Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện dài Võ Anh Cương  – Chương 1 (tiếp theo)

316

Bằng ăn mì nghe ông Hương có ý định cho thuê vườn. Ông Hương nói già rồi làm vườn không nỗi nữa, vả, ông bà phải vào Sài Gòn coi cháu cho con Lợi và con Lắm. Nghe xong Bằng nói liền:

– Hay là chú cho tui thuê vườn đi, tui muốn đổi nghề thử xem thời vận ra sao?

Ông Hương nhìn Bằng với một cặp mắt ngạc nhiên:

– Cậu muốn làm vườn à, để tui tính coi… cha, chú Luông đây cũng hỏi cho thằng em. Để tui tính coi sao?

Bằng ngước nhìn ông Hương chờ đợi. Còn ông Hương ra vẻ khó xử, ông trầm ngâm uống ly nước trà mà Luông rót đưa tận tay. Luông cũng nhìn ông Hương chăm chú, trước khi Bằng ghé xe hủ tiếu mì kêu tô mì với mấy miếng thịt mỏng tang, ông Hương nói với Luông để ông về tính với bà Ích rồi trả lời Luông việc Luông hỏi mướn đất vườn. Luông không hỏi mướn vườn cho mình làm mà hỏi cho thằng Kim, Kim cùng quê với Luông đang đi làm công cho ông Thường. Vậy mà giờ lại xuất hiện một tay xe ôm muốn chuyển nghề, lại là chỗ hàng xóm với ông Hương mới ác chớ! Dù sao chỗ hàng xóm cũng hơn, còn Luông và Kim chỉ là những người từ xa tới như người ta thường nói “tha hương cầu thực”! Nhưng ông Hương đã hứa, người lớn đã hứa là làm, nhứt là dân lao động tay chân. Luông cũng có thời gian sống gần nên biết rõ lời họ nói ra nặng lắm. Vậy nên Luông vẫn còn hy vọng, hy vọng tìm cho thằng Kim miếng đất làm vườn biết đâu nó sẽ đổi đời? Đổi đời, Bằng cũng muốn đổi đời đó thôi, bao nhiêu năm ròng chạy xe ôm, nói phải tội, Bằng không chê công việc đó nhưng cơ hội thay đổi cuộc sống đang tới, nếu Bằng không chộp lấy, cơ hội sẽ vụt bay mất thôi.

Nhà văn Võ Anh Cương

Cuối cùng thì ông Hương cũng đưa ra quyết định:

– Tui tính vầy mấy chú coi được không. Tất nhiên tui phải về hỏi lại bà Ích chuyện cho mấy chú thuê vườn nhưng hỏi thì hỏi vậy chớ tui đã quyết chắc bả cũng không tính khác được đâu. Chỗ cậu Bằng là hàng xóm lâu năm, vả, ông Tuất cũng là chỗ thân tình với tui hồi còn nhỏ….

Ông Hương ngừng ngang, ông biết mình lỡ lời, tự nhiên ông lại đem ông Tuất vào đây làm gì không biết, ông Tuất có ăn nhậu gì với chuyện thằng Bằng hỏi thuê vườn nhà ông đâu? Luông không biết chuyện gì, Luông ngạc nhiên khi ông Hương bỏ ngang xương câu chuyện, còn Bằng thì dường như không chú ý đến chi tiết ông Tuất xuất hiện trong câu chuyện của ông Hương, Bằng chú tâm vô cái ý còn ẩn giấu trong lời nói của ông Hương thôi. Ông Hương thấy mọi người không tỏ ý gì, ông cười lỏn lẻn rồi nói tiếp:

– E hèm, thì tui tính vầy. Tổng cộng trước giờ tui khai phá được 5 sào đất tính từ dưới suối lên. Cả mấy chục năm làm vườn rồi, tui quen sống với đất, ăn trưa cả nhà dọn mâm ăn trên mặt đất trong nhà để máy bơm, vừa ăn vừa ngửi mùi xăng  dầu, mùi phân bón…giờ mà nghỉ làm chắc cũng buồn lắm nhưng biết sao được! Thôi thì cậu Bằng hỏi thuê sau, tui cho cậu thuê miếng vườn trên đồi, chỗ đó đất tốt, bằng phẳng hợp với các loại cây trồng. Cậu Bằng cũng đừng bỏ nghề chạy xe ôm, khi rảnh cậu chạy cái rẹt ra làm vườn, xong việc lại ra ngã ba kiếm chút cháo, chắc cũng đỡ lắm. Cái khó của miếng vườn đó là phải vợi nước từ dưới suối lên, không sao đâu, chừng mười ngày cậu bỏ công vợi nước một lần, chừng vài tiếng đồng hồ. Mà cậu cũng không phải đứng canh nước đâu, cậu đặt một cái đồng hồ hẹn giờ là được thôi. Còn chú Luông tui cho thuê  3 sào vườn gần suối, bởi chú Luông hỏi trước mà! Sao, tui tính vậy được không?

Hai khuôn mặt ngước nhìn ông Hương ngời hy vọng, hai gương mặt đen đen của những người quen cùng sương gió….

15.Chuyện tình – 1995

Bằng ngồi nghe ông Hương kể chuyện ngày xưa mà hồn để tận đâu đâu. Tiếng là sống ở vùng ven chuyên trồng rau hoa nhưng Bằng không có một ngày làm vườn. Hồi nhỏ Bằng đi học, mẹ Bằng ngày ngày vào làm công nhân Trại gà nuôi Bằng, còn ba thì Bằng không biết mặt. Mẹ kể với Bằng rằng ba bỏ mẹ con Bằng đi theo vợ nhỏ, Bằng ghét ba từ ngày có chút trí khôn. Lớn lên, học không đến nơi đến chốn, Bằng không biết làm gì bèn xin đi phụ việc cho một tiệm sửa xe. Đến khi thành nghề, nghĩa là có thể mở một tiệm riêng thì Bằng không có vốn mà cũng không có địa điểm để mở tiệm. Cái nghề sửa xe vậy mà phải nghiên cứu kỹ, phải tìm một chỗ hợp thì mới làm ăn được chớ không thì ngồi ngáp ruồi cả đám. Lúc đó Bằng lại gặp Thắm, yêu và cưới Thắm mà không nghĩ một chút gì đến tương lai. Thấy Bằng thất nghiệp, bà dì họ của Thắm gọi Bằng vào nhà cho chiếc xe Simson không xài đến để Bằng chạy xe ôm. Vậy là cái nghề xe ôm nó vận vào Bằng từ cái ngày thằng con Bằng vừa tượng hình chừng một tháng tuổi. Chiếc xe Simson đã qua ba lần đại tu, Bằng cất ở nhà làm kỷ niệm. Bằng đã mua được một chiếc xe Win, rồi lại bán Win mua lại một chiếc Future tới giờ. Hàng ngày Bằng chở Thắm đi làm và đón Thắm về. Cái nghề quét rác của Thắm vậy mà cũng phải làm theo ca. Ca sáng Thắm làm liên tục từ 5 giờ đến 11 giờ, còn nếu làm ca chiều thì từ 5 giờ đến 11 giờ đêm. Cái điệp khúc của tiếng chổi quét rác vang lên trong những đêm khuya y như sự trăn trở của những toan tính trong đầu của Thắm. Thắm vừa làm vừa nghĩ, tháng này ráng dành chút tiền để mua cho hai thằng “giặc” quần áo giầy dép tết, chớ để đến tháng chạp mới mua thì giá lên gấp mấy lần mà chẳng có đồ vừa ý. Rồi phải mua sao cho con nó mặc lâu lâu một chút, hơi rộng một chút cũng được chớ không thì tiền đâu mà sắm sanh hoài? Nhà có hai thằng con trai, tội nghiệp thằng em chuyên mặc quần áo thừa và chật của thằng anh để lại, vậy mà mỗi khi thấy mẹ lấy trong tủ ra một cái áo cũ của anh nó cười toe mừng rỡ, anh nó hơn nó tới 5 tuổi lận mà, cũ của anh lại là mới của em. Thắm còn nghĩ đến chồng, nhiều khi Thắm cũng thấy tồi tội, suốt năm Bằng với chiếc quần din bạc màu, Thắm mua cái quần đó ở hàng đồ sôn cùng với cái áo khoác may theo kiểu áo lính, Bằng mặc bộ quần áo này hàng ngày để lăn lộn với cuộc đời. Cái gì ở Bằng, Thắm cũng chịu hết duy chỉ có chuyện đi lại với con Thủy là Thắm không thể bỏ qua. Thắm đay nghiến chồng suốt mấy đêm liền khi hai thằng con đã ngủ và nhà ông Tuất cũng đã tắt đèn. Bằng trước sau như một cứ nói chỉ một câu “anh không làm gì con Thủy hết, chỉ giúp nó thay cái bóng nê ông”. Thắm lồng lộn, Thắm muốn hét thật to nhưng cố kềm giọng “vậy tại sao ông ký vô cái giấy nhận nợ hai chục triệu để thằng Trung không làm to chuyện?”. Bằng ú ớ “cái này…cái này…”. Không cái này cái kia gì hết, Thắm tức đến ói máu khi nghĩ đến cảnh chồng nằm trên một người đàn bà khác không phải là mình. Không có lửa sao có khói chứ? Bằng phải có gì đó thằng Trung mới bắt Bằng ký giấy nhận nợ để nó tha cho cái tội tòm tem với vợ nó chứ? Mà cái thằng Trung thiệt là tệ, tệ hết chỗ nói, lấy cái ô nhục của vợ mình để đổi lấy hai chục triệu rồi dông đi mất. Chắc là nó lại chui vô một sòng bạc nào đó, những đồng tiền khốn khổ lại chui vô túi của những quân bất lương để lại đàng sau những mảnh vỡ cuộc đời! Nghĩ đến đó Thắm ứa nước mắt, nhưng khi nhớ lại khuôn mặt chảy dài của chồng, Thắm thấy nao lòng. Bằng không quen nói láo, Thắm biết từ lâu lắm, từ hồi Bằng vừa gãi đầu vừa nói là yêu Thắm dưới bóng của một cây thông. Cây thông giờ vẫn còn ở đường Hồ Tùng Mậu, nó đứng lặng lẽ nghe lời tỏ tình của Bằng với Thắm, hốt nhiên khi Bằng vừa nói xong nó lặng thinh tặng cho hai người một trái thông. Thắm còn giữ trái thông đó trong tủ ly, những cánh đen đen của trái thông gợi ra trong lòng Thắm nước da đen “sao mà đen thế” của Bằng. Đứa con đầu lòng của hai người, Bằng và Thắm thống nhất rất nhanh khi đặt tên Thông. Đứa thứ hai tên là Minh. Thông minh mà lại ngu dại một giờ, chồng ơi là chồng ơi….

Chuyện gì rồi cũng nguôi ngoai, Thắm không lẽ lại nổi cơn ghen đến độ bỏ chồng được sao? Dù sao con Thủy cũng thấy xấu hổ, nó đóng cửa nhà về Nha Trang ở chơi với mẹ, phụ mẹ ra chợ Đầm bán đặc sản biển mặc kệ chồng với chiếc xe tải chạy thuê và những canh bạc cuộc đời. Bằng vẫn lặng lẽ ngày ngày chạy xe ôm, Bằng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của thiên hạ, duy chỉ có cái nhìn của ông Tuất là Bằng chịu không nỗi. Ông Tuất không hỏi lấy một lời, khi Bằng hỏi mượn tiền, ông đem tiền cho Bằng và chỉ thắc mắc rằng sao không nghe con Thắm la lối gì hết cả? Bằng thường tránh cặp mắt của ông Tuất, Bằng cầu mong có khách đi xe để khỏi thấy cái nhìn nặng trĩu đó. Có cái gì đó chứa bên trong tia nhìn của ông Tuất, Bằng không biết nhưng Bằng đọc thấy trong đó nửa như dò hỏi nửa như chê trách. Cũng may dạo sau cái ngày bi kịch đó Bằng chạy xe đắt hẳn, ngày nào Bằng cũng đưa cho Thắm trên trăm bạc, ông Trời cũng công bằng, mất cái kia thì phải được cái này mà.

15.Chuyện vườn – 2002

Ông An xuống vườn từ sáng sớm. Sáng nào cũng vậy, ông thức giấc lúc 5 giờ, tự pha cho mình một bình trà, ông vừa uống trà vừa tính chuyện trong ngày trước khi xuống thăm vườn. Ông ngồi một mình trong buổi sáng tinh khôi, vừa ngẫm nghĩ vừa lắng nghe tiếng trở mình thức giấc của vạn vật quanh nhà. Sáng nay ông pha một bình trà Ô long từ gói trà của Bằng biếu ông hôm qua. Ông không biết vì sao Bằng biết ông thích uống trà, Bằng đem một gói trà được hút chân không đến nhà ông, Bằng nói:

– Chú Năm à, cháu có gói trà gởi chú, chú uống thử, đây là trà Ô long lên hương tự nhiên đó chú.

Ông An ngắm những viên trà bằng ngón tay út đang ngậm nước nở ra thành những đọt trà, ông chế nước ra một cái tách rồi đổ lại vào bình. Chỉ cần ba lần như vậy ông được một bình trà ngon. Quả thật thằng Bằng không nói khoác, mùi và vị của loại trà này vừa thơm vừa đậm, uống đến giọt cuối cùng mà mùi hương vẫn còn đọng dưới đáy tách. Thằng Bằng kể người ta làm ra loại trà này kỳ công lắm, không bón phân hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ như hèm bia, bánh dầu, không sử dụng thuốc hóa học, chỉ phun sữa đậu nành hàng tháng….Còn khi thu hái thì chỉ hái trước 10 giờ sáng, hái xong chế biến liền, trải qua hai mươi mấy công đoạn làm liên tục trong vòng 36 giờ mới hoàn tất. Ông An ngẫm nghĩ quả nghề nào cũng có cái khắc nghiệt riêng, làm vườn đã cực còn làm trà Ô long chắc cũng cực không thua. Đây là gói trà người ta cho Bằng khi Bằng chở một vị khách xuống Cầu Đất hồi năm ngoái, Bằng uống một gói còn một gói biếu ông An. Ông An biết vì sao thằng Bằng biếu mình gói trà, ông nói như trách:

– Chú mày bày đặt quá, làm vườn là một cái nghiệp, lúc nào cũng lo, trời mưa quá cũng lo, nắng quá cũng lo, cây rau có chút đốm vàng cũng lo….Có gì tao sẽ chỉ cho, miễn sao chú mày phải ráng làm là được.

Bằng nói cháu cảm ơn chú, có gì chú bày vẻ giúp cháu. Vừa nói Bằng vừa gãi đầu, đám tóc xoăn tít của Bằng giống y như một cây xà lách cô rôn. Ông An cười ha hả với sự phát hiện đó, ông nói:

– Bây giờ chú mày định trồng gì?

Bằng thuê lại miếng vườn gần hai sào của ông Hương, miếng vườn ông Hương sát với vườn ông An ngăn cách bởi một con suối bắt nguồn từ cánh rừng thông thưa thớt phía trên thượng nguồn gần Thung lũng Tình yêu. Nói cho cùng, nhiều người dùng nước con suối này lắm nên khi tất cả các máy bơm cùng chạy, nước không đủ cung cấp cho tất cả các khu vườn. Ông Hương nói với Bằng điều đó khi ông ký hợp đồng cho thuê vườn, giọng ông có chút ngậm ngùi:

– Ngày trước khi tui vô đây khai phá vườn này, nước dùng không hết, con nước chảy mạnh lắm chớ không rù rì như bây giờ đâu. Nước luồn lách qua các đám lau sậy, trong veo thấy cả mấy hòn sỏi trắng nỏn dưới đáy.

Đó là những ngày vàng son của ông Hương. Đã mấy chục năm trời trôi qua rồi chớ ít gì đâu. Ngày đó ông Hương chắc là trẻ hơn Bằng bây giờ, thời gian đã lấy của ông Hương nhiều quá. Mái tóc muối nhiều hơn tiêu, má hóp, da mặt nhăn nheo, tia mắt nhìn mệt mỏi…của ông Hương khiến Bằng thấy ái ngại. Sau ngày không biết mình như vậy không nữa, nếu phải giống vậy thì buồn quá. Chắc là không đâu, nghe ông Hương nói ngày trước ông làm vườn cực lắm chớ không phải như bây giờ. Sáng tinh mơ, với đôi thùng trên vai  ông Hương múc nước từ suối lên để tưới cho những luống rau, mà không phải được đi thong thả, ông vừa gánh vừa chạy để còn kịp thời gian làm việc khác khi mặt trời lên khỏi ngọn thông. “Bây giờ chỉ cần bật công tắc điện là những vòi nước sẽ tưới tự động khắp vườn, cậu chỉ cần đi kiểm tra sửa lại những chỗ bị tắc vòi vì rác hay vì lý do nào đó”. Ông nói tiếp:

– Sau đó tui phải để dành tiền mấy năm trời mới mua được cái máy dầu Kubota, hồi đó máy này là số dách hơn hẳn các loại máy Bernard của Pháp chạy xăng vừa hao vừa yếu, chỉ tưới được có một vòi. Có máy Kubota tôi bắt một dàn ống sắt cỡ 50 – 60 lên tận trên đồi mà vẫn tưới được 2 vòi, cái thằng Nhật thiệt là giỏi…

16.Mùa khoai – 2002

….

Giờ nghe ông An hỏi trồng gì, Bằng ngớ người ra. Bằng cười bẻn lẻn:

– Cháu cũng chưa tính chú ơi, chuyện nó đến cứ như giấc mơ cháu đã tính được gì đâu, chú ơi chuyện làm vườn cháu mù tịt, chú giúp giùm!

Ông An nói:

– Cái đất này nó hợp với hành tây nhưng chú mày mới ra nghề không trồng thứ đó được đâu. Vả, trồng hành đòi hỏi vốn, khi thu hành dội chợ không bán được phải trữ chờ giá lên. Rồi nhà chứa, rồi giàn, rồi mỗi đêm ngồi mân mê hành để loại những củ thúi hoặc lên tim…ôi thôi phức tạp lắm. Thôi chú trồng khoai tây đi, giờ là mùa nắng hợp với khoai, mùa khoai mà. Vả, miếng đất này lâu lắm rồi ông Hương không trồng khoai, khoai đất lạ, mạ đất quen mà. Để tao nói thằng Phúc cháu tao giúp chú mày ít giống.

Quả như một giấc mơ. Khoảng một tháng sau, Bằng “vô chưn” cho đám khoai, nhìn những luống khoai xanh um trong nắng sớm lòng Bằng dậy lên hy vọng. Khi rải phân bón đến luống khoai cuối cùng, Phúc chạy máy đánh rãnh đến, Phúc cười toe khoe hàm răng trắng trên khuôn mặt đen dưới vành nón lá:

– Chà, mới ra nghề làm vườn mà ông trồng được đám khoai lên đều xanh nghít như vầy là hết sẩy. Bây giờ ông xăm đất cho phân lọt xuống dưới để cây nó dễ ăn, tui phụ ông một tay. Lát nữa tui đánh rãnh ông đi sửa chỗ đất lấp lá khoai nghe. Lấp đất vô gốc kỹ chút nghe, nếu không mai mốt khi tạo củ, củ khoai bị nắng làm cho xanh hết là ăn cám đó!

Bằng rạng rỡ:

– Tui mới ra nghề có gì ông bày tui với, ba cái vụ này tui biết chết liền!

– Yên chí, yên chí, chiều chiều tui đi ngang qua “nghía” vườn khoai của ông là biết phải làm gì. Chừng đầu tháng chạp đám khoai này thu được rồi, không biết lúc đó giá cả ra sao chớ nhìn “nước da” đám khoai tui biết một bụi cầm chắc từ 7 lạng đến 1 ký lô.

Một mùa khoai đang chờ phía trước, chắc Bằng gởi gắm điều gì đó trong đám khoai tây, Bằng cười khoe hàm răng trắng trên khuôn mặt đen thui, màu của gương mặt Bằng đen không thua gì của Phúc.

…Ông An an ủi Bằng:

– Chú mày mới làm vườn lứa đầu tiên bị như vầy thì hơi sốc, còn bọn tao thì thấy thường. Được mùa rớt giá là cái chuyện của người làm vườn mình mà nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chú mày thấy thằng Phúc không, ở vùng này ai cũng nễ nó về cái vụ trồng hành, giá rớt nó thu vô nhà kho phơi phóng lựa  chọn kỹ lắm, chờ giá lên nó bán. Nhưng chú mày không bì được với nó đâu, thằng Phúc trường vốn còn chú mày thì….

Ông An nhìn Bằng như dò hỏi, Bằng nói:

– Chú ơi, hôm qua bà Sáu qua chồng tiền, trừ hết chi phí và không tính công hơn ba tháng, cháu còn lại được số tiền khoảng mấy chục chuyến xe ôm!

Bằng tiếp:

– Tuy không được như ý lắm nhưng con Thắm nó mừng lắm, đây là số tiền cháu kiếm được mà không phải từ tiền chạy xe. Thôi thì lứa đầu tiên mà được vậy cháu cũng mừng.

Ông An bàn với Bằng đất cứ để vậy, qua bà Tám mua mấy chục ngàn cây xà lách cô rôn cấy vô, chừng hơn tháng là bán non được rồi, có tiền ăn tết, bán xong lứa cô rôn quay qua trồng , kệ thử thời vận coi ra sao….

Mùa khoai chưa hết, đâu đó vẫn còn những vạt khoai tây đang xuống củ, dân vườn nín thở chờ giá. Lúc Bằng từ nhà ông An ra, trên tay Bằng là giỏ khoai hạng nhứt Bằng dành biếu ông Tuất giờ mới đem về, Bằng gặp Phúc:

– Thua keo này ta bày keo khác, Bằng à. Mà ông có biết khoai đang nhích lên mấy giá không, tôi có mấy chục rò (luống) xuống giống sau ông mươi ngày, tôi đang chờ giá lên mới thu. Đúng làm vườn như đánh bạc!

Đất cũ đâu có đãi người mới? Thôi thì cũng ráng đánh bạc một keo nữa coi sao, người ta hay nói đen tình thì đỏ bạc….

Bằng cười tủm với ý nghĩ thoáng qua đó. Chiếc Future khựng lại khi chạy đến gần ngã ba, Thủy dang tay vẫy:

– Em xin lỗi anh, em để anh khổ tâm lâu nay, em trả anh hai chục triệu, em có thằng chồng không ra gì, em xin lỗi anh….