Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

150

CHƯƠNG 3

  1. Trả nợ – 2002

Tiếng máy xe tắt ngấm và tiếng chân quen thuộc của Bằng vang lên cho Thắm biết chồng đã về. Không nghe tiếng Bằng dắt xe vô nhà như thường lệ, cô nghĩ chồng sắp đi đâu đó. Quả nhiên đúng như Thắm nghĩ, Bằng hỏi vọng xuống từ nhà ngang:

– Em ơi giờ anh đi ra bến, có gì ăn không anh đói quá!

Thắm hỏi vọng lên:

– Bộ anh đi liền hả, nghỉ một bữa đi anh?

Bằng xuất hiện ở bếp với một khuôn mặt đăm chiêu:

– Anh định ra bến đến 5 giờ chú Tuất dặn qua nhà có chút chuyện!

– Thôi anh nghỉ một buổi đi rồi chiều ghé qua nhà chú Tuất luôn?

– Kệ, ra bến biết đâu gặp mối kiếm tí “xèng” trả công máy cày!

Thắm không cản chồng nữa, cô nấu cho Bằng tô mì gói đập vô một quả trứng gà gọi là tẩm bổ cho chồng. Nhìn Bằng ăn ngon lành tô mì, Thắm chạnh lòng. Từ ngày xảy ra chuyện với con Thủy, Thắm chì chiết chồng không biết bao nhiêu lần. Nhiều khi nhìn vẻ nhẩn nhục của chồng Thắm cũng thấy thương hại nhưng khi nghĩ Bằng đầu ấp tay gối với con Thủy là Thắm nổi máu điên. Bằng một mực phủ nhận hết chuyện tòm tem nhưng Thắm viện dẫn lý do không có lửa làm sao có khói? Bằng càng im lặng Thắm càng làm tới cho đến khi ông Tuất qua nhà can thiệp thì Bằng mới được Thắm tạm tha!

Hôm nhận từ tay Thủy hai chục triệu Bằng mang ngay qua nhà ông Tuất trả nợ liền. Ông Tuất ngạc nhiên, khi cho Bằng mượn tiền ông nghĩ chắc phải vài ba năm Bằng mới trả được nợ nhưng khi cầm xấp tiền trong tay ông mới biết là không phải như vậy. Ông Tuất hỏi:

– Mày lấy tiền đâu mà trả nhanh như vậy?

Bằng kể chuyện Thủy bằng một giọng nhát gừng nhưng ông Tuất hiểu hết. Thật tâm lâu nay không nói ra nhưng ông Tuất nghĩ trong lòng biết đâu thằng Bằng cũng có lỗi trong chuyện này. Làm đàn ông không kiềm lòng được dễ sa ngã bởi cái liếc mắt đưa tình của đàn bà. Con Thủy có đôi mắt lá dăm dám quyến rũ thằng Bằng lắm chứ? Nhất là chồng nó thường xuyên vắng nhà, đàn bà ăn quen nhịn không quen mà! Hóa ra không phải như vậy, thằng Bằng không có máu trăng hoa chỉ vụng về thôi nên bị chồng con Thủy lợi dụng. Bằng tuy vụng về nhưng anh vẫn nói được câu cám ơn ông Tuất:

– Thiệt tình lúc đó không có chú con không biết làm sao!

Chỉ chừng ấy thôi nhưng trong mắt của Bằng là cả một tấm lòng. Ông Tuất gạt  phắt:

– Thôi, chuyện đó cho qua luôn đừng nhắc lại làm gì. Cháu phải lo làm ăn nuôi con, sắp nhỏ đi học ngày càng tốn kém!

– Thiệt tình chú đối với con còn hơn cả cha!


Nhà văn Võ Anh Cương.

2. Hồ nghi – 2002

Trong đôi mắt của Bằng tình cảm đó rất thật không một chút đãi bôi. Bằng ước gì được nghe từ miệng ông Tuất công khai chuyện cha con với Bằng thì hay biết mấy? Nhiều lần Bằng nói xa nói gần nhưng ông Tuất nào có nhắc gì đến chuyện cha con? Hay chuyện ông Tuất là cha ruột của Bằng chỉ là chuyện tầm phào của thế gian? Ai thì Bằng không biết chứ không lẽ bà Hóa nói sai, bà Hóa là một người có uy tín ở cái ngã ba này mà? Lâu nay Bằng vẫn ưu tư về chuyện cha mình có phải là ông Tuất không nhưng không nói ra miệng. Nói làm sao được khi mà xới chuyện này lên cũng chẳng hay hớm gì.

Ông Tuất không phải là không biết tâm lý Bằng. Ông biết làng trên xóm dưới đều đem chuyện ông là cha ruột của Bằng ra nói trong những lúc trà dư tửu hậu từ hồi thằng Bằng còn trong bụng mẹ. Ông mặc kệ thiên hạ muốn nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ ông không chút quan tâm. Ông chỉ cười cười khi có ai đó hỏi đến chuyện này. Ở ngã ba ông Tuất và ông Hương hồi thanh niên là bạn thân, họ hay đi chơi chung với nhau, lúc thì đi coi cải lương, lúc thì đi cinéma nên vịn vào tình thân đó ông Hương không rào trước đón sau gì khi nghe người ta đồn ông Tuất là tác giả cái bầu mà cô Loan đang mang, ông Hương hỏi thẳng:

– Mày làm cho con Loan có chửa phải không?

Ông Tuất lúc đó là một chàng thanh niên, anh trả lời bạn:

– Thì chờ cô Loan sinh xong coi đứa nhỏ giống ai là biết liền!

– Nhưng người ta nói mày chơi rồi quất ngựa truy phong, cái này là không được, tội chết!

Ông Tuất đẩy đưa rồi lái qua chuyện khác, không nhận cũng không phản đối dù chỉ chút ít chiếu lệ! Thái độ đó càng làm cho thiên hạ bán tín bán nghi, họ thêu dệt đủ thứ chuyện chung quanh cái bầu của cô Loan và xem đó là một câu chuyện mua vui. Đến khi cô Loan sinh nở xong xuôi, cô tiếp tục đi làm ở trại gà, ai hỏi gì cô cũng lắc không chịu trả lời, thiên hạ thấy vậy cũng chán rồi chuyện đó trôi vào quên lãng.

Thiên hạ tạm quên chớ Bằng thì không. Từ nhỏ Bằng đã hỏi mẹ chuyện cha mình đâu khi nhìn quanh thấy đứa nhỏ nào cũng có cha trừ Bằng. Mẹ trả lời cha Bằng bỏ mẹ con Bằng đi theo vợ nhỏ nhưng Bằng hỏi tới thì thấy mẹ ngắc ngứ. Vậy là Bằng nghi ngờ mẹ giấu Bằng sự thật về người cha bí ẩn. Khi đủ lớn Bằng lại hỏi chuyện này nhưng mẹ không trả lời chỉ lặng lẽ khóc. Nhìn giọt nước mắt của mẹ, Bằng mềm lòng tạm quên đi chuyện đắng cay này cho đến khi mẹ Bằng đột ngột qua đời. Người mà Bằng có thể hỏi chỉ còn ông Tuất. Mấy năm nay ôm mối hoài nghi trong lòng nhiều lần Bằng định hỏi thẳng ông Tuất nhưng thấy khó nói quá. Nay thấy cơ hội, Bằng nhìn vào mắt ông Tuất hỏi:

– Chú à… người ta đồn chú là cha ruột cháu, chú nói đi người ta nói có đúng không?

Ông Tuất dường như không lấy làm ngạc nhiên khi nghe Bằng hỏi thẳng ruột ngựa như vậy. Ông cười cười:

– Mày thấy sao, tao làm cha mày có được không?

– Được quá chú ơi, chú đối với con còn tốt hơn cả cha ruột nữa!

– Thì mày cứ kêu tao bằng cha đi?

Mắt Bằng sáng lên:

– Thiệt không chú?

Ông Tuất không trả lời câu hỏi của Bằng, ông nói:

– Chiều thứ bảy rảnh qua nhà tao, chú cháu làm mấy ly, tao có con mực một nắng ngon lắm!

3. Khách xe ôm – 2003

Thứ bảy là cuối tuần, Bằng nén lòng chờ. Mới hai giờ trưa, Bằng nghĩ hay nhất là chạy được một hai cuốc xe rồi qua nhà ông Tuất là vừa…

Ăn xong tô mì, Bằng nói với vợ:

– Chiều anh không ăn cơm nhà, chú Tuất mời nhậu!

Thắm dặn:

– Uống vừa thôi nghe anh, sáng mai anh còn dậy sớm!

Đúng, sáng mai Bằng dậy sớm chở cô Xinh đi chợ còn bây giờ mới hai giờ chiều, ở ngã ba mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không thấy người nào có ý định đi xe ôm cả. Bằng thiu thiu ngủ ngồi trên xe lưng dựa vào cây hoa chuông, mùa này cây hoa không có những chùm hoa màu cam rực trong nắng như tháng trước, đó là ý nghĩ của Bằng trước khi chìm vào giấc ngủ. Ai đó đập vào vai Bằng khiến anh tỉnh ngủ hẳn:

– Nè đi không?

Bằng trả lời như một phản xạ có điều kiện:

– Đi chớ, xe ôm mà!

Xe ôm mà khách hỏi không đi mới lạ, trừ những dạng xe ôm “đặc biệt”. Bằng biết có loại xe ôm chỉ chở các cô làm gái “đi làm” ở các quán karaoke và những nơi tương tự. Bọn đó là ma cô thôi, Bằng không có liên quan gì đến hạng người này. Khách là một người trạc tuổi Bằng:

– Anh chở tôi đến đường Hoàng Văn Thụ lấy bao nhiêu?

Bằng nói giá, khách đồng ý cầm cái mũ bảo hiểm Bằng đưa đội lên đầu. Chiếc Future nhẹ nhàng lăn bánh bỏ lại sau lưng ngã ba uể oải vắng người. Đi được một đoạn đường khách gợi chuyện:

– Anh ở ngã ba này lâu chưa?

Bằng không ngạc nhiên khi nghe khách đi xe hỏi câu đó. Nhiều người khi đi xe ôm thì im lặng, ngược lại có người hỏi lung tung mà bao giờ câu đầu cũng giống vị khách này. Bằng trả lời:

– Tui sinh ra ở đó mà?

Vốn kiệm lời Bằng không hỏi lại vậy chứ anh có chuyện gì à như những người khác, Bằng chỉ im lặng chờ người ta hỏi thì…trả lời. Đúng như vậy, người khách đang đợi anh xe ôm có bộ râu quai nón xanh um rất chi là nam tính hỏi ngược lại nhưng chờ một hồi không thấy gì, khách nói:

– Trên ngã ba anh có biết ông Chín Binh không?

– Biết!

Một tiếng “biết” thôi, cái tính Bằng nó vậy. Trong làng ai mà không biết ông Chín chứ? Bằng nghĩ trong đầu nhưng không nói ra. Người khách dường như đã hiểu tính cách của Bằng, anh nói:

– Tôi lên ngã ba tìm ông Chín để hỏi mấy chuyện về ngã ba của anh mà không gặp!

Bằng hỏi trong đầu “vậy sao?” và lắng nghe câu trả lời của người khách. Người khách tiếp:

– Anh biết nhiều chuyện về ông Chín không?

– Biết!

– Vậy tôi mời anh vô quán cà phê nói chuyện chút được không?

Bằng không đáp, anh lặng lẽ chạy thẳng tới một quán cóc ven đường:

– Quán này pha cà phê ngon! Bằng nói.

4. Nhà báo nhà văn – 2003

Khi hai ly cà phê đá được chủ quán bưng lên, khách nói:

– Tôi tên Văn, còn anh tên gì?

– Bằng!

Bằng quay qua nhìn Văn. Điều khiến Bằng để ý nhất là cặp mắt Văn sáng quá. Bằng đã chở không biết bao nhiêu khách rồi nhưng chưa bao giờ thấy một người có cặp mắt sáng như vậy, nó giống hai vì sao, Bằng nghĩ.

Văn cười:

– Sao anh nhìn tôi kỹ vậy?

– Không có gì…

Văn bắt chuyện:

– Tôi viết báo. Hôm nay lên ngã ba tìm ông Chín để hỏi mấy chuyện hồi trước về viết bài mà không gặp, tiếc quá!

Nhà báo? Bằng nghĩ trong đầu. Nhà báo phải đi khắp mọi nơi để lấy tin mà tay này lại đi xe ôm… chà chà có điều gì không ổn đây. Nhưng thây kệ, ai kêu mình chở rồi lấy tiền chứ hơi đâu mà để ý những chuyện ngoài lề?

Thấy Bằng nhìn mình hơi lạ, Văn hỏi:

– Sao ông nhìn tôi lạ thế, ngoài viết báo tôi còn viết văn nữa…mà nhà văn nhà báo gì đều phải thâm nhập thực tế mới có tư liệu để mà viết!

Bằng nhướng mắt lên như muốn hỏi nhưng rồi im lặng bưng ly cà phê lên uống. Văn cũng không nói nữa, anh nhà báo lấy máy ra xem lại mấy tấm ảnh, dường như anh quên mất Bằng đang lặng lẽ nhìn ra đường. Một lúc sau như không chờ được nữa Bằng lên tiếng:

– Anh hỏi gì thì hỏi đi chớ?

Văn quay qua nhìn Bằng. Hóa ra tay xe ôm này cũng không đến nỗi lãnh đạm quá lắm, hắn vẫn còn tính tò mò. Văn hỏi:

– Ông Chín đến ở ngã ba hồi nào anh biết không?

Bằng đáp:

– Chắc hồi đó tôi chưa ra đời….

Bằng dừng lại, anh ngẫm nghĩ một chút rồi nói tiếp:

-Mà thôi tôi không biết cách kể chuyện đâu, để tôi giới thiệu với anh chú Tuất, chú đó biết nhiều chuyện ở ngã ba cây số sáu này còn hơn cả ông Chín, muốn hỏi gì anh hỏi ổng!

Đúng lúc đó Bằng có điện thoại:

– A lô con nghe chú…

-Dạ, bốn giờ hả chú, con đang chở khách về nhà… mà chú ơi có anh nhà văn muốn gặp chú để hỏi chuyện ngã ba mình, con dẫn đến nhà chú nghe?

Bằng đâu biết bên kia đầu giây ông Tuất đang thắc mắc trong lòng. Chiều nay ông hẹn Bằng qua nhà lai rai chút đỉnh rồi ông kể chuyện xưa cho Bằng nghe vậy mà nó nói cái gì lạ quá, ông nghe không rõ. Nó nói cái gì mà về nhà, rồi nhà ván nhà xây lung tung quá. Ông Tuất hỏi:

– Mày nói cái gì vậy Bằng, nhà ván nhà xây cái gì…thôi mày cứ về đây rồi nói chuyện.

Ông Tuất cúp máy, chắc chiếc điện thoại cùi bắp bắt sóng chập chờn quá nên ông không nghe rõ thằng Bằng nói gì. Thằng Bằng cứ càm ràm ông hoài về vụ điện thoại, nó hối ông dồn tiền mua một cái đường được một chút với người ta chứ khách gọi đến đặt hàng mà điện thoại cứ rột rẹt thì làm ăn cái nỗi gì? Ông chỉ cười trừ bởi cũng chẳng quan tâm đến điện thoại mới hay cũ, ngày nào cái điện thoại còn hoạt động thì ngày ấy ông còn xài chưa cho nó “nghỉ hưu”.

Bằng quay qua Văn nói:

– Chú Tuất nói bây giờ tôi chở anh về nhà gặp chú rồi nói chuyện. Anh đi được không?

Mắt Văn sáng lên, anh cười tươi:

– Được chứ… mà anh yên tâm tiền xe ôm tôi trả đủ!

5. Cuộc rượu 4 người – 2003

Văn đang tìm cơ hội thâm nhập thực tế để lấy tư liệu viết bài, may quá gặp tay xe ôm này giới thiệu ông Tuất nào đó không biết ra sao nhưng cứ gặp cái đã, biết đâu mình hên gặp được người biết nhiều chuyện lạ.

Ông Tuất nheo mắt đón Bằng. Ông ngạc nhiên nhìn người đi theo Bằng vào nhà. Quái lạ sao hồi nãy nó không nói gì về việc này? Ông Tuất niềm nở chào trước:

– Chào cậu… mời cậu vào nhà!

Văn nhìn ông Tuất:

– Chú là chú Tuất phải không, cháu tên Văn. Cháu nghe anh Bằng nói chú là người biết nhiều chuyện ở ngã ba lắm!

Bằng không nói gì bởi tính Bằng ít nói hồi giờ. Bằng để một mình ông Tuất tiếp khách còn Bằng vào bếp coi thử ông Tuất chuẩn bị được thứ gì cho bữa nhậu chiều nay. Bằng thấy trên bàn ăn một nồi lẩu bò còn đang bốc khói đặt trên bếp lò, rau đã sắp ra dĩa, hai bộ chén đủa đã sắp sẳn trên bàn. Bằng lấy chiếc đĩa cạn lòng sắp gói thịt heo quay và mấy chiếc bánh mì ra bàn và dọn thêm chén đủa. Trên nhà không biết có chuyện gì mà ông Tuất và Văn cười rất to ra vẻ vui lắm!

Bằng đi lên phòng khách, thấy cặp mắt Bằng như dò hỏi, ông Tuất cười khà khà:

– Hồi nãy mày nói chở khách về nhà rồi nói chở anh nhà văn này mà tao nghe không ra tưởng mày nói nhà ván nhà xây gì đó. Nãy giờ nói chuyện mới hay cậu Văn đây là nhà báo mà lại viết cả văn nữa! Bằng nè, mày chạy ra ngã ba mua thêm cái gì về làm mồi, mấy khi nhà tao tiếp một người viết lách, để thiếu mồi là coi không được!

Bằng mời:

– Mời anh Văn và chú vô bàn… con mua đủ mồi rồi chú!

Cuộc rượu bắt đầu. Ba cái cốc nhỏ ông Tuất rót thứ rượu trong như mắt mèo, lấm tấm trong chai là mấy cái bọt nhỏ li ti đang bay từ dưới đáy lên. Ông Tuất mời:

– Mời cậu nhà báo, ly đầu mình làm cái trót nghe, người ta nói trà tam rượu tứ, mình có ba người thì từ ly thứ hai uống hai hớp cũng được!

Ông Tuất vừa dứt lời thì nghe tiếng xe hơi tắt máy trong sân nhà. Một lát sau, Kim đẩy cửa xuống bếp:

– Chào chú, a lại gặp cả Bằng nữa, quay qua Văn, Kim chào tiếp:

– Chào anh…

Kim nhìn ông Tuất nói tiếp:

– Hôm nay chở sếp vô trại cá người ta biếu mấy con cá tầm, con gởi chú một con ăn lấy thảo!

Con cá tầm còn đang ngáp ngáp khi Kim lôi từ trong cái túi xách ra, ông Tuất trách:

– Mày chỉ bày vẻ, đem về cho vợ con ăn!

– Dạ, chú yên tâm con còn một con để ngoài xe mà.

Kim cười cười. Kim quen ông Tuất qua anh Luông, nhậu với ông mấy lần Kim thấy mến người đàn ông đứng tuổi này. Ở ông Tuất toát ra một vẻ rất gần gũi, trước kia khi chưa quen ông Tuất, Kim nghe ông Thường kể chuyện ông Tuất hay giúp bà con lối xóm, khi đã qua lại với ông Tuất, Kim thấy lời thiên hạ quả không sai. Bây giờ không còn làm vườn ở ngã ba này nhưng Kim vẫn giữ mối quan hệ với những người ở ngã ba như Bằng hay ông Tuất.

Ông Tuất đứng dậy lấy thêm chén đũa:

– Ngồi xuống đây nhậu rồi tao giới thiệu mày một người, bảo đảm mày chưa gặp bao giờ!

Thấy Kim ngạc nhiên nhìn mình, ông Tuất cười lớn:

– Mày gặp nhà văn bao giờ chưa?

Kim quay qua Văn:

– Anh là nhà văn à? Tôi tên Kim hiện là tài xế!

Văn có vẻ không được tự nhiên:

– Tôi cũng có viết lách đôi chút. Tôi tên Văn, nghề chính là viết báo. Mà chú ơi giờ mình có đủ bốn người rồi nè chú!

6. Sài Gòn – 1978

Cuộc rượu đang vui. Quả nhiên người xưa nói không sai, trà uống cần ba người còn uống rượu thì phải bốn. Ông Tuất quá biết chuyện này, ngày trước người ta không uống rượu như bây giờ, người trẻ nhìn chai ba xi đế bằng một cái nhìn không mấy thiện cảm. Rượu đế dành cho mấy ông già, những người nhìn cuộc đời bằng một cặp mắt bàng quan, dường như thế sự đang trôi qua không liên quan gì đến họ.

… Hồi đó Tuất không uống rượu, thứ mà anh ghiền ngoài thuốc lá là cà phê. Một ngày Tuất có thể uống tới ba bốn ly cà phê mà đêm về vẫn ngủ ngon lành. Một lần Tuất về Sài Gòn chơi, thăm người cậu ruột đang ở một xóm lao động. Hôm đó như thường lệ, anh ra đầu hẻm vào quán gọi một ly cà phê đá thì thấy một cảnh va quẹt xe. Ở một thành phố lớn như Sài Gòn, cảnh va quẹt xảy ra như cơm bữa nên anh không mấy quan tâm, Tuất đang bận ngắm cô chủ quán. Cô chủ với mái tóc đen tuyền cộng với nước da trắng và cái lúm đồng tiền  khiến bao chàng trai hàng ngày ngồi quán chỉ để kiếm một nụ cười trên môi người đẹp. Mới nhận ly cà phê chưa kịp uống ngụm nào bỗng tiếng cãi vã nổi lên khiến anh phải quay đầu lại xem có chuyện gì. Người thanh niên lái chiếc 67 đang đôi co với người phụ nữ đi xe đạp vừa máng vào xe anh:

– Tui không biết chị phải hốt hết chỗ đậu này vào bao cho tui, lỗi chị không chịu quan sát mà!

Người đàn bà cũng không vừa, chị bắt thường anh xe 67 vì quần của chị bị rách. Cuộc cãi vã đang hồi gây cấn bởi không ai chịu nhường ai thì một người đàn ông xuất hiện. Người đàn ông nói với anh chạy xe 67:

– Thôi Hải, mày hốt lẹ chỗ đậu rồi chở liền vô trỏng cho tao, tụi nó đang chờ để rang mẻ nữa đó!

Quay sang người phụ nữ, ông nói:

– Còn cô nữa, chạy xe phải cẩn thận ngó trước ngó sau, may mà chỉ rách cái quần chớ người ngợm không việc gì là tốt rồi. Thôi cô cũng đi đi!

Người đàn bà ấm ức:

– Chỗ trầy xước con không nói…nhưng cái quần con mới may chú ơi!

– Thì đây, cô cầm lấy – người đàn ông lấy từ trong bóp ra mấy tờ giấy bạc rồi  tiếp:

– Cô qua chỗ kia kìa…đó đó… gần bà bán cam, chỗ đó người ta sang sợi, cô đem đến nửa giờ sau cái quần của cô như mới thôi!

Đám đông giải tán, ai cũng nghĩ trong bụng người đàn ông khéo cư xử nên tránh được một trận cãi vã không đâu. Một ông đứng tuổi ngồi cạnh bàn Tuất nói với người ngồi cùng bàn:

– Ông đó là chủ xưởng cà phê Sương Mai trong hẻm!

Người bạn hỏi:

– Cà phê sao? Hồi nãy tôi thấy cậu thanh niên chở đậu nành mà?

Ông lớn tuổi cười lớn:

– Bộ chú không biết à, làm gì có cà phê thiệt mà uống? Tui có chú em trên Bảo Lộc nói cho biết, cà phê chỉ riêng nhà nước được phép thu mua để xuất khẩu thôi, tư thương miễn đi! Vì vậy ông Hai mới thay cà phê bằng bắp và đậu nành rồi ướp với hương liệu cà phê, ăn nhau là chỗ hương liệu đó!

Nghe đến đó ngụm cà phê trong miệng Tuất bỗng nhiên đắng nghét, Tuất thấy như mình bị xúc phạm, anh nuốt vội ngụm nước xuống bụng như nuốt một cục tức to đùng….

7. Coi mắt vợ –  1916

Văn cắt ngang dòng tư tưởng của ông Tuất:

– Chú nghĩ gì mà cháu thấy chú đăm chiêu vậy? Chú coi Bằng và Kim đã bắt cặp “tâm sự” rồi kìa, mình cũng “dô” cái chú!

Văn đưa cốc rượu ra mời, đó là một cái cốc có màu nâu thường thấy ở những quán cà phê bình dân để dân ghiền cà phê uống nước trà. Thật ra trong mấy cái quán đó làm gì có trà, người ta dùng xác cà phê pha loãng ra thành một thứ nước gọi là trà bởi nước đó cũng có màu vàng như màu trà vậy! Ông Tuất cũng bưng cốc rượu của mình lên cụng một cái cốp vào cốc của Văn, ông cười khà khà nói:

– Tôi thích những người nói được làm được, nào trăm phần trăm nghen?

Văn “dạ” một tiếng, anh đưa cốc rượu vào miệng rồi dốc ngược thứ nước trong veo nhưng bên trong ẩn chứa một thứ lửa khiến máu chạy nhanh, mặt nóng rang và tâm hồn điên đảo vào miệng của mình. Ông Tuất cũng vậy, không bạo liệt như Văn ông uống một cách nhẹ nhàng như vừa gặp tri kỷ, đó là cách uống từ tốn nhấm nháp chừng chút một nhưng dòng rượu liên tục chảy vào bao tử ông đem đến cho ông cảm giác thân thích đến nao lòng. Cạn xong cốc rượu, ông Tuất đặt cốc không xuống bàn:

– Nào, cậu muốn biết điều gì về cái ngã ba cây số sáu của tôi?

Văn cười cười:

– Điều gì cháu cũng muốn biết hết trơn chú ơi?

– Khó hè, tôi biết nhiều thứ chuyện lắm không biết cậu hạp với loại chuyện nào để mà kể cho cậu nghe đây ta?

Ngẫm nghĩ một chút, ông Tuất nói tiếp:

– Thôi thì như vầy, tôi cứ bạ đâu kể tới đó nghe!

… Ấp này nguyên lai người Điện Bàn vô lập nghiệp nhiều nhất. Ông Bốn Chuột là một trong những người khai đất lập vườn ở đây sớm nhất. Tôi chọn chuyện ông Bốn Chuột để kể cho cậu nghe đầu tiên không phải vì ông Bốn là người đi tiên phong cho cuộc làm vườn ở xứ này mà vì ông Bốn có tới …3 bà vợ. Sao, cậu ngạc nhiên à? Hồi tôi còn trẻ tôi cũng ngạc nhiên như cậu nhưng đến bây giờ ngẫm lại thấy thường!

Ông Bốn Chuột dĩ nhiên là người con thứ ba trong nhà, ông sinh năm Tý nên có tên gọi là Chuột để… dễ nuôi như quan niệm của người miền Trung. Nhà ông Bốn có tới 5 mẫu ruộng nên ông biết làm nông từ hồi còn nhỏ, cha ông là một người nông dân thứ thiệt, cả cuộc đời ông chăm bẳm lấy mảnh ruộng để nuôi con. Khi Chuột được 5 tuổi, một hôm ông Hai Quý dẫn Chuột đi coi mắt vợ. Bộ quần áo màu cánh gián, đôi guốc mộc Chuột đang đi, Chuột không thích bằng chiếc quần đùi lên mốc trắng mà nó mặc hàng ngày nhưng vì sợ cha nên thằng nhỏ đành phải mặc theo ý cha, vừa đi nó vừa hỏi:

– Mình đi đâu vậy cha?

– Thì đi coi mắt vợ cho mày chớ đi đâu?

Chuột không biết đi coi mắt vợ là đi đâu, Chuột không để ý đến câu trả lời của cha, cậu mải đuổi theo mấy con bướm bà sặc sỡ bay lên bay xuống bụi thù đâu ven đường. Ông Hai Quý thì vừa đi vừa nghĩ. Cũng may ông gặp ông thầy tướng số vân du qua làng mới biết chuyện phải lấy vợ sớm cho thằng Chuột. Ông thầy tướng phán:

– Thằng này mà không lấy vợ sớm nó sẽ bỏ ông bà mà đi!

Ông Hai ngạc nhiên:

– Thằng con tui còn nhỏ quá sao đi đâu được hả thầy?

– Là tôi nói nó sẽ theo về với ông bà ông vãi đó!

Ông Hai sửng người, hai thằng con đầu lòng ở với ông bà chưa được 3 năm đã chết non, còn thằng Bốn này mà cũng vậy thì đau lòng lắm! Ông thầy chào ông Hai rồi tiếp tục cuộc vân du sau khi bỏ vào tay nãi một gói xôi được gói bằng miếng lá chuối bẻ sau vườn bên trên có khúc thịt ba chỉ luộc tươm mở và một dúm muối. Ông Hai sai bà Hai qua nhà thím Sáu mời qua nhà có chút chuyện. Thím Sáu chuyên nghề mai mối, mà làm rất mát tay. Trong cả tổng này không phải mình thím làm cái nghề này nhưng những cặp được thím làm mai đều sinh con đẻ cái liền liền. Ông Hai thầm cám ơn ông thầy tướng. Lâu nay ông chỉ chí thú làm ăn, cộ bò, gánh phân rải ruộng, gặt lúa, tát nước gì cũng phải qua tay vợ chồng ông, nay lão thầy nói phải lấy vợ cho thằng Chuột như một tia sáng lóe ra trong đầu óc tăm tối của ông. Khi bà Sáu đánh tiếng con nhà Tư Sỏi đã 16 tuổi chưa có đám nào định dạm hỏi, ông Hai ưng liền. Ông Tư bị bệnh phổi nằm một chỗ, nhà đang cần tiền để đưa ông lên tỉnh khám ông đốc tờ người Pháp nên ra cái thách cưới cũng hơi cao, ông Hai suy tính một hồi rồi gật đầu với thím Sáu. Bên đàng gái còn đòi hỏi dù sao cũng phải đủ 6 lễ như tục ông bà xưa để lại. Điều gì ông Hai cũng đồng ý hết bởi ông nghĩ đến cái lợi thêm người mà nhà ông được hưởng. Hôm nay ông dẫn Chuột đi coi mắt vợ, sau khi trả lời con, ông sợ Chuột làm mình làm mẫy ông Hai giải thích thêm:

– Đi coi mắt vợ giống như đem về cho mày… chị gái vậy mà, tối tối nó rửa chân, rửa khu cho mày, nó úm mày ngủ không thích sao?

Thằng Chuột thích ngủ với mẹ, lớn rồi mà nó còn măng vú mẹ mới ngủ được, Chuột hỏi:

– Chị gái có vú như mẹ không hả cha?

Ông Hai cười:

– Sao lại không, vú chị gái còn… ngon hơn vú mẹ mày nữa đó!

Thím Sáu đế thêm:

– Cha con nói đúng đó, hễ con thấy là… mê liền!

Vậy là Chuột chịu. Quả nhiên sau đám cưới tốn kém, Chuột ngủ với chị gái không thấy kêu ca gì, còn chị gái sáng hôm đầu tiên về nhà chồng mặt cứ cúi gằm xuống không dám dòm ai! Bảy năm sau chị gái nói với Chuột sau nhà:

– Cậu ở lại mạnh giỏi chị gái đi đây!

Chị gái đi thiệt, không ai nói với Chuột chị gái đi đâu nhưng cha thì cứ gắt om lên khi ai đó nhắc đến chị gái, những lúc đó cả nhà cứ len lét như rắn mùng năm!

8. Bỏ quê – 1923

… Văn ngắt lời ông Tuất:

– Sao chú biết rõ như chuyện trong nhà vậy?

– Sao không, ông Bốn Chuột là ông nội tôi mà!

Đoạn văn trên Văn về nhà viết lại sau khi nghe lại băng ghi âm lời kể của ông Tuất. Kể cũng lạ, Văn nghĩ, vú của người phụ nữ đôi khi lại là tài sản vô giá của người đàn ông. Lúc nhỏ ông Bốn Chuột mê vú đàn bà, một điều chắc chắn vú của đứa con gái mười sáu tuổi phải đẹp hơn nhiều vú một bà nạ dòng đã có mấy đứa con, ông Bốn Chuột lúc đó đã có cặp mắt hơn người! Văn mỉm cười một mình, nhiệm vụ của anh là phải đặc tả lại một ông Bốn Chuột nhiều sắc thái nhưng có lẽ nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời ông là bộ ngực của người phụ nữ? Bỗng nhiên Văn chợt nhớ tới câu ngạn ngữ “lưng chữ cụ, vú chữ tâm”. Chữ tâm thư pháp dường như đang là thời thượng nhiều nhà treo để ra vẻ ta đây là người “có học”, chữ ấy vễnh lên như bộ ngực của người thiếu nữ đương xuân mời gọi, Văn không lạ, còn chữ cụ Văn chưa biết mặt mũi chữ ấy ra sao? Không tìm được đáp án trên mạng, Văn gạt ngang rồi tập trung viết tiếp chuyện nhà ông Bốn.

Năm mười hai tuổi, Bốn Chuột cũng bỏ quê đi, cậu đi sau chị gái chừng hai tháng. Lần này Chuột ra đi vì bị cha đánh cái tội ham chơi để bò ăn lúa ruộng người ta. Ông Hai quất đúng 5 roi vào mông Chuột bằng cái roi mây lên nước đen bóng ông vẫn giắt trên vách nhà trên. 5 “con lươn” hằn lên lớp da đen tươm máu!. Bà Hai lén nhìn con qua khe cửa nhưng không dám can chồng bởi ông Hai nổi tiếng là gia trưởng, léng phéng bà cũng bị ăn đòn như thằng Bốn! Khi ông Hai bỏ đi bà mới vội vô bếp đem muối xát lên vết thương cho con, vừa làm bà vừa chửi lén chồng:

– Tổ cha…cái thằng, đánh con rứa mà không xót!

Nước mắt bà ràn rụa nhỏ xuống vết thương trên mông Chuột khiến cậu ngước lên nhìn mẹ, hình như nước mắt cậu chảy nhiều hơn khi nhìn vào mắt bà Hai. Đó cũng là lần cuối cùng Chuột thấy mẹ khóc! Chuột giận cha, cậu bỏ đi lang thang dọc bờ sông, mùa này dòng sông nước trong xanh lặng lờ trôi trong trưa nắng chang chang. Chuột vẫn đi miết không có ý định dừng, không ngờ lần này Chuột ra đi là xa mãi làng quê thân yêu không bao giờ trở lại. Lúc đó trong lòng cậu chỉ muốn bỏ đi thật xa để không bị cha đánh vì những lỗi lầm mà cậu vấp phải. Trưa đói lòng, Chuột lân la vào một cái quán bên đường, dường như là số phận đưa cậu đến đây để nhập với một đoàn đi phu vào Nam Kỳ. Ông trưởng đoàn đang cần một thằng nhỏ để sai vặt, vậy là Chuột được chọn một cách đương nhiên!

Nhưng số phận lại không để cậu ở luôn với đám thanh niên trai tráng trong vùng, năm mười tám tuổi tình cờ Chuột gặp được người đồng hương và theo về làm coolie (phu) đường sắt ở Tháp Chàm với người này. Nhớ đến đoạn này ông Bốn thường nói với bọn trẻ:

– Tao mà không gặp được ông Năm chắc đã bỏ mạng ở mấy cái đồn điền cao su của người Pháp ở Nam Kỳ rồi!

9. Xứ sương giăng – 1929

Không bỏ mạng nên ông còn sống tới giờ, ông làm phu đường sắt rồi gặp bà Chơn, người vợ thứ hai của ông. Bà Chơn lớn hơn anh Bốn mười tuổi nhưng có hề gì, anh gặp bà được bà lo cho anh từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Hai người về sống chung với nhau một cách tự nhiên không cần đến tờ giấy hôn thú hay cưới hỏi gì cả! Ông Năm thay hết những thứ đó, ông Năm cười hà hà nói như vậy và anh Bốn cũng tin như vậy. Những tưởng yên ổn với gia đình mới nhưng được hơn năm anh Bốn Chuột bị…đòi vợ. Số là chị Chơn đã có chồng ở quê nhưng vì bị chồng đánh quá chị chịu không đặng trốn nhà đi. Khi đến nấu ăn cho đám phu làm đường sắt, chị giấu chuyện này, nhìn tấm căn cước màu nâu hai mảnh của chị, thầy cai không hỏi thêm và cho chị vô làm ngay. Nay anh chồng dò ra chỗ làm của vợ, anh đến đòi! Ông Năm hỏi (dù sao ông cũng rành hơn anh chàng mới lớn mặt còn lông tơ):

-Anh nói rứa mà có giấy hôn thú không?

Nhìn tờ giấy ngả màu cháo lòng in chữ đen bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, ông thở dài đánh thượt:

– Pháp bất vị thân, mày trả vợ cho nó đi tìm đứa khác mà cưới!

Nói xong ông quay đít đi liền. Chị Chơn nhìn hai người đàn ông, đôi mắt chị sợ hãi nhìn ông chồng đen đúa. Đôi mắt đó lại ánh lên một nỗi đam mê khi chị quay qua Bốn. Bốn không biết nói gì cũng lẳng lặng theo chân ông Năm trong lòng anh như có cái gì đó vỡ vụn mà anh không sao hiểu được! Đúng lúc đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt làm xong, Bốn xin được ở lại xứ cao nguyên này. Không biết thầy ký nói gì với cấp trên, Bốn được cấp licence (giấy phép) liền. Hôm đem đồng bạc Đông Dương có vẽ hình bộ lư hương mà người ta hay gọi là đồng độc lư, có giá trị 5 piastre (đồng) qua nhà thầy ký để tạ ơn, thầy ký nói:

– Thôi, chú đem tiền về, tôi giúp chú vô vụ lợi cũng bởi chú có nhân thân tốt, quan lớn công sứ Chasaing cấp licence không làm khó dễ gì! Mà nè, tôi nói cho chú biết, tôi đã đổi tên cho chú, từ nay chú không còn tên Chuột nữa đâu, tên mới của chú là Trương Vĩnh Thuận!

Anh Thuận xin vào làm bồi khách sạn Palace – ngôi khách sạn lớn như một cung điện ngự trên một ngọn đồi soi bóng bên hồ nước trong xanh, thơ mộng. Ông Năm cũng xin vào làm ở đây nhưng với tài nấu ăn mà ông học lóm khi lưu lạc bên Tàu, ông được vào làm bếp. Bồi hay bếp gì cũng đều là những người có vị trí thấp nhất trong khách sạn, nhà hàng sang trọng này, họ là những người hầu hạ các vị quan người Pháp, các ông thông ông ký người Việt và những người giầu có khác!

Viết đến đây Văn lại bí, anh đi xuống nhà dưới uống một ly trà, tiếng vợ Văn từ trên lầu vọng xuống:

– Anh ơi khuya rồi lên ngủ đi!

Vợ nào mà chẳng chăm sóc cho chồng từ miếng ăn đến giấc ngủ, Văn cảm động nói “anh lên liền, em ngủ trước đi vợ yêu” nhưng chân anh lại đi đến bàn để cái laptop màu đen, những chữ đang dụ hoặc Văn khiến anh không còn thấy buồn ngủ và quên hết mọi thứ chung quanh.

– Vậy là 3 bà vợ của ông nội tôi đều tụ về ở với nhau mới độc chứ!

Lời bình của ông Tuất hôm đó như thúc giục Văn viết tiếp. Làm bồi ở khách sạn Palace được mấy năm, anh Thuận quen dần với cuộc sống của một thị dân. Hôm đó đi làm về anh bị trúng gió nằm ở một bụi cỏ ven đường. May làm sao một người đàn bà đi bán rau về qua đường thấy anh nằm xụi lơ bèn bỏ cả dóng gánh đỡ anh vô một nhà ven đường cạo gió. Bà còn nấu cho anh một tô cháo hành giải cảm và giục anh ăn ngay khi còn nóng. Quả nhiên ăn xong anh vả mồ hôi  như tắm, anh Thuận khỏe lại ra về sau khi cảm ơn người đàn bà tốt bụng. Thi ân bất cầu báonhưng người thọ ơn thì phải tìm cách trả. Anh Thuận qua lại với người cứu mình và anh quyết định nhờ ông Năm tác chủ cho mình cưới bà bán rau tuy bà hơn anh khá nhiều tuổi. Ban đầu bà ra vẻ không chịu ưng anh Thuận, lý do bà đưa ra là bà lớn hơn anh, nói thì nói vậy nhưng dường như bà có nỗi khổ tâm riêng! Anh Thuận không biết điều đó, anh vẫn gặp bà đều và kiên trì đưa ra lời đề nghị. Cuối cùng thì cuộc hôn nhân cũng thành, cả hai không người thân gặp nhau nơi đất khách tổ chức tiệc cưới chỉ vài người quen dự. Đêm tân hôn, Thuận khóc lên rưng rức, anh cảm động quá vì rất lâu rồi anh mới được cạnh một người đàn bà. Bàn tay anh vô thức đưa lên bầu vú người nằm cạnh….

Nửa đêm, không gian thanh vắng, tiếng rì rầm trong căn nhà ván:

– Tui có chuyện này nói với mình…

– Tui nghe, mình nói đi!

– Tui đã có một đời chồng trước khi đến với mình?

-…?

-… Hồi đó cha tui bị bịnh phổi, nhà không có gạo ăn, cha không được chữa bệnh…hức…rồi thím Sáu đến làm mai cho tui lấy một thằng nhỏ, nó nhỏ hơn tui mười một tuổi…hức….Ban đầu tui không chịu, mẹ dỗ dành tui, nói con phải cứu cha mà đằng nào con cũng phải lấy chồng. Nhà mình nghèo không ai dám lấy, về nhà ông Hai con được no đủ không phải khổ sở như ở nhà cha mẹ…hức…mẹ có tiền đưa cha đi khám ông đốc tờ người Pháp trên tỉnh….

– A… chị gái, đúng là chị gái rồi… Chuột đây, Chuột đây….

Hai người nhận ra nhau trong đêm tân hôn, đời vẫn có những bất ngờ không ai lường trước được! Sáng hôm sau anh Thuận đi làm, gương mặt anh còn trùng trùng tâm sự. Ông Năm không biết điều đó, thấy Thuận ông nói liền:

– Thằng Thuận hả, con Chơn vô tìm mày, chồng nó chết rồi!

Hạ giọng, ông Năm nói thêm:

– Mày tính sao, nó còn đem theo một thằng nhỏ giống mày như tạc!

…Ông Tuất cười ha hả:

– Ông nội tôi dẫn 2 bà vợ về ngã ba cây số sáu này làm vườn mà lạ thiệt nghen, 2 bà nội tôi thân nhau như chị em ruột cho đến khi chết, mộ ông nội tôi nằm giữa, 2 bà hai bên. Tôi chắc dưới suối vàng họ vẫn lo cho nhau như trên thế gian này!

Nhìn Văn bằng một tia nhìn dọ hỏi:

– Cậu thấy sao, chuyện này cũng “đượm” chớ hả. Tôi còn biết nhiều chuyệnở xứ sương giăng này lắm hôm nào rảnh cậu cứ lên đây tôi kể cho nghe chuyện nhà ông An với ông Vinh chồng bà Hóa, hấp dẫn lắm nghe.

Xứ sương giăng, Văn chưa kịp hỏi thì ông Tuất đã cười khà khà:

– Cậu ngạc nhiên hả, là vì ở xứ này sương mù nhiều lắm nó giăng khắp thiên địa từ chiều cho tới khoảng tám chín giờ sáng hôm sau mà!

10. Vườn dâu – 2004

Bằng chở Văn ra thăm vườn trên chiếc xe Future màu xám bạc. Xe đã cũ nhưng máy còn êm lắm bởi Bằng tưng tiu xe, rơ nhão chỗ nào là tìm cách xử lý ngay. Cần câu cơm mà, Bằng thường nói với mọi người như vậy khi có ai đó khen xe chạy “ngọt”. Bằng có nghề sửa xe trong tay tuy không hành nghề nhưng nguyên lý vận hành Bằng nắm rõ. Hôm nay Văn rảnh, Bằng chở Văn ra vườn xem cho biết. Văn đi nhiều hiểu rộ.

V.A.C