nỗi vì sao mà ba anh bỏ má anh trong lúc bụng mang dạ chửa. Ba anh nói nhiều lắm, đó gần như là những lời sám hối, còn anh thì ngồi im. Em biết không lúc đó anh chú ý lắng nghe tiếng con thạch sùng tắc lưỡi có khi nhiều hơn là những lý do ba đưa ra. Ba đâu biết rằng má anh khổ thế nào để nuôi anh thành người, nếu không có ông bà ngoại Bến Tre thì giờ đây không biết anh sẽ ra sao. Cho nên giờ ba anh tìm về nhận cha con rồi kể lễ dông dài những lý do vì sao mà không tiếp tay cùng má anh nuôi anh. Anh nghe ra ý ba anh cũng hối hận chuyện này, nhưng hối hận thì cũng đã quá muộn rồi, má anh đã chết có nghe những lời nói ấy đâu?
Nhàn lờ mờ hiểu tâm lý chồng, cô nghe Kim nói những lời xa gần như vậy dường như có ý kết tội ba anh. Thôi thì tức chuyện đó cũng đúng nhưng dù sao cũng đã xảy ra rồi, Nhàn thấy Kim nên tha thứ cho ba. Nhàn thuyết phục Kim bằng những ý nghĩ của một người đàn bà đôn hậu. Còn Kim dường như dư âm của cái đêm nói chuyện với người cha Việt kiều vẫn còn đọng lại, anh im lặng một hồi để những ý nghĩ nặng lòng lắng lại rồi nói tiếp:
– Ba và má anh nguyên là bạn bè cùng lớp học. Đâu như những năm bảy mươi hai người học trường Văn Học, trường đó là trường tư nằm trên một quả đồi ở đường Hoàng Diệu. Năm ba má học lớp mười hai, hai người thương nhau. Dì Hai là người Bến Tre cũng được ông bà ngoại gởi lên trên Đà Lạt học, dì ở trọ mấy bà sơ ở tu viện Đô Men, dì học cùng lớp với ba và má anh. Ba người thân nhau lắm, tình cảm của ba người dành cho nhau rất sâu đậm, ba không nói ra nhưng anh biết dường như cả má anh và dì Hai đều yêu ba anh. Má anh là người chiến thắng trước dì Hai mà phần thưởng dành cho người chiến thắng là một đứa con: đó là anh. Hồi đó khi có bầu anh má anh được gọi là “chửa hoang”, đó là sự phỉ báng gia đình. Ông ngoại ruột anh đuổi má anh ra khỏi nhà, má không biết tính sao. May mà còn có dì Hai, dì Hai đưa má anh xuống Bến Tre sống những ngày vò võ một mình để chờ ngày sinh nở. Khi theo dì ra bến xe để về quê dì cũng là cái ngày mà má anh cắt đứt hoàn toàn với gia đình, đến bây giờ anh cũng không biết họ hàng phía ngoại nhà mình ra sao. Anh gặng hỏi nhiều lần nhưng má anh không nói, má chỉ khóc và nói rằng má đã làm ô danh nhà ông ngoại, ông bà ngoại coi như má đã chết rồi! Câu nói đó của ông ngoại ruột anh khiến lòng má tan nát, má ra đi và hẹn với lòng không bao giờ quay lại. May mà má con anh còn có ông bà ngoại Bến Tre!
Nhàn hỏi:
– Còn ba anh lúc đó ra sao?
– Ba anh bị bắt lính. Ba anh kể rằng hồi đó chiến tranh ác liệt, ba thi rớt tú tài hai không đủ điều kiện làm giấy động viên tại chỗ nên bị bắt đi học ở trường sĩ qua bộ binh Thủ Đức. Ra trường ba bị điều động về đóng quân ở Vùng một chiến thuật. Ba nói ba cố liên lạc với má nhưng mọi thư từ có gởi đi mà không có hồi âm. Tới năm bảy lăm, ba anh rã ngũ chạy về nhà rồi đi học tập. Mãi đến năm tám mươi ba mới ra trại về làm vườn rồi đăng ký đi Mỹ theo diện HO. Ba anh kể ra trại ba về Đà Lạt tìm ngay đến nhà ngoại anh thì nhà ngoại anh đã dọn đi kinh tế mới ở Tà Hin. Ba lên phường xin phép đi Tà Hin để tìm gia đình ngoại anh, đến vùng kinh tế mới này ba anh hỏi thăm vào trúng ngay nhà ông bà ngoại. Ba anh nói ông về liền trong ngày bởi gia đình ngoại cũng không biết tung tích của má, chỉ biết rằng hồi tháng tám năm bảy mươi, một ngày sau ông ngoại đuổi má ra khỏi nhà má anh nói với bà ngoại đi chợ rồi không thấy trở về. Anh gặng hỏi một hồi ba mới kể rằng ba bị ông bà ngoại thi nhau kết tội ba. Mà cũng đúng bởi vì ba mà nên cơ sự. Ba nói phía ngoại nhà anh có ông bà ngoại nay đã già, hai cậu và một dì, cả ba người đều ở Vùng Loan, anh tính hôm nào rảnh nghỉ một bữa xuống đó tìm nhà ngoại, anh muốn biết mặt ông ngoại ruột anh thử coi một người đủ nhẫn tâm đuổi con gái mình ra khỏi nhà ra sao…
Giờ thì Nhàn đã hiểu phần nào vẻ ủ ê nơi khuôn mặt chồng. Ra là vậy, nếu là Nhàn bị lâm vào cảnh của má Kim có lẽ Nhàn cũng ôm con mà sống một mình. Thân phận đàn bà quả là khổ, mình má Kim chăm sóc con đến khi con trưởng thành thì không còn nữa, đời người qua mau quá đỗi! Nhàn quay qua ôm Kim vào vòng tay tròn trặn của mình, cô hôn nhẹ lên má chồng, Nhàn cảm nhận được vị mặn của dòng nước mắt chảy ra từ mắt Kim. Nhàn rên lên:
– Đừng khóc nữa Kim, bây giờ Kim có em và con bên cạnh mà!
Kim chối:
– Anh có khóc đâu, chỉ là con muỗi nó chui vào mắt anh, anh dụi mắt nên nước mắt mới chảy ra vậy đó.
Đêm không một tiếng gió lay ngọn cây bên cửa sổ, đêm thinh lặng như đồng lõa với tiếng rúc rích yêu thương. Đêm còn mang Nhàn đến một giấc mơ: Kim chở Nhàn trên một chiếc xe du lịch, chiếc xe chạy trên đường hai bên đường là vườn dâu bạc ngàn xanh.
10. Chuyện nợ nần – 2000
Bà Hóa nhìn ra đường không thấy ai vào mua hàng, bà ngả lưng xuống chiếc ghế sô pha đặt ở góc quán. Cái nghề làm dâu trăm họ sao mà cực quá. Sáng bà phải dậy sớm đã đành, còn buổi trưa cái lưng đau muốn chết mà nào bà có được nghỉ cho cam? Bà phải ngồi “chực” người mua hàng. Ai mà biết được người ta mua giờ nào đâu? Con buổi tối phải chín giờ bà mới đóng cửa, tắm rửa xong bà thấy người rả rời chẳng thiết gì nữa ngoài một giấc ngủ ngon. Vậy mà đâu có được. Bà trăn qua trở lại vì lại vì lắm chuyện cứ vây bủa bà. Chuyện chồng chuyện con, chuyện hàng chuyện hóa…bà lan man nghĩ chuyện này rồi chỉ một lát sau lại qua chuyện khác. Chiều hôm qua bà kêu con Chi về nhà nói chuyện. Chi là em kế Huyên và là chị của ba thằng em trai. Còn thằng Thiên, sau cái vụ bị ở tù bà phải lo bộn tiền Thiên mới được về sớm hơn án tuyên. Thiên tiếp tục kinh doanh, lần này Thiên không phá số vốn của bà bơm cho con, ngược lại Thiên lại làm vốn nở ra. Đến giờ bà cũng không biết con có bao nhiêu từ số tiền ban đầu của bà cho với câu dằn mặt:
– Lần này mi mà làm mất vốn nữa là tau lơ luôn, không mạ con chi hết!
Thiên cười nhìn bà bằng một cặp mắt không giấu vẻ thích thú:
– Mạ yên tâm, dù gì con cũng có cái gien của mạ mà!
Bà Hóa không biết cái gien là cái chi chi nhưng câu trả lời của Thiên nghe như một lời hứa chắc nịch khiến bà tạm an tâm. Bà biết thời buổi này kinh doanh ngày càng khó, nghĩ cho cùng kinh doanh mà không đặt mình vào tình thế hiểm thì không dồn hết tâm trí vào chuyện bán buôn. Vậy mà thằng Thiên gặp thời y như câu hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai bà thường nghe nói. Số là câu chuyện bắt đầu từ cái xe cub trành của ông An. Ông An nợ bà Hóa một số tiền mua phân bón, gạo và mắm muối. Bà Hóa nghe đồn ông An trúng hành, đâu như vài chục tấn, bà chờ mà nào có thấy ông An đem tiền trả nợ cho bà. Đến khi gặp được ông An bà đòi nợ. Nợ có đòi có trả, kinh nghiệm mấy chục năm buôn bán cho bà biết như vậy, nhất là đòi giữa chốn đông người. Ông An “quê độ” như cách nói của bọn trẻ, ông về bán tống bán tháo chiếc xe cub là cái chân chạy của ông và mượn thêm bà con bên vợ cho đủ số tiền thiếu rồi tức tốc mang tiền ra trả cho bà Hóa.
Nói tức tốc tức là ngay khi ông có đủ tiền, cho dù đã chín giờ đêm ông cũng lội bộ từ xóm Bãi Bằng ra quán nhà bà với xấp tiền trong tay. Dù gương mặt của ông An không vui vẻ gì nhưng miệng ông cũng nói được câu cám ơn, câu nói đó bà Hóa lại nghe như một lời từ giã nhưng bà không coi là quan trọng miễn món tiền nợ bà thu được. Trăm người bán vạn người mua, không ông An này sẽ có ông An khác mua hàng của bà, hàng bà đúng chất lượng, giá cả lại linh hoạt so với các nơi khác thì sợ gì ế? Quả nhiên ông An từ giã bà Hóa thiệt, khi mua hàng nhà cô Lý ông không hé răng vì sao bỏ quán bà Hóa nhưng vợ ông thì khác. Bà An đi kể với làng trên xóm dưới rằng “mụ Hóa tệ thiệt là tệ, ai đời nhà tui mới mua nợ chút phân tro mà gặp đâu mụ ta đòi đó, tui có giựt nợ đâu, khi có hàng tui bán được là mang tiền ra trả ngay mà. Nhà trồng được thứ gì tui lựa hạng nhứt mang ra biếu…”. Có người biết chuyện hỏi chị nợ bao lâu mà bà Hóa đòi gắt nhự vậy? Bà An ngẩn ngơ một chút rồi cười lỏn lẻn:
– Đâu như hồi tháng giêng năm ngoái… Người hỏi cười to:
– Năm ngoái đến nay là mười mấy tháng rồi, bà chị nợ người ta như vậy là quá lâu mà còn nói gì nữa?
Sau cái đận đó dường như ông trời ban lộc cho vợ chồng bà. Bà trúng liên tiếp mấy lứa xà lách cô rôn, tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cuộc sống dễ thở hơn một chút. Ông An lâu nay vẫn hậm hực vụ bán tống bán tháo chiếc cub để lấy tiền trả nợ, nay có rủng rẻng chút tiền ông nghĩ ngay đến chuyện sắm lại chiếc xe làm chân chạy. Kịp lúc này xe máy Tàu đang tràn ngập, giá thì vô cùng rẻ, chỉ vài triệu bạc là có xế nổ rồi mà lại là xe mới hẳn hoi. Ông An xuống ngay tiệm Minh Thư hỏi mua xe theo lời giới thiệu của thằng con, ai dè ông gặp Thiên….
11. Con dòng – 2000
…Thiên nghe mạ kể chuyện ông An bán xe trả nợ, lúc đầu Thiên cũng có chút áy náy trong lòng. Chiếc xe máy là chân chạy của người làm vườn, nó không đơn thuần là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện vận chuyển từ phân bón, vật tư nông nghiệp đến gạo cơm mắm muối… tất tần tật đều trông chờ vào chiếc xe máy. Giờ ông An không còn chân chạy nữa cuộc sống chắc sẽ đảo lộn, không biết ông tính sao? Đang nghĩ đến đó bỗng nhiên Thiên nảy ra ý hay là mình kinh doanh xe máy, tập trung vào dòng xe bình dân nhiều người cần? Hay hơn hết là mua xe máy cũ, tân trang lại rồi bán kiếm chênh lệch giá. Thiên bàn sơ với vợ, không chờ sự đồng ý của Thư, Thiên mang tiền mạ cho mua ngay vài chiếc xe cũ dựng trước cửa nhà đề mấy chữ trên tấm cạc tông “xe bán”. Vậy mà mới buổi sáng Thiên đã “gả” một chiếc kim vàng giọt lệ đời 81 lãi chỉ mấy trăm ngàn nhưng lại là niềm động viên khích lệ Thiên. Rồi xe Tàu tràn ngập thị trường, Thiên quay qua kinh doanh loại xe này. Chất lượng xe Tàu tầm tầm, đồ nhựa đụng đâu bể đó nhưng được cái là giá cả thì mềm. Ban đầu Thiên làm đại lý cho một hãng xe ở Sài Gòn, sau khi đã rõ đường đi nước bước, Thiên lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lấy tên Minh Thư trực tiếp mua hàng của công ty xuất nhập khẩu về bán. Từ đó Thiên phất lên, công ty do Thiên làm giám đốc kinh doanh nhiều ngành nghề…. Khi ông An đến Minh Thư hỏi mua chiếc xe Tàu, Thiên nhớ lại chuyện nợ nần của người đàn ông khắc khổ, Thiên niềm nở mời ông An:
– Chú vô nhà uống nước đã, chú yên trí cháu sẽ lựa cho chú một chiếc xe ngon nhứt!
Ông An hỏi giá cả, thật ra trước khi mua xe ông cũng dã dò hỏi nhiều người mua trước, nghe Thiên nói sẽ để cho ông giá gốc, ông không tin lắm. Nhưng khi nghe Thiên nêu con số ông mới thực sự thấy rẻ cả triệu bạc, lúc đó ông mới tin lời Thiên nói thật. Nhưng sự hồ nghi thì theo ông mãi đến khi dựng chiếc xe trước sân nhà, hàng xóm chạy qua coi xe ông mới tạm quên đi. Bà Hóa như vậy mà có đứa con…được quá đi chớ! Hay là nó sẽ lợi dụng mình về sau? Về sau, hai chữ đó ông cũng để tâm nhưng nghĩ đi ngẫm lại mình có gì cho Thiên lợi dụng?
Bà Hóa không biết những chi tiết này, một hôm Thiên về thăm mạ vô tình thấy ông An chạy xe ngang trước quán, Thiên vui miệng kể cho bà Hóa nghe chuyện anh giúp ông An. Bà Hóa nhìn con gật gù:
– Mi giúp rứa cũng được… thôi thì người ta nghèo có cái xe làm chưn chạy là tốt rồi!
Thiên nghe mạ khen như vậy nở mũi, đi đâu cũng đem chuyện bán vốn chiếc xe Tàu cho ông An, lại còn cho cả “mấy bình nhớt sơ cua” nữa chứ! Đó là cách đánh bóng tên tuổi mình, Thiên nghĩ. Chuyện chỉ có vậy thì cũng không nói làm gì, cái ác là lại đến tai ông An câu chuyện to như con voi. Thằng con ông An không biết đi chơi đâu nghe thiên hạ kể chuyện Thiên cho không cha mình chiếc xe Hongda lại còn giúp vốn để làm ăn, lại có ý định nhận mình vô giúp việc bán xe…nó đem về kể với cha:
– Có phải cha định xin cho tui đi ở mướn cho ông Thiên không vậy? Tui nói trước, tui làm vườn thôi không đi làm công cho ai hết!
Đôi mắt nó lại nói khác. “Tui như vầy mà đi làm thuê làm mướn sao, dù gì vườn tược không thẳng cánh cò bay như địa chủ ngày xưa nhưng làm chủ mấy sào vườn thì vẫn là làm chủ, muốn làm gì tùy ý khỏi phải xin phép ai cả!”. Niềm kiêu hãnh đó một thời ông An cũng trải qua….
Ông An từ ngạc nhiên đến tức giận chỉ sau năm phút nói chuyện với thằng con. Ông giận Thiên có ít xít ra nhiều định bụng khi gặp Thiên sẽ cho thằng con bà Hóa một bài học nhớ đời. Nhưng tối nằm suy nghĩ chuyện nhà trước khi ngủ, ông mới hạ hỏa. Thôi chuyện bé xé ra to làm gì, coi như không biết là xong, dù sao thằng Thiên cũng bán rẻ chiếc xe Tàu cho ông là chuyện có thật. Ông nghĩ thêm về lời tuyên bố của thằng con, nó muốn ở nhà làm vườn như ông đã làm và đang làm. Nói không phụ ơn trời, có mấy sào vườn, mùa được mùa thất nhưng nhờ đó mà gia đình ông có cái ăn cái mặc, lại xây được ngôi nhà trên đỉnh đồi, tuy là nhà cấp 4 nhưng như bà con nói vui khi dự tân gia: nhà ông “hoành tá tràng” bởi rộng tới một trăm hai chục mét vuông tha hồ ở. Từ trên nhà nhìn xuống vườn, mùa nào thức nấy, màu xanh làm dịu những xốn xang trong lòng ông mỗi khi có chuyện lo buồn….
12. Chuyển giao – 2002
Bà Hóa không biết những diễn biến trong nhà ông An, vả chăng bà cũng có cái lo riêng của mình, hơi đâu để ý chuyện thiên hạ chi cho cực! Bà Hóa đang định rút lui khỏi thương trường, già rồi không kham nỗi với chuyện phục vụ các “thượng đế” ngày càng đỏng đảnh! Còn người giúp việc là một nỗi khổ tâm, ai có kinh qua mới thấm thía nỗi niềm. Thuê được người đã khó mà giữ được người làm cho mình lâu dài càng khó cực kỳ, không kể chuyện tính tình người làm có ngay thẳng hay không nữa. Hàng là tiền, tiền là hàng mà, bà giao cho người làm bán buôn chỉ cần nó dấm dúi chút thôi là vốn liếng đội nón ra đi. Nhà bán hàng trăm món làm sao quản cho xuể? Bà già rồi, bà phải chấp nhận cái thực tế phũ phàng mà ai cũng phải trải qua. Bà nghĩ đi nghĩ lại, bà phải bàn giao cái quán này cho con thôi. Nhưng đứa nào? Thằng Thiên thì không được rồi, nó có cơ ngơi riêng chuyên buôn bán đủ thứ nay lại đang ngó nghiêng vô bất động sản. Con Huyên? Huyên cũng vậy, công việc bủa vây Huyên đến nỗi nó than với bạn mà bà nghe lóm được: cũng muốn bỏ hết đi nghỉ biển một lần cho đã nhưng không thể được…. Mấy đứa con trai của bà, em con Chi chúng đều là kỹ sư, bác sĩ ở Sài Gòn không thể kêu chúng về bán tạp hóa, chúng nghe được chắc cười…thúi mũi như cách bà hay nói. Chỉ còn Chi, nó là đứa chịu thương chịu khó, thằng chồng hiền lành đôi khi bà thấy chồng nó hơi…khờ nhưng nghèo nhất nhà, giao cửa hàng cho nói là phải!
Chi về theo lệnh triệu tập của mạ, cô lo lắng ra mặt không hiểu mạ cô kêu về có chuyện chi mà không nói qua điện thoại. Đến khi nghe ý định của mạ, Chi hỏi:
– Nhưng mạ đã hỏi ý anh Thiên và chị Huyên chưa?
Bà Hóa nhướng mày:
– Trong cái nhà này một tay tau sắp đặt, đến ba mi tau chỉ nói qua ý định chớ thằng Thiên và con Huyên tại sao tau phải hỏi?
Cái nhướng mày của bà Hóa như một lời khẳng định, nhà này, tài sản này… là của bà, bà muốn cho ai thì cho, làm gì thì làm đố ai cấm cản.
Chi tiếp quản cái quán tạp hóa của mẹ một cách tự nhiên và cũng chẳng thấy ai tò mò thóc mách hỏi han cô bởi từ nhỏ Chi đã giúp mẹ bán quán rồi nên đã quen việc quen người. Cô sắp xếp lại hàng hóa lớp lang thứ tự theo cách nhìn của mình. Hồi nhỏ Chi có hoa tay, giờ thủ công nào cô cũng được điểm mười nên việc trưng bày hàng khi cô tiếp quản tiệm tạp hóa của mẹ rất là bắt mắt. Bà Hóa vẫn đi ra đi vô tiệm tạp hóa nhưng bà chủ động lùi một bước để Chi quyết hết mọi chuyện. Nhiều khi bà “gai mắt” trước vài việc làm của con gái nhưng bà im lặng để mỗi mình Chi giải quyết hết chuyện bán buôn. Hôm ấy từ trong quán đi ra Chi vô tình đụng ông An dựng xe ghé vào gánh chè bà Bảy ngồi nhờ ở hiên nhà quán, cô chào:
– Chào chú, lâu quá không thấy chú ghé mua hàng!
Ông An nhìn Chi làm ra vẻ như chưa nhận ra Chi. Chi biết ông An chỉ làm bộ thôi, có lẽ ông vẫn còn giận mẹ cô chuyện đòi nợ. Cô xởi lởi:
– Chú cần hàng hóa gì con cũng có đủ, hình như chú cũng quê Quảng Trị như ba mạ con, dù sao mình cũng là đồng hương….
Chi chưa kịp nói dứt câu, ông An đã cắt ngang:
– Cô là cô Huyên phải không, ừ đúng rồi lâu lắm tui không mua hàng nhà cô!
Chi cười:
– Dạ con là Chi, Huyên là chị con.
– Rứa à, tui lú lẩn mất rồi… mà sao cô biết tui với cha mạ cô là đồng hương, ai nói cho cô biết?
Không đợi cho Chi trả lời, ông An nói tiếp:
– Đồng hương chỉ là chuyện cùng quê thôi cô ơi còn chuyện mua bán, nói thiệt với cô… là sòng phẳng!
Thấy Chi chực hỏi ông An tiếp lời:
– Lâu nay tui mua hàng cô Lý người ta giao hàng tận nơi, giá cả phải chăng tui đã mua quen… mà bề tui sợ bị đòi nợ lắm rồi!
Chi nghĩ không sai, ông An còn giận vụ bị bà Hóa đòi nợ. Làm như không biết chuyện, Chi nói:
– Người ta sao con vậy chú ơi, chú muốn mua bao nhiêu cứ nói, con cho chú gối đầu một lứa hàng!
Nghe vậy ông An hỏi móc:
– Bộ cô thay mẹ cô rồi sao?
Ý ông An muốn hỏi Chi thay bà Hóa rồi à, chuyện bán thiếu hồi giờ chỉ mình bà Hóa quyết định, mấy đứa con phụ bán hàng chuyện gì cũng đều phải hỏi bà Hóa. Nay thấy Chi chào mời mình mua hàng lại cho gối đầu ông An hơi ngạc nhiên. Chi không trả lời câu hỏi của ông An, cô chỉ cười cười rồi nói:
– Thì chú cứ mua hàng con đi…
Nghe vậy, ông An dịu giọng:
– Cám ơn cô… để tôi coi sao đã!
13. Thao thức – 2002
Ông An ra về, đêm hôm ấy ông nằm suy nghĩ rất lung về lời đề nghị của Chi. Ừ, mua đâu cũng là mua nhưng cô Lý bán nợ cho ông chỉ chừng mực, không phải ông muốn mua thế nào cô Lý bán thế đó. Ông An cay đắng nhớ lại vụ khoai tây vừa rồi, ông hý hửng ra nhà cô Lý mua chịu phân bón với hình ảnh trong đầu là một vạt khoai tây vừa nhú những chồi xanh mập mạp có thể dự đoán một mùa vàng bội thu. Ai dè cô Lý mặt lạnh như tiền chỉ chịu bán cho ông một nửa số phân bón ông cần. Hơn ai hết ông An biết phải bón bao nhiêu phân thì khoai mới đạt năng xuất còn nếu “tiết kiệm” với nó, nó sẽ tiết kiệm… củ với mình liền. Quả vậy vụ khoai đó ông An chỉ thu được củ to nhất chỉ bằng bằng quả trứng gà so nếu bán chẳng được bao nhiêu tiền. Nhưng trời thương khoai ông già tháng nên ông bán cho người bà con của thằng Phúc dưới Đơn Dương lên mua khoai làm giống, huề vốn là mừng. Khoai đất lạ mạ đất quen, ông An không lạ gì với kinh nghiệm làm vườn này….
Nhưng đó là những suy nghĩ vẩn vơ trước khi vào “chính đề”. Ông An để tâm trí mình rơi vào những vòng xoáy của ký ức. Hồi chiều khi không con bà Hóa lại nhắc chuyện ông đồng hương với cha mạ nó khiến ông nhớ lại lần đầu ông ra quán bà Hóa mua hàng gặp đồng hương mà lại cùng xã ông vui biết chừng nào. Nhưng khi gặp ông Vinh niềm vui giảm ngay một nửa…. Mới đó mà đã hơn hai chục năm rồi, thời gian thật là không tưởng tượng được lại nhanh như vậy. Giữa nhà ông và nhà bà Hóa có chút rắc rối, nói cho đúng, gia đình ông và gia đình ông Vinh chồng bà Hóa có ân oán với nhau, câu chuyện giữa hai gia đình bắt nguồn từ đời ông cố ông sơ! Ông muốn bỏ qua quá khứ nhưng không dưng con bà Hóa lại gợi ra….
Ông An trở mình, tự nhiên hình ảnh mấy chục năm về trước sống lại trong đầu ông. Dòng nước trong xanh soi thấu những viên sỏi tròn dưới dòng sông nơi ông vẫn ra tắm mỗi trưa hè. Chú bé An hồi nhỏ tên là Tộ biết bơi từ rất sớm. Tộ theo mẹ mỗi sáng mỗi trưa ra dòng sông hiền hòa đang êm ả chảy để đãi chắt chắt. Chắt chắt nằm sâu trong lòng cát được mạ con Tộ xúc vô rổ, bằng những cái lắc tay nhẹ nhàng của mạ, cát thoát ra khỏi rổ rơi lại xuống sông còn lại nhúm chắt chắt màu xám đen nằm im trong đôi bàn tay nghịch ngợm của Tộ. Tộ đảo qua đảo lại nhúm chắt chắt trước khi đổ vào cái rổ đặt trên bờ. Tộ ham chơi nhưng khi mạ gọi đi đãi chắt chắt Tộ đi ngay bởi Tộ biết rằng đôi khi lẫn trong cát là những viên sỏi nhiều màu có thể đổi lấy mấy cục kẹo cau của
V.A.C